26 C
Nha Trang
Thứ ba, 8 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nhân viên có cần cảm thông cho nỗi lòng của sếp?

Dạo gần đây tôi thường hồi tưởng đến khoảng thời gian vật lộn với công việc lúc trước, bâng quâng về mấy ông sếp đã mãi mãi bước lùi sau lưng. Bỗng nhận ra mình đã đi đoạn đường khá xa, sống đủ thêm những ngày non nớt, hiểu thấu hơn mọi sự của những con người tôi từng chua chát gọi bằng cái tên thân thương ”Sếp”.

“Sếp” – Đó là tên gọi mà chúng ta dành cho những kẻ đang ngồi trên đầu mình. Hắn ta thực ra chẳng ghê gớm gì, chỉ là khôn ngoan hơn chúng ta đôi phần, may mắn hơn, đôi khi chỉ vì lớn tuổi hơn…

Chúng ta luôn phải sống với công việc cùng sự tồn tại của kẻ mà chúng ta gọi là sếp. Cho phép hắn ta bước vào cuộc sống và làm nhốn nháo mọi sự mỗi ngày. Nhưng thực không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận. Thực ra thì bạn có thể viết đơn xin thôi việc để gạt phăng kẻ đó ra khỏi cuộc đời mình. Nhưng bạn lại không đủ dũng cảm. Vậy là cúi đầu chấp nhận cho kẻ ta đè đầu cưỡi cổ.

Phận làm nhân viên, bao giờ cũng ước mơ mình có một ông sếp đúng chuẩn sếp quốc dân: Yêu thương, tâm lý, lầy lội với nhân viên. Một ông sếp có thể quy phục và gấp người lại với nhân viên.

Nhưng trước khi muốn sáng tạo ra một ông sếp dịu dàng và luôn quy phục tinh thần, hãy nghĩ xem các bạn với tư cách một nhân viên đã đặt sếp của mình vào một căn phòng, rồi sơn quét lên đó bao nhiêu là rắc rối?

Sếp này còn trẻ, kinh nghiệm sống non nớt, miệng còn hôi sữa. Sếp lớn tuổi thì tư tưởng cổ hũ, già rồi nên tính tình đôi khi trái gió trở trời. Bao giờ sếp ra bài tập thì dạ dạ vâng vâng, vỗ ngực vươn vai em hiểu rồi thưa sếp. Đến hôm trả bài thì ngớ người ra nói một đằng làm một nẻo.

Khi sếp nói thì trịnh trọng nghiêm nghị, ai ngờ đâu nghe tai này lọt tai kia. Vừa đẩy cửa bước ra, uống một tách cà phê, tán gẫu với đồng nghiệp vài câu là bao nhiêu lời sếp tan tành mây khói. Não được tẩy sạch tất cả bằng cụm từ: “Dạ, em quên.”

Bao giờ cũng có mười vạn lý do biện minh: Sáng nay kẹt xe giữa đại lộ nên em đến muộn. Con em ốm nên hôm nay xin phép cho em về sớm… Chuông báo tan ca chưa kịp reo đã xếp gọn giấy tờ, áo quần chỉn chu, cặp xách trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị, chỉ đợi chuông reo là phắn. Hiệu suất làm việc chẳng được bao nhiêu mà lúc nào cũng đòi hỏi tiền cho vào phong bì phải thật nhiều. Tự ý cài đặt cho sếp là bách khoa toàn thư, có việc gì cũng “ Alô, sếp à…”

Nhức đầu với anh nhân viên không bao giờ có ý chí trách nhiệm làm việc, giao trọng trách nào cũng làm mất nhiều thời gian lui tới. Mấy anh này sống lầy lội, suốt ngày bị khiển trách đâm ra thành thói quen. Chứ động phải anh nào đi du học bên nước ngoài, từng làm ở những nơi có quy mô lớn hơn. Kiểu nhân viên này cứ nói vài ba câu là tinh thần tự ái sôi trào sùng sục trong lồng ngực.

Người ta làm sếp, cuối tháng tiền chuyển vào tài khoản nườm nượp. Tên nhân viên què như mình chưa bằng một góc nên cứ tà tà mà đến nơi làm việc qua ngày. Lo lắng gì cho tội cái thân.

Rồi cái kiểu tụ tập tụm năm tụm ba nói xấu sếp rồi cười hô hố. Sếp thì cứ luôn phải đơn độc trong khi nhân viên lúc nào cũng quy mô đám đông. Cứ anh nói gà chị nói vịt thì dù có chỉ số IQ cao ngất ngưỡng sếp cũng khó lòng nhớ nổi. Vậy mà chẳng chịu cảm thông, trách sếp lú lẫn, sếp không chịu lắng nghe.

Nhân viên chỉ cần làm hài lòng một ông sếp là đủ, trong khi một ông sếp luôn gánh vác trách nhiệm với bao nhiêu nhân viên? Bao giờ cũng tồn tại những nhân viên thiếu năng lực, lại ngoan cố, nhưng cho lời khuyên góp ý xây dựng tinh thần thì lại tỏ ra bất mãn, dọa dẫm nghỉ việc.

Có không ít hài hước xoay vần quanh chuyện sếp và nhân viên. Nếu bạn là nhân viên, bạn có lý do để biện minh cho tất cả sự bất mãn của mình, tất nhiên bạn luôn luôn đúng bởi bạn có đồng minh. Những đồng minh thân cận có cùng chung ý chí căm thù với bạn. Tuy nhiên, bạn có nghĩ rằng không phải sếp là mối nguy hiểm. Tất cả những gì bạn đang được hưởng trọn từ sếp chỉ là kết quả tất yếu từ hành động, thái độ làm việc của bạn?

Theo bạn, làm một kẻ chỉ huy liệu có khó khăn hơn làm một kẻ chỉ cần phải vâng phục? Kẻ chỉ huy hay kẻ vâng phục sẽ là người mang gánh nặng hơn? Cái này tôi biết, kẻ chỉ huy bao giờ cũng phải mang vác luôn cả phần của kẻ vâng phục. Đã thế thì kẻ nào giữa sếp và nhân viên dễ dàng bị đè bẹp hơn?

Khi tự ban lệnh chỉ huy cho nhân viên, thì ngay tự thân sếp đã phải đặt cược tính mạng của mình vào trong mệnh lệnh đó. Bạn nghĩ rằng đó chỉ là câu chuyện riêng bạn?

Sếp dù ở cấp độ nào thì cũng chỉ là nhân viên mà thôi. Họ cũng có những vấn đề và vướng mắc từ cấp trên ban xuống. Cấp bậc càng cao, trách nhiệm lại càng lớn. Bởi phải mang vác cồng kềnh thêm trách nhiệm của đám đàn em đang ngồi gác chân phe phẩy nói xấu họ. Vậy mà chẳng có nổi lấy một thằng đồng minh để uống cho say quên hết mọi sự. Kẻ làm sếp tính ra chẳng phải là kẻ cô đơn nhất hành tinh?

Vậy nên phận làm nhân viên, có phải đôi khi bạn cũng phải cảm thông cho sếp?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: markusspiske

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,840Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI