27 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Lucy và những ấn tượng châu Phi

Lần đầu tiên tôi nói chuyện nghiêm chỉnh với một người Phi là vào năm 2000. Đó là một người đàn ông đứng tuổi từ Nigeria. Chúng tôi cùng nhau nhấm nháp rượu vang trong một quán bar trên đỉnh toà nhà World Trade Center với mấy người bạn. Cùng nhau đến chúc mừng vài người đồng hương nhân lễ tốt nghiệp chương trình sau đại học của họ tại Mỹ, tôi và anh làm quen và nói vài câu chuyện xã giao như người ta thường làm vào những dịp như thế. Rồi tôi hỏi về quê hương của anh. Là một bác sĩ tu nghiệp nhiều năm ở ngoại quốc, anh kể về đất nước mình với chút tự hào. Anh nói nước anh xuất khẩu nhiều thứ lắm, nổi tiếng về những món như hồ tiêu, cà phê, ca cao, và cả nikel nữa – một kim loại đáng giá…

Chế tác kim cương

Thế rồi vào một ngày nóng như rang ở miền nam Ấn Độ quãng năm 2001, sau khi đã kết thúc các phiên họp liên miên, tôi cùng nhiều đồng nghiệp thảo luận về liên kết hợp tác giữa các châu lục. Rồi họ nói, trong kỳ đại hội tới đây tổ chức ở Phi châu, chủ yếu chỉ là mạng lưới các nước Phi châu tham dự, nhưng cũng muốn mời thêm vài đại diện từ Á châu. Rồi họ ngỏ lời mời tôi tham gia. Và thế là lần đầu tiên tôi xách vali sang Phi châu, không lâu sau đó. Không biết là may, hay là không may, mà chuyến đi “thực tế” tới Phi châu đầu tiên trong đời đó, tôi lại đặt chân vào “Âu châu” giữa lòng Phi châu – như cách người ta thường gọi nước Nam Phi. Quả thực tôi không có ấn tượng là mình đang thăm lục địa đen là mấy. Thành phố Pretoria nơi tôi họp là một trung tâm hành chính đẹp và qui củ vào bậc nhất Phi châu. Và vì không có nhiều thời gian ngoài các phiên họp liên miên để đi thăm thú, những ấn tượng của tôi chỉ là những khách sạn sang trọng, những đại lộ rợp bóng cây, các khu ngoại giao đoàn ngăn nắp và mang dáng dấp Âu châu tuyệt đẹp cộng với bầu không khí mát mẻ dễ chịu. Ngay cả thực đơn, các phiên giải lao với trà kiểu Anh quốc, những phục vụ khách sạn là người da trắng, nói Anh ngữ lưu loát cũng gợi nhớ về cựu lục địa. Không thể tìm thấy một lục địa đen thực sự nơi đây. Chưa kể, trước lúc về tôi ghé thăm Johannesburg và choáng ngợp vì chuỗi các cửa hàng kim cương – món sản phẩm đặc trưng của Nam Phi –  dễ tạo ấn tượng về một đất nước giàu có và xa xỉ.

Table Mountain

Sau đó ít năm, tôi lại có dịp quay lại Phi châu lần thứ hai, cũng lại là Nam Phi. May sao, chuyến đi này dài hơn, và có nhiều hoạt động đa dạng trong suốt lịch trình xuyên qua vài thành phố… Tới Durban, tôi có dịp thăm thú vài nơi, và lưu trú tại Mtubatuba không xa thành phố lắm, nhưng cho tôi những trải nghiệm của nông thôn Phi châu lần đầu tiên. Tôi theo những nhân viên y tế cộng đồng ở đây tới nhà dân, quan sát họ lấy máu, xét nghiệm, triển khai các dự án chăm sóc y tế dài hơi ở nơi này… Những nếp nhà đặc trưng của người dân, nom xa xa hơi giống hình dạng những nụn rơm ở các vùng nông thôn Việt Nam. Những em bé với nước da nâu bóng láng, cặp mắt to tròn… Những phòng tư vấn sức khoẻ tình dục cho thanh thiếu niên, thô sơ và giản dị, nhưng đã chứng tỏ hiệu quả của nó. Và tôi cũng có dịp thưởng ngoạn thêm nhiều thắng cảnh của Nam Phi. Rời Durban, tôi bay tới Cape Town và choáng ngợp bởi cảnh sắc hài hoà và bầu không khí đậm màu sắc của biển. Con đường trải nhựa phẳng lì cho phép chúng tôi đi rất nhanh và từ trên cao có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố với cảng biển tấp nập.

nông thôn Nam Phi
Nông thôn Nam Phi

Xa xa chính là hòn đảo lịch sử, nơi Nelson Mandela từng bị giam cầm ngót ba mươi năm. Từ Cape Town phóng xe xuống phía tây nam, không bao lâu là tới được Mũi Hảo vọng (Cape of Good Hope) – điểm tận cùng phía nam nhất của lục địa Phi châu, giao thoa của Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Hít thở bầu không khí biển mát rượi, tôi chỉ thấy một màu xanh biếc đằng xa, hiển nhiên không sao phân biệt được đâu là nước biển của đại dương nào trong hai cái tên đó, bởi chỉ có con người gọi chúng như thế, đâu có lằn ranh nào, tất cả chỉ là biển cả. Có lẽ Cape Town là một thành phố không ai đã tới mà không muốn quay lại. Không đồ sộ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp và thân thiện. Tôi cũng có dịp lên tàu chạy ra biển chơi, ngắm những con hải cẩu nô đùa trên những mỏm đá tít xa ngoài đảo, rồi lên điểm quan sát toàn thành phố từ trên cao, ngắm ngọn núi Bàn (Table mountain) kỳ vĩ, thăm các xưởng chế tác kim cương, và nhất là nếm… nước hoa quả tươi. Trong đời tôi, cho tới tận bây giờ, phải nói thật là chưa từng ở đâu trong những nơi tôi đặt chân tới có món nước quả tươi ngon đến thế. Người ta chế biến hoa quả, ép chúng thành nước ngay trong xưởng cho chúng tôi xem và rót ngay ra uống. Không bao giờ tôi quên được hương vị đó. Và phải kể đến một thứ tuyệt hảo nữa ở Nam Phi – rượu vang. Đó là một trong những chất rượu ngon nhất tôi từng được nếm. La cà ở Cape Town, chúng tôi cũng thử lùng tìm quán cơm Việt Nam. Và thật là tình cờ, giữa Cape Town có một quán ăn như thế. Từ ngay đằng xa có thể nhận ra quán này, bởi người ta treo đầy các lá cờ đỏ với hình ngôi sao vàng chính giữa. Chủ quán là một anh chàng bệ vệ người… Đức. Anh ta từng sống vài năm ở Việt Nam, rồi đâm ra mê luôn ẩm thực Việt, và khi quay sang Nam Phi, anh chiêu mộ một đầu bếp Việt cứng tay đưa sang đây mở quán ăn Việt. Chính vì thế chúng tôi mới có dịp ăn vài tô phở bò ở ngay điểm cực nam của Phi châu ngày hôm đó.

Maputo

Chuyến thăm viếng Phi châu lần thứ ba của tôi là thủ đô Maputo của Mozambique. Chuyến đi ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để tôi nhận thấy những tương phản của các tầng lớp xã hội người Phi. Mozambique là một quốc gia không quá xa Nam Phi, nhưng lại mang trong mình một lịch sử hoàn toàn khác. Và chỉ có một vài góc trong thành phố là sạch, đẹp và sang trọng, phần lớn là các khu phố nghèo. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi đi dạo qua các khu phố mang tên Lenin, Karl Marx, v.v. Lịch sử đất nước này có một giai đoạn thân cộng sản mạnh mẽ. Nhưng những gì còn lại ngày nay không phải là một thiên đường cộng sản như người ta mong muốn. Theo tôi về nước là ba ấn tượng nhỏ nhoi: một vài bức tượng gỗ Phi châu tuyệt đẹp – những hình người cao cao, mảnh mai, tạc bằng một thứ gỗ đen như gỗ mun; những cuộc thảo luận và sự khác biệt rõ ràng giữa những nước trên cùng châu lục này; và hương vị nước quả đóng hộp tôi mua của một quán nhỏ ven phố. Các đồng nghiệp Phi châu của tôi có xuất xứ từ những quốc gia vốn từng là thuộc địa của người Pháp, người Anh, người Bồ Đào Nha, rồi thậm chí cả người Bỉ, v.v. Và sự chia cắt đó còn để lại hệ luỵ dai dẳng tới tận bây giờ. Họ nói tiếng chính thống khác nhau: nhiều nước Đông Phi dùng Anh ngữ, người Tây phi phần nhiều dùng Pháp ngữ, Mozambique và vài nước khác lại nói tiếng Bồ Đào Nha. Nhưng không chỉ có vậy, sự cát cứ và nhiều khi là bất hợp tác khiến cho nhiều học giả và chuyên gia người bản địa cũng phải lên tiếng. Ngay tới việc đi lại tới châu lục này và giữa các quốc gia ở đây nhiều khi cũng vô cùng nhiêu khê. Lắm khi, để bay từ nước này sang nước kia trong cùng Phi châu, họ phải bay vòng lên tây Âu rồi vòng lại (!) – hậu quả của sự bất hợp tác giữa nhiều hãng hàng không ở Phi châu. Còn tại sao tôi lại ấn tượng với nước quả đóng hộp? Nếu như ở Cape Town tôi được nếm thứ nước quả tươi ngon nhất trong đời, thì phải nói rằng hộp nước đào giá rất rẻ mà tôi mua ở Maputo là thứ nước quả đóng hộp ngon nhất tôi từng uống. Nó tươi, thơm, không có những hương vị pha tạp, nó đặc sệt và còn cả thịt của những trái cây. Và khi lật đáy hộp lên, tôi đọc được dòng chữ “Produced in Portugal”.

Dăm sáu năm trước đây, Rwanda là điểm đến tiếp theo trong những trải nghiệm Phi châu của tôi. Ngay từ khi hạ cánh xuống phi trường tại Kigali, tôi đã có ấn tượng dương tính đầu tiên. Chỉ ngay sau khi vừa xuống phi cơ, người ta đã chặn tất cả chúng tôi lại và yêu cầu khám hành lý. Bất cứ thứ gì mang dáng dấp của túi ni lông đều phải nộp lại. Họ sẽ tịch thu rồi mang đi huỷ. Lý do là chính phủ đưa ra chính sách mới nhằm bảo vệ môi trường, và một trong những bước đi của họ là ngăn chặn việc mang những túi ni lông từ nước ngoài vào. Nói chung, các hàng quán đều sử dụng triệt để các túi giấy tái chế, thay cho túi ni lông. Vốn đã biết sơ qua về lịch sử của Rwanda, tôi không ngạc nhiên khi đi đâu cũng bắt gặp nhiều quân nhân, cảnh sát với vũ trang kỹ lưỡng, đặc biệt nhiều ở quanh trung tâm hội nghị. Nhiều tranh luận xung quanh công cuộc phòng chống HIV toàn cầu diễn ra trong mấy ngày. Đoàn Việt Nam khá đông, và được chia vào nhiều khách sạn rải rác trong Kigali. Ngoài những phiên họp, tôi lang thang dọc các con đường xung quanh nơi ở. Đất đỏ quạch, làng quê thưa thớt, gợi nhớ tới những vùng cao nguyên miền Trung ở Việt Nam. Những cô bé cậu bé vừa tan trường, chạy rối rít trên con đường làng, những người phụ nữ niềm nở, mời chúng tôi vào nhà chơi, những quán tạp hoá với vài bánh xà phòng, đường đen, nước quả, lác đác trên các ngăn kệ đầy bụi, hệt như những quán nghèo ở các bản làng hẻo lánh ở Việt Nam. Chiều xuống, hoàng hôn ở Kigali lành lạnh, buồn buồn, nhưng tôi rời khỏi Rwanda với sự hân hoan cho đất nước này, ít nhất, giai đoạn đẫm máu đã qua rồi, hoạ diệt chủng chỉ còn là một vết đen của quá khứ…

Tương lai của Rwanda

Bẵng đi một dạo, tôi ít có dịp nghĩ tới Phi châu, hay quay lại nơi này. Rồi vào một buổi tiếp tân ở Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ tại Atlanta cuối năm 2011, tôi vô tình đứng cạnh hai phụ nữ trẻ với nước da thẫm mầu khoẻ khoắn. Tôi hỏi thăm họ vài câu, và biết họ đến từ Zambia. Như lệ thường, các cuộc chuyện trò xã giao lại khiến cho hai phụ nữ này kể vài nét về quê hương họ. Và một trong hai người nói với tôi rằng tình hình ở Zambia cũng không đến nỗi tồi, vì họ có mỏ đồng và nó giúp nhiều cho xuất khẩu. Bạn cô đứng cạnh cũng cười khẳng định. Trong khoảnh khắc đó, tự dưng lòng tôi gợn lên. Bất chợt tôi nhớ tới hơn chục năm trước, cũng cầm trong tay li rượu vang và chứng kiến anh bạn từ Nigeria tự hào về nỗi quê hương mình có nhiều nikel.

Có dịp thuận tiện, tôi đã tìm đọc cuốn Gỗ Mun và bắt gặp một cách thích thú nhiều trải nghiệm và mô tả của Kapuściński, những mong sẽ có dịp hâm nóng lại những hồi ức của mình về Phi châu. Thế rồi tôi cũng có cớ để quay lại Phi châu thật, lần này là vùng đông bắc của lục địa này, gần với khu vực Trung đông. Những câu hỏi tôi đặt ra ngày càng trở nên rõ nét và cần lời giải đáp…

Bet Medhane Alem

Kapuściński dường như đã đặt chân tới Lalibela gần 40 năm trước những bước chân đầu tiên của tôi ở nơi này. Ông phải đi ôtô dọc các con đường hiểm trở nhiều ngày trời, trong khi chỉ sau 40 phút đồng hồ, phi cơ đã đưa tôi từ Addis Ababa đáp xuống một phi trường nhỏ gọn ở Lalibela. Chúng tôi không về khách sạn mà theo ô tô và người hướng dẫn viên tới ngay những điểm đến mà tôi đã dự kiến. Đó là một chuỗi các nhà thờ Cơ đốc giáo được xây cất từ quãng thế kỷ thứ 12 theo ý nguyện của nhà vua Lalibela (người sau này được lấy tên đặt cho thành phố này). Vua Lalibela e ngại rằng, trong các cuộc chiến của ông (những người Cơ đốc giáo) với các nhóm hồi giáo ở xung quanh, những nhà thờ đồ sộ có thể bị kẻ địch nhìn thấy từ xa và nhắm vào đó làm mục tiêu để tấn công, triệt phá. Giải pháp nhà vua lựa chọn thật khó có thể đơn giản hơn: hãy đào xuống lòng đất và xây nhà thờ để khiến cho những nhà thờ đó ẩn kín khỏi tầm quan sát của người trên mặt đất. Và nữa, người ta không xây cất từ các viên gạch và cột kèo bằng gỗ như thông thường, mà chọn những vùng núi đá rắn chắc, đào xuống, rồi đục luôn vào những núi đá đó, khoét rỗng chúng, và tạo hình cả khối thành nhà thờ (!) Để thực hiện giải pháp “đơn giản” đó, hơn 40 ngàn người đã phải khổ công xây dựng trong gần một phần tư thế kỷ, tạo nên 12 nhà thờ lớn nhỏ. Các nhà khoa học thời nay vẫn nói rằng, xây dựng nhanh như thế là một điều đáng kinh ngạc. Ngày nay khó có kiến trúc sư hiện đại nào dám chọn giải pháp như thế. Vua Lalibela cho rằng, nhà thờ chính là một khối đá nguyên bản, gắn chặt với cả núi đá và mặt đất một cách tự nhiên như vậy, thì những kẻ thù của ông dù có chiếm được cũng không có cách nào triệt phá, dỡ bỏ, hay đốt cháy được. Và ông đã đúng, sau tám thế kỷ, ngày hôm nay sờ tay vào “tường” của nhà thờ – gần như không có chỗ nào mỏng hơn 80 cm, tôi vẫn phải thầm khâm phục sự ngoan cường của những con người đã tạc nên những nhà thờ này từ núi đá. Nếu hình dung rằng đá ở đây cứng như thế nào, và rằng những cửa vào không quá đồ sộ sẽ trở nên khó khăn ra sao khi mà càng đục đá vào sâu, họ càng phải giải quyết hàng núi công việc, mà riêng việc vận chuyển những vụn đá đục bỏ ra ngoài đã là một kỳ công. Bên trong các nhà thờ này vẫn còn lưu trữ nhiều bức tranh tường, vẽ ngay trên đá, niên đại vài trăm năm tuổi.

cột trụ đá nguyên khối

Mỗi nhà thờ có một đặc trưng riêng, Bet Medhane Alem chiếm kỷ lục về kích thước, và nó được phỏng theo kiến trúc đền đài Hy Lạp hơn là cấu trúc nhà thờ truyền thống của Ethiopia. Cho tới ngày hôm nay, một số cột trụ trong số 34 cột xung quanh của nó vẫn là nguyên bản liền khối đá từ 800 năm trước. Nhà thờ Thánh George lại có một hình khối đặc biệt, nó mang hình thánh giá như có người đúc một cái khuôn hình chữ thập khổng lồ rồi “cộp” xuống lòng đất, tạc vào núi đá. Có những nhà thờ người ta tạc vào lòng đất đá để lấy lối đi xuống, rồi từ mở vào trong, đỉnh “nhà thờ” chính là mặt đất đá luôn, thông với bên ngoài (như nhà thờ Saint George), có nơi, người ta lại chỉ tạc từ mặt bên vào như đào hang, rồi để nguyên phần đỉnh dính liền với mặt đất, nấp sâu vào lòng núi…

Ấn tượng ở Lalibela thật khó quên. Nhưng cần phải nói thêm rằng xen kẽ với những di tích lịch sử và văn hoá giá trị như vậy (cụm quần thể này đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới từ lâu) vẫn là các làng quê nghèo xơ xác. Hiển nhiên, cuộc sống nơi đây đã khá hơn nhiều so với khi Kapuściński tìm đến, nhưng tôi vẫn thấy đâu đây một cuộc sống bấp bênh, những nếp nhà tồi tàn, những trẻ em nheo nhóc. Tại một tu viện cổ tạc vào sườn núi, tôi bắt gặp những can nhựa nhiều mầu xếp ở ngay cạnh chiếc chuông đá. Phải rồi, những gì Kapuściński mô tả trong Gỗ Mun vẫn hiện diện nơi đây, y như thế, người ta vẫn sống với những can nhựa để lấy nước như hàng chục năm về trước…

can chứa nước

Và ngày hôm qua, sau nhiều lang thang ở Addis Ababa, tôi tìm đến bảo tàng quốc gia. Đó là một chiều mưa bất chợt. Chiếc xe taxi hiệu Lada của Liên Xô cũ sản xuất, nước sơn có lẽ đã được đắp điếm thêm đến vài lần, nay mang hai màu vàng xanh. Xe chạy long lên xòng xọc và khó có thể mở cửa được nếu người lái không lật đật chạy ra ngoài mở dùm. Trong mưa, Addis Ababa buồn đến thê lương. Những con phố thủ đô ngầu bụi đất đỏ thường ngày, nay xám xịt. Những con người tất tả trốn cơn mưa, vài thanh niên đang cố lùa những con cừu vào một nơi nào đó. Bảo tàng quốc gia của Ethiopia hiện ra bé nhỏ, nép vào một vườn cây. Đã chuẩn bị từ trước, nên vừa bước vào là tôi háo hức đi tìm “bà ấy”… Và rồi theo biển chỉ dẫn, tôi tìm xuống tầng dưới cùng, căn phòng ép gỗ đơn sơ với tấm biển nhỏ “Lucy Room”. Phải rồi, đây là Lucy mà tôi cần tìm, đây chính là Lucy của tất cả chúng ta.

Lucy

Vào cuối năm 1974, Donald Johanson cùng các cộng sự đã có một phát hiện khảo cổ học quan trọng. Đó là những mảnh xương vỡ của một sinh vật rất giống với cấu trúc cơ thể của con người chúng ta. Những mảnh xương được tìm thấy tại Hadar, đông bắc Ethiopia, và sau vài tuần khai quật, người ta ước rằng khoảng 40% của toàn bộ xương đã được phát hiện, ráp nối lại. Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là một sinh vật có thể thể coi là gần gũi nhất với loài người hiện đại. Khi dựng lên, bộ xương này là của một “người phụ nữ” có chiều cao vỏn vẹn 106 cm và ước nặng khoảng 30 kg. Các nhà khảo cổ rất phấn khích bởi phát hiện này, và họ đã quay về lều nghỉ đêm, mở nhạc bài Lucy in the Sky with Diamonds rất quen thuộc của nhóm Beatles những ngày đó…. Sau này, các phương pháp xác định niên đại bằng phóng xạ đã cho thấy rằng bộ xương này có độ tuổi khoảng 3,18 triệu năm, và nó là bộ xương cổ nhất của một sinh vật được coi là tổ tiên của người hiện đại mà con người từng tìm thấy trên trái đất. “Lucy” đã trở thành một cái tên không chính thức của bộ xương, do tên bài hát của nhóm Beatles mà các nhà khảo cổ đã nghe suốt đêm đó… Lucy là một người đàn bà, và bà ta đã đứng thẳng, đi trên hai chân, thay vì bò trên mặt đất hay leo trèo bằng cả 4 chi như các bậc tiền bối của bà.

Khi ngắm nhìn Lucy trong tủ kính, dù biết rằng đó chỉ là bản sao (replica) làm lại giống y chang bản gốc (được cất kỹ trong phòng bảo quản của bảo tàng vì giá trị đặc biệt của nó), tôi vẫn có một cảm xúc đặc biệt trong lòng. Lucy chính là hình ảnh cụ thể, sống động, “bằng xương bằng thịt” thật sự, của tổ tiên loài người chúng ta. Gọi bà là “cụ tổ” của chúng ta chắc là cũng phù hợp. Gần đây, rất nhiều nghiên cứu khoả cổ học, nhân loại học, kết hợp với những thành tựu về công nghệ phân tích gien đã chứng minh rằng, quả thực loài người xuất hiện đầu tiên trên trái đất là ở miền Đông Phi này. Theo thời gian, những hậu duệ của những con người đầu tiên đã di cư, lan toả lên phía bắc, tới nơi tiếp giáp của ba châu lục, rồi từ đó toả đi khắp các hướng khác nhau, sang Âu châu, Á châu, vượt qua Siberia lạnh giá, sang cả bắc Mỹ, v.v.

Điều gì đã xảy ra suốt 3,18 triệu năm qua?

Hậu duệ của Lucy

Tôi đã đặt kế hoạch viếng thăm Lucy từ khi chưa đặt chân tới đất nước Ethiopia này. Và tôi cũng băn khoăn với những câu hỏi của riêng mình, bấy nhiêu năm qua. Tối hôm đó, sau cuộc “gặp” với Lucy, tôi tham dự liên hoan văn hoá và tiệc tối cùng nhiều đồng nghiệp khắp năm châu lục, trong một không gian đậm chất Phi châu. Các món ăn của người Phi, bàn ghế, trang trí, đều theo kiểu Phi châu. Trên sân khấu, những hoa văn thể hiện hình người phụ nữ Phi đang làm nhiều việc, cô đang nhào bột, đang bế con, rồi cô cũng ca hát, đánh đàn, gùi nước. Trong tiếng nhạc bập bùng của cũng nhạc cụ đặc biệt Phi châu, tôi nếm thử rượu vang ngọt Axumit của người Ethiopia. Rồi khi các vũ công và ca sĩ xuất hiện, phô diễn văn hoá dân gian của họ. Những ca khúc (dù tôi không hiểu lời) lúc da diết, lúc trầm hùng. Những vũ công cả nam lẫn nữ đều sắc nét, linh hoạt trong các động tác cơ thể rất uyển chuyển, thể hiện một sinh lực dồi dào, những vũ điệu mang dáng vẻ như ca ngợi lao động nông nghiệp. Rồi cũng có cả động tác và hơi thở gợi lên sinh hoạt tính dục giữa nam và nữ. Tôi nhìn những thanh niên Ethiopia trên sân khấu và lại nghĩ tới Lucy. Phải chăng hậu duệ của bà đã thừa hưởng những vật chất di truyền từ hàng triệu năm về trước, để bây giờ đang nhảy múa trên kia, mái tóc đen tuyền bay bay, nước da ngăm ngăm đen, cặp mắt biết nói, thăm thẳm vẻ hoang dã xa xăm…

Tại sao những con người đầy sinh lực như ở Phi châu này lại không (hay ít nhất là chưa) có một đời sống sung túc, sánh vai với các châu lục khác? Họ có đầy đủ những tố chất thể lực sung mãn cơ mà?

Tại sao món nước quả đóng hộp ngon nhất tôi từng uống lại ghi “sản xuất tại Bồ Đào Nha” – trong khi rất có thể hoa quả tươi ngon cũng được trồng tại Phi châu, và có khi còn xuất khẩu sang các nước Âu châu cho tiêu dùng và phục vụ các nhà máy đóng hộp nước quả?

Tại sao những người trẻ tuổi Phi châu, những trí thức hẳn hoi, mỗi khi được hỏi về thế mạnh của nước mình, lại ngay lập tức khoe rằng họ có nhiều mỏ nikel, mỏ đồng, mỏ vàng…? Tại sao tôi không được nghe một lần nào, niềm tự hào rằng chúng tôi sống trong một đất nước hoà bình, dân chủ, đãi ngộ trí thức tốt, người trẻ tuổi có trình độ, có học vấn cao, chúng tôi đang phát triển các công nghiệp không khói dựa trên chất xám của mình?

Tu sĩ ở Lalibela

Tại sao sau 800 năm, người dân ở Lalibela vẫn nghèo? Tổ tiên của họ đã từng làm nên kỳ tích đến nỗi ngày nay chúng ta vẫn kính phục, khi nhìn những nhà thờ đá nguyên khối được đục đẽo từ lòng núi. Ngày xưa, họ hẳn phải có sức mạnh thể chất và tinh thần đáng nể mới làm được điều đó? Mấy chục năm nay, đời sống có đi lên, nhưng rõ ràng vẫn chưa tương xứng với những gì họ lẽ ra có thể tạo dựng? Kinh doanh du lịch lẽ ra đã có thể là một nguồn thu đáng kể, bởi ai mà không muốn một lần chạm tay vào tường đá của nhà thờ ở Lalibela, vậy mà họ vẫn nghèo, sau bấy nhiêu năm họ vẫn kẽo kẹt gùi nước bằng các can nhựa màu?

Lucy đã yên nghỉ 3,18 triệu năm. Phải chăng các hậu duệ của bà đã trải qua một quá trình đấu tranh sinh tồn và liên tục tiến hoá bấy nhiêu năm qua. Phải chăng có những tộc người tiền sử an phận với những gì thiên nhiên ban tặng, khí hậu nhiệt đới không quá khắc nghiệt, cây trái xum xuê, muông thú tràn đầy nên đã dừng chân nơi lục địa này. Trái lại, những kẻ gắng gỏi bứt phá ra ngoài những nếp sống quen thuộc, dám khám phá những miền đất mới lạ, dám đương đầu với những hiểm nguy rình rập nơi xa, chính là những tộc người đã rời mảnh đất thuỷ tổ để đi tìm các chân trời mới? Họ đã phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt hơn, càng đi lên phía bắc, họ càng không thể cứ quanh năm đóng khố mà sống được khi nhiệt độ xuống tới âm độ, băng tuyết tràn ngập. Và vì vậy, lòng can đảm, sự quyết tâm và tố chất khám khá của họ mới ngày càng được hun đúc? Dù không có một thái độ phân biệt chủng tộc nào với các dân tộc, tôi không thể gạt bỏ hoàn toàn giả định rằng, chính quá trình tiến hoá như thế của con người đã sàng lọc ra các xã hội và nền văn minh khác nhau, tạo ra những quốc gia rất khác nhau cho tới ngày hôm nay.

Nhà thờ Thánh George, Lalibela

 

Lucy đã yên nghỉ 3,18 triệu năm. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nhiều món hàng ngày xưa có ghi “Made in Japan” hoặc “Made in the USA” thì nay đã ghi là: “Made in China”. Nhưng ngay cả người Trung Quốc cũng không ngồi yên. Đi dọc dải bờ biển Cuba, tôi đã thấy những giếng dầu do Trung Quốc đầu tư khai thác, ngay ở Phi châu này, tôi cũng bắt gặp vô số thương nhân và người lao động Trung quốc. Và nhiều sản phẩm công nghệ cao ngày nay đã kín đáo thay đổi cách ghi. iPad của tôi mặt sau có in dòng chữ: “Designed by Apple in California. Assembled in China”. Thế giới đã thay đổi nhanh chóng. Vậy là có những thứ chỉ “lắp ráp” ở các nước đang phát triển, các nước nghèo, nhưng chúng được sáng tạo, được “thiết kế” ở các nước tiên tiến… Ngày nay, nhiều nước giàu có đã đóng kín các kho dự trữ quốc gia khoáng sản của họ. Họ không đào mỏ dầu, mỏ kim loại ở đất mình, mà chỉ nhằm đi khai thác ở nước khác, ở những nước nghèo nàn hơn họ nhiều lần. Người Phi châu đã trải qua những giai đoạn lịch sử kém may mắn, họ bị người Âu, người da trắng chia năm xẻ bảy, bị thôn tính, bị khai thác khoáng sản. Nhưng có nên đổ lỗi hết cho những kẻ thực dân Âu châu da trắng? Kapuściński đã phân tích trong Gỗ Mun rằng: “Trí tuệ châu Âu thừa nhận rằng mình có các giới hạn, nó chấp nhận các khiếm khuyết của mình, nó hoài nghi, ngờ vực, đặt ra các dấu hỏi. Trong các nền văn hoá khác không có tinh thần phê phán này. Hơn thế nữa, chúng có xu hướng tự cao, công nhận tất cả những gì của mình là hoàn hảo, tóm lại, chúng thiếu tính phê bình đối với chính mình. Chúng đổ hết trách nhiệm về mọi thứ xấu xa lên người khác…” và rằng: “điều này dẫn đến việc họ không có khả năng tiến bộ một cách lâu dài, về văn hoá, cấu trúc, không có khả năng tạo ra trong mình ý muốn thay đổi và phát triển…”

Một Addis Ababa đang kiến thiết…

Lucy đã yên nghỉ 3,18 triệu năm. Phải chăng Phi châu là cái nôi của tất cả chúng ta, nhưng bản thân châu lục này và những con người, những nền văn hoá của nó đã dần lụi tàn? Tôi không tin hoàn toàn vào điều đó, và tôi cũng mong ước nhiều điều tốt đẹp sẽ dần đến với những bạn người Phi của tôi. Nhiều biến cố của lịch sử tự nhiên, lịch sử tiến hoá của con người kể từ ngày Lucy còn sống cho tới nay đã đưa châu lục này vào những cuộc khủng hoảng sâu sắc. Và có lẽ, người ta đã quá tự hài lòng với những gì thiên nhiên ban tặng, mà quên đi sự gắng gỏi cần có để vươn lên. Trong một thế giới mà ngày càng nhiều đất nước phấn đấu để có sản phẩm ghi là “thiết kế” tại nước mình, và tránh những nhãn mác đơn giản là “lắp ráp” tại nước mình, thì những kẻ chậm chận luôn luôn phải trả giá. Trong một thế giới mà có những người cầm quyền vẫn còn háo hức với việc đào bới những khoáng sản trong lòng đất để bán kiếm lời thì không biết đến khi nào đất nước đó mới thoát ra khỏi sự nghèo nàn lạc hậu. Bởi ẩn sâu đằng sau những hành động đó, không chỉ đơn giản là lối suy nghĩ ngắn hạn, thiển cận, mà nó còn hàm chứa một sự hạn chế đáng kể về tầm vóc văn hoá của một dân tộc.

thanh niên Phi châu
Thanh niên Phi châu

Đêm hôm đó, khi dàn nhạc chơi đến cao trào, chính tôi cũng hoà vào đám đông gồm hàng chục người. Người Mỹ có, Canada có, người Âu châu có, Hàn quốc, Nhật bản có, và rất nhiều người Phi châu. Chúng tôi hoà vào những vũ điệu bập bùng theo nhịp trống Phi châu trên sân khấu. Chúng tôi cùng nhảy hết mình. Chúng tôi đều là những hậu duệ của Lucy. Bà đã từng sống ở đây, trên mảnh đất này, và bây giờ chúng tôi mỗi người đã ở một phương trời, cách nhau hàng ngàn cây số.

Và văng vẳng trong tôi là những ký ức bập bùng theo nhịp trống Phi châu hoang dã, là những hình ảnh pha trộn của một châu lục đồ sộ, giầu tiềm năng, nhưng đang là bài học lớn cho những người khác… ít nhất là cho chính tôi. Mỗi khi nói chuyện với một hậu duệ của Lucy khác chủng tộc với tôi, tôi lại lắng nghe xem họ nói gì về mình? Họ tự hào vì những mỏ kim loại quí trong lòng đất, vì một quê hương với vô số những di tích lịch sử khiến người đời ngưỡng mộ, hay bên cạnh đó, họ tự tin vì những giá trị văn hoá vun đắp từ nhiều thế hệ, để ngày nay họ vững bước vươn ra thế giới rộng mở ngoài kia…

 

Phi châu 3,18 triệu năm sau Lucy

 

Bài và ảnh: KL

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI