28 C
Nha Trang
Thứ tư, 30 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Học phổ thông, bao nhiêu năm là đủ?

Photo: Amelia Rhea

 

Trước khi đọc bài, tôi xin khẳng định với các bạn tôi là một người ham chơi (đặc biệt là game online, bạn có thể đọc thêm bài viết “Không chỉ là Game, tôi gọi nó là Esport” để xác thực) và tương đối lười học, nói như thế để các bạn biết rằng đây không phải là bài viết của một con mọt sách đích thực.

Trước đây chúng ta quy định thời gian học phổ thông là mười năm, sau đó đổi thành mười hai năm giống như hầu hết các quốc gia (có khác chỉ là cách phân thời gian học ở các cấp, ở nhiều nước, cấp 1 kéo dài sáu thay vì năm năm như chúng ta, có điều đó không ảnh hưởng gì lớn). Vậy có thể khẳng định phần nào, mười hai năm là quãng thời gian cần thiết để có thể giáo dục nên một con người có đầy đủ kiến thức phổ thông.

Nhưng gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng chỉ cần học phổ thông chín năm là đủ. Ý kiến này dựa trên những luận điểm:

  • 16 tuổi (học hết lớp 9) là đủ độ trưởng thành, chín chắn để có thể xác đinh hướng đi cho tương lai, xác định điều gì cần thiết cho cuộc sống.
  • Chương trình học cấp ba quá nặng và nhiều thứ không cần thiết, học khoa học tự nhiên thì không cần đến cảm thụ văn học, học khoa học xã hội thì không cần đến phương trình chuyển động…
  • Thi tốt nghiệp cấp phổ thông có nhiều tiêu cực, tốn kém…

Đây là những luận điểm thoạt nghe vô cùng thuyết phục, nhưng nếu phân tích kỹ, thực tế lại vô cùng phi lý.

Thứ nhất, 16 tuổi là đủ độ trưởng thành?

Không phải tự nhiên mà hầu hết các quốc gia đều quy định mười tám tuổi mới là độ tuổi trưởng thành, chịu trách nhiệm trước pháp luật, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân. Điều đó chắc chắn đã được kinh qua rất nhiều các nghiên cứu về tâm lý học, sinh lý học, xã hội học v…v. 16 tuổi, cái tuổi mộng mơ, dở dở ương ương, thay đổi sở thích nhanh hơn thời tiết ấy liệu có đủ năng lực để xác định con đường mình đi trong tương lai, đủ năng lực để xác định đam mê cả đời của mình? Chắc chắn là không. Cái ngày tôi 16 tuổi, tôi vẫn còn thích lắm nghề luật sư, bây giờ nhìn lại những thứ mấy đứa bạn trường luật đang học, tự nhiên thấy thở phào nhẹ nhõm…

Thứ hai, chương trình học phổ thông quá nặng, nhiều thứ không cần thiết?

Đây là luận điểm rất có sức thuyết phục bởi nó đánh vào tâm lý chúng ta, cảm giác rằng những kiến thức đã học phổ thông hình như chẳng áp dụng gì vào cuộc sống. Thực ra không phải như thế. Tôi xin lấy vài ví dụ: Chắc có nhiều người đã đọc qua các tác phẩm của Dan Brown, ngoài tài năng văn học, trí tưởng tượng phong phú, cái để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc đó là phông kiến thức cực rộng và sâu sắc của ông, từ toán học, tin học, mật mã, lịch sử, văn hoá, tôn giáo..v..v.. Tất nhiên trong quá trình sáng tác, ông cần phải tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên ngành, nhưng chắc chắc để làm được điều đó, Dan Brown chắc chắc phải phải có kiến thức phổ thông ở tất cả các lĩnh vực tự nhiên cũng như xã hội.

Bạn là một nhà thơ cũng được, nhưng bạn biết trả lời thế nào khi con bạn hỏi: “Ba ơi, tại sao bầu trời lại có màu xanh?” “Tại sao cầu vồng lại đẹp thế ?” Câu trả lời nằm trong phần về “ánh sáng” trong chương trình vật lý cấp ba. Bạn là một nhà báo cũng được, nhưng nếu không học về sinh học cấp ba phần về “di truyền nhóm máu” bạn sẽ không thể thấy bất thường khi mà bạn và vợ có nhóm máu O, còn đứa con ruột lại có nhóm máu A. Bạn là một kỹ sư cũng được, nhưng bạn biết dạy con về tình yêu nước thế nào khi mà bạn không cả hiểu rõ về ba lần thắng quân Mông Nguyên? Nếu bạn muốn có một cái nhìn hoàn thiện về xã hội, cuộc sống xin đừng bao giờ có ý nghĩ học cái gì là không cần thiết!

Thứ ba, thi tốt nghiệp còn nhiều tiêu cực, tốn kém? Tiêu cực trong thi cử muốn tránh thì cần phải thay đổi đạo đức và ý thức người học chứ không thể bỏ hẳn kỳ thi. Ý thức người học không nghiêm túc thì bỏ thi tốt nghiệp vẫn còn rất nhiều cách khác để gian lận, ngược lại nếu người học ý thức được tầm quan trọng của giáo dục phổ thông, không có tư tưởng học đối phó, không có tư tưởng “thi khối tự nhiên thì xem nhẹ các môn xã hội” thì với độ khó của bài thi tốt nghiệp hiện tại, việc tiêu cực là không cần thiết.

Làm ơn trước khi chỉ trích chương trình học, chỉ trích người giáo viên thiếu tâm huyết, biện pháp, các bạn học sinh xin hãy nhìn lại mình đã thực sự nghiêm túc với việc học hành? thực sự khát khao kiến thức? xin đừng ngáp ngắn ngáp dài khi nhìn những cuốn sách lịch sử, đừng hoa mắt chóng mặt trước những phương trình, các pháp tính tích phân, hãy tự tìm cho mình sự lý thú trong đó!

Có thể các bạn khôg tin, hoặc cho rằng tôi thần kinh không bình thường, nhưng cá nhân tôi đã từng từ chối việc học chuyên sâu một môn chuyên để đi thi, thay vào đó được lên lớp, được học đầy đủ các môn phổ thông bình thường. Có thể giờ đây tôi không còn nhớ toàn bộ những gì đã học, nhưng tôi không thể phủ nhận, nền tảng kiến thức phổ thông giúp ích cho tôi rất nhiều, không chỉ trong sự nghiệp học hành, mà còn trong cuộc sống, giúp tôi hoàn thiện nhân sinh quan và thế giới quan của mình.

Một kỳ thi tốt nghiệp nữa lại đến, chúc các sỹ tử năm nay có một kỳ thi thành công và sạch!

 

Voldemort VN

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

18 BÌNH LUẬN

  1. Bạn đang lờ mờ giữa 2 vấn đề : Chương trình phổ thông và chương trình phổ thông của VN.

    Bạn đã nói nếu không học phần ánh sáng ở cấp 3 thì không giải thích được “tại sao bầu trời có màu xanh”, hay không học phần di truyền thì không giải thích được nhóm máu, không học ba lần thắng quân Mông Nguyên thì không dạy được về tình yêu đất nước.

    Thế tôi hỏi:

    – Có nhất thiết phải học phần ánh sáng đến độ giải bài tập về ánh sáng trùng nhau, số vân sáng vân tối , vân vân với hơn chục công thức? Bao nhiêu bạn học xong cấp 3 , trả lời cụ thể và chính xác câu hỏi này trong 5 phút “Trái đất tự quay quanh mình, vậy nếu dùng một máy bay lên thẳng, bay thẳng tại chỗ thì sau 24 giờ máy bay có thay đổi vị trí khác ko? Vì sao ko?”

    – Có nhất thiết phải giải bài tập di truyền Menden để giải bài tập số hoa đỏ , số hoa vàng, vân vân. Bao nhiêu bạn học xong cấp 3, trả lời nhanh trong 1 phút “Có bao nhiêu nhóm máu? các nhóm nào không truyền được cho nhau? Nhóm nào truyền được cho tất cả các nhóm còn lại?”

    – Có nhất thiết phải học rằng “Hiến chương LHQ được thông qua tại đâu? Vào ngày nào?” . Tôi chắc chắn nếu không dùng Google, ngay cả bạn cũng không biết trận Rạch Gầm-Xoài Mút diễn ra ở tỉnh nào hiện nay? Vào thời gian nào?.

    Tất cả những điều tôi hỏi chỉ để khẳng định quan điểm rằng giáo dục VN không có tính thực tiễn như bạn đã nói. Giáo dục Trung học phổ thông là đúng, 12 năm là đúng, nhưng đó là ở nước khác, không phải VN. Giáo dục VN đã bại trận.

    Cải cách giáo dục nghĩa là thừa nhận con đường giáo dục đã sai và cần thay mới toàn bộ. Nhà nước đang cải cách vậy hà cớ gì phải bào chữa thay?

    • Như tôi đã khẳng định trong bài viết, không ai có thể nhớ toàn bộ kiến thức đã được học, và chắc chắn không một nền giáo dục nào có thể giúp người học nhớ hết tất cả, biết hết tất cả ( kể cả là Mỹ hay các nước châu Âu), nhưng điều đó không có nghĩa là việc đưa chúng vào chương trình học là thừa.
      Tôi không nói giáo dục VN đã thành công, tôi chỉ bác bỏ ý kiến được nêu ra trước đây đó là chỉ cần học phổ thông 9 năm, 3 năm cấp ba chỉ học theo sở trường, ban tự nhiên thì không cần học các môn xã hội và ngược lại.
      Còn tất nhiên, ý kiến cá nhân của bạn cho rằng những kiến thức trên không cần thiết thì không ai có thể áp đặt được, chính vì những suy nghĩ như thế nên có thể nhiều người không trả lời được các câu hỏi được bạn nêu ra cũng là điều bình thường. Còn bản thân tôi, không nhớ chi tiết về ngày tháng nhưng tôi đủ tự tin có thể trả lời được các câu hỏi ví dụ của bạn .

      • Bạn vẫn chưa hiểu vấn đề.

        Tóm lại 1 câu rằng những ví dụ bạn nêu ra về mục đích của các phần học là đúng nhưng tôi không đồng ý rằng học QUÁ CHUYÊN SÂU ( với yêu cầu PHỔ THÔNG) vào các phần đến nổi thừa mứa.

        Tôi đã dẫn chứng nó thừa mứa ở điểm nào và không hiệu quả như thế nào. Bạn có thể bảo vệ ý kiến của bạn bằng cách phản biện điểm thừa mứa mà tôi chỉ ra nó sai ở đâu?

        Tất cả câu hỏi ví dụ của tôi nó là kiến thức phổ thông chứ không gì cao siêu cả. Hoàng Sa-Trường Sa hay những vùng đất tương tự không cần học đến thuộc lòng “ngày x tháng y” ,vvv mới có tình yêu nước đâu.

        • Thực lòng theo đánh giá của tôi, nếu bạn học tất cả các môn theo sách giáo khoa ban cơ bản để làm bài thi tốt nghiệp thì không có gì gọi là “Quá chuyên sâu” hay “thừa mứa” cả. Tôi xin trả lời ví dụ 1 câu thế này thôi, nếu bạn không giải bài tập di truyền mendel, bạn sẽ không hiểu định luật di truyền của ông, dẫn đến bạn sẽ không hiểu tại sao bố nhóm máu A, mẹ nhóm máu B mà con có thể có nhóm máu O, đó là 1 hiện tượng thường gặp trong cs mà 1 người có kiến thức phổ thông cần phải trả lời được. Kiến thức là những vòng tròn đồng tâm, có khi bạn không thấy tác dụng của những thứ ở vòng trong, nhưung không có nó sẽ không thể hiểu những thứ ở vòng ngoài.
          Đúng, không cần học chúng ta cũng có tình yêu nước, nhưng chỉ yêu nước không thì có tác dụng gì khi không có kiến thức, đã có ai hỏi bạn tại sao Đài Loan hòn đảo bé tẹo cách đảo Ba Bình xa như thế mà cũng đến tranh chấp chủ quyền với chúng ta ?
          Những câu hỏi của bạn đúng là kiến thức phổ thông không cao siêu, t cũng chẳng tự hào gì khi trả lời được, t chỉ khẳng định, nếu chúng ta nghiêm túc học chương trình phổ thông, thì những câu hỏi kiểu như thế không phải là vấn đề.

  2. Theo mình thì việc chỉ trích việc học bây giờ có 2 nhóm người, 1 nhóm là những kẻ có tri thức thật sự thấy được sự vô bổ, tiêu cực chiếm phần lớn của việc học phổ thông, 1 nhóm là những kẻ hù theo vì bản thân lười biếng. Mà nhóm 2 thường là mấy đứa học sinh.

  3. Sau đây là ý kiến của em:
    Em vẫn nghĩ là 16 tuổi phần lớn sẽ có thể biết được, hiểu được mình muốn trở thành cái gì trong tương lai. Nhưng vì sao số đông chúng ta lại không làm được điều đó. Em nghĩ là do cách chúng ta được giáo dục. 16 năm đầu tiên ấy ta chỉ được dạy bảo là học thật giỏi, đạt điểm cao chứ ít ai dạy ta hãy tìm ra điều mình mơ ước và lựa chọn đi theo nó.
    Về việc mọi người, đặc biệt là học sinh nói rằng kiến thức cấp 3 xa thực tế có lẽ không phải do kiến thức, mà do cách dạy học sinh tiếp cận kiến thức. Mục đích dạy học hiện nay ở cấp 3 chủ yếu là làm bài tập để thi mọi kì thi. Rất nhiều chương, phần kiến thức hay, gần gũi thực tế thì bị bỏ qua vì “thi không hỏi phần này”. Các thầy hiệu trưởng chỉ quan tâm đến thành tích các kì thi học sinh giỏi, thi đại học… Em nghĩ do cơ chế, cách giáo dục chưa hợp lý là nguyên nhân đến hiện tượng này.

    • Mình không khuyên bạn nên làm theo mình, nhưng mình đã từ chối việc luyện thi HSG để đc lên lớp học cá môn phổ thông bình thường, nếu muốn học để biết thêm kiến thức, đừng vì lý do bị bỏ qua mà không học bạn ạ, chẳng biết bạn thế nào chứ mình rất thích phần “có thể bạn chưa biết” ở các cuốn SGK, đúng là chả bao giừo thi thật, nhưng mình thường dành khá nhiều thời gian để đọc hiểu phần đấy.
      Còn tất nhiên với tình trạng bệnh thành tích tràn lan thì 1 vài bài viết như thế này cũng chả giải quyết được, mình chỉ muốn phần nào ít nhất thế hệ trẻ chúng ta thấy đuwocj cái hay của việc học toàn diện, đừng vì chủ kiến của người lớn để trở thành 1 con người lệch lạc về nhận thức và hiểu biết !

  4. lâu lắm r mới thấy a này viết bài, từ hồi bài Game onl nhỉ :D. Có lần cô e nói bây h tìm được một học sinh có thể học đều các môn rất khó, k phải là do hs k học được mà là do môi trường. Khi mà các môn Sử, Địa bạn bè lật sách vở ra chép, thầy cô thì làm ngơ thì hỏi có một học sinh nào lại ngồi nhà tụng đề cương gần 10 tờ A4? Hoặc đối với môn Văn thì một số bạn học tự nhiên đã được a chị trước bảo là: tự nhiên thì học văn làm gì e, thầy cô cũng nương tay thôi. Những lời nói như vậy vô hình tác động vào chúng ta rất nhiều làm cho ta sao nhãng việc học, bỏ bê những môn như Sử, Địa, Văn (những môn đó có thể chúng ta sẽ dùng sau này cả đời,ai cũng có một kiến thức nhất định về văn hóa, lịch sử mà). Làm gì cũng cần có mục đích của nó. Chúng ta nên hướng các học sinh tới một mục đích cụ thể cho từng môn học thì việc này có lẽ sẽ tốt hơn nhiều 😀

    • Cám ơn bạn đã ủng hộ, mình còn viết thêm 1 bài “những người chữa bệnh cho đất nước”, mong bạn tham khảo và góp ý.

      Nói học sinh không học được đều các môn do môi trường cũng có ý đúng, nhưng mình còn nhớ một câu trong tác phẩm “chuyện chức phán sự đền Tản Viên”(Truyền kỳ mạn lục) thế này :”Người đời vẫn nói “cứng quá thì gãy”, còn ta chỉ lo không cứng được, gãy hay không là tại ở trời”. Đừng vì lời nói, hành động của người khác mà bỏ đi nhân cách, triết lý sống của bản thân !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,880Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI