27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Mình sẽ không để cho con cái học theo hệ thống giáo dục Việt Nam

Trước khi viết bài này có một điều chắc chắn là mình sẽ không để cho con cái mình học theo hệ thống giáo dục của Việt Nam. Thậm chí là không cho con đi học cấp 1,2,3 và đại học như thông thường. Nhưng mình vẫn tự tin khẳng định rằng con của mình sẽ tài năng hơn bố mẹ nó rất nhiều vì ít nhất nó được thừa hưởng những tố chất từ bố mẹ và định hướng được giáo dục khác đi ngay từ nhỏ.

Truyền Thống

Nhà nước sinh ra hệ thống các trường cấp 1,2,3 và đại học, phụ huynh nghĩ rằng đó là giáo dục tốt nhất và con em chúng ta bị nhồi nhét vào đó học như một bổn phận hiển nhiên. Rồi mọi sự đánh giá năng lực dựa trên điểm số và thế là cái mục tiêu học điểm, chạy điểm, mua điểm xuất hiện ở con em như là mục tiêu trong cuộc sống để luôn giữ hình ảnh là con ngoan con giỏi trong mắt bố mẹ. Các bậc phụ huynh cũng sinh ra cái tính thể hiện sĩ diện với phụ huynh khác nên chỉ còn cách duy nhất bắt con em mình học hành tử tế, thậm chí là nhồi nhét tư tưởng vào con cái học hành là tất cả, là cuộc sống ổn định là tương lai sáng lạn.

Trong quá trình học tiếng anh tôi có biết tới một câu chuyện thế này. Một cô gái ngoan tên là “Thảo Hương” (tên nhân vật thay đổi theo cách mà tôi muốn đặt), tất nhiên là cô gái rất hiếu thảo luôn tuân theo các nguyên tắc của bố mẹ và hiển nhiên bố mẹ cô luôn tự hào vì trên trường cô toàn đặt điểm A, không B không C, D hay F. Khi ra trường cô có một công việc ổn định với số tiền đủ sống và cô là một nhân viên tốt, một nhân viên luôn tuân theo các quy tắc trong của cty. Nhưng tới một ngày chuyện không may xảy ra cô bị sa thải, cô đã rất sốc và liền chạy ngay tới chỗ ông chủ của mình để hỏi vấn đề. Ông chủ đã nói thế này “Thảo Hương, cô là một nhân viên tốt nhưng cô không để lại dấu ấn gì, không có gì đặc biệt, không một chút thú vị còn chúng tôi phải cắt giảm chi phí.” Thảo Hương đã khóc thật nhiều, đã tự dằn vặt bản thân, cô không hiểu chuyện gì đã xảy ra, đã có vấn đề gì với mình…

Quay lại cuộc sống sinh viên chắc không cần nói thì các bạn đã trải qua đủ hiểu nó như thế nào rồi nhỉ, những ngày giống nhau, môi trường cũ, con người cũ, ngôi trường cũ…Đa phần nghĩ rằng chúng ta được học đại học đã hơn rất nhiều bạn bè cùng trang lứa ở quê, đã là câu chuyện của bố mẹ kể để tự hào. Rồi họ mơ tưởng hão huyền rằng mình sẽ có một công việc ổn định như tư tưởng của bố mẹ để ngày ngày họ thoải mái với việc đến trường chém gió và về nhà online, thoải mái với việc học điểm và thế là tất cả không làm thêm không giao du bên ngoài không có những kỹ năng sống thật sự cần thiết và tất nhiên họ luôn ăn bám vào bố mẹ một cách hiển nhiên. Nhưng tiếc rằng cái xã hội các bạn đang sống không phải là cái thế giới bố mẹ các bạn ấy đang ở… Còn thực tế thì chỉ có những bạn ra trường rồi mới hiểu thế nào là ngộ nhận, là lầm tưởng là khắc nhiệt là vấn đề cơm áo gạo tiền và mưu sinh.

Phải nói tới cái việc to nhất và khiến sinh viên mệt mỏi nhất là mùa thi: Khắp nơi nơi từ facebook tới tin nhắn đều thấy kêu ca thi cử. Để hi vọng mình có thể qua kì thi, điểm cao, phẩy cao thế là hoách lắm với bạn bè. Cái sứ mệnh lớn nhất của họ là vượt qua những kì thi, là bằng khá giỏi này nọ. Để cuộc sống của mình vui buồn phụ thuộc vào kết quả học hành. Học để thi điểm cao khác hẳn với việc học để kiếm được một công việc ngon lành đấy. Còn sự thật về cái xã hội bạn đang sống thì bị thờ ơ một cách mơ hồ mà thay vào đó là vấn đề thi cử chiếm hết tâm trí bạn rồi. Muốn thể hiện năng lực của mình thì đừng vào làm nhà nước các bạn ạ, còn muốn vào làm nhà nước thì mới học vì điểm.

Gần đây tôi có tâm sự với một bạn trên tôi 1 tuổi về vấn đề sinh viên sau khi ra trường. Tôi thực sự rất buồn về cuộc sống chật vật mưu sinh trên đất Hà Nội 1,2 năm đầu ra trường của sinh viên. Lúc đầu ai cũng hứng khởi tìm việc với hi vọng có thể bám trụ ở đất Hà Nội. Nhưng sau 2 năm thì họ thật sự không chịu nổi cảnh khác nhiệt ở thế giới thực nơi mà bằng giỏi không phải là tấm thẻ bảo đảm sự an toàn. Có nhiều bạn bằng giỏi cũng không thể trụ nổi rồi họ cũng về quê làm nhà nước từ bỏ bao ước mơ và hoài bão lớn, rồi lập gia đình và hai chữ ‘’ ổn định’’ được họ tôn sùng.

Tại sao mình vẫn còn ăn bám vào bố mẹ? Tại sao mình vẫn phải sống mãi như thế này?

Một số bạn sinh viên đã thực sự hỏi mình như thế sau bao chán trường với sự học với cuộc sống bế tắc.

Có phải vì rào cản gia đình quá lớn, các bạn sợ bố mẹ thất vọng sợ hành động đi ngược với sự kì vọng của bố mẹ với lề lối thông thường.

Hay các bạn sợ mình không có điểm chung với bạn bè? Sợ bị soi mói sợ học hành điểm kém bị các bạn coi thường…

Sinh viên chúng ta bị ảnh hưởng nặng bởi tư tưởng của bố mẹ, họ sống và làm theo tư tưởng đó. Thậm chí là học trường nào cũng do bố mẹ chọn mà quên đi rằng bố mẹ có sống hộ chúng ta đâu. Để rồi ngày ngày chăm chỉ học hành và cũng mong muốn một cách mong manh rằng rồi sẽ có một công việc ổn định sau khi ra trường như y cái suy nghĩ của bố mẹ tạo ra cho mình…cuộc sống của sinh viên cứ mãi tiếp tục theo dòng chảy tư tưởng của bố mẹ…để rồi cuộc sống khó khăn hơn những gì họ nghĩ.

Bạn có dám khác biệt?

Ở một thế giới khác, nơi những con người năng động hơn, họ biết suy nghĩ của số đông, kết quả của số đông nên họ nghĩ khác đi một chút. Là sinh viên chúng ta lớn rồi, qua cái tuổi 18 là có thể tự lập được rồi tại sao vẫn đợi chờ hàng tháng tiền gửi từ bố mẹ. Hay họ có thể nghĩ xa hơn là dù thế nào chúng ta ra trường cũng đi làm tại sao không đi từ bây giờ để sau này ra trường không bị bỡ ngỡ? Và họ đã đi làm với 2 mục đích đó. Và chí ít thì họ cũng có một cái gì đó hơn là không làm gì. Có trải nghiệm, có làm vẫn có hơn.

Những chuyện tất yếu xảy ra

Bạn sẽ làm gì khi bố mẹ phát hiện bạn đi làm thêm và sao nhãng việc học hành ? Một số người quay đầu lại cái vỏ bọc an toàn, một số người vẫn tiếp tục bước tiếp và hơn ai hết họ hiểu được cuộc sống muốn gì cần gì và hiểu bản thân mình cần phải làm gì…

Học ở trên trường không thôi không đảm bảo cho bạn có một cuộc sống thoải mái, thực tế là hàng năm sinh viên ra trường thất nghiệp , nhiều bạn chấp nhận làm với mức lương bèo bọt với công việc đơn giản tới mức học sinh cấp 2 cũng có thể làm được. Nó không đồng nghĩa với việc không cần phải học đại học, bởi không học bạn sẽ làm gì? bạn có dám đánh đổi. Bạn có hiểu được mình và con đường đi trước mắt một cách rõ ràng?

Vậy sinh viên chúng ta nên làm gì ?

Ai cũng biết rằng là nên ra ngoài trải nghiệm, tìm một công việc để làm nhưng chỉ bấy nhiêu thôi không đủ để bạn trưởng thành không đủ mạnh để không bị thổi bay trong cái xã hội luôn có sự đào thải hàng ngày này. Có khi nào bạn đã tham gia làm ngoài rồi, học hành không tốt rồi bạn trở nên chán nản? vì chả làm được quái gì ra hồn? Và nếu quay lại học hành chỉ biết học thôi liệu bản có không khỏi chán nản? Có khi nào bạn nghĩ làm thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn?

Thế nào là sống khác đi?

Là cá tính và trở nên khác biệt? Là làm những việc không giống ai, không cần phải để ý đến ai và trở nên quái dị trong mắt bạn bè? không phải vậy các bạn ạ. Muốn sống khác đi để tạo sự khác biệt thì bạn phải thật sự hiểu đám đông đang nghĩ gì, làm gì và đừng làm giống họ.

Mình không thích ăn sẵn, thích tìm tòi khám phá và mình mong bạn cũng vậy bởi chả có ai có thể trả lời chính xác cho câu hỏi của bạn hiện tại ngoài chính bạn, vì vậy các bạn đừng hi vọng mình sẽ chỉ cho các bạn chi tiết bạn phải làm gì.

Mình cần các bạn dùng cái đầu để nghĩ để hiểu mặt sự thật về cái xã hội nơi các bạn đang sống, một khi hiểu được nó bạn sẽ tự biết mình phải làm gì. Mình chỉ mong rằng bạn:

Đừng đi vào vết xe đổ của đa số sinh viên Việt Nam sau khi ra trường: thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng giao tiếp và mù tịt tiếng anh.

Đừng để người khác nghĩ bạn là một con gà có mỗi một cái tấm bằng đại học để thể hiện giá trị.

Đừng sống cuộc đời của người khác, hay cuộc đời bố mẹ tự vạch ra cho mình vì mỗi chúng ta may mắn và công bằng là ai cũng có một cuộc sống riêng để kiểm soát và sống theo cách mình muốn.

Đừng tin tưởng vào bất cứ điều gì cho tới khi bạn thực sự nhìn thấy, nghe thấy, động và chạm được vào nó. Thứ duy nhất bạn có thể tin tưởng là chính bản thân mình.

Đừng bao giờ lãng phí tài năng của mình, hãy hành động để khai phá nó và bạn giỏi hơn những gì bạn nghĩ.

Và Cuối cùng đừng có lười mãi nữa, nhấc mông lên và làm thôi 😀

 

Phương Bùi

*Featured image: Laceupyourshoes

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. con người hầu như đều sống cho sự kì vọng , tư tưởng của xã hội nên mới như vậy . Nếu ai cũng có thể sống theo những mong muốn của mình thì mọi chuyện sẽ khác đi . Tất nhiên sống chỉ theo mong muốn là ích kỉ , chưa sống cho những gì mình cần nhưng sẽ thoải mái hơn rất nhiều 😀

  2. Thực trạng sinh viên Việt Nam sau khi ra trường: Thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng giao tiếp và mù tịt tiếng Anh. Bạn nói không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng, không phải là tất cả. Hãy nhìn thật kỹ các bạn trẻ này xem, họ có thể không được trang bị đầy đủ nhưng họ không đổ lỗi cho hệ thống giáo dục. Ngược lại, họ dám đương đầu với thực tế, họ đang tự hoàn thiện mình, tự tìm dấu ấn riêng cho mình và đang dần trưởng thành. Hãy nhìn thật kỹ những bạn trẻ này, bạn sẽ thấy cá tính và nhiệt huyết tuổi trẻ của họ, bạn sẽ thấy tài năng và sự nổi loạn của họ. Chính họ là những người sẽ mang sự tươi mới đến cho giáo dục 🙂

  3. mình trích dẫn giúp bạn nhé "con của mình sẽ tài năng hơn bố mẹ nó rất nhiều vì ít nhất nó được thừa hưởng những tố chất từ bố mẹ và định hướng được giáo dục khác đi ngay từ nhỏ.". Bạn có thấy khác nhau?

  4. Trên thì bạn đề cập chuyện ăn bám. Sau thì lại nhắc nhở bản thân học phải để kiếm điểm. Bạn cho mình mối liên hệ của 2 điều này với. làm rõ được thì k cần phải "cố gắng" đâu ^^

  5. Cảm ơn bạn.
    Triết học đường phố mà, phải hầm bà lằng cảm xúc, nhận định thế này mới là nó chứ, Trần Lê Minh ( tên giống mình) ạ, ý phản biện của bạn mình hiểu và chia sẻ nhưng mà trình bày của bạn cũng hầm bà lằng kiểu THĐP đó.

  6. " COn của mình sẽ tài năng hơn bố mẹ nó rất nhiều vì nó được thừa hưởng những tố chất của bố mẹ ". Hài hước vl, bạn nghĩ tất cả 100% những cái tốt của bố mẹ đều dồn vào con cái ak??? :v :v :v

  7. Kết cái tiêu đề và câu cuối cùng. Mình sẽ không cho con mình đi theo con đường mà mình đã đi, con đường giáo dục tại hệ thống giáo dục hiện tại. Nói như thế không phải là vô ơn đối với hệ thống đã giáo dục mình có hiểu biết và nhận thức như thế này nhưng: Chính sự tìm tòi bên ngoài đã cho mình nhận thức được rằng, học theo hệ thống này là thiếu nhiều thứ cần thiết và thừa những thứ không cần thiết. Mình đã từng lấy việc học giỏi làm mục tiêu, lấy việc đứng đầu lớp làm sĩ diện, đau đớn khi bị nằm ngoài top. Áp lực và áp lực, là áp lực của thi cử và áp lực từ gia đình rằng mày phải học giỏi để tao được mở mày mở mặt với họ hàng bà con.

  8. Không biết tác giả có đọc được không, nhưng mong là bạn đọc được. Tôi muốn hỏi bạn một câu thế này, bạn có lời khuyên nào cho nghành giáo dục nước ta không, mình biết là bạn rất bức xúc nhưng có vẻ như bạn cũng như bao nhiêu người việt nam khác có vẻ như đang cố tìm kiếm một cái gì đó để đổ lỗi, và gần nhất vẫn là chính phủ, hay hệ thống quản lý, giáo dục.
    Dường như 2 từ nhà nước đã trở thành thứ gì đó ám ảnh mọi người vậy. Bạn thử nghĩ xem nếu bê nguyên hệ thống giáo dục của một nước nào đó áp dụng cho việt nam đi, nhưng vẫn những con người đó, cô giáo, phụ huynh, học sinh, thì mọi chuyện vẫn sẽ vậy thôi. Vậy lỗi do ai, do chính con người. Bản tính con người vẫn vậy, nhất là người việt nam, thích trốn chạy, khi gặp vấn đề vẫn là tìm một lí do gì đó, đặc biệt là cố tìm cho ra một đối thủ khủng khiếp nào đó như nhà nước chẳng hạn, ôi giời ơi cả nước như vậy làm sao mà thay đổi. Tôi chắc là các bạn, những thanh niên yêu nước, được đào tạo bài bản, vẫn ngày ngày chỉ trích cái xã hội mà bạn đã và đang sống, chưa một lần gặp mặt đại biểu quốc hội, hay gửi email những suy nghĩ của mình cho chính phủ, có lẽ chỉ có các bác cựu chiến binh là năng nổ nhất, vậy sao còn trách đất nước lạc hậu khi tất cả ý kiến đều do lớp già những người mà các bạn nói là cổ hủ nêu kiến nghị, các bạn vẫn cố trốn chạy cái xã hội này, đã bao giờ bạn thử thay đổi nó chưa.Và tôi chắc bạn chưa thực sự hiểu xã hội này, nếu hiểu nó bạn sẽ chẳng bao giờ chỉ trích.
    Bạn nói rằng bạn sẽ cho con bạn học một trong một môi trường nào đó, không phải việt nam, tôi thực sự thấy một điều bạn quá vô trách nhiệm khi dường như bạn đặt hết trách nhiệm nuôi dạy cho nhà trường, rằng cho nó đi học trường quốc tế là chắc chắn nó sẽ tốt thôi. Tôi nghĩ rằng, bạn, rõ ràng bạn là người hiểu rỗ thực tế phải không, và mình cũng khuyên bạn nên dùng cái đầu để suy nghĩ, tìm ra nguyên nhân chính, tìm ra những khuyết điểm để mà khắc phục chứ đừng cố trốn chạy. Bạn có tiền bạn cho con bạn du học, bạn cho con bạn hoc trường quốc tế, và định cư ở nước ngoài. Rồi ở một nơi xa xăm nào đó, bạn reo rắc những tư tưởng bất mãn về thứ kẻ thù bạn từng chạy trốn ấy (nhà nước), và những người còn lại không thể trốn đi đâu bắt đầu rối loạn, tự cắn xé lẫn nhau, và ở nơi phương xa ấy, bạn lại hả hê rằng may mà mình trốn sớm. Lỗi vẫn chẳng bao giờ thuộc về các bạn. Nếu đã hiểu rõ xã hội này, đừng bao giờ ruồng bỏ nó, nhất là khi nó là nơi trôn rau cắt rốn.
    Tôi không phải chỉ trích bạn đâu, tôi chỉ muốn dùng lời văn nặng nề một chút, cho dễ nhớ, chỉ vì bạn vẫn chỉ là một người trốn chạy, và dùng tính cá nhân của mình để cảm nhận, nó chỉ đúng một nửa, một nửa mà tất cả mọi người ai cũng biết, nhưng chẳng ai nói ra, vì sợ, sợ kẻ thù to lớn nhà nước. Còn một nửa nữa bạn nên biết, bạn sợ phải chỉ trích bố mẹ bạn, những người mà bạn kính trọng, vì vậy bạn đổ lỗi cho nhà nước. Hãy nhớ bạn, bố mẹ bạn, chính là cái xã hội mà bạn nói tới.
    Còn một điều nữa mình muốn nói, bạn nói rằng đừng sống cuộc sống của người khác, đừng để người ta ảnh hưởng nhưng rồi bạn lại để những lời của người ta bảo bạn là gà tác động, có mâu thuẫn quá không, đây chính là thứ mà quá nhiều người mắc phải, để cảm xúc lấn át hết lí trí. Tôi nghĩ sinh viên đi làm thêm không phải là để tăng kinh nghiệm, hay kĩ năng giao tiếp, cũng không phải thứ để khoe mẽ rằng ui tao vừa học vừa làm nè, bạn không thể làm bồi bàn để tăng kinh nghiệm giao tiếp, hay là kinh nghiệm công việc cho sinh viên ngành kinh tế hay điện được phải không. Hãy làm thêm đơn giản như nó là một niềm vui của việc cầm trong tay đồng tiền mình làm ra, thậm chí yêu công việc sau này mình có được, nếu bạn đã có đủ niềm vui không cần phải làm thêm. Mọi người thường cố đi tìm những thứ mình còn thiếu bằng cách nhìn những người xung quanh đạt được nó như thế nào, nhưng liệu bao nhiêu phần trăm sinh viên đã đạt được hiệu quả qua cách làm ấy, bạn biết không, thay vì làm theo những gì ngta vẫn bảo, thì nên hiểu rõ chính mình thì mới tìm được cách hiệu quả nhất.
    Còn nhiều điều muốn nói lắm nhưng mà có vẻ dài quá rồi. Mình xin dừng tại đây ạ.

  9. mình luôn suy nghĩ rất nhiều về chuyện nhận tiền hàng tháng của bố mẹ, mỗi lần về quê mẹ gửi tiền ra ở mình thật sự thấy rất buồn, mình từng này tuổi rồi mà cũng còn ăn bám bố mẹ. Cũng từng dạy kèm, linh tinh, nhưng ít ỏi quá. Nhưng mình cũng đang cố gắng làm những gì có thể, lâu nay đã tự mình bỏ quên triết lý học tập của mình, hơi khác biệt nhưng đó là cái mình muốn, học để hiểu biết, không phải để kiếm điểm. Cố gắng thôi!

  10. mình hiểu ý của tác giả trong bài viết này nhưng có lẽ nó còn hơi lan man và không liên quan tới tiêu đề.Dù sao cũng cám ơn tác giả vì những lời khuyên bổ ích 😛

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI