29 C
Nha Trang
Thứ bảy, 12 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Lòng bao dung…

*Featured Image: Eugene

 

Tôi đã từng đọc trong một cuốn sách nào đó một câu nói, đại ý rằng: Mỗi con người đều được sinh ra trên đời với một “túi” yêu thương, và rồi sau đó dần dần để rơi rụng đi, vơi bớt đi, dần trở nên thờ ơ, lãnh cảm, thiếu bao dung, vởi chính mình, và với cả đồng loại. Thế nên, vào một chiều nắng nhạt cuối một ngày bôn tẩu mưu sinh, con người ngồi lại bên ly trà loãng khói và tự thấy mình sao mà ích kỷ quá, sao mà hèn đớn, nhỏ nhen đến vậy. Vì sao?

Tình yêu thương, lòng bao dung, độ lượng có lẽ là món quà kỳ diệu nhất, tốt đẹp nhất và cũng quý giá nhất mà cuộc sống đã trao tặng cho con người. Người ta hay hoài nghi về mọi thứ trên đời, từ việc vì sao Trái đất lại quay xung quanh Mặt trời mà không không phải ngược lại, vì sao ông Tổng thống này lại được chọn mà không phải ông kia, rồi đội bóng nào, ngôi sao màn bạc nào sẽ đăng quang trong một mùa giải, một sự kiện truyền thông; đến việc gấp quần áo, chăn màn sao cho khỏi nhăn nhúm, giữ được li, được nếp…

Tất thảy đều là những câu hỏi, đúng, “10 vạn câu hỏi vì sao”, mà cũng có khi hơn thế. Và, cũng chính con người đã lại tiếp tục thành công trong việc “tự” trả lời cho những thắc mắc ấy, tự thỏa mãn óc hiếu kỳ vô hạn độ của chính mình. Đó là nguyên nhân ra đời của các định lý, hệ quả khoa học; của những lập trường, nguyên tắc chính trị hay giải trí; hoặc cũng có thể chỉ là mẹo vặt trong nghệ thuật thường thức cuộc sống. Tuy nhiên, quay lại vấn đề ban đầu đặt ra, “lòng bao dung”, thì con người bấy lâu này vẫn chưa thể cắt nghĩa được vì sao nó tồn tại trên đời. Lạ thật, “bao dung” là cái gì vậy nhỉ?…

Có một người đàn bà, suốt hơn hai mươi năm về nhà chồng làm dâu, đã phải chịu không biết bao nhiêu khổ ải, thiếu thốn về vật chất và thậm tệ hơn, bức bách về tinh thần. Nhưng khốn nỗi, người ta khi đẻ ra cái sự “làm dâu” trớ trêu ấy, thì cũng đã “đính kèm” vào đó những bản gia ước, những luật lệ, lề thói, theo đó, người con dâu chẳng bao giờ được tôn trọng một cách đúng nghĩa. Khốn nạn thay, cái quy tắc ấy còn có sức mạnh ghê gớm đến mức, làm tê liệt ý thức phản kháng khiến người đàn bà ấy luôn an phận thủ thường, luôn cam chịu và coi đó như là một phần bổn phận của mình, như lẽ tự nhiên mà chẳng bao giờ dám đặt câu hỏi: Tại sao?…

Thế rồi, suốt những năm tháng “chịu trận” với gia đình chồng, bà đã dồn hết tình yêu thương cho những đứa con của mình, và, tôi đoán chắc rằng, đó là tình yêu thương lớn lao chính đáng nhất, xuất phát từ trái tim rớm máu của một người mẹ, của những bất lực và cả ước mơ. Người con trai của bà lớn lên, được học hành đến nơi đến chốn, may mắn thay, anh ta cũng có chút nhận thức, hiểu biết khi va chạm, vấp váp với thế giới bên ngoài. Một ngày, anh ta quay về nhìn lại mẹ và bà nội của mình, và ngay tức khắc, một dấu hỏi lớn xuất hiện: Tại sao những người phụ nữ, họ trong đời ít nhiều cũng sẽ chung cảnh làm dâu như nhau, mà vẫn không thể dành cho nhau những sự cảm thông tối thiểu, mà vẫn cay nghiệt và hà khắc đến thế? Tại sao? Tại sao?…

Mỗi ngày, bước chân ra đường, dưới trời nắng đẹp hay mưa tuôn rả rích, khó mà cảm thấy phấn chấn nổi khi xung quanh, vô vàn lời văng tục, chửi bới nhau bay tứ tung, loạn xì ngầu. Người ta, bên cạnh trao cho nhau những ngon ngọt, thơn thớt dối trá, giả tạo, là những cay nghiệt, những miệt thị và phỉ báng. Một vài người quan niệm, đó là do thời buổi kinh tế thị trường, con người dễ ham hố chạy theo lợi ích vật chất một cách mù quáng, khó chấp nhận việc để bất kỳ ai làm phương hại đến, dẫu chỉ một chút, cái “quyền lợi thiết thực” của mình. Cũng có thể là như vậy lắm, nên mới đẻ ra muôn vàn cái thớ lợ, nhạt nhẽo, bon chen, xô bồ, dẫn đến ích kỷ, hẹp hòi, đến vô vàn tệ nạn, đến những “thực tế đắng lòng” mà thậm trong mơ người ta cũng khó có thể chấp nhận. Mà có khi, cái “thời buổi kinh tế thị trường” ấy thật cũng phải bất ngờ trước những hành vi tha hóa đến đốn mạt của một số bộ phận con – chưa – người, những kẻ dám cả gan lấy cuộc sống mưu sinh xảo quyệt làm bàn đạp để mà tàn nhẫn không thương tiếc với đồng loại…

Chuyện trong nhà, ngoài đường, chuyện của một cá nhân, hay là nhiều người trong xã hội, té ra, lại rất dễ nhận thấy, có một sự kết dính mong manh mà rõ ràng ở đây: Cuộc sống này cần lắm những bao dung, những cảm thông, thấu hiểu và yêu thương. Đừng để chính những đồi bại, lợi ích bé tí nhất thời làm mờ mắt rồi sau này phải ân hận và hối tiếc. Nhà văn, nhà thơ Pháp Francois Coppée (1812 – 1908) đã từng chiêm nghiệm:

“Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ.”

Con người, rong ruổi trên hành trình dài rộng của cuộc đời, rồi cũng sẽ đến lúc phải dừng lại, chỉ hy vọng rằng, đó sẽ là một cái kết hạnh phúc giữa vòng tay yêu thương của mọi người. Đừng tự huyễn hoặc mình trong những vô lý và độc ác, bởi đánh đổi lại, ta sẽ phải nhận lãnh hình phạt nặng nề nhất – sự cô đơn, ghẻ lạnh cuối đời.

 

Đặng Phu Tử

spot_img
Bài trước
Bài tiếp theo
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,850Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI