25 C
Nha Trang
Thứ sáu, 27 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hồng lâu mộng – Tiểu thuyết hay nhất tôi đọc năm 2020

*Bài viết rất dài nhưng để viết về những cái hay một bộ tiểu thuyết dài 2000 trang thì mình đã cố hết sức rồi.

26 ngày đọc 2000 trang tiểu thuyết viết trong 10 năm và 5 lần chỉnh sửa

Trong mấy năm trước, mình liên tục né tránh đọc bộ Hồng lâu mộng dù đã đọc Tam Quốc, Thuỷ Hử, mấy bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung vì nhiều lý do như sự đồ sộ nó, cùng vô số bình luận về Hồng lâu mộng là “dâm thư”, chỉ trích sự thối nát của xã hội phong kiến, sự bất bình đẳng của giai cấp…

Nhưng trên hết là Hồng lâu mộng là tác phẩm chưa bao giờ hoàn thành của Tào Tuyết Cần. Ông viết 80 chương thì mất, mấy chục năm sau Cao Ngạc viết tiếp 40 chương để kết thúc mọi ân oán, tình duyên trong Hồng lâu mộng mà Tào Tuyết Cần để lại. Nó là cái hay những cũng là cái dở, và bên dưới mình sẽ viết rõ cái nhìn của mình về điều này ở cuối bài viết.

Đáng lẽ sẽ còn rất lâu nữa mình mới đọc Hồng lâu mộng nếu như trong khi viết lách mình tự nhiên nghĩ có lẽ bộ tiểu thuyết này có thể giúp ích mình. Và mình đã hoàn toàn bất ngờ – Hồng lâu mộng hay tuyệt vời và là tiểu thuyết hấp dẫn nhất của Trung Quốc mình từng đọc. Còn điều mình không ước lượng trước được là mình đã đọc Hồng lâu mộng lâu đến như vậy: 26 ngày mới đọc xong cho gần 2000 trang ebook file PDF. Nhưng nghĩ lại cũng đáng khi so với 10 năm viết và 5 lần chỉnh sửa Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần.

hồng lâu mộng

“Xem ra chữ toàn bằng huyết,
Cay đắng mười năm khéo lạ lùng.”

Ban đầu mình thấy bản thân ngu ngốc khi đã bỏ qua Hồng lâu mộng trong thời gian lâu đến vậy. Nhưng nghĩ lại nếu mình đọc mấy năm trước khi còn trẻ thì chắc chắn sẽ không thấy cái hay của Hồng lâu mộng ngoài chuyện tình tay ba của Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa với cái kết không có hậu là Bảo Ngọc đi tu, Đại Ngọc uất ức mà chết, còn Bảo Thoa goá chồng nuôi con một mình.

Quan trọng hơn, mình nhận ra rằng cốt lõi để nhận ra giá trị hay của một cuốn hay bộ sách, thì bản thân hãy đọc nó chứ đừng nghe ai nói, hay đọc bất cứ bình luận và phê bình nào cả.

Review này mình sẽ đi từ điều cốt lõi, sự độc đáo đã tạo nên sự ẩn dụ và hấp dẫn của nó liên quan đến tôn giáo, thần thoại, triết lý và nhiều sự kiện lịch sử trong Hồng lầu mộng mà Tào Tuyết Cần đã khéo léo sắp xếp. Cuối cùng là cái nhìn của mình của về việc tại sao lại so sánh Hồng lâu mộng với Thần Khúc, và Hồng lâu mộng có cần sự hoàn thành của Cao Ngạc để biến tác phẩm của Tào Tuyết Cần trở thành tiểu thuyết vĩ đại nhất của Trung Quốc hay không?

Ẩn dụ và tính siêu thực của ba cái tên trong Hồng lâu mộng

hồng lâu mộng

Cái độc đáo của Tào Tuyết Cần mình chưa bao giờ thấy ở ai ngoài tác giả Thần khúc Dante Angelieri là đã lồng ghép, xâu chuỗi các câu chuyện, sự tích thần thoại vào trong ba nhân vật quan trọng nhất của Hồng lâu mộng là Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa. Chính điều này đã tạo tính siêu thực, vừa giả vừa thật mà rất ít tác phẩm của Trung Quốc và thế giới sánh bằng.

Giả Bảo Ngọc thực chất là một trong ba vạn sáu nghìn năm trăm linh một (36501) viên đá cao mười hai trượng, vuông hai mươi bốn trượng mà Nữ Oa dùng để vá trời. Nhưng chỉ dùng ba vạn sáu nghìn năm trăm viên, còn một viên thì bỏ lại ở núi Thanh Nghạnh. Viên đá này thấy mỗi mình bị bỏ lại, ngày đêm khóc lóc và sau đó gặp một nhà sư và một đạo sĩ ngỏ ý muốn hoá kiếp thành người.

Ba vạn sáu ngàn năm trăm hòn đá vá trời, kích cỡ cao mười hai trượng, vuông hai mươi bốn trượng mang ẩn dụ của 36500 là số ngày trong năm nhân với 100 lần, 12 ngày và 24 là số tháng trong năm và số giờ trong ngày mang ý nghĩa vô hạn của thời gian và tính siêu thực nói về việc phải rất lâu lâu trong hư không mới có một vật được sinh ra trong kiếp người.

Viên đá bị Nữ Oa bỏ rơi tại núi Thanh Ngạnh, có nghĩa khác “tình căn”, cái gốc của tình. Bảo Ngọc chính là kiếp sau của viên đá không mang vá trời, ngụ ý sẽ nó sẽ có một kiếp người là cội rễ của lưới tình và cũng vì tình sống.

Cả hai đều khuyên viên đá rằng cõi hồng trần thú vị, nhưnng không phải là nơi có thể ở lại lâu dài vì “vạn sự vô thường, việc đời đa đoan”, tất cả chỉ là giấc mộng và muôn vật đều trở thành không. Nhưng viên đá vẫn nhất mực van xin đầu thai xuống phàm trần, nên nhà sư đã biến viên đá to dùng để vá trời thành viên ngọc nhỏ để một đứa bé mới sinh có thể ngậm được với điều kiện khi hết duyên tục sẽ phải đi theo mình.

Viên ngọc này được gọi là Thông linh bảo Ngọc – viên ngọc được hấp thụ tinh hoa trời đất, tự có linh tính thông minh như người. Giả Bảo Ngọc sinh ra đã ngậm ngọc này, người và ngọc chính là một.

Ngoài ra có một chi tiết mà Tào Tuyết Cần đã cài cắm để người đọc hiểu kiếp này của Bảo Ngọc sẽ trở thành người tu hành là chiếc khoá trường sinh cậu hay đeo bên cạnh viên ngọc Thông linh. Theo lệ của người xưa, với mong muốn con mình không bị chết non, cha mẹ đem con cúng vào chùa làm con nuôi Phật và đeo khoá ở cổ để sống thọ.

Bảo Ngọc được mô tả có dung mạo tuấn tú, có phần giống nữ nhi, ham chơi, gần gũi với con gái, tinh thần lúc vui lúc buồn, khi cười khi nói một mình như kẻ điên và chẳng bao giờ chú tâm học hành. Bảo Ngọc kì lạ đến nỗi người lạ gặp cậu cũng nói với nhau là “bề ngoài thì xinh đẹp, bên trong thì hồ đồ, chỉ là của để nhìn chứ thực ra thì vô dụng. Đến việc mình bị bỏng còn hỏi người khác có đau không.”

Khắp kinh thành đều truyền tai nhau câu nói ngô nghê của Bảo Ngọc là “thân thể con gái kết tinh từ nước nên đáng quý, còn con trai là bùn đất nên dơ bẩn. Hai chữ nữ nhi đối với tôi rất quan trọng, trong sạch và cao quý hơn cả Ngọc Đế và Phật A Di Đà.” Câu nói này có thể vô thưởng vô phạt, nhưng lại ngụ ý nói về việc kiếp trước của Bảo Ngọc là viên đá được Nữ Oa tôi luyện để vá trời và có duyên tình sẵn với Lâm Đại Ngọc.

Tiếp theo là Lâm Đại Ngọc, theo tôn ti là em họ của Bảo Ngọc, cái tên mang nghĩa một loại đá màu đen dùng để kẻ lông mày, mà đôi lông mày là đặc điểm không thể lẫn của Lâm Đại Ngọc. Cô cũng được gọi là “Ngọc đen” đối lập với “Trâm vàng” là Tiết Bảo Thoa.

Kiếp trước của Lâm Đại Ngọc là “cây Giáng Châu bên cạnh hòn đá Tam Sinh được Thần Anh trú ở cung Xích Hà ngày ngày lấy nước cam lộ tưới bón cho nó mới tươi tốt sống lâu. Đã hấp thụ tinh hoa của trời đất, lại được nước cam lộ chăm bón, cây Giáng Châu thoát được hình cây, hóa thành hình người, tu luyện thành người con gái, suốt ngày rong chơi ngoài cõi trời Ly Hận đói thì ăn quả “Mật Thanh” khát thì uống nước bể “quán sầu”.

Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới, cho nên trong lòng nó vẫn mắc mứu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương một mối tình gì đây. Nhưng lúc đó Thần Anh đã xuống trần vì tình duyên nên Giáng Châu nói khóc lóc nói “Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!…”

Tiền kiếp của Lâm Đại Ngọc là Giáng Châu rong chơi ở tầng trời Ly Hận (hận vì phải xa nhau), ăn quả Mật Thanh (điều bí mật), uống nước bể Quán Sầu (nước để tưới sự buồn) và bên cạnh hòn đá Tam sinh tất cả đều báo trước kiếp này là một kiếp buồn thảm vì tình của Đại Ngọc. Tam sinh là một điển tích của Trung Quốc nói về việc một nhà sư hẹn ước với một cô gái 12 năm sau khi chết sẽ gặp nhau.

Tam sinh ngụ ý rằng rằng một đôi trai gái phải trải qua ba kiếp thì sẽ có duyên với nhau. Trong Hồng lâu mộng, Bảo Ngọc và Đại Ngọc mới là kiếp thứ 2, nên việc Tào Tuyết Cần sắp xếp “cây Giáng Châu mọc cạnh hòn đá Tam sinh” có ẩn ý kiếp này Đại Ngọc và Bảo Ngọc sẽ không có duyên nhưng lại có chuyện tình từ kiếp trước.

Về sắc đẹp, cùng với một nhân vật khác tên là Tình Văn trong Hồng Lâu Mộng thì Đại Ngọc được mô tả là đẹp như Tây Thi. Cô được ví với hoa sen trôi nhẹ nhàng trong nước với sự tinh tế và và mong manh của mình. Giả Bảo Ngọc được nhiều người cho rằng mang nhiều tính cách của Tào Tuyết Cần, thì Lâm Đại Ngọc chính là nhân vật ông gửi vào đó nhiều đam mê văn thơ của mình nhất. Trong truyện, nói về viết văn làm thơ, không ai có thể hơn được Lâm Đại Ngọc.

Cuối cùng là Tiết Bảo Thoa, cô giống như Đại Ngọc, là bà con bên ngoại với Bảo Ngọc. Bảo Thoa tuy là con gái trong nhà, nhưng từ lúc 5 tuổi đã giỏi văn thơ nên được cha hết sức cưng chiều và dốc sức bồi đắp.

Trong Hồng lâu mộng, trái với tình duyên bi đát của Đại Ngọc, Tào Tuyết Cần đã xây dựng những ẩn ý cho thấy Bảo Thoa có duyên vợ chồng với Bảo Ngọc qua chiếc khoá vàng cô đeo có khắc tám chữ “bất ly bất khí, phương linh vĩnh kế – không xa lìa, không rời bỏ, tuổi thơm được lâu bền mãi” hợp với tám chứ khắc trên viên ngọc Thông linh Bảo Ngọc đeo “mạc thất mạc vong, tiên thọ hằng xương – đừng đánh mất, đừng bỏ quên, tuổi tiên được khoẻ mạnh mãi” thành một câu đối, vì vậy được gọi là kim ngọc lương duyên.

Nhà sư cho Bảo Thoa chiếc khóa khi bé chính là người hóa phép cho hòn đá hóa thành hòn ngọc rồi là Bảo Ngọc.

Đại Ngọc và Bảo Thoa là hai nhân vật đối lập, vì chữ Lâm họ Đại Ngọc là mộc, Bảo Thoa thuộc kim. Bảo Ngọc và Đại Ngọc có quan hệ mộc thạch tiền minh, còn Bảo Thoa với Bảo Ngọc là kim ngọc lương duyên. Ẩn ý của Tào Tuyết Cần ở đây là Đại Ngọc với với Bảo Ngọc chỉ có duyên và ân oán trong kiếp trước, còn tình duyên thì là Bảo Thoa với Bảo Ngọc trong kiếp này.

Bảo Thoa và Đại Ngọc lấy hai chữ đầu và cuối ghép lại thành Bảo Ngọc. Bảo Thoa còn có nghĩa là chiếc thoa – trâm quý để cài đầu, Bảo Thoa còn thuộc “cung kim” nên được gọi là trâm vàng. Trâm vàng đi với ngọc quý theo quan niệm là hợp duyên và đem lại với thịnh vượng cho lứa đôi.

Bảo Thoa trong Hồng lâu mộng được mô tả có vẻ đẹp như Dương Quý Phi và được ví với hoa mẫu đơn – vua của loài hoa. Về nhan sắc của Bảo Thoa thì Tào Tuyết Cần viết trong Hồng lâu mộng còn vượt cả Đại Ngọc và người Bảo Thoa còn toả ra hương thơm rất vương vấn. Thậm chí chính Bảo Ngọc dù lúc nào cũng quấn quýt Đại Ngọc hơn nhưng cứ khi thấy Bảo Thoa thì bao giờ cũng không nén được dâm tính và ham muốn trong mình.

Trong Hồng lâu mộng, Bảo Ngọc chính là chữ Tình, Đại Ngọc là chữ Phận và Bảo Thoa là chữ Duyên. Nếu coi Bảo Ngọc là hiện thân của chính mình, còn Đại Ngọc là thể hiện sự đam mê thơ ca thì Bảo Thoa lại là mọi ước muốn về một cô gái và cuộc sống đúng theo ý nguyện cá nhân Tào Tuyết Cần.

hồng lâu mộng

Dâm dục, ái tình và giác ngộ trong Hồng lâu mộng

Có một điều lặp đi lặp đến mấy lần trong Hồng lâu mộng là cô gái nào dính dáng đến dâm dục và tình ái với Bảo Ngọc đều phải chết. Người đầu tiên chết là Khả Khanh, vợ anh họ Bảo Ngọc. Trong một lần nằm ngủ trên giường của Khả Khanh, Bảo Ngọc mơ thấy mình đến Thái hư ảo cảnh làm tình với Kiêm Mỹ – vốn mang vẻ đẹp của Đại Ngọc và Bảo Thoa, còn Kiêm Mỹ lại là tên tục của Khả Khanh. Sau đó chẳng bao lâu thì Khả Khanh bị bệnh chết.

Đến lượt Kim Xuyến, a hoàn của mẹ Bảo Ngọc vì thấy hai đứa đùa cợt, tình ý lẳng lơ với nhau nên mẹ Bảo Ngọc đã tát và đuổi Kim Xuyến đi. Do bị oan ức vì Bảo Ngọc dụ dỗ trước và không chịu được nhục, Kim Xuyến đã nhảy xuống giếng tự tử.

Một thời gian sau thì Tình Văn, a hoàn đẹp nhất trong Hồng lâu mộng cũng được mọi người gọi là Tây Thi tái thế như Đại Ngọc. Từ nhan sắc cho đến tính cách Tình Văn có nhiều điểm giống Đại Ngọc và át vía được Bảo Ngọc. Do quá xinh đẹp và là a hoàn gần gũi với Bảo Ngọc nên Tình Văn bị đuổi khỏi phủ trong lúc đang ốm nặng.

Bảo Ngọc vì quá thương nhớ Tình Văn nên đã lẻn ra khỏi phủ để thăm cô. Biết mình sắp chết, Tình Văn nói Bảo Ngọc hãy đổi áo cho nhau để mãi nhớ về nhau khi chia xa. Bảo Ngọc được Tình Văn báo mộng trước khi chết.

Ngoài ra còn Diệu Ngọc, một trong Kim lăng thập nhị nữ và là ni cô để tóc đi tu có quan hệ với Bảo Ngọc khá thân thiết sau này bị bắt đi, bị cưỡng hiếp và bị giết. Sau cùng, đến cả Lâm Đại Ngọc, tri kỷ và người tâm tư Bảo Ngọc nhất cũng chết vì cậu.

Ngoài Tiết Bảo Thoa vốn là lương duyên trong kiếp này, chỉ có a hoàn Tập Nhân, người đầu tiên cho Bảo Ngọc nếm mùi dâm dục là còn sống. Tập Nhân dù là a hoàn, nhưng từ sớm đã được cha mẹ Bảo Ngọc ngầm chọn làm vợ lẽ cho cậu, vì thế cô cũng gọi là có duyên với Bảo Ngọc nên không phải chết.

Xuyên suốt trong 80 chương đầu của Hồng lâu mộng do Tào Tuyết Cần viết ngoài những chuyện dâm tình của Bảo Ngọc ra thì còn có những nhân vật nam nữ trong họ hàng và bạn bè của cậu cũng được đề cập đến.

Người thì thà chết chứ không muốn thành vợ lẽ, người thì treo cổ vì bị bắt quả tang ngoại tình, có đôi trai gái vì không hiểu tấm lòng nhau đã tự sát dưỡi thanh kiếm tên là Uyên Ương, còn người kia thì bỏ theo một đạo sĩ cầu sự giác ngộ. Giả Kính, người ông trong họ hàng của Bảo Ngọc cũng là người từ bỏ hồng trần, vợ con để chuyên tâm tu luyện.

Cũng chính Bảo Ngọc, dù đang vui vẻ với nhiều mỹ nhân, nhưng cũng vài lần cậu tự dưng nghĩ và nói đến tìm kiếm giác ngộ để trả lời những câu hỏi cậu không thể giải thích liên quan đến vui buồn, công danh và nữ nhi. Trong Hồng lâu mộng, nhà sư đã hoá kiếp cho viên đá vá trời thành Bảo Ngọc đã xuất hiện ba lần như một lời nhắn nhủ âm thầm về việc lìa bỏ thế gian để cầu đạo của cậu. Tuy vậy, trước khi Bảo Ngọc xuất gia, thì người em gái trong họ là Tích Xuân đã bước vào cửa Phật trước anh trai.

Với sự suất sắc trong việc sắp xếp thật thật, giả giả của Tào Tuyết Cần thì người đọc phải để ý, đừng nhìn nhận mọi sự việc trong Hồng lâu mộng theo nghĩa đen mới thấy ý nghĩa của những tình tiết tưởng như vô tình này lại là sự cảnh báo về kết cục không có hậu của ba nhân vật chính trong Hồng lâu mộng.

Những sự kiện xảy ra với Bảo Ngọc trong 80 chương đầu do Tào Tuyết Cần ứng với lời của người ngoài khi đánh giá về con gái trong nhà Bảo Ngọc là “họ đều từ trong trời tình biển khổ mà ra. Xưa nay con gái kị nhất là mắc vào chữ dâm và liên quan đến chữ tình, nếu có dính líu tới thì nhất định không có kết cục tốt.”

Tiên cô trong giấc mơ về Thái hư ảo cảnh của Bảo Ngọc cũng nói “Ta thích anh vì anh là người dâm nhất trong thiên hạ. Dâm có nhiều kiểu dâm, anh sinh ra đã có mối si tình với nữ nhi, nên ta gọi anh là “ý dâm”, chỉ có thể hiểu trong lòng chứ không nói ra được.” Cũng chính tiên cô nhắc nhở Bảo Ngọc cho cậu nếm mùi dâm dục sớm để chú tập học hành, sau này thi cử để đỗ vào cửa quan nối tiếp cha ông. Rốt cục, Bảo Ngọc vẫn chán ghét học hành, chỉ để tâm tới những thiếu nữ, con gái xung quanh mình mà thôi.

Chuyện tình tay ba trong Hồng lâu mộng

Thật ra việc bày kế tráo dâu lừa Bảo Ngọc cưới Bảo Thoa khiến Đại Ngọc thổ huyết mà chết nằm ở trong 40 chương cuối mà Cao Ngạc viết chứ không phải là Tào Tuyết Cần viết. Và việc Bảo Ngọc có thực sự thương nhớ cái chết của Đại Ngọc đến điên dại hay không, vì những chương cuối là cái nhìn của Cao Ngạc dựa trên câu chuyện nói đùa sẽ về Dương Châu của Đại Ngọc làm cậu sinh bệnh.

Đối với những ai đọc Hồng lâu mộng 80 chương đầu, sẽ dễ dàng nhận ra rằng Bảo Ngọc có thể đau lòng trước cái chết của Đại Ngọc, nhưng không thể nói là Bảo Ngọc chỉ có chút tình cảm với Bảo Thoa. Thậm chí, Đại Ngọc và Bảo Thoa cũng không phải là 2 người duy nhất Bảo Ngọc đem lòng yêu mến. Bảo Ngọc là một người đa tình với nữ nhi đến mức anh đã khóc và làm thơ về Tình Văn, một a hoàn vì anh mà chết.

Một nhân vật khác là Bảo Cầm, em họ Bảo Thoa có diện mạo giống với Bảo Ngọc và cậu cũng rất thích Bảo Cầm. Ngay chính bà nội và mẹ Bảo Ngọc muốn hỏi Bảo Cầm làm vợ cho cậu nhưng tiếc là cô đã được hứa hôn cho người khác.

Trong 80 chương Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, ông mô tả Bảo Thoa có phong thái điềm tĩnh, ít nói, tính cách nhẹ nhàng, được lòng người trên kẻ dưới khiến Đại Ngọc ghen tức. Trái với Bảo Thoa, Đại Ngọc dù tư chất thông minh, có tài làm thơ nhưng tính tình nhỏ nhen, hay buồn giận và tự ti về số phận mồi côi, phải đi ở nhà bà ngoại.

Và một điều nữa là Đại Ngọc hay ốm đau, bệnh tật, ai cũng nói cô sẽ không sống lâu được. Dù biết vậy, nhưng Đại Ngọc càng hành hạ mình bằng những tâm tư buồn bã và vô số những ngày ngồi khóc một mình. Thậm chí có một số việc hiểu lầm Đại Ngọc cũng ngộ nhận là do số phận mình là vậy nên càng bi đát.

Qua thời gian, mỗi quan hệ giữa Đại Ngọc và Bảo thoa dần dần trở nên tốt đẹp. Cả hai đều nhìn nhận những ưu điểm của nhau và thông cảm với tình cảnh mất cha từ sớm. Đại Ngọc đã nhận Bảo Thoa là chị gái, nhận mẹ Bảo Thoa là mẹ nuôi. Thậm chí Bảo Thoa còn trêu rằng sẽ để mẹ mình đến hỏi bà nội Bảo Ngọc cho Đại Ngọc từ cháu ngoại thành cháu dâu với ý là thành thân với Bảo Ngọc.

Đại Ngọc được cho là người duy nhất đẹp đôi với Bảo Ngọc vì cô ủng hộ cậu không ra sức học hành đỗ đạc làm quan. Thứ nhất Đại Ngọc cùng với Bảo Ngọc đều có chung tâm hồn sâu sắc, dễ xúc động với mọi sự vật. Hai người hợp nhau đến nỗi khi hoa rụng, sợ hoa dơ bẩn người thì thả hoa trôi theo dòng nước, người thì đào hố chôn hoa để hoa lâu ngày hoá thành đất như vậy cho trọn chữ sạch.

Việc Bảo Ngọc không chú trọng đến công danh sẽ làm Đại Ngọc không cảm thấy tự ti về thân phận của mình nếu hai người có duyên vợ chồng. Chính vì lý do này nên mỗi khi Bảo Ngọc nói chuyện tình cảm thì Đại Ngọc gạt đi, nước mắt ngắn dài than thở Bảo Ngọc trêu trọc mang mình ra làm trò đùa. Có thể nếu Bảo Ngọc tu chí học hành, cô cùng lắm chỉ là vợ lẽ vì nghĩ gia đình Bảo Ngọc sẽ tìm kiếm cho cậu một người môn đăng hộ đối.

Bảo Thoa theo cái nhìn của nhiều nhà phân tích Hồng lâu mộng thì là một cô gái thực dụng và ham muốn danh vọng. Điều này có một phần chủ quan vì gia đình Bảo Thoa là một trong 4 họ lớn trong vùng cô sống, tài sản lên tới hàng trăm vạn lạng bạc và nhiều đất đai.

Bảo Thoa cũng thông minh, tư chất hơn người nhưng cô cho rằng chuyện văn thơ là dành cho đàn ông, còn phận nữ nhi là ở sau quán xuyến những chuyện khác. Tất cả đều nhìn nhận Bảo Thoa là mẫu phụ nữ điển hình của thời phong kiến: Nhu mì, nhẹ nhàng, hiểu đạo làm vợ. Lý do cho việc Bảo Thoa kì vọng nhiều về người đàn ông của mình như vậy cũng khá tương đồng với Đại Ngọc.

Cô có một người anh phá gia chi tử, tính tình thô bạo, gian dâm với cả gái lẫn trai và sẵn sàng đánh chết người để chỉ vì cãi nhau trong quán rượu. Anh Bảo Thoa đại diện cho một nhóm người giàu có nhưng vô học và chỉ biết ăn chơi phá phách bằng tải sản của gia đình. Và Bảo Ngọc phần nào cũng có vài điểm giống với anh trai Bảo Thoa. Vì thế việc Bảo Thoa mong muốn Bảo Ngọc công thành danh toại không chỉ tốt cho mình mà cả chính Bảo Ngọc.

Nếu Tào Tuyết Cần không chết sớm, chắc chắc những chương tiếp theo của Hồng lâu mông sẽ khó đoán và hấp dẫn hơn nhiều. Nhất là chuyện tình tay ba này.

Hồng lâu mộng là phiên bản mở rộng của mộng Hồ điệp

“Đầy trang những chuyện hoang đường
Tràn tít nước mắt bao vị chua cay
Đừng cho chỉ là giả ngây
Ai hay ý vị chứa đầy bên trong.”

Cái hay Hồng lâu mộng nằm ở những chương đầu, mỗi chương đều thấm nhuần tư tưởng Đạo gia, Phật giáo, Trang Tử và thần thoại. Mọi sự việc và kết cục trong Hồng lâu mộng đều được Tào Tuyết Cần ẩn hiện, thật giả ngay ở chương một khi xuất hiện nhân vật đầu tiên là Chân Sĩ Ẩn – giấu những sự thực để bắt đầu Hồng lâu mộng “Trải qua đời mộng ảo, nên có ý giấu những việc thực, mượn truyện hòn đá vá trời để kể về Thạch Đầu Ký này.” Thạch Đầu Ký là tên ban đầu của bộ tiểu thuyết này, còn “Hồng lâu mộng” sau này mới đặt lại.

Rồi tới chương Bảo Ngọc mơ đặt chân tới Thái hư ảo cảnh, gặp tiên cô và đọc trước kết cục của Kim lăng thập nhị hoa – những lời thơ và sấm ký nói về số phận Đại Ngọc, Bảo Thoa, các chị em gái và những người con gái xung quanh cậu. Tiếp theo, tiên cô giới thiệu Si Mộng tiên cô, Chung Tình đại sĩ, Dẫn Sầu kim nữ, Độ Hận bồ đề là bốn cô tiên mang ẩn ý bốn giai đoạn trong tình duyên.

Đầu tiên là si mê, sau đó là chung tình, tiếp đến là sầu bi, cuối cùng là thù hận. Họ đàn và hát cho Bảo Ngọc nghe 12 khúc Hồng lâu mộng đàn cho Bảo Ngọc nghe. 12 khúc nhạc này cũng lại ẩn chứa những câu chuyện sẽ diễn ra trong Hồng lâu mộng. Trước khi đàn Tiên cô cũng cười nói rằng “Nếu không phải người trong cuộc thì không hiểu cái hay của nó.”

Sau đó nhà Bảo Ngọc cho xây dựng Đại Quan viên, phiên bản thật của Thái hư ảo cảnh, cũng có 12 thiếu nữ xinh đẹp suốt ngày ngâm thơ, ca hát, chơi đùa và tiệc rượu. Tất cả đều đã diễn ra trong những chương đầu tiên dưới dạng kể và tả rồi được lặp lại một lần nữa trong bối cảnh thực tạo nên bầu không khí bí ẩn, ảo ảnh, giả thật lẫn lộn hay tuyệt vời.

Khác với các tiểu thuyết khác như Tam Quốc, Thuỷ Hử diễn ra theo các chương, hồi, mô tả sự việc và hành động được dẫn dắt bởi lời nói của các nhân vật, còn Hồng lâu mộng lại được diễn đạt sự tự do, khó đoán, đi khỏi khuôn khổ, có nhiều tuyến nhân vật đa đạng và tạo nên sự đa thanh của các câu chuyện nhỏ diễn ra xung quanh sự việc chính.

Mình cho rằng cái hay bậc nhất mà Tào Tuyết Cần đem tới cho Hồng lâu mộng là đã dứt khỏi tư tưởng lễ giáo, vua tôi của Khổng và Mạnh Tử mà chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Trang Tử và đưa câu chuyện “Mộng hồ điệp” của Trang Tử tạo nên một không khí thật thật, giả giả trong Hồng lâu mộng – một bộ tiểu thuyết đan xen rất nhiều lúc thực, lúc ảo của các nhân vật làm người đọc cảm thấy thú vị với những ẩn ý sẽ trở thành hiện thực ở các chương tiếp theo.

Liệu Hồng lâu mộng có là tuyệt tác khi không được cao ngạc hoàn thành?

Thạch Đầu Ký – Hồng lâu mộng do Tào Tuyết Cần viết đã vận dụng tối đa nghệ thuật tưởng tượng, hư cấu rồi kết hợp với những câu chuyện có thật của chính gia tộc ông. Một gia tộc từng 4 lần đón tiếp Khang Hy tại nhà, nhưng đến đời Tào Tuyết Cần thì lại lụi bại và chính ông chết trong cảnh nghèo khó.

30 năm sau, thuận theo di cảo của Tào Tuyết Cần là muốn có ai đó thay mình hoàn thành Thạch Đầu ký, thì Cao Ngạc xuất hiện và viết tiếp 40 chương còn lại. Tất nhiên Cao ngạc cũng đã nghiên cứu bút pháp, cách triển khai và hiểu được những ẩn ý trong các chương đầu của Thạch Đầu ký và khép lại bộ truyện này dù cá nhân mình thấy khá miễn cưỡng và gượng ép trong vài tình tiết quan trọng. Chính ông cũng là người đổi tên Thạch đầu ký thành Hồng lâu mộng, cái tên nghe hay và phù hợp hơn. Đây là điều đáng khen của Cao Ngạc.

Nhưng bất cứ ai đã từng đọc trọn vẹn sẽ thấy sự cố gắng của Cao Ngạc không sao theo kịp tài năng của Tào Tuyết Cần. Ông thiếu cả hai quan trọng nhất của người đi trước là tính thật giả trong các tình tiết và không phải là người trong cuộc để hiểu về giàu sang, phú quý rồi lụt bại ê chề như Tào Tuyết Cần. Có thể nói rằng Cao Ngạc đã làm tốt khi viết được tính thật của Hồng lâu mộng chứ không thể tạo được cái giả, một cái đậm chất Trang Tử và Đạo gia của Tào Tuyết Cần.

Vì không tạo được cái “thái hư ảo cảnh” đó nên Cao Ngạc lại xoáy sâu vào sự hủ bại, độc ác, tham nhũng, bất nhân của con người và chế độ phong kiến cùng quy luật nhân quả gieo gì gặt đó. Điều này cộng với những chuyện tình duyên, dâm dục trong Hồng lâu mộng làm nó được biết đến nhiều hơn là tính hư hư thực thực là cái hay hơn người của Tào Tuyết Cần. Nhưng nói đi nói lại thì Cao Ngạc cũng đã đem tới cái kết dù bi thương nhưng vẫn có hậu cho Hồng lâu mộng và phù hợp với sự mong muốn của đa số người đọc

Cuối cùng, việc nhận định Hồng lâu mộng nên hay không hoàn thành thì là cái nhìn của mỗi cá nhân. Với mình thì việc đọc 80 chương do Tào Tuyết Cần viết mà đọc nốt 40 chương của Cao Ngạc tạo nên sự hụt hẫng không nhỏ khi cách Cao Ngạc xử lý chuyện tình tay ba của Bảo Ngọc, Đại Ngọc và Bảo Thoa quá dễ dàng và đơn giản.

Cái kết luôn cái hay nhất của một tiểu thuyết và sự độc nhất và xuyên suốt của nó tốt nhất nên chỉ để dành riêng cho chính tác giả. Giống như các tiểu thuyết chưa bao giờ hoàn thành của Franz Kafka, cái kết của nó vẫn là một bí ẩn nhưng mãi mãi vẫn thú vị đến tận bây giờ.

Một điểm thú vị khác

Khi đọc Hồng lâu mộng thì mình cực kì ngạc nhiên khi nhận ra nhiều điểm tương đồng giữa Dante Aghilieri và Tào Tuyết Cần. Cả hai đều bắt đầu viết Hồng lâu mộngThần Khúc trong những năm 30 tuổi, đều nghèo túng và nhiều nỗi nhục. Con số 3 luôn là con số cốt lõi trong tác phẩm, tính ẩn hiện nói về bản thân qua tác phẩm nhiều như trong Hồng lâu mộng Tào Tuyết Cần mượn lời của viên đá vá trời nói về mình rằng,

“…Tôi thiết tưởng những câu chuyện dã sử xưa nay đều được viết theo lối cũ, sao bằng chuyện của tôi không theo khuôn phép nào cơ chứ… từ xưa đến nay cả nghìn bộ kì thư đến theo một cách, không phải nhàm chán hay sao?”

Ngoài ra cả hai nhân vật nữ trong Thần Khúc là Beatrice và Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng đều là người thật. Thần Khúc có Địa ngục, Tĩnh thổ và Thiên Đường hoàn toàn là sự sáng tạo của Dante Alighieri dựa trên Kinh thánh, thần thoại Hy-La và những câu chuyện lịch sử của Châu Âu, thì Tào Tuyết Cần cũng có Thái hư ảo cảnh – một nơi cai quản những chuyện phong lưu, tình duyên, trai gái do Tiên cô làm chủ. Ngay ngoài cõi Thái hư ảo cảnh có khắc hai câu đối nhắn nhủ người đọc về sự siêu thực của nơi này.

“Giả bảo là chân, chân cũng là giả
Không làm ra có, có rồi không.”

Sau cùng, giống như tất cả các tác phẩm có sức nặng nhất trong văn chương thế giới đều được bán số lượng lớn, nhiều người biết đến nhưng để thấy cái hay của nó thì đòi hỏi nội lực và những kiến thức cần thiết để cảm nhận được sự tài năng của người viết ra. Hồng lâu mộng cũng vậy, khi đọc xong mình đã thấy may mắn khi vài năm trước đã lảng tránh đọc, nếu không thì cũng chẳng thẩm thấu được như bây giờ. Đây có thể sẽ là bộ tiểu thuyết hay nhất mình đọc trong năm nay.

Tác giả: Đức Nhân
Biên tập: THĐP

Ảnh: thereadersroom

💎 Xem thêm: [THĐP Books] “Bạn sẽ sống mấy lần?” và “Bạn không chỉ sống một lần”

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

5 BÌNH LUẬN

  1. 1 thằng công tử bột, phịch với n con sau đó chân đạp 2 thuyên, bị ép phịch em này ko cho phịch em kia . Đau luồn em kia chết nên ko phịch được , chứ còn sống là 3 some đấy . Quá chán nản , phịch bất thành nên đi tu hóa tình thánh . Mẹ harem thời phong kiến , hài vcl

  2. Tôi đọc Hồng lâu mộng từ năm học lớp 8 tới giờ vẫn còn đọc mà ko viết được một chữ về HLM. Rất hâm mộ bạn mới đọc thôi mà có bài viết dài vậy. Tôi thấy bạn nhầm chỗ mối quan hệ giữa Bảo Ngọc với Giả Kính và Khả Khanh rồi. Theo vai vế thì Giả Kính là bác họ của Bảo Ngọc chứ ko phải là ông của Bảo Ngọc, Khả Khanh là vợ của cháu họ chứ ko phải là vợ của anh họ Giả Bảo Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,930Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI