29 C
Nha Trang
Thứ bảy, 12 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Marcus Aurelius, Suy tưởng (Meditations)

thđp review

Marcus Aurelius là ai?

marcus aurelius

Nhắc đến Marcus Aurelius là người ta nhắc đến vị hoàng đế La Mã cổ đại theo trường phái Khắc kỷ (Stoicism) được nhân dân yêu mến, ngưỡng mộ bởi lòng nhân đức, sự tận tâm, giản dị trong đời sống cũng như trong cách cai trị đất nước. Ông được người đời tôn kính gọi bằng cái tên Ông vua triết gia hay Vị Phật của La Mã. Tất nhiên, bản thân ông không tự nhận mình là một triết gia. Ngay cả ngôi vị Hoàng đế cũng đến với ông một cách bất ngờ.

Marcus Aurelius

https://www.facebook.com/TrietHocDuongPho2.0/videos/1924684594315455/

Review tác phẩm Suy tưởng (Meditations) của Marcus Aurelius

Tác phẩm Suy tưởng (Meditations) của Marcus Aurelius là tập hợp những chiêm nghiệm của ông về tự nhiên, hành vi của con người và những quy luật của cuộc sống. Ông đúc rút những ý tưởng hay suy nghĩ của mình không phải với mục đích để xuất bản và cuốn Suy tưởng vốn dĩ cũng không phải là một trước tác triết học.

Những nội dung trong đây không theo một hệ thống suy luận hay triển khai văn bản nào nhất định mà là những dòng “tự răn” chính mình được Marcus Aurelius tập hợp lại một cách ngẫu hứng – tương tự như nhật ký hay journal. Sau này người đời lưu giữ và đặt tên (gần đây nhất) là Meditations.

Chữ “Meditations” này theo cách hiểu dưới thời đại La Mã cổ đại thì đúng là Suy tưởng, chiêm nghiệm. Còn theo lối tiếp cận hiện đại ngày nay thì nó có nghĩa là Thiền định. Nhưng khi đào sâu quan sát tác phẩm, ta có thể nhận ra không ít những chi tiết Marcus Aurelius mô tả sự thiền, quán chiếu thân thể hay suy nghĩ, và hình dung về cái chết.

“Dù tôi là cái gì, thì cũng là xác thịt với một linh hồn và một trí thông minh bé nhỏ. Ném sách vở đi; đừng để anh bị quẫn trí nữa. Điều ấy không được phép. Trái lại, như thể ngay lúc này đây anh đang hấp hối, khinh thường xác thịt của anh. Một đống hỗn độn nào máu, những mẩu xương, một búi nhằng nhịt dây thần kinh, tĩnh mạch, động mạch.

Xem xét linh hồn là cái gì: không khí, và không bao giờ là cùng thứ không khí ấy, nhưng mỗi khoảnh khắc cứ nôn ra rồi lại nuốt vào. Cuối cùng: trí thông minh. Hãy nghĩ về nó theo cách này: Bạn là một ông già. Không cho phép trí óc bạn làm nô lệ, để nhảy giật lên vì những thôi động ích kỷ, để đá trả số phận và hiện tại, và để ngờ vực tương lai.”

Việc tiếp cận cuốn sách này mang đến cho tôi một cảm giác vừa mới lạ vừa thân mật khi nó trong hình hài một cuốn nhật ký. Chưa kể, đây còn là những suy tư từ một vị vua – người gánh vác trăm công ngàn việc ở địa vị tối cao và có cả thế gian rộng lớn để tiếp quản và cai trị.

Việc ông vẫn dành thời gian để tự quán chiếu và rèn dũa chính mình, cũng như ghi chép lại những chiêm nghiệm cá nhân với một sự thẳng thắn nghiêm túc bậc cao, cho thấy được đức hạnh và tính kỷ luật to lớn của ông. Dường như với Marcus Aurelius, việc cai trị chính mình là điều quan trọng số một cần thực hiện.

Khi đọc cuốn Suy tưởng, tôi có thể hình dung được ông đã noi gương những vị hiền triết tiền bối trong tầm nhìn về mối quan hệ giữa triết học và chính trị. Bản thân hành động tự uốn nắn chính mình của ông đã thể hiện ý chí hòa mình vào triết học và mang triết học để làm lợi cho muôn dân.

Tất nhiên, “triết học” ở đây không được định nghĩa theo lối hiện đại là một bộ môn nghiên cứu những vấn đề cơ bản của con người hay thế giới theo một hệ thống lập luận nhất định. “Triết học” mà Marcus Aurelius đang thể hiện là “tình yêu với trí tuệ.” Chỉ bằng sự tiếp cận tri thức và thông hiểu những quy luật của tự nhiên, một ông vua mới xứng đáng là một người trị vì.

“Đất nước chỉ hạnh phúc khi nhà cầm quyền trở thành triết gia, và triết gia trở thành nhà cầm quyền.” – Plato, Cộng hòa

Dưới dạng một cuốn nhật ký, Suy tưởng có những nội dung để ta hình dung được bối cảnh lịch sử hay nhận ra được những nhân vật ảnh hưởng đến nhân cách, lối tư duy của Marcus Aurelius. Dù theo trường phái khắc kỷ nhưng không phải tất cả những nội dung trong Suy tưởng đều bị tác động bởi nó.

Xu hướng đào sâu vào nội tâm và nghiên cứu chính bản thân mình của Marcus Aurelius là một trong những phản ánh rõ rệt nhất bức tranh thời kỳ tri thức thịnh trị – nền văn hóa Hy Lạp cổ. Tức là khi sinh ra dưới thời này thì anh ít nhiều cũng mang hơi hướng đào sâu vào nội tâm hay vươn mình tìm kiếm ánh sáng trí tuệ.

Dù cuốn sách là tập hợp những suy nghĩ, chiêm nghiệm ngẫu hứng nhưng không có nghĩa là ta không thể tổng kết được những gì mà vị vua triết gia đầu tư quan tâm. Đó là việc trải nghiệm tính thần thánh, những quy luật tự nhiên và việc làm điều đúng đắn nhất của một con người. Suy tưởng như một sự dẫn dắt, sự tự răn mình của Marcus Aurelius.

Ông luôn hướng bản thân tới những giá trị tinh thần cao quý nhất mà một người có thể đạt được. Bên cạnh đó, ông tin rằng mọi sự đã được tự nhiên sắp đặt hoàn hảo và có lợi cho tất cả, những bất hạnh của con người chỉ xảy ra khi họ (mờ mắt) tách mình ra khỏi tự nhiên hay chống lại sự trôi chảy đó.

Từ “logos” được dùng rất nhiều trong tác phẩm này. Trong Thiên Chúa Giáo thì logos được hiểu là Ngôi lời, còn trong cuốn Meditations thì chúng ta có thể tiếp cận từ này theo ý là “Tự nhiên” hay “Đạo.”

Chủ nghĩa khắc kỷ (Marcus Aurelius chịu ảnh hưởng) đang bị hiểu nhầm trong thời đại ngày nay khi bị đánh đồng với sự nghiêm khắc, áp chế hay thiếu hụt cảm xúc. Nhưng khi đi sâu vào cuốn Suy tưởng, ta có thể nhận ra được Marcus Aurelius đang diễn đạt những phần tinh hoa nhất của tư tưởng khắc kỷ là khả năng sống thuận theo tự nhiên, sự biết đủ trong đời sống hay việc sử dụng con mắt trong sáng để quan sát thế giới như đúng nó là.

Bằng lối tiếp cận như vậy, một người có thể đón nhận được vẻ đẹp thuần khiết của thế gian (bao gồm cả những cảm xúc) và chữa trị mọi nỗi thống khổ trong tâm hồn. Những tư tưởng chủ nghĩa khắc kỷ truyền đạt cũng mang hơi hướng tương tự với những tư tưởng cốt yếu trong Đạo giáo. Điều thú vị ở đây là những bậc hiền triết phương Tây và phương Đông cùng hướng về một giá trị nhưng diễn đạt theo những cách khác biệt.

Chưa dừng lại ở đó, Suy tưởng của Marcus Aurelius còn vũ chung một điệu với Đạo Phật khi nội dung đề cập khá nhiều về cái chết, sự tận diệt của thế giới có điều kiện hay chính là tính vô thường của vạn vật. Gần hơn với thời hiện đại, ai từng nghiên cứu tâm linh thông qua những tác phẩm của Osho, Krishnamurti, Eckhart Tolle hay Thích Nhất Hạnh thì có thể thấy dường như họ có sự tương thông tâm trí với vị vua Marcus Aurelius khi nói về về sức mạnh của việc an trú hiện tại, hay mối tương giao thần thánh giữa cái chết và sự thức tỉnh của con người.

Thậm chí, Marcus Aurelius cũng cho rằng cuộc đời là một giấc mơ và sự thức tỉnh trong hiện tại là khả năng duy nhất mang một kẻ đến bản chất thực của hắn và giúp hắn hòa nhập với sự bình an nội tâm, chẳng khác gì ý tưởng trong những kiệt tác điện ảnh The Matrix hay Inception.

“Luôn nhớ rằng mọi vật tồn tại là đã xác xơ ở các rìa mép, và đang chuyển hóa, đang bị vỡ ra từng mảnh và thối rữa. Hay mọi vật sinh ra để chết.”

“Để ý xem mọi vật trôi qua và biến mất nhanh như thế nào – những gì mới lúc này đây đã qua đi. Cuộc sống trôi qua chúng ta như một dòng sông, cái ‘là gì’ nằm trong dòng chảy miên viễn, cái ‘tại sao’ có hàng ngàn biến thể. Không cái gì ổn định, ngay cả cái đang ở đây lúc này. Cái vô cùng của quá khứ và tương lai há hoác trước mắt chúng ta, một kẽ nứt sâu không đáy.”

Việc dịch thuật trải qua hai lần khúc xạ, từ ngôn ngữ Hy Lạp cổ sang tiếng Anh rồi cuối cùng sang tiếng Việt không có nghĩa là những cốt lõi tinh hoa của cuốn Suy tưởng bị bẻ gãy. Có thể ta không đi trực tiếp vào tư tưởng của Marcus Aurelius trong phút giây ông trầm tư chiêm nghiệm, nhưng những ý tứ trong đó vẫn đánh động tới được tâm linh của độc giả.

Vì những điều ông đang truyền đạt là những giá trị thẳm sâu, phần thánh thiêng bên trong con người và song song là những quy luật vận hành của tự nhiên. Có đôi phần tôi cảm thấy khá khó hiểu tương tự như khi đọc Cộng Hòa của Plato vì tư duy đa chiều kết hợp với văn phong thượng lưu xưa cổ và lối nói tượng trưng ẩn dụ của tác giả. Nhưng đó chính là những chi tiết tạo nên phong thái riêng biệt của cuốn sách.

Cuốn Cộng Hòa có sự tiếp cận và triển khai logic, hệ thống hơn trong nội dung so với cuốn Suy tưởng. Nhưng khi xét về lối hành văn thì kẻ tám lạng người nửa cân. Sức sáng tạo trong việc liên kết các sự vật, hiện tượng và con người vào trong một sự diễn đạt triết lý khiến tác phẩm Suy tưởng bay bổng và rực rỡ sắc màu. Người ta không phải đọc một mớ triết lý khô khan; mà họ, trước tiên được đắm mình trong sự diễm lệ, nguy nga của ngôn từ, rồi sau đó hài lòng với sự đau đầu của mình khi phải suy tư về ẩn ý đằng sau đó.

Riêng cá nhân tôi thì học hỏi được rất nhiều từ lối hành văn và việc sử dụng trí tưởng tượng của tác giả. Nếu không biết trước tiểu sử của Marcus Aurelius thì khi đọc cuốn Suy tưởng, tôi sẽ không thể nghĩ rằng người viết những dòng này là một vị vua. Tôi chỉ toàn thấy bóng dáng của một nghệ sĩ, một hiền triết và một bậc chứng ngộ.

Có rất nhiều những câu, đoạn đáng giá cả về mặt triết học và mặt nghệ thuật. Nếu lấy những nội dung tâm đắc trong cuốn sách này in ra đóng thành tranh quote treo tường thì tôi phải sở hữu ngôi nhà của mèo Oggy thì may ra mới đủ sức chứa.

Xuất hiện những ý kiến cho rằng cuốn Suy tưởng thấp thoáng một nét buồn, một sự nhìn nhận bi quan về thế giới khi Marcus Aurelius đề cập nhiều đến cái chết, sự kết thúc của sự kiện thế gian, sự thờ ơ với những lạc thú, danh vọng cuộc đời.

Cá nhân tôi thì không thấy chút buồn nào trong cuốn sách cả, nếu như không nói có những phần đọc lên tôi thấy sự hài hước, châm chích, dí dỏm. Vâng, tất nhiên chúng làm tôi phải bật cười khi tưởng tượng ra Marcus Aurelius ôm mặt đầy bất lực rồi giơ hay tay hướng lên trời cảm thán khi nhận ra sự ngu muội trong nhận thức của con người (hay có thể, của chính mình.)

“Và tại sao chúng ta lại cảm thấy giận dữ đối với thế giới? Cứ làm như nó nhận biết được ấy!”

Hay

“Anh đã hiến tặng, đã giúp đỡ, và người ta đã nhận. Thế nhưng, giống như một thằng ngu, anh vẫn còn muốn đòi hỏi hơn nữa, muốn được đền bù bằng cái tiếng thơm của Nhà Từ Thiện. Tại sao?”

Cuốn sách là tổ hợp những suy tưởng ngẫu hứng, rời rạc, không theo trật tự của Marcus Aurelius, nên chúng ta có thể đọc nó theo bất kỳ cách nào tùy thích – lần lượt từ quyển 1 đến quyển 12 hay giở một trang tình cờ và thưởng thức.

Dù điểm khởi đầu ở đâu, ta cũng có thể tìm thấy được một giá trị nào đó cần thiết cho chính mình vì phủ khắp nội dung là sự thông thái. Cuốn Suy tưởng sẽ thỏa mãn bất kỳ kẻ nào đang lên cơn khát ngôn từ, trí tuệ và sự tưởng tượng. Thiết nghĩ, tôi cũng nên theo chân Bill Clinton đọc cuốn sách này, không phải hàng năm như ông ta nữa, mà là hàng ngày mới được.

Tôi không dám chấm điểm những kiệt tác.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: Sadie Pices

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,850Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI