28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 21 Tháng chín, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

7 sai lầm của người lớn trong cách cư xử với trẻ con

Sau một thời gian về nhà nghỉ Tết và quan sát các gia đình có con nhỏ, tôi cảm thấy mình cần phải viết ra bài viết này. Tôi thấy rất tội nghiệp cho những đứa trẻ và cha mẹ, ông bà của các em khi đôi bên phải “vật lộn” với nhau trong tương tác hàng ngày, trong khi đáng ra mọi chuyện không cần nhiều nỗ lực như vậy mà vẫn êm đềm suôn sẻ. Mỗi khi nhìn một em bé khóc thét lên vì bị người lớn can thiệp thô bạo hay thờ ơ không lắng nghe các em là tôi lại thấy đau lòng, không chỉ cho các em, mà còn cho ông bà cha mẹ nữa. Thực tế, cho em bé ăn cơm không phải chuyện khó, chơi cùng và làm cho em bé cười không phải chuyện khó, khiến em bé tin tưởng và nghe lời mình cũng không phải chuyện khó, nếu những người lớn hạn chế mắc phải 7 sai lầm này.

1. Coi trẻ con chỉ là trẻ con

Đây là tư tưởng sai lầm điển hình của người lớn khi coi trẻ con chỉ là trẻ con. Tư tưởng này kéo theo 6 tư tưởng và sự tiếp cận sai lầm còn lại phía sau. Đứa bé chỉ có thân xác là một em bé, còn tâm hồn và nhận thức của nó có thể hơn cả những người tu thiền lâu năm hay những ông lão uyên bác. Tôi chứng kiến điều này ở những đứa trẻ mình từng chơi đùa cùng, đặc biệt ở đứa cháu ruột mới chưa đầy 2 tuổi. Trẻ con có một sự chú ý thuần khiết và học hỏi rất nhanh. Chúng quan sát hết mọi chi tiết và nắm bắt thế giới với những tín hiệu chuẩn xác cao độ. Chúng biết điều gì là tốt là xấu, thứ mà nhiều người lớn không biết. Trẻ con rất nhạy cảm, thông minh và trực giác rất mạnh nên đúng ra ở khía cạnh này, người lớn phải học hỏi và lắng nghe chúng, phải tôn chúng làm thầy. Những đứa bé chỉ tạm thời yếu ớt về thể xác nên đừng lúc nào cũng đánh đồng chúng với thể xác. Chỉ khi nhìn những em bé ở khía cạnh tinh thần thì bạn mới có được sự tôn trọng và khả năng bầu bạn với chúng, vì bạn không tỏ ra thượng đẳng ngay từ ban đầu.

Đứa bé có thể không dạy bạn về cách lập trình web, nhưng nó dạy bạn niềm đam mê học hỏi. Đứa bé có thể không dạy bạn cách cầm đũa và cơm nhưng nó dạy bạn cách kiên nhẫn với những trải nghiệm mới. Đứa bé có thể không nói cho bạn biết cách đến thành phố nằm bên kia địa cầu nhưng nó sẽ cho bạn thấy sự hào hứng và dũng cảm trên những cuộc hành trình. Em bé mang đến những phẩm hạnh và tinh thần mà mọi người lớn đều đang khao khát. Trong khi đó, người lớn cung cấp cho em những điều cần thiết về vật chất và sự chở che. Đôi bên đồng đẳng ngang hàng. Nên chớ coi thường những em bé.

2. Đánh lạc hướng bằng lời nói dối thay vì nói thật

Khi coi trẻ con chỉ là trẻ con, người lớn thường có ý nghĩ rằng bọn trẻ thật ngờ nghệch dễ lừa. Đúng là những cử động của chúng không nhanh nhạy bằng người lớn và chúng rất ngây thơ. Nhưng trực giác và sự nhạy cảm tần số của những đứa trẻ thì vượt trội so với ông bà hay bố mẹ, những người đã bị những bộn bề lo toan đè nặng lên trái tim.

Không phải vì những đứa trẻ ngây thơ trong trẻo mà bạn nên lừa dối hay trêu chọc chúng bằng lời dối trá. Vì chúng biết hết. Năng lượng bạn phát ra đi thẳng vào trung tâm cảm nhận của các em nhỏ và chúng biết bạn có đang nói thật hay không, bạn là người đáng tin hay đáng ngờ. Năng lượng của bạn là thứ thuyết phục những đứa nhỏ, không phải những lời nói.

Tôi từng chứng kiến có những ông bà thấy cháu lon ton ra nghịch giày trên kệ thì kêu toáng lên rằng trong giày có con cáo ộp. Thấy vậy, đứa cháu cười nhẹ và tiếp tục thọc tay vào trong chiếc giày, hoặc không thì nó sẽ nhăn mặt khóc phản đối. Nhưng khi người chú bước tới bảo rằng giày đi ngoài sân bụi bẩn lắm con đừng nghịch nhé thì đứa bé thu tay lại luôn. Hoặc có những ông bố bà mẹ thấy con hỏi những câu là tại sao mặt trời màu đỏ, tại sao con gà không đi tè hay con sinh ra từ đâu thì tìm cách thoái thác câu trả lời, nói qua loa hoặc nói dối là con sinh ra từ nách. Trong khi bạn chỉ cần trả lời những gì bạn biết là sự thật, đứa bé sẽ không đòi hỏi gì thêm. Kể cả khi bạn nói rằng mình không biết câu trả lời, miễn sao đây là sự thật. Điều này khiến đứa trẻ tin tưởng bạn và nó được truyền cảm hứng cho sự ham học của mình và được nuôi dạy sự trung thực.

Đây chính là sức mạnh của sự thật mà đa số người lớn không biết dùng. Chúng ta chỉ biết dùng sự sợ hãi và dối trá để kiểm soát trẻ nhỏ. Giả sử có được hiệu quả lúc đó thì sau này đứa bé lớn lên cũng đã bị ghim vào tiềm thức những nỗi sợ hãi. Nó sẽ dễ bất an, tự ti, ngại trải nghiệm và đôi khi có thể trở thành kẻ hèn nhát.

3. Hoảng hốt thay vì bình tĩnh

Có con thì sợ con đau, có cháu thì sợ cháu tổn thương. Rồi thì sợ con làm vỡ đồ đạc, sợ con làm bẩn giường, sợ con đánh rơi muỗng, sợ đủ các loại sợ hãi… Vì nỗi sợ hãi không được thuần phục của chính mình mà ông bà và bố mẹ cứ liên tục hoảng hốt và dựng ngược tóc gáy mỗi khi đứa bé làm một chuyện nhỏ nhặt tưởng chừng như “nguy hiểm”, đơn giản là nó thò tay vào bát cơm hay lấy đũa ngoáy ngoáy cái nồi. Những sợi dây thần kinh của người lớn lúc nào cũng căng lên như dây đàn. Nhưng khi người lớn càng phản ứng dữ dội thì kết quả sẽ là đứa bé càng làm tới hoặc chính nó cũng bị lây năng lượng sợ hãi hoảng loạn rồi khóc òa lên và khiến mọi thứ đổ vỡ thật. Căng thẳng không phải là cách lành mạnh để giáo dục và nuôi dạy trẻ con. Và cũng không phải cách lành mạnh để sống cho chính mình.

Một người lớn kém trưởng thành thì phóng chiếu nỗi sợ của mình lên đứa trẻ và khiến đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi sự thiếu trưởng thành ấy. Trong khi đó, một người lớn tỉnh thức thì bình tĩnh quan sát. Nhờ sự bình thản thường xuyên được luyện tập nên họ có đủ năng lực đánh giá sự nguy hại của vấn đề để biết mình nên can thiệp vào trải nghiệm của con ở mức độ nào. Với các em bé đã có nhận thức, khi thấy bé thò tay vào bát cơm nóng mới xới cũng không cần phải hoảng hốt. Cứ nói với nó là cơm nóng và để em bé tiếp xúc từ từ. Thấy nhiệt độ cao gây khó chịu, đứa trẻ tự nhận biết nguy hiểm và rụt tay lại ngay. Nó sẽ thấy tin cậy vào lời của mình vì nó đã tự thực nghiệm. Và đồng thời, nó cũng dần học được cách chịu trách nhiệm cho những trải nghiệm của bản thân, vì người lớn đã cảnh báo và đồng thời cho phép.

Còn chuyện thấy đứa bé chạy thẳng vào đống lửa đang cháy lớn thì chẳng có ai mất trí mà để mình ung dung đứng im ngắm nhìn cả.

Chỉ có một số trường hợp thật sự nghiêm trọng với các em nhỏ và đã đều có cách phòng tránh ổn thỏa. Còn hầu hết mọi trải nghiệm của trẻ con đều không đáng lo. Hãy để cho các em bé được thỏa thích khám phá thế giới.

4. Cấm đoán thay vì đồng hành hướng dẫn

Con ngậm ngón tay vào miệng thì mẹ giật phắt ra và quát tháo. Cháu cầm cái chìa khóa nho nhỏ thì bà lồng lên và thu hồi, cấm không cho động vào tủ… Thế thì đứa nào mà không òa lên khóc nức nở. Các em bé cảm thấy bị quá tải, cảm thấy mình bị đối xử không công bằng. Người lớn chỉ biết nhìn theo góc của người lớn mà ra lệnh chỉ đạo thì chẳng có đứa trẻ nào tuân phục. Chúng ta đang vô tình tạo ra những đứa bé không vâng lời khi bản thân chúng ta đang vào vai một kẻ không đáng để người khác nghe theo. Bạn cứ nghĩ thử mà xem, nếu có một ông sếp suốt ngày lồng lên và chửi bới khi bạn vô tình ấn dư một dấu cách trong văn bản và rồi cấm bạn không được động vào file word một lần nào nữa, thì bạn có muốn làm việc cho ông ta nữa không? Bạn sẽ nghĩ rằng ông ta là một tên khùng.

Các em bé cũng thấy thế, sẽ thấy bạn không ổn ở đâu đó. Vì bình thường, chúng làm mọi chuyện theo phản ứng tự nhiên mà chúng thấy là cân bằng nhất. Nếu bạn thấy những hành vi đó không hoàn toàn tốt ở một khía cạnh nào đó, bạn có thể nhẹ nhàng sửa đổi và giải thích. Các em bé sẽ sẵn lòng nghe theo. Còn nếu các em không nghe vì quá say mê, thì đây là lúc bạn nên trải nghiệm cùng những đứa trẻ, khám phá thế giới như thể mình mới được sinh ra một lần nữa. Khi kháng cự không được thì hãy gia nhập. Tôi thấy có những ông bố nhảy múa ở vòi nước cùng con, những bà mẹ nhem nhuốc màu bột trên mặt vì cùng con “học trang điểm”. Tất cả họ hạnh phúc và tràn trề cảm hứng sống. Chẳng có ai quan tâm đến chuyện bị bẩn hay trông chẳng như bình thường.

5. Ra lệnh thay vì làm gương

Ví dụ điển hình của lối tư duy này đó là người lớn không cho con động vào điện thoại nhưng chính mình lại dán mắt vào điện thoại cả ngày, hoặc bố mẹ ra lệnh cho con con ngồi ăn cơm ngay ngắn trong khi chẳng bao giờ thể hiện sự nghiêm trang và tập trung của mình trên bàn ăn. Bố mẹ muốn con làm việc A nhưng họ không bao giờ cho con thấy làm việc A thực sự là như thế nào. Bố mẹ không có gợi ý gì về sự chuẩn mực nhưng vẫn bắt con làm theo chuẩn mực ấy thì đây là cách dạy dỗ vô lý và bất khả đối với trẻ.

Bình thường, trẻ con học bằng cách bắt chước. Chúng quan sát và làm theo những gì người lớn làm. Đứa cháu 1 tuổi rưỡi của tôi bắt chước mọi thứ mà mọi người trong nhà làm từ đeo tất đến cầm chổi quét nhà, đánh răng đến xắn tay áo để rửa tay, bế ru em bé ngủ đến xé giấy chùi đít, miễn là nó thấy hành động đó mới mẻ và hợp lý. Một hôm, thấy tôi chăm chú ăn đu đủ sau bữa tối thì nó ngồi bên cạnh cũng muốn ăn giống như tôi. Trong khi bình thường mẹ hay bà đút cho ăn thì nó ẻ ương cắn được vài miếng be bé rồi lắc đầu thoái chạy, thế mà bữa hôm đó, thằng nhóc ngoạm ngấu nghiến đĩa đu đủ đến nỗi mẹ nó đút cho còn không kịp. Nó còn phát ra những tiếng ngoàm ngoàm đầy háo hức và tận hưởng khiến cả nhà ai nấy đều cười tít mắt vì khoái chí.

Với trẻ con, bạn chỉ cần truyền cảm hứng bằng tấm gương, bằng hành động thực tế của mình, chúng sẽ tự làm theo mà chẳng cần ai thúc ép. Chúng thấy hết và biết hết.

6. Ban thưởng mà không quan tâm đến nỗ lực

Cho đồ chơi nhiều chất thành núi mà không quan tâm rằng đứa trẻ có muốn thứ đó không, và quan trọng hơn là nó có thể hiện mình xứng đáng cho phần quà đó không (tôi đang nói đến những em bé đã có ý thức, tuổi bắt đầu biết đi biết nói). Kể cả sự chú ý của người lớn cũng vậy, trao đi mà không cần biết em bé có xứng đáng hay không.

Có những gia đình đẻ được cậu quý tử đầu lòng thì cả nhà dõi mắt theo và tung hô cậu bé bất kể khi nào cậu xuất hiện, làm bất kỳ điều gì cậu yêu cầu mà không cần cậu tỏ ra biết ơn hay thể hiện rằng mình xứng đáng. Nhưng điều này lại chính là cách mà người lớn nuôi dạy nên một “bạo chúa ngồi ghế cao”. Đứa bé sẽ chẳng coi trọng các món đồ chơi, chẳng thấy người lớn thú vị và đáng để chúng theo đuổi gây ấn tượng, và chúng sẽ cho rằng mọi thứ được có là hiển nhiên và sẽ nổi sân si khi không được như ý. Thấy vậy, ông bà bố mẹ lại rối rít cung phụng như nô tì. Rồi khi chịu hết nổi những đòi hỏi vô lý của con thì quay ra cáu gắt đánh mắng nó.

Hiện tượng này xuất hiện ở những gia đình có điều kiện, và họ cho rằng cứ có tiền là muốn sắm gì cho con cũng được. Nhưng đây là cách tạo ra một đứa trẻ hư hỏng và quấy nhiễu.

Riêng về phần này, tôi phải nói rằng dạy trẻ cũng như huấn luyện chó. Ông bà ta đã dạy rằng “nhờn với chó, chó liếm mặt.” Là người lớn không được mất cái uy nghiêm của mình. Và hơn cả, bạn phải cho em bé biết rằng bạn chỉ đầu tư sự chú ý cho sự dễ thương và biết vâng lời. Cụ thể là các em sẽ cảm ơn, tươi cười hay khoanh tay “ạ” khi bạn làm cho em một việc gì đó như nhặt cái đũa mà bé vừa đánh rơi hay lấy quả bóng từ trong gầm giường. Khi em bé ở xung quanh, đừng bao giờ cho các em biết là bạn đang ngắm nhìn bé say sưa. Dù các em rất dễ thương và cuốn hút, như những chú cún con lông xù. Nhưng đó chính là thứ mà các em đang ngầm trao đổi. Bạn càng thể hiện sự chú ý, tức là bạn càng bỏ “tiền” ra nhiều, em bé càng thể hiện giá trị và sức nặng với bạn. Bạn càng lơ đi, em bé sẽ tự tìm đến, tự thể hiện bản thân với bạn để chứng minh giá trị của nó. Hãy có giá và các em bé sẽ tự nâng mình lên cho xứng với bạn. Còn nếu bạn hùa theo cảm xúc dễ dãi thụ hưởng của bản thân, bạn sẽ làm hư chính mình và em bé. Đây sẽ dần trở thành mối quan hệ vất vả.

Bình thường đi đâu gặp trẻ con, tôi không bao giờ vồ vập tới ngay hôn hít và chọc cho chúng cười. Tôi để lũ trẻ tự tìm đến và khao khát sự chú ý của tôi đến vô cùng. Rồi khi tôi khẽ quay lại hoặc làm một động tác vô tình, chúng đều bật cười khanh khách. Các bố mẹ ông bà ở nhà nai lưng ra làm trò hề để kích thích lũ trẻ cười, nhưng họ không biết tiếng cười (âm) phải đến từ sự tích lũy đủ nỗ lực (dương) của chính đứa bé chứ không phải từ họ.

Hãy tập trung sự chú ý vào chính mình và dùng nó như một phần thưởng cho thế giới. Bạn sẽ thấy mọi thứ trong cuộc sống đều thay đổi, không riêng gì ở các em bé.

7.  Trừng phạt mà không quan tâm đến góc nhìn

Sai lầm cuối cùng của người lớn đó là trừng phạt con trẻ mà không quan tâm đến góc nhìn của chúng. Đứa bé, khi chưa bao giờ được căn dặn và thấu hiểu, thò tay vào hộc bàn của mẹ và bới ra mọi thứ, không phải là vì nó muốn phá phách, hay nó hư thân mất nết, mà vì nó tò mò, nó muốn khám phá thế giới ở mọi ngóc ngách. Đứa bé vặn vòi nước ông thường tưới cây và bỏ quên ở đó không phải vì nó nghịch ngợm, mà vì nó muốn bắt chước ông tưới cây như mọi ngày, rồi lơ đễnh không tắt van. Đứa bé nhõng nhẽo đòi về khi bố mẹ đi chơi nhà bạn không phải vì nó thô lỗ bất lịch sự, trẻ con không có những khái niệm đó, nó chỉ đơn giản là thấy chán và cần thay đổi không khí hay cần thêm sự tương tác chú ý từ mọi người…

Người lớn thường chỉ nhìn theo quy luật, nguyên tắc, khái niệm của mình mà không quan tâm đứa trẻ nhìn thế giới ra sao nên không thấu hiểu và cảm thông với nó. Dễ trừng phạt, rầy ra, cấm đoán đứa bé một cách không công bằng. Điều này khiến trẻ sẽ tích tụ cảm giác ức chế, không được yêu thương, không được lắng nghe, bị chèn ép lấn át. Dần dần nó sẽ phát triển thành đứa trẻ yếu đuối hoặc bạo lực.

Tôi từng đọc ở đâu đó người ta nói rằng “trẻ em là những người nước ngoài.” Chúng có thế giới quan hoàn toàn khác với người lớn và thường là phong phú tươi sáng hơn. Nên khi bạn thấy một hành động nào của con cháu là sai trái hay tiêu cực, thì trước hết hãy nhìn lại xem sự tiêu cực tồi tệ ấy thật sự có đến từ đứa bé hay là từ sự phóng chiếu góc nhìn của bạn vào hoàn cảnh rồi hiểu nhầm các em.

Trên đây là những đúc rút từ quan sát và trải nghiệm của tôi với những đứa trẻ. Tôi tin rằng được tiếp xúc gặp gỡ với trẻ nhỏ là một điều may mắn phước đức, vì các em đều là những thiên thần. Khi một đứa bé xuất hiện trong cuộc đời bạn không có nghĩa là bạn phải dạy dỗ nó, mà trước tiên, đây là dấu hiệu bạn cần thay đổi góc nhìn về cuộc đời. Nếu bạn thực tập quan sát bản thân và giảm thiểu những cách tiếp cận sai lầm với trẻ nhỏ thì bạn sẽ càng có nhiều hơn những trải nghiệm thú vị với các bé. Các bé sẽ tin tưởng và chia sẻ với bạn những giá trị tuyệt vời mà mình mang theo tới hành tinh này, đó là sự trong trẻo ngọt ngào, và tinh thần vô tư tận hưởng cuộc sống. Vậy nên đừng bỏ lỡ cơ hội này, đừng hủy hoại món quà của Thượng Đế.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: sasint on Pixapay

💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,820Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI