Cái khoảnh khắc chuyển giao từ cực này sang cực kia, lúc năng lượng khác đi vào để thay thế cho dòng năng lượng cũ, ngay khoảnh khắc ấy có cảm xúc. Ví như người ta đang nhịp chân ngồi trong quán cafe nhìn ra đường, thấy có người đẹp đi ngang qua, trong lòng vui làm sao. Khi người đẹp đi qua rồi, phía xa xa chủ nợ đang đi tới, trong lòng liền buồn làm sao. Khuôn mặt liền bí xị, thấy cuộc đời đen như nhọ nồi. Cảm xúc thay đổi nhanh như người yêu cũ trở mặt.
Trong con người ta đều có sẵn đủ mọi loại cảm xúc, mọi loại năng lượng. Nó ẩn bên trong, chỉ chờ đúng thời điểm, đúng đối tượng nó sẽ thoát ra. Mọi thứ, sợ hãi, can đảm, buồn, vui, khóc, cười, v.v… Thay vì kìm nén hay lảng tránh cảm xúc, ta nên để nó thoát ra một cách tự nhiên. Thay vì trách cứ, ân hận thì ta nên chấp nhận, suy nghĩ về cảm xúc của mình.
Ngày đầu tiên tôi bỏ thuốc lá không khác gì địa ngục. Những nỗi sợ hãi hiện ra, nó như thể cuộc đời tôi sắp mất mát một cái gì đó to lớn lắm. Tôi suy nghĩ rằng tôi đã hút thuốc quen rồi, bỏ đi có được không. Tôi nhung nhớ điếu thuốc cực kỳ, trong ngày đầu tiên tôi chẳng làm gì được ngoài nghĩ về việc mình đang hút thuốc. Qua ngày thứ 2, 3, tôi thôi nhung nhớ, thay vào đó tôi đang nghiện hiệu ứng cai thuốc. Tôi thích thú hiệu ứng cai thuốc cực kỳ, tôi lâng lâng bay bổng, đi như trên mây. Tôi chẳng tập trung được vào bất cứ việc gì, tôi chỉ quan tâm tới hiệu ứng lâng lâng ấy. 7 ngày sau hiệu ứng mất dần, thói quen lẫn suy nghĩ về thuốc cũng mất đi.
Bảy nhân bảy bốn mươi chín ngày! Tôi như người chưa từng hút thuốc, thậm chí trước đó lão hàng xóm nhả khói tôi hít phải còn thấy thơm phức. Bây giờ tôi thấy hôi rình. Cai được 6 tháng tôi hút lại. Vấn đề bắt đầu nảy sinh. Cái ngày tôi hút thuốc lại, cầm điếu thuốc trên tay tôi sợ hãi. Nỗi sợ không khác gì ngày đầu tiên tôi cai thuốc. Tôi suy nghĩ rằng tôi không hút thuốc quen rồi, bây giờ hút lại có được không. Hai vấn đề, một nỗi sợ. Ở đây ngay khoảnh khắc chuyển giao năng lượng, từ cực này sang cực kia, từ sự đồng nhất này sang sự đồng nhất kia đều chứa đựng cảm xúc. Sau đó tôi hút lại, chỉ sau điếu thứ nhất, tôi nhả khói lẫn gạt tàn một cách điêu luyện. Kỹ năng đó không mất, nó chỉ chờ khi tôi hút lại lập tức nó được sử dụng.
Cái vấn đề ở chỗ bảy nhân bảy bốn mươi chín ngày, con số bí mật. Đức Phật ngồi 49 ngày, thuyết pháp 49 năm. 1 tuần có 7 ngày… Đủ mọi trường hợp cho con số 7. Tương truyền vũ trụ này đứng thứ 7 hay được tạo ra theo thứ tự ở thứ 7 gì đó. Người xưa lại nói bảy ba hai mốt, thường chế nhạo những ai muốn làm một cái gì đó mang tính bộc phát. Hai mươi mốt ngày để hình thành một thói quen, bốn mươi chín ngày để lưu nó vào dòng Nghiệp. Người nào nhịn ăn đủ 49 ngày, cái đói với người đó như hình với bóng. Như sự thật hiển nhiên, 49 ngày họ bị đồng nhất bởi sự đói, họ cùng sự đói là một. Người ta sau khi chết 49 ngày mà không tái sinh, họ bị nghiện cái chết. Bây giờ với người đó cái chết là sự thật, là bản thể của họ. Cái chết chính là sự sống, họ phải sống trong cái chết. Nếu không họ sẽ chết và cái chết sẽ biến mất khỏi họ.
Thân xác này không gì ngoài cái chết của linh hồn. Thân xác này đã sống quá lâu rồi và xem đó như là sự thật hiển nhiên vậy. Bây giờ thân xác là sống, linh hồn là không có. Linh hồn chỉ có sau khi chết. Nhưng ít ai biết và nghĩ ngược lại. Rằng linh hồn sắp được sinh ra một lần nữa, và ở đây thân xác này, không gì ngoài sự chết. Chết ở đây, là sinh ra ở kia. Chết ở kia, là sinh ra ở đây. Bảy bảy bốn mươi chín ngày!
“Chẳng ra khỏi cửa, biết chuyện thiên hạ. Chẳng ngó ngoài sân, thấy được đạo Trời. Nhà to rốt cuộc cũng dụng cái Không mà ở, chén sành cũng dùng cái Không mà trở nên hữu dụng!”
— Lão Tử
Rượu đựng trong bầu, uống cho tới khi cái trống Không tràn đầy, gọi là uống rượu. Vậy là uống vì cái Không được tràn đầy hay là uống rượu đây? Uống mà rượu còn hoài, cái Không chưa đầy, thì uống làm gì?
Niềm vui đong đầy, liền phá lên cười, cười đi cho vơi cái vui. Cái vui xong rồi, còn lại trống Không. Niềm vui không còn, còn lại cái Không. Vậy há người ta chẳng cười vì cái Không đó hay sao?
Tâm mang sự buồn, ức lên mà khóc, khóc đi cho vơi nỗi buồn. Nỗi buồn qua rồi, còn lại trống Không. Nỗi buồn không còn, còn lại cái Không. Vậy há người ta chẳng khóc vì cái Không đó hay sao?
Lấy đất làm nhà, nhà làm xong rồi, chẳng còn gì làm. Rốt cuộc, cũng chỉ làm vì cái Không. Cái Không chưa trọn vẹn, nhà thời vẫn làm, làm cho tới khi cái Không viên mãn. Vậy rốt cuộc là có xây nhà hay không?
Người buồn, ta buồn, có gì khác? Người vui, ta vui, có gì khác? Vui này, buồn này trong Tâm, Tâm này nơi thân, đi khắp núi non bốn bể, vui buồn như nhau. Chẳng ra khỏi cửa, biết chuyện thiên hạ!
Làm như không làm, làm rồi cũng Không, chưa làm cũng Không. Người ăn ở Không, tức đang ở Không. Người đang làm đó, bất quá cũng chỉ đang tiến về cái Không. Có cái gì trong Vũ Trụ mà chẳng đi về Không? Đạo Trời rốt cuộc cũng chỉ là Không. Bây giờ chưa thấy đạo Trời, sau thấy cũng chỉ Không. Bây giờ chưa biết đạo Trời, sau biết cũng chỉ Không. Bởi đạo Trời chẳng nằm ngoài cái Không. Vậy nay ta Không cho trọn vẹn, khỏi mất công đi tìm, tìm rồi cũng chỉ thấy mỗi cái Không. Chẳng ngó ngoài sân, thấy được đạo Trời!
Hiện tại chưa về Không, còn vương vấn đó, bởi giấu nó đi, chẳng đặng làm cho về Không. Mai này hoá Hư Không, ở đó liền muốn khóc. Nhưng chẳng có cái gì để khóc, vậy liền sinh thành em bé. Sinh ra khóc oà, khóc đặng cho về Không. Mai này lớn lên, cứ lại đè nén, vui được một phần, sầu khổ mười phần. Cười được ba khắc, khóc tận ba canh.
Tác giả: Nguyễn Hồng Quý
Photo: Cleverpix
📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2