Featured image: Riccardo Annandale on Unsplash
Giá trị đích thực không phải là gì?
Câu trả lời đầu tiên, chắc nịch dường như ai cũng biết là nó không nằm ở vẻ bề ngoài của bạn. Tuy quần áo, dày dép, nón mũ, trang sức có thể làm cho bạn lỗng lẫy hơn nhưng không thể làm con người bên trong của bạn khác đi. Và bất cứ ai cũng có thể thay đổi hình thức bề ngoài của mình nếu muốn và nếu có tiền. Đơn giản vậy, thì sao gọi là giá trị đích thực được.
Bạn đã bao giờ thèm khát được xinh đẹp, lỗng lẫy như người này, người kia chưa? Bạn đã bao giờ từng ước ao giá mình có tiền để mua sắm những bộ váy áo đẹp nhất, bắt mắt nhất chưa? Và bạn có từng đinh ninh rằng mình sẽ từ một cô bé lọ lem hóa thành công chúa, từ con gà mái hóa thành con công, con phượng nhờ những thứ đó không? Tôi đã từng như vậy đấy!
Ồ, lúc đầu quả thực rất vui, rất tự tin khi được khoác lên mình đúng kiểu mà mình thích. Nhưng… chỉ vậy thôi, không còn gì hơn nữa! Bộ trang phục đẹp chỉ làm người ta liếc nhìn mình một cái, có thể là một thoáng ngạc nhiên, một phút so sánh ngầm, thêm một câu khen ngợi là chấm hết. Rồi người ta sẽ nhanh chóng quên bạn luôn, nếu bạn chẳng còn gì để gây ấn tượng. Bạn cô đơn ư, vẫn hoàn cô đơn, bạn tự ti ư, vẫn tự ti như thường. Bộ trang phục chẳng giúp gì cho bạn hết nếu bạn không biết cách giao tiếp, nếu bạn không có chút hiểu biết gì về đề tài người ta đang nói đến.
Thực ra tôi không có ý phê phán sự thích làm đẹp của bạn vì tôi cũng vậy mà (có những người biết làm đẹp thì trình độ thẩm mĩ chung của xã hội mới đi lên chứ). Tôi chỉ muốn nhắc bạn rằng tuyệt đối không được ngộ nhận về nó,không được đẩy nó lên thành thước đo đánh giá bản thân, hãy trả hình thức về đúng vị trí của mình: là “tốt nước sơn” mà thôi.
Giá trị đích thực của bạn cũng không nằm ở nhà đẹp, xe đẹp, những vật dụng đẹp đẽ, tiện nghi mà bạn có. Chúng chỉ nói lên rằng bạn có điều kiện kinh tế hơn người khác. Với nhà nghèo thì đó là mơ ước cả đời, nhưng với nhà giàu thì cũng chỉ bình thường, không có gì ghê gớm cả. Những thứ ấy do bạn làm ra hay do cha mẹ để lại hoặc một ai đó đem tặng bạn thì sao? Nếu bạn làm ra thì liệu có phải là những đồng tiền chân chính bằng mồ hôi, trí tuệ của bạn hay là sự chụp giật, cơ hội mà có được? Nếu là đồng tiền chính đáng thì liệu những vật chất ấy có nói lên hết được công sức mà bạn bỏ ra không. Tóm lại, vật chất chỉ giúp bạn thỏa mãn hơn trong sinh hoạt, chứ không quyết định bạn là ai, bạn làm người như thế nào.
Vậy phải chăng giá trị đích thực của bạn nằm ở bằng cấp,học hàm, học vị. Câu trả lời cũng là không vì nếu thế thì một nửa dân số trong xã hội này là đồ bỏ đi. Điều ấy hết sức phi lý. Có một thực tế là bạn học giỏi nhưng đi làm chưa chắc đã giỏi, có học hàm, học vị cao nhưng chưa chắc hiệu quả công việc đã cao. Và ngược lại nhiều người không có bằng cấp gì vẫn có thể làm nên sự nghiệp, minh chứng nhiều không nói hết. Chưa kể đến bao nhiêu cử nhân thất nghiệp gần 30 tuổi vẫn ăn bám bố mẹ, bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ chẳng làm nên trò trống gì cho đời.Trong một xã hội trọng bằng cấp như nước ta, ai cũng chỉ biết lao vào học để có được một tấm bằng nhưng khi ra trường lại thấy gần như không sử dụng được chút kiến thức nào thì bằng cấp lại càng ít giá trị hơn bao giờ hết. Thậm chí người ta có thể bỏ tiền ra để mua bằng cấp,vậy nó khác nào món đồ trang sức nặng kí nhằm mục đích làm lóa mắt người khác lúc ban đầu.
Quyền lực có làm nên giá trị của bạn không? Thoạt đầu là có, rất nhiều đằng khác, “dưới một người mà trên vạn người”còn gì sung sướng hơn. Nhưng nó cũng phù phiếm vô cùng, giống như của cải vật chất, hôm nay bạn có được, ngày mai chưa biết chừng sẽ mất đi. Khi bạn quyền cao chức trọng,bao nhiêu người ngả mũ cúi chào, hết thời hết vận, bấy nhiêu người sẽ ra đi. Nếu giá trị của bạn nằm ở quyền lực thì khi vì một lý do nào đó nó không còn nữa, giá trị của bạn cũng hết ư?
Giá trị đích thực của bạn càng không nằm ở những nhận xét, đánh giá của người ngoài vì đa phần chúng đều nhuốm màu chủ quan hơn khách quan. Nếu bạn làm cho họ quý mình thì những nhận xét về bạn đương nhiên là tốt đẹp, nếu bạn làm cho họ ghét bạn thì họ cũng sẽ nhận xét cay độc về bạn. Mỗi con người như một khối rubich đa diện, có thể lúc thế này, lúc thế kia, một người may mắn chỉ nhìn thấy mặt tốt bạn phô ra, lời đánh giá của họ sẽ hoàn toàn khác với một người chỉ được tiếp xúc với cái xấu của bạn. Vì thế, đừng vội ảo tưởng vào những lời khen ngợi và cũng đừng quá buồn phiền nếu ai đó nhìn nhận bạn chưa tốt. Ây vậy mà… chúng ta lại hay có thói quen thích nghe người khác đánh giá về mình hơn là tự đánh giá.
Kết luận, giá trị đích thực của bạn chỉ có thể là chính bạn, không ai, không điều gì có thể thay thế được. Trí tuệ của bạn như thế nào, tâm hồn bạn ra sao, cách mà bạn sống và làm việc mới làm nên con người bạn. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng sự thực là vậy, muôn đời vẫn là vậy.
Gần đây người ta thường có xu hướng tự ca ngợi mình, cho mình là một, là riêng, là thứ nhất, là sản phẩm độc đáo duy có trên trái đất, kết tinh giá trị của mấy triệu năm tiến hóa… Vâng, đúng thế nhưng điều quan trọng hơn là hãy hỏi xem cái tôi “đỉnh cao ngút ngàn” ấy đã làm được gì cho bản thân, gia đình và xã hội thì mới đáng để nói.
Người có thể thẩm định được giá trị của bạn cũng chỉ có thể là chính bạn. Không một ai hiểu rõ và đánh giá đúng thực chất con người bạn bằng bạn với điều kiện phải trung thực và nghiêm túc tự nhìn nhận bản thân. Nào hãy vắt tay lên trán và nghĩ xem trong khối tài sản khổng lồ kia bạn có bao nhiêu công lao làm ra nó, trong tấm bằng danh giá đẹp đẽ này bạn đã mất công mất sức như thế nào, trong quyền lực nhất thời hiện tại bạn đã phấn đấu ra sao để dành được. Đôi khi những thứ bạn có chưa phản ánh hết giá trị của bạn hoặc lại khuếch đại hơn giá trị thực mà bạn có. Một bà nội trợ đảm đang thì sẽ hơn một người đi làm chỉ để lấy mẽ, một công nhân có tay nghề giỏi chắc chắn giá trị sẽ cao hơn một kĩ sư dởm, một lao công chăm chỉ sẽ hơn hẳn một công chức tồi,quen ăn cắp giờ nhà nước vv…
Giá trị đích thực không đứng yên bất biến mà nó hoàn toàn có thể đi lên hoặc đi xuống như một đồ thị, phụ thuộc vào mong muốn của bạn. Nếu bạn quyết định sống được chăng hay chớ, buông thả mình cho số phận và những thứ phù phiếm dắt mũi thì lập tức bạn sẽ tiến về gần điểm 0, còn nếu bạn luôn hàng ngày hàng giờ phấn đấu cho khát vọng sống tích cực hơn, ý nghĩa hơn thì giá trị của bạn sẽ tỏa sáng mãi thậm chí đến tận lúc chết đi, hoặc lâu hơn nữa. Tuyệt không?
Vậy còn chờ gì nào, hãy làm tăng giá trị của mình thôi. Cuộc đời là một hành trình, đi tìm giá trị bản thân cũng nằm trong hành trình ấy. Có lúc, chính bạn sẽ thấy bất ngờ với giá trị đích thực của mình đấy.
Phương Liên
Xem thêm
💎 Đừng cố trở thành người thành công, hãy trở thành người có giá trị