(1200 chữ, 5 phút đọc)
Tiền đề duy nhất mà mấy “dáo xư” đưa ra để bảo vệ cho đề xuất đem chữ Tàu vô chương trình học phổ thông của mấy ổng là “để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.” Tiền đề này, trước hết, hoàn toàn mù mờ và không thể vững chắc, bởi “sự trong sáng của tiếng Việt” là một khái niệm định tính, không thể cân đo đong đếm, không có chuẩn tắc chung, không thể diễn dịch cụ thể. Hãy thử mổ xẻ nó bằng những câu hỏi sau:
- Tiếng Việt “trong sáng” là tiếng Việt thế nào?
- Dạy chữ Tàu cho trẻ em là cách duy nhất để tiếng Việt “trong sáng” chăng?
- Tiếng Việt sẽ không “trong sáng” khi trẻ con không biết chữ Tàu chăng?
- Nếu có cái gì đó gọi là sự “trong sáng” của ngôn ngữ, nó ảnh hưởng tới đời sống quốc dân ra sao, cụ thể là trong các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị?
- Nếu tiếng Việt quả thật đã hết “trong sáng”, nó có phải là vấn đề cực kỳ bức xúc, khiến cho hàng triệu người đói khổ, hàng ngàn người chết mỗi năm như tai nạn giao thông, trực tiếp móc túi người dùng như giá xăng giá điện, làm tài sản quốc dân bốc hơi vì lạm phát… chăng?
Ta trả lời và thấy rằng:
- Đây không phải vấn đề bức thiết
- Đây không phải phương pháp tối ưu
- Đây là một chuyện nhảm nhí
Không cần là người theo thuyết âm mưu, ta cũng có thể đánh hơi được cái gì đó khắm thối khi tự dưng có một ông ất ơ nào đó phán về một chuyện vô thưởng vô phạt như thế trong lúc này, nhưng lại khiến đám đông xã hội phát rồ lên và chia rẽ nhau.
Những từ Hán Việt ta dùng ngày nay, có phải khi đưa trở về nghĩa gốc trong chữ Tàu thì nghĩa của nó sẽ đúng và giúp cho tiếng Việt trong sáng hơn hay không? Cần biết rằng, đa số những từ Hán Việt mà chúng ta sử dụng trong xã hội ngày nay, không phải nhờ chữ Tàu, mà là nhờ những sách Tân Thư của người Nhật!
Hãy thử điểm qua vài từ Hán Việt thông dụng hiện nay:
- Lãng mạn
- Cách mạng
- Kinh tế
- Chính trị
- Xã hội
- Phiêu lưu
- Độc lập
- Tổ chức
- Câu lạc bộ
- Điện thoại
- Lập trường
- Phủ định
- Trừu tượng
- Phóng xạ
- Điện tử
- Tế bào
- Phân phối
- Chủ nghĩa xã hội
- Công trái
- Phạm trù
- Cảm tính
- …
Toàn bộ những từ liệt kê ở trên, và hàng ngàn từ khác tương tự, chính người Tàu cũng thừa nhận và thống kê thành nhiều cuốn, hoàn toàn đéo có nghĩa tương đương trong chữ Tàu xưa. Chúng là tài sản của người Nhật, trong giai đoạn thoát Á dưới thời Thiên Hoàng Minh Trị, đã du nhập của phương Tây rồi sáng chế ra bằng cách phiên âm tiếng Tây (romantic = lãng mạn, club = câu lạc bộ, …) hoặc ghép hai từ đơn để tạo ra khái niệm mới (điện thoại, điện tử, phủ định…) hoặc dùng chữ cũ nhưng với khái niệm hoàn toàn mới (kinh tế , tổ chức <dệt vải>, phiêu lưu <trôi trên nước>, cách mạng, độc lập <đứng một chân> …)
Sau đó, những người China tân tiến là các ông Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… đã dịch các Tân Thư mà người Nhật dịch của người Tây qua tiếng Tàu, bê nguyên xi các chữ Kanji của người Nhật qua văn bản dịch. Trong giai đoạn năm sáu mươi năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có hơn 2600 đầu sách Tân Thư của Nhật dịch qua tiếng Tàu, từ sách triết học cho đến sách dạy thổi kèn (harmonica). Thử hỏi lượng từ vựng mới nhiều khủng khiếp đến mức nào? Lúc này, dân Tàu và dân Annam đọc các bản văn nhìn thấy các từ mới này cũng như ngày nay chúng ta đọc sách và nhìn thấy các từ ghi-đông, pê-đan, mu-soa, cooc-sê, ti-vi, ma-nơ-canh, la-va-bô, bê-tông, ra-đi-ô, phá lấu, bạc xỉu, sà rông, cà ri, chà và… hiểu được ý nhưng đâu có cần phải đi học tiếng Pháp hay tiếng Ấn Độ để mà “giữ gìn sự trong sáng” làm quái gì?
Lại nữa, khi các cụ chí sĩ nước ta thời đó như cụ Phan Châu Trinh, cụ Phan Bội Châu, các cụ trong Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ Ngô Đình Diệm,… đọc, dịch và phổ biến bằng nhiều cách (thơ, văn, diễn thuyết…) nội dung và khái niệm mới trong sách cho quốc dân trong nước. Việc chuyển ngữ các sách này từ bản dịch tiếng Tàu qua tiếng Việt thì chỉ cần phiên âm Hán Việt các từ vựng mới này mà thôi. Những từ mới này chính là những bước chân đầu tiên giúp dân ta bước tới gần kho báu tri thức Tây phương, nhất là các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, triết học, quân sự, xã hội học, kinh tế học… Hầu như, những gì tiến bộ của cả China và Việt Nam trong thời điểm đó đều là thông qua cánh cửa Nhật ngữ. Và các từ này được sử dụng mãi đến ngày nay.
Ngày nay, những từ vựng gốc Nhật này đã bị bọn dáo xư ngộ nhận là tiếng Tàu. Có khối người thiếu hiểu biết lên báo đã dùng những từ vựng mới này diễn dịch theo nghĩa đen trong các từ đơn và cho rằng người Việt đang dùng sai và phải học tiếng Tàu để dùng cho đúng. Có mà điên!
Như vậy thì, vấn đề này đâu phải cái gì to tát thâm cung bí sử đến nỗi chúng nó không biết mà chúng lại lu loa lên ỏm tỏi, rồi bày trò chia quân xanh quân đỏ chí choé với nhau như rứa?
Hiện nay, quốc dân đang ghét Tàu lắm, khi cho một thằng làm chốt thí nói cái gì đó nghịch nghịch như vầy, đám đông sẽ có chỗ trút giận và quên hết mẹ những vấn đề to tát khác.
Chúng ta là người, không phải chó đàn, đừng nhâu vào cục xương mà người ta quăng ra. Hãy tỉnh thức, người Hồi Ninh Hạ, người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, người Tây Tạng, người Tráng Quảng Tây, dân số hàng trăm triệu và bây giờ bốn dân tộc này cộng lại chỉ còn gần hai mươi triệu, khi nào tới phiên dân Việt?
Dạy chữ Tàu phổ thông có nguy cơ làm con em chúng ta vong bản, nhưng còn xa xôi lắm. Mà hoạ diệt chủng vì những chuyện khác thì đã sát một bên!
Tham khảo
1. ベトナムと日本の文化交流 (Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hoá) – Vĩnh Sính (Giáo sư Đại học Alberta, Canada)
2. Hiện đại Hán ngữ trung tùng Nhật ngữ tá lai đích từ vị – Vương Lập Đạt
3. Chinese borrowings from the Japanese Language (Những chữ Tàu mượn từ Tiếng Nhật) – Chen Sheng Bao. The Japan Foundation Newsletter, tháng 5 – 1988
4. 中訳日文書目 (Thư mục sách Nhật dịch ra chữ Tàu) – Sanetou Keishu
Tác giả: Hai Le
Edit: THĐP
Photo: Lương Khải Siêu
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2