Giết con chim nhại (To kill a Mockingbird) là cuốn tuyển thuyết của Harper Lee. Đây là cuốn tiểu thuyết rất được ưa chuộng và là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ. Nó đã được dựng thành phim và dịch ra hơn bốn mươi thứ tiếng.
Đâu là lý do khiến tác phẩm này có nhiều thành tựu và có sức ảnh hưởng với thế giới đến vậy? Nội dung được truyền tải trong tác phẩm mang tính nhân văn cao, nói lên sự áp bức, nạn phân biệt chủng tộc rõ ràng và đau đớn.
Harper Lee đã xây dựng hình tượng người bố giống như một hạt cát trong sa mạc nhưng đức tính thì như một vì sao sáng ngời giữa trời đêm: lịch sự với mọi người, công tâm trong công việc và thấu hiểu con cái ở vị trí làm cha. Ông đứng lên và đòi công bằng cho lẽ phải, cho những người dân da đen bấp chấp việc mọi người gọi ông là “Kẻ yêu mọi đen.” Cái ông làm không chỉ là việc đòi quyền bình đẳng cho người da màu mà còn là sự thuyết phục thay đổi ý thức của người da trắng. Một số người da trắng họ biết rằng phân biệt chủng tộc là không đúng, nhưng họ cũng khó lòng thay đổi với những điều họ đã làm qua nhiều thế hệ.
Dù rằng cuộc chiến đơn thân độc mã của Atticus đã không giành chiến thắng nhưng có vẻ ông đã góp một phần lớn cho cuộc chiến diễn ra hàng thế kỉ này. Ngoài ra, Harper Lee cũng vô tình nêu lên một sự thật rằng chính người da trắng đã đứng lên đòi lại công bằng cho người da đen nhiều hơn cả những gì người da đen làm cho cộng đồng của họ.
Đối với riêng tôi, tôi vô cùng thích tác phẩm này bởi vì nó nhẹ nhàng. Mọi việc đều được nhìn từ ánh mắt của một bé gái 6 tuổi. Mọi việc khi được nhìn qua ánh mắt của một đứa trẻ đều rõ ràng và chân thực. Đôi khi những sự kiện nhỏ nhặt lại vô cùng rùng rợn, còn những sự kiện to lớn lại vô cùng đơn giản.
Theo tôi thành công của tác phẩm chính là ở chỗ khi đọc thì cảm thấy rất hứng khởi, yên vui. Hơn nửa đầu tác phẩm không hề đề cập gì đến những nội dung nặng nề. Dần dà đến gần cuối mới xuất hiện những chi tiết khá buồn.
Lời văn và cách xây dựng nhân vật của Harper Lee thật sự thành công và thú vị. Câu đối đáp sắc xảo của cô Maudie khiến người khác phải im họng:
“Stephanie Crawford nói với cô rằng có lần cô ấy thức dậy lúc nửa đêm thì thấy anh ta (Boo Radley) nhìn cô ấy qua cửa sổ. Cô hỏi rồi chị làm gì, Stephanie, nằm xích qua một bên giành chỗ cho anh ta hả?”
Tôi đã rất ấn tượng với đoạn thoại ấy và cảm thấy cần phải học hỏi lối nói móc như vậy (cười).
Và đoạn Atticus dạy bảo bọn trẻ khi chúng được tiếp xúc với một bà già nghiện morphine. Khi bà ta cố cai nó và chết thật thanh thản.
“Bố muốn con thấy một điều gì đó ở bà, bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì, thay vì có ý nghĩ rằng lòng can đảm là một người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó đến cùng dù có chuyện gì xảy ra.”
Đó cũng là cách Atticus bắt đầu phiên toà bảo vệ người da đen Tom Robinson. Anh biết rằng mình sẽ thua nhưng anh đã làm hết sức có thể cho dù kết quả là thất bại. Nó là sự thất bại trong phiên toà hôm đó, nhưng nó góp phần thành công cho nạn phân biệt chủng tộc về sau này.
Ở ngôi kể của Sount thì câu chuyện có vẻ đã nhẹ nhàng và phù hợp với các bạn nhỏ. Cô bé Sount khá cá tính, anh trai Jem và cậu bạn Dill vui nhộn đã cuốn hút tôi vào những câu chuyện của chúng. Tuy là những đứa trẻ trong sáng, song chúng cũng đã hiểu biết được đúng sai và biết đứng lên đấu tranh dù chỉ là những lời nói với bố.
Tôi rất thích những chi tiết nhỏ mà tác giả đã lồng vào mỗi đoạn: đều mang đầy tính nhân văn. Không cần nhiều những triết lý cao siêu, Giết con chim nhại đã hoàn toàn chinh phục được tôi. Hoàn toàn phù hợp với mọi lứa tuổi và là một cuốn sách đáng đọc.
Tác giả: Bà Năm