Featured Image: John Holcroft
Liệu bạn có đang sống? Phải chăng bạn nghĩ đây là một câu hỏi ngớ ngẩn và vô vị. Nhưng không bạn ạ, cái tôi muốn hỏi là sống một cách có ý nghĩa, sống trọn vẹn với cuộc đời, sống chứ không phải chỉ tồn tại. Liệu bạn có đang sống như thế, liệu xã hội loài người có đang sống như thế? Đã bao giờ bạn suy nghĩ thật nghiêm túc về những thứ “rỗng” trong thế giới tự nhiên và đời sống con người.
Vậy “rỗng” là gì? Theo từ điển tiếng Việt “rỗng” có nghĩa là không có phần lõi hoặc không chứa đựng gì. “Rỗng” cũng có nghĩa là lỗ hổng. “Rỗng” của thế giới tự nhiên chính là rỗng của vật chất, có thể hiểu là sự thiếu thốn, không đầy đủ về mặt vật chất. Đó là cái “rỗng” mà chúng ta có thể đổ đầy nó bằng một thứ vật chất khác. Nó khác với cái “rỗng” của con người là cái “rỗng” của tinh thần và tâm hồn, là cái “rỗng” về mặt nhận thức và giá trị.
“Rỗng” trong thế giới tự nhiên là tính chất “trung lập” không thể tách rời. Bởi trong cuộc sống này không có thứ gì là hoàn hảo, mười phân vẹn mười cả. Có một sự vật tồn tại ắt có những lỗ ” rỗng” bí ẩn về nó mà ta chưa thể lý giải, ắt có những khía cạnh, khiếm khuyết mà ta cho dù có đối chiếu ở mọi góc cạnh, mọi phương diện vẫn không thể tìm ra… “Rỗng” về vật chất là sự thiếu hụt của một khía cạnh trong đời sống. Nó không tách rời mà tồn tại song song với sự sống. Có sự “rỗng” mới thôi thúc con người không ngừng phát triển và đi lên với khát khao lấp đầy sự “rỗng”. Bởi đó là bản chất của tính chinh phục của con người. Vậy nên theo lý thuyết triết học mới nói rằng “rỗng” của tự nhiên là căn nguyên của mọi vật, để sinh ra năng lượng tạo lên vật chất.
Bởi “rỗng” là trạng thái khởi nguyên của mọi vật, nên câu hỏi đặt ra là: “Rỗng” có giá trị không? Mặc dù “rỗng” là căn nguyên của mọi vật, nhưng những thứ “rỗng” thường không được coi trọng. Bởi con người chỉ quen nhìn mọi vật ở bề ngoài bằng một “đôi mắt rỗng” chứ đâu xem xét từ bản chất của vấn đề, từ mọi góc độ đánh giá.
Có một sự “rỗng” cũng không được coi trọng như vậy, đó là sự rỗng trong tâm hồn con người, là biểu thị cho sự ăn mòn nhận thức và nhân tính. Như vấn đề mà ban đầu tôi đã đặt ra. Liệu bạn có đang sống? Tất nhiên mỗi người có một quan niệm riêng của mình về sự sống. Thế nhưng những ý tưởng sai lầm về nhận thức có thể khiến chúng ta mất đi sự sống thật. Vài người cho rằng cuộc sống chính là những nhu cầu vật chất chúng ta đang nắm giữ, theo đuổi. Có người cả cuộc đời chạy theo những thứ vật chất xa hoa phù phiếm, và cứ nghĩ rằng vật chất tỷ lệ thuận với chất lượng của cuộc sống.
Tôi không phủ nhận những giá trị lợi ích của vật chất nơi cuộc sống hằng ngày, nhưng bạn có hay không nhìn vào mặt trái của chúng. Ngày nay bạn cứ mải miết chạy theo những thứ xe hơi đắt tiền, nhà cửa sang trọng, y phục đẹp đẽ… Bạn cứ chăm chút cho vẻ ngoài hào nhoáng bằng những thứ vật chất xa xỉ phẩm và nghĩ rằng chúng có thể giúp bạn nâng cao giá trị bản thân và ý nghĩa cuộc sống. Nhưng không, nó chỉ biến bạn thành những con người giả dối, những con người sống vì đồng tiền, thứ bạn sở hữu trong tay không phải là giá trị bản thân mà là sự suy đồi về nhân cách.
Chạy theo vật chất, con đường tưởng chừng như tươi sáng ấy lại cũng có thể là lỗ hổng không đáy nuốt chửng đi hạnh phúc của bạn. Cứ mãi lo chạy theo nhưng thứ vật chất ngoài thân thì đến bao giờ bạn mới chịu bắt đầu sống thật? Của cải vật chất chỉ là những dụng cụ và đồ dùng trang bị cho cuộc đời. Nếu cứ mờ mắt mà chạy theo nó chẳng mấy chốc chúng ta lại biến thành nô lệ cho của cải vật chất và là đầy tớ cho những ước vọng bất tận. Trong khi đó sự sống thật sự lại trốn chạy xa và khiến chúng ta cảm thấy cuộc đời thật trống rỗng. Nhưng sự thật là những suy nghĩ, định kiến sai lầm của chính bản thân bạn, chính chúng ta đã tạo ra những sự “rỗng” về tinh thần và mặt nhận thức trong con người mình.
Về quan niệm của sự sống, một số người lại nghĩ: con người ta sống vì cái danh. Điều này đúng nhưng lại không toàn diện. Người ta vẫn nói “miệng lưỡi thế gian” vô cùng đáng sợ. Sống để giữ gìn thanh danh là điều đúng đắn, nhưng nếu ai lại quá đề cao mải mê chạy theo cái danh thì kết quả hoàn toàn ngược lại. Có những người dùng tiền để mua bằng cấp, địa vị, có những người dùng sự giả dối tốt đẹp để che đậy đi bản chất thực bên trong. Con người ta lắm khi vẫn mang trong mình cái “sĩ diện” cái “tôi” cá nhân quá lớn.
Nhiều người lên Facebook để khoe thân, khoe tài sản, số khác thì giả vờ làm người tốt. Có những người khoe khoang sự sung túc, đủ đầy của bản thân mình. Một số bộ phận trẻ hèn nhát, yếu đuối thay vì đối mặt với khó khăn thì lại giãi bày trên các trang mạng xã hội, thay vì thể hiện tình cảm trực tiếp lại viết những dòng mùi mẫn để nhận sự đồng cảm thương xót của những người quen xa lạ. Gặp một vụ tai nạn trên đường thay vì giúp đỡ người bị nạn theo sức của mình thì các bạn lại lôi điện thoại ra quay clip, chụp hình rồi mang khoe với bạn bè bằng những gương mặt giả vờ xót xa đau đớn. Có những nhà từ thiện quảng bá hoạt động ủng hộ của mình trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, khua chiêng gõ trống, chỉ sợ không ai biết mình là “người tốt”.
Con người hay mang trong mình những chiếc mặt nạ giả dối và tô vẽ cho những ánh màu hào quang chói rực, tự hào cho mình sự “hữu danh vô thực”. Một cá thể đi bằng đôi chân giả sẽ khiến cho cả một cộng đồng người cùng đi bằng đôi chân giả – một xã hội rỗng tuếch! Họ chú trọng bằng cấp, danh hiệu, thích tạo ra những thành tích vô bổ, theo đuổi những kỷ lục tầm thường… – một xã hội quá chú trọng đến vẻ trang sức bên ngoài cộng đồng trong khi cái thực bên trong – phẩm cách của công dân trong cộng đồng không hề tương xứng. Xã hội khi đó sẽ trở thành giả dối, nói như Vũ Trọng Phụng thì đó là cuộc đời “chó đểu”. Sự giả dối ấy sẽ tạo ra một lỗ hổng trong chính nhân cách của con người, bởi một người sống giả thì làm sao có thể mang một trái tim thật.
Trong cuộc sống của mỗi con người sự “rỗng” là cái đáng sợ hơn cả. Không có mục đích hoặc đi với những mục đích sai lầm, họ cứ sống sôi nổi trong đời như “manh rẻ rách trên những dòng sông”. Sự “rỗng” trong đời sống con người thật đáng sợ, bởi nó sẽ bắt chính chúng ta phải trả giá bằng hạnh phúc, bằng cả cuộc đời. Bill Gates đã từng nói rằng:
“Điều đáng sợ trong cuộc sống của một con người là sự rỗng tuếch… Đối với tôi điều quan trọng nhất ở con người là sống như thế nào? Chứ không phải là tồn tại ở trên đời.”
Sống thực đi nhé! Đừng “rỗng” nữa! nhìn thẳng vào chính mình và bắt đầu lại!
Silent Wind
“The usefulness of the cup is its emptines” – Bruce Lee
Vậy sẽ thế nào nếu một người tự cảm thấy bản thân mình “Rỗng”…vậy thì họ là “Rỗng” hay ko?
“Lõi” của mỗi người theo quan điểm của mình chính là chính kiến, suy nghĩ của họ đối với các vấn đề mà họ đối diện trong cuộc sống. Là cách họ nhìn nhận và đánh giá cuộc sống.
Mình đọc bài viết chưa được kĩ lắm nhưng mình cảm thấy bài viết chỉ đánh giá được một khía cạnh mà thôi, chưa đa chiều.
Thân,
“Rỗng” ở đây là bạn muốn nói về tinh thần của những người mà bạn cho là không có lý tưởng tốt đẹp đối với bạn. còn đối với họ thì có thể bạn chính là “rỗng” :)))
Khi bạn biết bạn chết đi mà muốn người khác nhớ được gì, nhớ đến gì khi nhắc đến bạn và bạn cố gắng, làm việc vì những điều đó thì bạn không “rỗng” :))
Nếu bạn muốn khi chết đi người khác nhớ đến danh tiếng của bạn, nên bạn chạy theo danh tiếng, không sao.
Nếu bạn muốn khi chết đi người khác nhớ đến vật chất của bạn, bạn kiếm tìm vật chất, không sao.
Nếu bạn muốn khi chết đi người khác nhớ đến lòng tốt của bạn, bạn làm việc tốt, không sao.
Kể ra người này làm việc này, người khác làm việc kia. Nhưng tốt nhất đừng so sánh đừng đánh giá.
Thân.
Theo đuổi những giá trị vật chất – tiền tài, danh vọng,… k xấu, nó là nhu cầu chính đáng của bất kỳ ai trong số chúng ta, “tôi không phủ nhận giá trị của nó”. Nhưng quan trọng là cách mà bạn lựa chọn đến với nó. Theo đuổi để sở hữu, chiếm lĩnh nó? Hay, theo đuổi để bị nó chiếm lĩnh, sở hữu ngược lại? Những kẻ “rỗng” sẽ vô tình, hoặc cố tình lựa chọn cách thứ 2 bạn ạ
Tôi đề cao vật chất, coi đó là cái đích để mình phấn đấu, để mình biết mình là ai và khả năng bản thân đến đâu? Xe, điện thoại, máy tính…. tôi muốn nó phải đẹp. Nhưng xin đừng nhìn vào đó mà đánh giá. Tôi chưa có tiền án tiền sự…
Theo đuổi những giá trị vật chất – tiền tài, danh vọng,… không xấu, nó là nhu cầu chính đáng của bất kỳ ai trong số chúng ta, “tôi không phủ nhận giá trị của nó”. Nhưng quan trọng là cách mà bạn lựa chọn đến với nó. Theo đuổi để sở hữu, chiếm lĩnh nó? Hay, theo đuổi để bị nó chiếm lĩnh, sở hữu ngược lại? Những kẻ “rỗng” sẽ vô tình, hoặc cố tình lựa chọn cách thứ 2 bạn ạ
Bạn chê người ta rỗng, ờ! Nhưng cũng chẳng nói thế nào gọi là “sống thực”, cũng chẳng thể hiện được cái “lõi” của con người bạn. Vậy thì mục đích của bài viết này là gì?
Tôi đang tự hỏi, bạn có thể nói cho tôi biết cái “lõi” con người bạn là gì được không??? 🙂 Chúng ta, hầu như chẳng ai hiểu hết về ngay cả chính mình. cái “lõi” của chính mình. Chẳng biết bạn có suy nghĩ giống tôi không, nhưng nhờ một người mà tôi hiểu, chúng ta sống chính là hành trình đi tìm kiếm bản thể của chính mình. Liệu bạn có bao giờ thắc mắc “mình là ai trong thế giới này?’, “mình sinh ra có gì khác với những người khác?” , “sự sống của mình tại sao lại được tạo hóa kéo dài (là kéo dài chứ không phải ban cho)?”,… tôi cũng đã từng tự hỏi như vậy. Và tất nhiên là tôi chưa có đáp án thực sự thỏa mãn những gì tôi mong đợi, cũng giống như bạn nói, cãi “lõi” con người đâu thể dễ dàng hiện diện! Nhưng chính vì thế mà chúng ta phải sống, “sống thực sự” để giải đáp những câu hỏi ấy, vì nếu không sống như thế, chúng ta vĩnh viễn chẳng thể biết ý nghĩa sự hiện sinh của chính mình. Nếu bạn hỏi tôi “sống thực” là thế nào, có lẽ tôi cũng không biết trả lời bạn ra sao, bởi câu trả lời của nó tùy thuộc vào những trải nghiệm của từng người, bằng nhận thức của tình người, bằng lương tri và lương năng của mỗi người, bằng sự hiểu biết của riêng bạn, riêng tôi. Nhưng với tôi, “sống thực” chỉ đơn giản là sống để sao cho mỗi sáng thức dậy, tôi không phải cảm thấy day dứt vì ngày hôm qua, ngán ngẩm vì ngày hôm nay lại tới. Chỉ đơn giản là những việc mà tôi làm, có thể khiến ai đó mỉm cười hoặc ai đó phải rơi nước mắt, nhưng tất cả đều hiểu đó là những điều ý nghĩa và quan trọng vô cùng. Chỉ đơn giản là chính mình có cảm giác thanh bình, yên ả, trước mỗi giờ khắc của ngày tàn. Chỉ đơn giản là dấu chân tôi được in đậm trên cuộc đời, nhưng không phải là những vết dày xéo, xước vệt trong trái tim bất kỳ ai. Chỉ đơn giản tôi là chính tôi, chẳng phải bản sao, chẳng phải ác quỷ, chẳng là thiên thần, chỉ là một người bình thường mà có ích. Mục đích viết bài này của tôi rất đơn giản, đây là một đề nghị luận xã hội mà cô giáo từng muốn tôi viết, nếu nói rằng tôi thực sự trăn trở về những con người sống “rỗng” trong xã hội này, hay suy tư về một ý nghĩa nhân sinh nào đó,… thì xa vời, cao siêu quá. Tôi viết để hoàn thành một bài tập về nhà, viết để suy nghĩ của bản thân không chỉ phập phồng như một sự sống giản đơn, mờ nhạt mà được hữu hình hóa trên mặt chữ hiện sinh. Ngay cả suy nghĩ cũng cần được “sống thực”!
Bạn không biết “lõi” của mình là gì thì làm sao mà bạn nhìn được cái “lõi” của người ta? Bạn có nghĩ rằng: “Có thể họ có cãi “lõi” của họ nhưng mình không nhìn thấy”? Và mình đã quá vội vàng khi đánh giá họ là “những người không có lõi”? Bạn có nghĩ vậy không?
BTW: Văn của bạn đọc hoa mỹ, bay bướm quá, đọc xong phải chạy đi làm vài liều Hoạt huyết dưỡng não, không thì chắc ngất ^^. Đừng hiểu lầm, tôi rất cảm kích sự quan tâm của bạn. Nhưng mạn phép hỏi 1 câu không liên quan cho lắm: “Thế ở ngoài bạn cũng nói chuyện với bạn bè thế này hả?”
1. Vậy cho mình hỏi, bạn thấy “lõi” gì ở những kẻ bị rỗng về nhận thức? Bạn thấy “lõi” gì ở những kẻ nhân cách bị bào mòn, k chỉ sống dựa trên thân xác người khác, mà lấy niềm vui từ việc chứng kiến hay hành hạ người khác? Bạn thấy “lõi” gì ở những kẻ thiếu suy nghĩ, thiển cận, chẳng những nhân các sai lạc, mà ngay cả tư duy cũng có vấn đề? “Người ta” mà bạn nói là ai? Bạn đã thực sự đọc kĩ bài viết của tôi chưa? Phạm vi tôi nói đến, chỉ là những kẻ như trên 🙂
2. Có thể văn của tôi hoa mỹ, nhưng tôi cũng tự ý thức rằng nó không quá đáng đến nỗi khiến bạn phải uống hoạt huyết. Nếu đã uống hoạt huyết, vậy mình nghĩ bạn cũng nên uống cả thuốc bổ trợ thần kinh luôn đi. Mình sợ tâm lý yếu sẽ có hại cho bạn đấy
3. Cách nói của tôi k vi phạm thuần phong mỹ tục, không xúc phạm cũng chẳng tổn thương ai. Vậy cho tôi hỏi, tại sao tôi k thể nc vs bạn mk như thế này?
(y)!
Một bài viết rất hay! 🙂
Cuối cùng tôi cũng tìm được một bài viết giống với suy nghĩ của mình. Tôi mới 22 tuổi, nhưng những gì tôi thấy trong xã hội rất giống với quan điểm của tác giả. Những con người mang trong mình IPhone sành điệu, xe SH, hay máy tính bảng mà bản thân họ sử dụng chỉ những chức năng mà các nhãn hiệu bình thường cũng có thể sử dụng được. Còn tâm hồn, suy nghĩ của họ thì ôi thôi, lo sợ, tham lam, ích kỹ, tiền mua được địa vị, bằng cấp…gian dối nhau trong suy nghĩ, trong sự toan tính man rợ, có khi hỏi suy nghĩ của bản thân họ về kế hoạch tương lai, họ cũng e dè mà trả lời.
Tôi đã sống thật với chính bản thân mình, kể cả trong suy nghĩ, nhưng thấy khó để tồn tại trong cái xã hội này lắm. Bởi có ít người không rỗng và đầu óc đám người kia họ dĩ nhiên là rỗng.
Những kẻ có cái đầu rỗng, đôi mắt rỗng, tâm hồn rỗng, trí tuệ rỗng… r sẽ chẳng có j cả đâu, bởi thứ duy nhất họ sở hữu chỉ là thứ tầm nhìn vay mượn thôi. Họ rồi sẽ phải trả giá cho tất cả. Xã hội này, có lẽ đúng là k dễ để tồn tại, nhưng cái đó chẳng có nghĩa lý gì khi bạn đã sống thực, “kể cả trong suy nghĩ”, kẻ thực sự nên cảm thấy khó tồn tại phải là những con người kia mới đúng. Bởi vs họ, ngay cả sự sống của chính họ cũng rỗng tuyếch, họ sẽ chẳng biết mùi vị của cuộc sống thực sẽ ra sao cả, họ bất hạnh, ít ra là bất hạnh và khó sống hơn bạn 🙂
Chỉ dựa vào những thứ đồ đắt tiền họ dùng mà bạn kết luận được như vậy thì có phiến diện quá không? Bạn có chắc là bạn không để cảm xúc mình đánh giá đấy chứ?
Rất vui là vào đây tìm thấy bạn, và thớt có cùng quan điểm. Bạn đừng lăn tăn gì nhiều, vì luật nhân quả là có thực, mọi người rồi sẽ nhận được những gì họ xứng đáng thôi.
Bản lĩnh và tài năng của đàn ông ở chỗ họ kiếm được bao nhiêu, nhưng những con lừa bọc vàng cũng có nhiều tiền không kém. Nhìn qua thì ko phân biệt hết nhưng quan trọng là ng ta thực sự muốn tìm gì. Một người đàn ông đưa bạn gái đi chơi trên chiếc xe mình tự mua hay 1 cậu ấm dẫn gái đi chơi bằng tiền ngửa tay xin mẹ. Họ muốn gì thì họ sẽ tìm được thứ đó thôi.
Mà thôi đừng nên nói năng nhiều làm gì, cuộc đời là của riêng mỗi người mà 🙂
cùng 22 tuổi như bạn, có thể nói là tôi sẽ ” rỗng ” như tác giả viết nếu như tôi có tiền, thật khó lòng mà bảo là mình ko thích những sản phẩm công nghệ cao, nhưng tôi ko thích xe sh, tôi thích xe đạp hơn, đạp xe cảm thấy bình yên và con giảm cân dc nữa. Có 1 điều là ko ai có thể chạy theo những thứ như iphone, sh, hay quần áo hàng hiệu nếu như ko có tiền. Bản thân tôi là con nhà nghèo, suốt ngày cứ chật vật kiếm tiền từng chút 1, ko có điều kiện để tiếp tục đến trường, phụ giúp ba mẹ, tôi cảm thấy như mình đang “rỗng” đi, vì tôi chả biết đam mê của tôi là gì để mà theo đuổi, cũng chẳng có thời gian để suy nghĩ tới những thứ khác. Tôi cảm thấy rất buồn vì điều đó. Ý tôi là ko phải những người chạy theo vật chất mới là rỗng, mà cả những người ko biết đam mê của mình là gì như tôi cũng là ” rỗng “