(1192 chữ, 4.5 phút đọc)
“Tao đi ăn cơm gà, khi gần đến những miếng cuối cùng tao nhìn thấy một con ruồi nằm trong đĩa cơm. Có thể trước khi nhìn thấy con ruồi này, tao đã nuốt một con khác rồi cũng nên, nó tên là ‘gián’ chẳng hạn. Tao đứng dậy đòi tiền mụ chủ quán vì phục vụ kém vệ sinh. Mụ ta nhăn nhó không chịu và bảo tao là tự bỏ ruồi vào phần cơm của mình để xin đểu chút tiền bữa trưa. À hay lắm, lũ ruồi ngu xuẩn và mụ bán cơm chết tiệt kia sẽ phải trả giá. Lũ mạt hạng gian manh. Quân ăn cướp khốn nạn. Tao giận kinh khủng, người tao đang nóng lên như hòn lửa. Ôi, tao đau quá, đau quá đi mất. Ai cứu với, chị cơm gà ơi, cô tiên xanh ơi!”
Khi cơn đau đổ ập đến với nhân vật xưng “tao”, đột nhiên có cô tiên màu xanh xuất hiện và bảo rằng: “Mày hãy chết đi!” Nghe vậy, “tao” sửng sốt gân cổ lên nói: “Sao cô lại rủa tao chết?” thì cô tiên mỉm cười lộ ra hàm răng trắng sáng mà bảo rằng: “Cái chết sẽ che chắn mày khỏi mọi nỗi đau.” Thế là nhân vật “tao” lại gào lên: “Đúng là thời mạt pháp. Tiên xanh là lũ mafia nhận tiền từ bọn ruồi bọ để hùa vào giết người. Ôi, tao giận quá, giận quá đi mất! Tao đau gấp mười lần lúc nãy rồi! Trời ơi cứu tao, nhầm, cứu con với!” Ngay lập tức, ông Trời lại hiện ra và dịu dàng nói: “Mày hãy chết đi!”
Thôi, tôi không kể tiếp nữa. Nhưng có thể nói trong phần câu chuyện trên, “tao” đã hiểu lầm mọi nhân vật xuất hiện với sự cứu chuộc là sự nguyền rủa, hiểu lầm cái chết là sự đau đớn nhất và hiểu lầm chính bản thân mình chỉ là một cái xác biết nói. Hắn không nhận ra rằng sức mạnh có thể chiến thắng mọi khổ đau đó là cái chết. Vì dòng chảy vô thường túm gáy mọi thứ, kể cả “tao.” Cô tiên bảo hắn chết tức là đang chỉ ra thứ thuốc để cứu rỗi hắn. Ngay tự khi sinh ra, hắn và mọi nỗi đau khổ đã nằm trong dòng chảy đó rồi. Và chỉ khi “tao” nhận ra quy luật sinh diệt – thật sự nhận ra chứ không phải bô bô nói trên cửa miệng là “nó sẽ qua, nó sẽ qua” – thì cơn giận dữ sẽ lụi tắt với khoảng cách càng lúc càng rút ngắn lại với điểm nó bung nở.
Nếu mỗi người ở trong hoàn cảnh đó, chỉ đơn thuần (không có nghĩa là đơn giản) ngồi lại giữa cơn bão táp, và lặng im thì sao? Dù thế giới bên trong chấn động, hun thúc dữ dội ta cũng không chạy đi đâu hết, không kêu cứu Trời Phật gì cả và lặng im đến lúc như thể chỉ còn có mỗi cơn cuồng phong xoay chuyển. Như tất cả mọi thứ khác trên đời, nó rồi cũng sẽ qua đi thôi, chẳng chóng thì chầy.
Mọi thứ đều qua đi, nếu không nói là đang chết đi. Cái sai lầm to lớn của con người là không nhận ra sự vô thường của vạn vật, đặc biệt trong đó có cả chính mình nên họ sẽ gặp đau đớn khi những thay đổi ập tới. Chúng như những tia sét giáng mạnh vào bức tường thành tư tưởng rằng một điều gì đó ở trước mắt là trường tồn. Hay cái mắt mình cũng trường tồn nốt vậy.
Một cuộc vui thú cũng có thời hạn. Một nỗi buồn khổ cũng chẳng kéo dài lâu. Một cuộc đấu tranh rồi cũng tới hồi kết thúc. Và bản thân mỗi người cũng không nằm yên cùng sự vĩnh cửu. Những thứ bên ngoài chính mình luôn dễ dàng quán chiếu hơn tự thân. Nhìn một bông hoa héo tàn, nhìn một chiếc lá vàng rơi, nhìn một cơn mưa trút xuống trong chiều tím đỏ. Nhưng có bao giờ, dù chỉ một lần thôi ta có thể tự nhìn mình đang tan rã, đang nhòe đi như những vệt đèn đường dưới trời mù sương? Trước kia ta chỉ chứng kiến cái chết của kẻ khác, ví dụ như con ruồi trong đĩa cơm gà nhưng chưa từng một lần thả mình vào cái chết, quăng “cái tôi” vào hố thẳm tan rã.
Tôi cho rằng không có nhiều người làm được điều đó hoặc có cơ hội để thực hiện vì họ không đủ cơ duyên, hoặc họ chưa từng đặt câu hỏi rằng sự tồn tại của bản thân liệu có là vĩnh cửu. Chính cảm giác về sự hiện diện của xác thân và định nghĩa về cái chết là việc trút hơi thở cuối cùng khiến kẻ đó không thể tự nhòe tan được và cho rằng cái chết là một thứ đáng sợ khủng khiếp nhất. Nhưng không, cái chết đang ôm ấp tất cả mọi thứ trong lòng nó. Vạn vật chuyển động về nơi diệt vong.
Chúng ta không cần phải làm gì để dập tắt một sự buồn phiền và cũng không thể làm gì để có thể giữ mãi một cơn hoan lạc. Vì dù có nhận ra hay không thì chúng vẫn luôn đi về điểm kết thúc. Nếu ta “làm” một điều gì đó thì hẳn rằng nó sẽ là thừa thãi hoặc quá sức. Khi nhận ra tất cả đều là giả tạm, ta không còn thèm khát những chén vui say, nên cũng sẽ không còn phải nếm mùi đau khổ. Đến đây, tôi lại nhớ tới câu nói của Samuel Johnson:
“Kẻ tự biến mình thành quái vật sẽ rũ bỏ được nỗi đau làm người.”
Những cơn đau lớn mạnh bởi việc người ta tự nuôi lớn chính mình, nuôi lớn thứ họ cho là chính mình. Các vấn đề xung quanh kẻ đó hút sinh lực từ họ mà trỗi dậy. Họ để chúng trải dàn ra khắp cõi và mọc lên vùn vụt như những tòa cao ốc. Và chúng lớn đến đâu thì khả năng sụp đổ lớn cùng đến đó. Khi khả năng sụp đổ không được nhìn thấy thì ở đó sẽ là chất chồng đau đớn.
Chỉ trong sự quy hàng, sức mạnh hùng vĩ mới trỗi dậy. Hay nói cách khác là chỉ khi chết đi thì mày mới được sống, như cô tiên xanh đã nói với nhân vật “tao.” Đó là một nghịch lý, một sự thách thức điên rồ nhất. Và hắn đã hiểu lời huyền nhiệm đó như một câu chửi rủa nên lại càng giãy giụa điên cuồng. Kết cục là “tao” được đắp chiếu vào chiều ngày hôm đó. Nguyên nhân dẫn đến cái chết được ghi lên mặt trước bia mộ là “Ngộ độc thực phẩm” và “Giận dữ quá liều.” Còn nguyên nhân được ghi ở mặt sau là “Còn sống.”
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: Pexels
📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2