Với những ai ít bận bịu tâm trí thì có lẽ mùa mưa ở Sài Gòn năm nào cũng như năm nào, chẳng có gì khác biệt. Vẫn những mặt đường lênh láng nước, những hố ga ẩn hiện bất đắc dĩ gài bẫy con người, những chùm dây điện giăng mắc trêu ngươi thiên hạ. Những con người chen chúc nhau, ướt sũng trên phố, ai cũng có cùng một câu hỏi về lòng cam chịu. Và chính vì năm nào cũng chỉ một khung cảnh như thế mà người ta sẽ nhớ sâu hơn những kỷ niệm, những dấu ấn do chính mình tạo ra trên cái phông nền tưởng chừng như cũ kĩ ấy. Đúng rồi, đâu có ai khác làm nên sự khác biệt cho đời mình, ngoài chính mình. Có bao giờ bạn dừng lại những chuỗi ngày y hệt nhau, dài ngút ngàn để chất vấn bản thân tại sao lại không có lấy một điểm nhấn cho đời mình hay chưa? Tôi đã từng hỏi chính mình như thế, không chỉ một lần mà rất nhiều lần.
Tôi nghĩ rằng ai cũng có cách riêng để an ủi bản thân trong những thời khắc thảm hại nhất của cuộc đời. Và mỗi lần cái sự tủi thân cứ dâng lên trong mình, tôi lại nhớ, lại hồi tưởng lại quãng đường mà mình đã đi qua để thấy rằng: Ồ! Mình cũng không đến nỗi dậm chân tại chỗ. Mặc dù những gì mình đạt được cũng không nhiều nhặn là mấy nhưng làm gì có ai đặt ra mục tiêu rồi đạt được ngay. Sống chậm cũng là một cách sống. Tôi thấy mình như một con ốc sên âm thầm lặng lẽ chinh phục từng milimet cuộc đời. Biết làm sao được, chúng ta đâu được lựa chọn mình sẽ sinh ra trong hình hài như thế nào, trong một cảnh đời như thế nào đâu. Cho nên có oán hờn, than trách cũng vô ích mà thôi. Hãy chấp nhận những gì không thể đổi thay rồi sau đó, hãy bắt đầu nhìn về phía trước.
Tôi nhớ về thời học sinh của mình. Tôi học hành vì đó là cái bổn phận mà bao nhiêu đứa con trên quê hương này đều phải mang lấy. Không thắc mắc, không có khoảng trống nào cho những dấu chấm hỏi. Tôi nhớ mình bù đầu với những bài toán, lạc lối trong một mớ công thức. Tôi nhớ mình cố xâu chuỗi những bài học lịch sử thành những câu chuyện để không phải đọc thuộc lòng như con vẹt. Tôi nhớ mình đã viết những bài nghị luận xã hội tốt đến mức thầy giáo không trả lại bài cho tôi mà giữ lại làm văn mẫu. Tôi cũng nhớ mình đã viết những bài văn biểu cảm tệ đến nỗi chính mình cũng không dám đọc lại.
Giờ đây, ngồi nghĩ lại tôi mới hiểu rằng, người ta bắt mình phải học nhiều thứ như vậy hóa ra cũng có cái hay. Nếu không, làm sao tôi biết được mình làm tốt cái gì và kém cỏi điều gì? Tuy nhiên, tôi đã hiểu ra nó quá muộn. Tại sao ngày ấy chẳng ai giúp tôi nhận thức được chính mình? Biết bao nhiêu đứa trẻ lớn lên cùng với tôi, liệu có cùng câu hỏi như tôi hay không?
Và tôi cứ bước đi trong cuộc đời của mình với những câu hỏi như vậy. Tôi đang làm gì đây? Tôi sẽ phải làm gì tiếp theo? Những thứ này có ý nghĩa gì? Có phải tôi đang làm khổ chính mình hay không?
Một buổi chiều như bao nhiêu buổi chiều khác ở Sài Gòn, thời điểm mà một số người bắt đầu kết thúc một ngày của mình. Tôi nhớ mình ngồi trên yên xe dựng bên hè phố, ngồi cho đến khi ánh sáng ban ngày bắt đầu tắt dần và ngước nhìn lên những ô cửa chung cư bắt đầu bật sáng. Bên trong ấy là những thân phận hoàn toàn khác biệt, ít nhất là với tôi. Tôi ngồi đó và hưởng nhờ cái hơi ấm tỏa ra từ những chiếc tổ lung linh ấy. Tôi nghĩ về bao nhiêu người trẻ khác như tôi đang quần quật ở cái thành phố này để đóng vai trò là viên gạch xây nên những giấc mơ của người khác. Giấc mơ của mình thì sao? Có lẽ nó còn ở trong đầu mình. Có lẽ nó còn lững lơ ở phía trước để mình đuổi theo. Và tôi đau cho hiện tại.
Có những câu hỏi sẽ khiến bạn đau lòng. Bạn hiểu rõ hơn ai cả, cái nỗi đau ấy. Nhưng rồi sau khi những nỗi đau ấy qua đi, bạn làm gì? Bạn có dám đứng dậy, trấn tĩnh chính mình và đi tìm câu trả lời hay không? Sau cả một đoạn đời ngập trong những câu hỏi kiểu như vậy, tôi bắt đầu say mê chúng. Tôi thích những câu hỏi bỏ lửng, những câu hỏi tu từ vì tự nó đã chứa đựng câu trả lời. Tôi thích những câu hỏi mà sẽ mở ra những khoảng trời suy tư dài hun hút, ở đó có những miền đất tri thức đang chờ người khám phá. Tôi học cách chiêm nghiệm, tôi đào sâu vào nội tâm và không ngừng suy xét bản thân. Mỗi ngày tôi lại tìm đến một khoảng tối của tâm hồn mình để hy vọng và cố gắng dọn dẹp lại nó, để tìm đường cho ánh sáng đến được với nó. Và như thế, từng ngày, từng ngày tôi phát hiện ra mình có quá nhiều những góc tối trong tâm hồn. Tôi đi tìm sự thanh thản.
Khi bạn không có gì để làm thì ít nhất cũng đừng để cho đầu óc mình trống rỗng.
Tôi tin vào sự cứu rỗi của tri thức mà con đường ngắn nhất dẫn đến nó là thông qua những câu hỏi. Hãy thắc mắc, hãy đặt ra những câu hỏi cho cuộc đời mình hôm nay và đi tìm lời giải cho nó trong những ngày tiếp sau đó. Cứ thong thả, đừng vội vã. Vì vội vã dễ dẫn đến sai lầm. Nếu chẳng may bạn sai lầm, hãy tiếp tục đặt câu hỏi về những sai lầm ấy. Mỗi một ngày trong đời bạn sẽ một tươi sáng hơn. Ánh sáng huyền nhiệm của tri thức sẽ soi rọi cho bạn biết phải lựa chọn bước đi con đường nào.
Người ta nói Sài Gòn không có ngày và đêm. Bạn có thể hiểu điều này theo bất cứ cách nào mà bạn nghĩ. Tôi thì nghĩ rằng, có quá nhiều người đang sống không mục đích, không lý tưởng ở cái nơi nổi tiếng là giàu nghĩa tình này. Người ta chắc chắn có rất nhiều câu hỏi quay quắt trong đầu mình để rồi cứ mỗi đêm về là lại ray rứt khôn nguôi. Làm sao có thể ngủ được trong tình trạng như vậy? Nhưng khi một ngày mới bắt đầu mà những ray rứt ấy vẫn chưa được giải tỏa, người ta đã phải lao vào cuộc mưu sinh. Mỗi ngày trôi qua, nỗi uất ức với chính mình cứ tích tụ dần. Song người ta lại chọn tìm quên, lấp liếm nó đi bằng cách vùi mình trong những cuộc vui, những cơn say bất tận mà không giải quyết dứt điểm nó. Rồi những ngày khác nữa lại đến trong vật vờ, vô định. Lúc ấy, người ta sẽ hiểu thế nào là bóng tối của ban ngày.
Tôi cũng từng như vậy và tôi đã dặn lòng mình rằng: Tôi sẽ không chấp nhận dừng lại ở đây. Thực tại này chỉ là tạm bợ. Đừng kéo dài những xung đột với bản thân mình nữa vì chúng ta không biết được ngày mai chuyện gì sẽ lại đến. Hãy cố vượt qua thực tại để sẵn sàng với những thử thách mới. Hãy xua đi bóng tối của ban ngày. Sẽ có lúc chúng ta hãnh diện về con đường mình đã đi qua, lúc ấy hãy nhớ nhắc nhở bản thân đừng tự mãn. Không có ai hoàn hảo ngay lúc này đâu.
Tác giả: Nguyễn Tài