Ảnh: Bé Thu Minh, học sinh lớp 1 ở Hà Nội vẽ
Đã gần bốn mươi năm, kể từ ngày 30 tháng 4 lịch sử. Một khoảng thời gian chưa gọi là dài so với tầm vóc thế giới, nhưng cũng không thể gọi là ngắn, vì bốn mươi năm cũng đã hơn nửa đời người. Vậy mà, dọc dài đất nước, vẫn còn những bãi bom mìn chưa rà soát hết được. Vậy mà, tận sâu trong những ngóc ngách núi đèo, vẫn chìm lấp những hài cốt chiến sĩ, tìm hoài, tìm hoài không hết. Vậy mà, lênh đênh giữa dòng đời, vẫn còn có nhiều lắm, nhiều lắm những gia đình, những thân phận đớn đau vì di chứng chiến tranh…
Hơn ai hết, người dân Việt Nam hiểu rõ cái giá phải trả của chiến tranh. Xương máu đổ ra, không những là xác người nằm xuống. Mà còn là cha mẹ già không nơi nương tựa, tóc bạc khóc mái đầu xanh, mỏi mòn năm tháng. Mà còn là cô vợ trẻ hụt hẫng, giấu giọt nước mắt, héo tàn tuổi xuân. Mà còn là đứa con thơ đêm đêm tìm cha qua cái bóng trên tường. Mà còn là những đổ nát hoang tàn không biết đến bao lâu sau đó mới vun gầy lại nổi… Và còn biết bao nhiêu điều không thể kể hết được.
Nơi tôi sống, không khí tĩnh lặng, trầm buồn, nên con người cũng lặng lẽ, chắc vì thế mà chưa có cuộc bạo động nào, và dĩ nhiên tôi không bao giờ mong điều đó xảy ra. Nhưng hôm nay, khi đi chợ, tôi chợt phát hiện gian hàng thịt quay của một người Hoa, chỉ toàn người Hoa mua mà thôi. Hẳn là những câu chuyện thời sự nóng bỏng cộng thêm những lời đồn thổi, đã khiến họ tự co cụm lại với nhau. Bên trong những đôi mắt ấy, tôi nhìn thấy sự e dè, lo âu; ẩn dưới sự điềm tĩnh bình thản ấy, tôi đọc được sự mơ hồ, cái mơ hồ mà chính tôi cũng cảm nhận được trong suốt cả tháng nay, không biết rồi sẽ ra sao, mơ hồ một nỗi lo, mơ hồ một tấc dạ, dù không nói ra thành lời, nhưng âm ỉ đâu đó…, những con sóng…
Nếu lỡ như… thì cả tôi lẫn họ cùng lao đao như nhau, cùng lầm than như nhau, họ cũng như tôi, chỉ là người dân bình thường thôi mà, lo mưu sinh cho bản thân và gia đình, đóng góp công sức nhỏ bé vào guồng quay chung của xã hội, họ có lỗi gì đâu?! Chính trị và người dân, gắn liền với nhau, nhưng lại độc lập riêng biệt với nhau. Tôi tin chắc, là cả họ và tôi đều mong hòa bình, đều muốn nhìn nhau một cách hào sảng, đều ước ao sau những mệt mỏi với cơm gạo áo tiền mỗi ngày, sẽ được bước chân về nhà, ấm áp với người thân của mình, thấy trẻ thơ trưởng thành và nhìn cha mẹ già đi trong sự mãn nguyện.
Thường dân không phải là chính trị gia, nhưng có lẽ một điều đơn giản mà ai cũng hiểu, vì nó quá dễ hiểu, là, khi chiến tranh nảy ra, luôn luôn có những kẻ muốn đục nước béo cò. Và cũng có một điều đơn giản không kém, là đâu có ai muốn mình trở thành con tốt thí. Những người yêu hòa bình, sẽ bằng mọi cách để giữ lấy hòa bình. Đây là lúc để trả lời câu hỏi: “Tôi đã làm gì cho quê hương.” Nhẹ nhàng thôi, bình tĩnh làm tốt, cực tốt công việc hàng ngày của mình, để người chấp pháp yên tâm làm việc của họ. Bởi, bạn ơi, chiến tranh, đâu phải trò đùa.
Gold