Con Dồ lễ mễ, tay này cái túi xốp, tay kia hai cái lồng đèn tre hình ba đồng tiền mà Ba nó đã cặm cụi gò cho nó trước khi đi làm ăn xa. Sà xuống chỗ thằng Đen, chưa kịp đốt nến, lũ nó đã vỗ tay reo hò, ba chân bốn cẳng bươn theo mấy chiếc xe hoa rước đèn quanh phố. Trẻ con, chân tay thường nhanh hơn cái đầu, con Dồ lật đật chạy theo, được mấy bước lại lộn ngược, chụp cái lồng đèn, chớ sao nữa, rước Trung Thu phải có lồng đèn. Tuột đôi dép ra để chạy nhanh cho kịp tụi thằng Mập, mới được ba sải chân, nó quay người vòng lại một lần nữa. Thằng Đen trố mắt nhìn nó tính hỏi, mà chợt nghĩ ra điều gì, nó túm cái túi xốp đưa cho con Dồ, ờ, chắc nó quên cái túi chớ gì. Con Dồ thả đôi dép đánh “bạch”, rồi ngồi phệt xuống thở hào hển làm thằng Đen thất kinh:
– Mày sao dậy?
Cái hàm răng sún toét ra cười:
– Quên. Tao đi luôn rồi mày ngồi đây dới ai.
Thằng Đen cứ há miệng:
– Ơ…ơ…
– Ơ gì mà ơ. Chạy theo tụi nó mệt lắm. Tao dới mày mổ heo đi.– Mổ heo gì?
– Mày hông biết thiệt hả?Con Dồ cười khoái trá, lôi mấy con heo dẻo trong túi xốp ra. Thế là hai đứa nó bắt đầu vặt mõm heo, tai heo, đầu heo. cái đuôi cũng chẳng chừa.
– Má tao nói ăn đuôi heo bổ lắm ớ. Cho mày nè.
Phố rộn ràng đèn hoa, đó đây lung linh nến xanh nến hồng, trẻ con la hát vang trời, giữa sắc thu đằm thắm trong trẻo, điểm lất phất mấy hạt mưa bụi, trăng mười bốn vành vạnh nở nụ cười, thật đầy đặn… lên cao… lên cao… như muốn bao bọc ôm trọn nhân gian vào lòng ánh sáng dặt dìu, êm ái… Tiếng loa văn nghệ từ khu vực trung tâm thành phố lảnh lót:
“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường…”Vi Hạ đã từng hỏi Quân:
– Một sinh viên tốt nghiệp hạng ưu như anh, nếu muốn xâm nhập nền văn minh nước ngoài, sao không xin xuất khẩu lao động mà phải tính chuyện xuất cảnh bằng dịch vụ?
– Đi bằng dịch vụ mới ở lại luôn được, còn lao động hết hạn phải về.Cô tròn mắt:
– Chớ anh tính đi luôn sao?
– Sinh viên đại học phải xứng đáng hưởng thụ một cuộc sống xứng với tầm kiến thức của mình. Mà điều đó chỉ có ở nước ngoài thôi.Cô đã ngồi thẳng người lên:
– Anh có phải là người Việt Nam không?Em không tranh cãi vấn đề văn minh, tiến bộ, nhưng nên học tập cách làm việc của nước ngoài để mang về “sống” với nơi anh sinh ra.
– Sao em ngây thơ vậy?
Vi Hạ lắc đầu. Cô không hiểu hay không muốn hiểu. Cũng như bây giờ đây, Cô không biết là mình không hiểu hay không muốn hiểu, tại sao hai người kia xô xát đánh đập, xé rách quần áo, cào xước mặt nhau mà lũ người xung quanh, kẻ thì vỗ tay bôm bốp cười hô hố, kẻ sợ hãi bịt mắt chạy vào góc rào. Một góc rào, vì họ đang ở trên một bãi đất đã được rào, dành cho những kẻ tâm thần!!! Và cô, chợt biết là mình đã không muốn hiểu.
Những phong bì tiền, khi dày khi, mỏng. Những xe gạo, nhiều có, ít có. Những bộ quần áo cũ được cóp nhặt, cái to cái nhỏ. Những nhu yếu phẩm rẻ tiền…Chẳng bao giờ là đủ, theo nghĩa đen; chẳng bao giờ là đi hết tận cùng sự chia sẻ, theo nghĩa bóng; so với những thân phận mong manh trong cuộc đời rộng lớn này. Phải tận mắt chứng kiến mới thấy hết được cái đắng cay của số phận.
– Về thôi. Tối còn qua trường Phong Lan. Mọi người chờ.
Phong nhìn Lê kéo tay Vi Hạ ra xe. Ừ, còn bao nhiêu việc phải làm. Nhưng cô vẫn không khỏi thắc mắc, những người bất hạnh này, khi cầm miếng bánh vuông vắn kia, họ có một chút mơ hồ nào hôm nay là ngày Trung Thu không? Rồi cô lại tự cười mình vì những suy tư ngớ ngẩn ấy. Có hề gì. Hạnh phúc đối với họ là giấc ngủ êm với cái bụng no đủ ấm áp. Một cảm giác thỏa mãn mà có lẽ chính họ cũng không hiểu được nghĩa của hai từ thỏa mãn. Người điên không biết nhớ. Và quên. Là một điều hạnh phúc đối với họ. Không phải trong tất cả chúng ta, ai cũng ít nhất một lần muốn được quên đi điều gì đó sao? Nhưng quên như họ-như những người tâm thần này-liệu có ai muốn quên???
Thôi đừng nghĩ nhiều. Dẫu sao định mệnh cũng đã cho họ những dấu trừ. Còn chúng ta, hãy cố gắng trao cho họ những dấu cộng. Để mỗi người đều cảm nhận được hạnh phúc theo cách riêng của mình. Dù nhỏ nhoi.
Và trên hết, đó là vì những thăng trầm của những đứa con trên cùng một quê hương.
*Featured image: Bw-Future