29 C
Nha Trang
Thứ bảy, 12 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Học cách hạnh phúc từ sự giản đơn

Cuộc sống đôi khi như một trò đùa của số phận, của tạo hoá và đôi khi cả chính bản thân con người. Một vòng quay lẩn quẩn, cứ như thế mà tiếp diễn. Nhiều lúc nó cứ như một con đường dài mà mỗi chúng ta cần phải vượt qua không chỉ riêng cuộc sống mà còn là chính bản thân. Cái nghị lực vượt khó như một ngọn lửa bùng cháy. Vậy con người đã là gì để vượt lên số phận ấy?

Bên cạnh những người sống xa hoa sẽ là những mảnh đời khiến chúng ta cần phải suy ngẫm. Giữa cái đô thị sầm uất và náo nhiệt ở Sài Gòn, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người bán hàng rong. Đó là những người nghèo tảo tần, cam phận. Họ không ngồi một chỗ cố định, mà rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm. Họ như một điểm loé sáng trong cái bức tranh ấy. Ai cũng yêu và nhớ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người. Nỗi nhớ khi đi xa, nỗi nhớ ngay khi rất gần, hiển hiện thậm chí trong từng ngày, từng giây phút khi chúng tôi đang ở ngay trên mảnh đất quê hương mình. Nó giống như đang ở bên cạnh người yêu mà vẫn nhớ, đang ăn một món ăn mà vẫn thèm, đang nghe một bài hát mình yêu thích mà vẫn tiếc nuối không biết khi nào sẽ nghe lại âm thanh này, trong không gian này. Khách mua hàng vỉa hè chỉ dừng lại một vài phút để chọn thứ mình cần, rồi tiếp tục hòa mình vào nhịp chảy không ngừng của thành phố. Có khi nào vì Sài Gòn sống vội, nên những gánh hàng rong cũng phải quen với sự hối hả đó không? Mỗi khi chúng tôi nghe thấy, nhìn thấy, cảm nhận thấy tiếng rao hàng, tiếng của những bước chân vội vàng, tiếng của đôi quang gánh trên vai gầy,… của những người bán hàng rong là lúc chúng tôi tìm lại những thứ giản đơn mà bình dị trên những con phố, những vỉa hè, hay thậm chí là một góc nhỏ của Sài Gòn.

Và nếu trước giờ bạn chỉ nhớ đến Sài Gòn qua những trung tâm thương mại, dãy phố khang trang cùng nhiều cửa hàng sang trọng, xa xỉ, thì hãy một lần chú ý đến gánh hàng rong vỉa hè với nhiều thứ quen thuộc: là bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, trái cây, bánh pía,… Hay thậm chí bạn nhìn thấy là những đôi quang gánh cong cong trĩu nặng nhưng nụ cười vẫn tươi rói trên môi người bán hàng. Là bóng họ đổ liêu xiêu trên vỉa hè nhưng không hề đơn độc. Là sự ngạc nhiên, hưng phấn và sẵn sàng dừng lại bên đường của nhiều vị khách Tây, thay vì bước chân vào quán ăn đắt tiền. Với họ, có lẽ du lịch là trải nghiệm. Và trải nghiệm chẳng đâu xa, chính là những khoảng lặng nhẹ nhàng và bình dị, như gánh hàng rong trên phố Sài Gòn, vậy thôi! Hãy nhấc chân lên đi nào. Các bạn sẽ cảm thấy khoảng trời lặng yên, tâm hồn được thư giãn, một hương vị cuộc sống vừa đắng vừa ngọt. Vào mỗi sáng sớm, hay lúc chiều về chúng tôi chợt nhận ra bất cứ nơi đâu trên những con đường dù to, dù bé ở Sài Gòn, đặc biệt bên ngôi trường mà chúng tôi đang theo học Đại học Sư Phạm Hồ Chí Minh, trên con đường Nguyễn Văn Cừ, góc phố nhỏ,… cũng đều bắt gặp thật nhiều gánh hàng rong. Giữa trời mưa – cơn mưa hối hả và tạnh đi nhanh chóng của Sài Gòn, hay giữa trời nắng gắt – một cái nóng chói chang của buổi trưa, những hình ảnh bán hàng rong cứ hiện lên trong đầu tôi. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, họ vẫn rải bước cùng đôi quang gánh trên đôi vai của mình. Đi đâu hỡi người bán hàng rong? Đôi chân không hề biết mệt mỏi cứ thế rảo bước đi, đi không có một suy nghĩ dừng lại, đi để kiếm sống, đi thoát khỏi cái nghèo. Nhiều lúc, trong cơn mệt mỏi ấy, họ đặt đôi quang gánh xuống như trút bỏ gánh nặng của cuộc sống, bỏ đi cái phiền muộn trong lòng, muốn được giải thoát bể khổ và đôi lúc họ mỉm cười như đang có lối thoát, một nụ cười của hi vọng, nụ cười của sự thân thiện, hay là cả một niềm vui. Liệu rằng giữa cuộc đời này còn bao nhiêu số phận như thế? Tiếng rao của người bán hàng rong vang trên những con đường lặng im vào buổi trưa hè của Sài Gòn, hay là trên những con phố tấp nập người qua lại:

“Có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao
Có tiếng rao nghe xơ xác xanh xao khuất sau hàng phố cao…”
— Võ Thiện Thanh, Tiếng rao

Thú vị biết bao khi tôi có dịp được trò chuyện với người bán hàng rong, lúc này trong lòng tôi càng thêm yêu họ hơn và nhận ra những thứ giản đơn mà chúng tôi chưa từng cảm nhận, những mảnh ghép sắc màu cầu vồng của cuộc sống. Với một đứa tò mò, ham hiểu biết như tôi, rất thích nói chuyện cùng họ. Họ tự tin trả lời hết các câu hỏi tôi, nghe những câu nói bình dị, biết nguồn gốc của họ những người bán hàng trên khắp mọi miền. Hãy thử cảm nhận thật lòng về họ, một giây thôi cũng đủ để khắc sâu vào tâm trí. Không có gì là tuyệt vời hơn khi được ngồi ăn trên vỉa hè, một góc nhỏ trên đường, vừa ăn vừa nghe tiếng xe chạy trên đường, hay vừa ăn vừa trò chuyện cùng bạn bè, người bán hàng, nhiều lúc các bạn cho đó rất bình thường, nhưng đối với tôi thì cả một câu chuyện hay, thật thú vị biết bao. Đó chính là hương vị cuộc sống bình yên chốn thị thành. Những gánh hàng rong còn gợi lên sự thân thuộc từ những hàng quà nho nhỏ như gợi lên bao điều của kí ức tuổi thơ. Những gánh hàng rong nặng trĩu trên vai như gánh bao nhọc nhằn, vất vả, lo toan về cuộc sống vất vả mưu sinh hàng ngày. Hình ảnh những người bán hàng rong ruổi trên các con đường với đôi gánh trên vai hay gồng mình với những chiếc xe đẩy đầy ắp hàng rong ruổi trên khắp con đường thật sự đọng lại trong lòng những người qua đường đôi chút sự thương cảm về cái sự gọi là mưu sinh, dù nắng hay mưa, dù mệt nhọc hay vui vẻ, họ đều rảo bước trên những con đường. Phía sau quang gánh ấy là những số phận khác nhau. Họ có thể là mẹ trong một gia đình nhiều đứa con, có thể là chị là em đảm nhận trọng trách nuôi gia đình, hay thậm chí là những người bố, người anh,… Họ chắt chiu dành dụm từng đồng lo gia đình, nuôi con cái ăn học. Họ làm việc thực sự vất vả nhưng lúc nào cũng nở nụ cười trên môi như chính cách họ đối mặt với thế giới. Chúng tôi đã học được nhiều bài học ý nghĩa từ người bán hàng vỉa hè này. Thứ nhất, bạn phải làm việc thực sự chăm chỉ thì mới có được thứ mà mình muốn, bất kể con đường có chông gai đến cỡ nào. Thứ hai, bạn luôn phải kính trọng khách hàng của mình. Dù khách hàng là ai, bất kể làm nghề gì, thân phận gì, dáng vẻ như thế nào, họ đều nở nụ cười và nhớ khẩu vị của từng người, và bán hàng một cách thật tận tình. Thứ ba, bạn không được nhìn vẻ bên ngoài mà đánh giá một con người cũng giống như “nhìn mặt mà bắt hình dong” vậy!

Có lẽ hình ảnh người bán hàng rong ngồi dưới mưa đã để lại nhiều cảm xúc nhất, như một vết hằn trong tâm trí của tôi, vừa có một chút lắng động trong lòng, vừa xót thương, vừa quen thuộc. Hàng rong là những khoảng lặng quý giá trong đời sống đô thị. Ngành nghề với bao nỗi cơ cực dãi nắng dầm mưa, vì thế có người nói chúng ta nên cứ thương – giận hàng rong! Hàng rong có từ bao giờ, không biết nữa. Chỉ thấy rằng, khi nói đến cuộc sống của thành phố Sài Gòn này, người ta không thể không nhắc đến hàng rong, như một nét riêng của văn hóa đô thị. Một ngày nào đó hãy thử dừng chân và trải nghiệm cái cảm giác ngồi ăn trên vỉa hè, trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp, tận hưởng một ngày tuyệt vời đầy giản dị và vui vẻ. Chúng tôi những người thực hiện đề tài này chỉ mong muốn họ có cuộc sống tốt hơn, một chỗ bán ổn định hơn – ước mơ rất đơn giản mà họ từng chia sẻ cho chúng tôi biết, chính quyền mở những “phố hàng rong” nhiều hơn để họ có thể mưu sinh không phải lo lắng chạy trốn.

Nên có những khoảnh khắc không hai lần qua lại, có những điều trong cả một cuộc đời không thể quên, và có những thứ, trong những bộ phim hay nhất, kịch tính nhất cũng khó có thể diễn tả hết… Hạnh phúc là những điều giản đơn, vi vu trên khắp nẻo đường cùng người bạn của mình, xuyên suốt dải đất mọi người đặt chân. Những chặng đường đã qua, bao nhiêu điều ghi khắc, những phút giây chẳng dễ kiếm tìm. Chỉ bản thân tôi mới cảm nhận được trái tim mình hướng về đâu, muốn gì, cần gì và làm gì cho mọi người xung quanh tôi và cho cuộc sống này. Hành trình của sức trẻ đó bằng sự nhiệt huyết, bằng tiếng cười, những giọt mồ hôi, nước mắt và đặc biệt sự hạnh phúc cùng nhau. Đó là một điều tuyệt vời. Tôi rất cảm ơn cuộc sống này đã cho tôi cơ hội một lần được trải nghiệm, một trái tim biết sự yêu thương nhân ái, một lý trí biết phương hướng đúng đắn, đôi mắt quan sát điều giản dị, lạ lẫm, đôi bàn tay biết sáng tạo! Nhà văn Rosie Nguyễn đã từng viết cuốn sách Mình nói gì khi nói về hạnh phúc đã từng nói:

“Mình muốn khoảnh khắc này tiếp diễn mãi mãi. Khoảnh khắc của những điều đẹp đẽ tuyệt vời. Khoảnh khắc thấy mình gần với Phật tánh bên trong mình. Khoảnh khắc thấy mình là một phần của một cái gì đó lớn hơn, vĩ đại và đầy ý nghĩa.”

Tôi cũng muốn được như chị ấy biết lắng nghe trái tim mình, cần sức mạnh để đem đến hạnh phúc cho người khác, một điều gì đó bước vào đời mình, sống đơn giản, nghĩ đơn thuần, cần sự can đảm để sẻ chia, cần đấu tranh cho những hạnh phúc – dấu hiệu tái sinh điều mới lạ. Và điều đặc biệt nữa chị ấy cũng từng nói: “Chúng ta vẫn thường trầm trồ về những nhân vật xuất sắc, thành công, những người nổi tiếng, hào quang rực rỡ. Chúng ta vẫn thường like và share những lời nói “sốc hàng”, những nhận định mạnh miệng, những câu đao to búa lớn sắc sảo tự tin. Chúng ta vẫn thường chú ý đến những gì nổi bật, hào nhoáng, rực rỡ, khác thường. Nhưng chúng ta thường quên đi vẻ đẹp của những người bình thường giản dị.” Vì thế, hãy học cách hạnh phúc từ điều giản dị mọi thứ xung quanh bạn!

Nếu hạnh phúc là một dòng sông ngắn không cần rộng lớn, thì tôi muốn phép màu xảy ra biến dòng sông ấy có thể chia sẻ nơi khô cằn xung quanh nó, giúp điều hòa lượng nước (cung cấp nguồn nước vào mùa khô, điều tiết nguồn nước vào mùa lũ), không bị ngập lụt, cứu sống nhiều người, là nguồn sống của bao sinh vật. Hạnh phúc – sẻ chia sẽ lấp đầy tâm hồn bạn. Khi hạnh phúc có một sẽ chia sẻ hai, cứ như thế tiếp diễn, còn nỗi buồn có một sẽ giảm một nửa. Đó là điều kỳ diệu mà hạnh phúc mang lại hãy trân trọng điều đó, bạn sẽ có được những thứ hơn thế nữa!

Nguyễn Thị Phương
(Phương Cú Mít)

Ảnh minh hoạ: Tri Nguyen
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,850Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI