*Photo: Adih Respati
Một câu khẳng định rằng không có nội tâm con người nào, dù trong sạch đến mấy, lại không ấn tàng trong đó một tật xấu khả ố nào đó. Cho dù là các bậc được mang tiếng là thanh cao thì tôi vẫn chắc chắn rằng trong suy nghĩ của họ vẫn còn có thứ xấu xa mà không ai biết được, ngoài họ. Vậy thì người tốt không phải là người giỏi che đậy cái xấu xa bên trong sao? Câu đó xem ra là đúng, và người tốt cũng là người biết che đậy cái xấu nữa.
Chúng ta thường hay phê phán các cụ ta thời xưa mang lắm bệnh sĩ diện, tức là muốn lắm nhưng giả vờ không thích, hoặc là đạo đức giả, khi những điều đó xét ở một thời đại dân chủ và tự do như bây giờ thì điều đó thực là ngu ngốc. Ngày nay người ta luôn kêu gọi mọi người hãy sống thật với bản thân mình, tức là nên sống đúng với cảm xúc thực, suy nghĩ thực của mình, là xấu hay đẹp đều nên phô ra cho mọi người biết, là viết những dòng tự thú (confession). Khi một nhóm bạn nam ngồi nói chuyện với nhau, một cô gái ăn mặc gợi cảm đi ngang qua, mọi người đều bàn tán về cơ thể cô ta, duy chỉ có một người im lặng, người đó dễ bị gán là đạo đức giả, thích mà còn làm bộ. Nhưng khoan hãy kết tội người đó vội.
Trong bản tính con người luôn có ít nhất một nết xấu, đó có thể gọi là bản tính tự nhiên, tuy nhiên nết xấu ấy cũng ẩn chứa tố chất cho các mục đích tốt đẹp nào đó. Con người chúng ta luôn có xu hướng che giấu những suy nghĩ và cảm xúc thật của mình và chỉ muốn phô bày ra những gì được dư luận chấp nhận và cho là tốt đẹp. Xu hướng thiếu trung thực, xấu che tốt khoe để được lòng xã hội thực ra không những đã góp phần văn minh hóa mà còn dần dần và trong mức độ nhất định nào đó làm đạo đức hóa trong con người chúng ta, vì không ai có thể nhìn thấu ngay vào bản chất thật của vẻ ngoài đứng đắn, danh giá, đạo hạnh và chính những tấm gương tưởng là tốt lành biểu lộ ra bên ngoài hằng ngày lại là một trường học để tăng tiến nền nếp đạo đức cho ta.
Tôi luôn nhớ thây giáo dạy triết cấp ba của tôi có nói với lớp: “Các em nhìn thầy là một thầy giáo lớn tuổi và đứng đắn. Khi ra ngoài đường nếu thầy nhìn thấy những cô gái trẻ trung, xinh đẹp độ tuổi các em thầy có thích không? Thầy vẫn sẽ thích nhưng thầy không thể biểu lộ sự thích đó giống như ở độ tuổi các em được, bởi thầy là người có tuổi để con cháu thầy nhìn vào và thầy là thầy giáo để các em noi gương.” Chúng ta có thể tự do phô bày, nhưng hãy nên biết giới hạn những gì được phô bày.
Trong tình yêu ngày nay, các cặp đôi luôn có nhu cầu muốn tìm hiểu rõ ràng quá khứ của nhau, và ngụy biện rằng điều đó sẽ tốt cho cả hai, để thông cảm cho nhau hơn, nhưng thường có tác dụng tiêu cực ngược lại với mong muốn. Khi cô gái che giấu quá khứ lỗi lầm của mình, nếu một ngày nào đó bị phát giác ra, người con trai chắc chắn sẽ cho cô là đồ giả dối, lừa gạt. Nhưng nếu người con gái đó nói ra điều đó trước thì sao? Người con gái sẽ thường hay bị dày vò bởi người tình, và người con trai khi biết điều đó lại càng đau khổ hơn so với không biết. Ấy vậy mà hầu như ai cũng muốn biết, cũng muốn trở nên đau khổ! Bởi vì bản tính con người hay tò mò và có nhu cầu muốn chiếm hữu trong tình yêu. Tại sao ta lại không chấp nhận bị lừa dối nhỉ, chẳng hay hơn sao? Điều đó xem chừng phi lý nhưng nếu xét sâu xa không phải không có lý.
Không phải điều gì chúng ta cũng nên nói ra cho người khác biết, có những thứ nên giấu kín trong lòng, đặc biệt là những nỗi đau. Xin nhắc lại một đoạn trong tác phẩm Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, khi Jean Valjean đi tù khổ sai về xin giám mục chỗ ăn ngủ nhờ, vị giám mục đồng ý mà không cần biết những lỗi lầm trước kia của người tù khổ sai này, chỉ biết rằng anh ta là một người đau khổ cần được giúp đỡ. Trong suốt bữa ăn ông không hề hỏi hay gợi lại bất cứ một câu hỏi nào về những đau khổ trước kia của anh ta mà đáng ra ông được quyền hỏi, ông không muốn khoét lại nỗi đau từ quá khứ của anh ta, ông chỉ dùng tình thương người để cảm hóa một con người lầm lỡ, mà như ta vẫn thấy, không phải ai cũng biết dùng tình thương này đúng cách đâu.
Ta đi hơi xa về chủ đề đang nói rồi. Xin nhắc lại, vậy thì chúng ta cứ che đậy cái xấu và làm cho xã hội trở nên suy đồi hơn hay sao? Chính trị thì tha hồ lừa dối, thương trường cũng nhiều dối gian, đến ngay cả tình yêu, con người sống gần nhau mà cũng lừa dối như tác giả bảo thì ta còn biết tin ai được nữa. Tôi muốn nói là, để có một xã hội lý tưởng là điều hoàn toàn không thể, ta phải tin vào chính bản thân mình, phải biết dùng trí tuệ của mình, phải học, phải đọc để phán xét, để biết rõ hơn về người khác. Đôi khi phải dùng Tâm để cảm nhận. Đừng thần tượng bất cứ một ai, bởi nếu một ngày kia khi thần tượng của các bạn sụp đổ ngay trước mắt thì sao?
Tôi vẫn không hoàn toàn khuyến khích cho một xã hội đạo đức giả, nhưng với con người bây giờ, thà một xã hội đạo đức giả còn hơn là một xã hội đạo đức thật. Hãy thử hình dung xem.
Đời Thừa
người thâm thúy là những người không bao giờ nói thẳng về những từ ngữ như là “đúng – sai”, những khái niệm đó tương đối lắm, một bài “hay” hạn chế càng nhiều ngôn ngữ của nhị nguyên càng “tốt” 🙂
thích comment của bạn, viết thêm cái reply vì chỉ “like” thôi thấy vẫn chưa đủ.
Mình cảm ơn 😡
một vài phần không đồng ý với tác giả cho lắm. Về chuyện tốt khoe xấu che, em không có ý kiến vì đó không đơn thuần là 1 điều hợp lí trong tất cả các nền văn minh. Nhưng với việc tác giả nói che dấu dục vọng tự nhiên của con người làm cho xã hội văn minh hơn là điều chưa hợp lí, văn minh hơn theo ý tác giả nói tức là như định kiến của ông bà ta khi xưa về cách cư xử trong xã hội. Nhưng văn minh có rất nhiều nghĩa, không lẽ khi có một vị thầy giáo nhìn theo một cô gái ăn mặc gợi cảm là không văn minh, không lịch sự sao? Đó là tuỳ cách nhìn nhận khác nhau của mỗi người, tôi nghĩ tác giả không nên quá chủ quan về việc “che dấu sự xấu xa sẽ làm xã hội tiến bộ hơn”. Và còn việc sống thật với chính mình, tôi không nghĩ nó là xấu và thậm chí còn khá ủng mặc dù tôi không biết có thể bất giác tôi đã vội phán xét không tốt khi thấy một đám con trai mình không quen biết đang ngồi bán tán xôn xao về cơ thể của một cô gái không.
Sống thật với cảm xúc, suy nghĩ của mình, cả với con người xấu xa của mình, và tôn trọng cảm thông cho cái thật tương tự của người khác. Xã hội bây giờ nên như vậy
Nó đi ngược cái mà tôi đang đấu tranh, cái chính mình đấy mang lại cho tôi bình yên, nhẹ nhàng,
Trong những phân tích khách quan nhất lại hàm chứa những thứ chủ quan, định kiến nặng nề. Nhiều sự lập lòe trong khái niệm. Nhìn chung cũng là một góc nhìn tốt. Cuộc sống là vô thường, nghĩa là không chắc chắn, nghĩa là thay đổi. Cái gì là giả, cái gì là thật đâu thế nói là xong. Một đứa trẻ biết kính trên nhường dưới, biết lễ, biết nghĩa có người gọi là điêu thuyền, thảo mai (tôi đã thấy tận mắt); có người lại gọi là có giáo dục, có văn hóa….
mới đầu tưởng là hay nhưng mà mấy bạn này lại lôi mấy cái tác phẩm của ông nguyễn quan a gàn dở vào để đọc là sao, tặng các bạn bài này đọc về con buôn nguyễn quang a nhé, xem lần sau các bạn còn thích đăng tác phẩm của ông quang a không. http://molang0205.blogspot.com/2014/08/nguyen-quang-con-buon-nhan-quyen.html
chỉ muốn đề cao cái cá nhân mà quên đi cái tập thể phải không.
đang tình yêu lại lọ xọ sang chính trị, tác giả này hình như đang muốn làm phản ánh gì phải không
Cuộc sống là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Nền tảng của những mối quan hệ tốt đẹp và lâu bền đó chính là Niềm tin và sự Chân thành. Đúng là ở cái xã hội này chẳng biết đâu là giả đâu là thật…nhưng ” hãy cứ khao khát,hãy cứ dại khờ” đi, hãy cứ chân thành với họ, hãy đặt niềm tin vào họ…hãy cho họ 1 cơ hội…duy nhất. 🙂
hơi vô định, hơi lung lay, hơi tự thỏa hiệp
Tựa đề bài viết dễ gây hiểu lầm (và dễ “lôi kéo” người vào đọc). Mình cũng suy nghĩ như tác giả, con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, vĩ nhân cũng ko thể là thánh được. Xã hội VN bây giờ có “đạo đức giả” không? Có, rất nhiều. Có “đạo đức thật” theo cách nói của tác giả không? Lại có, khi mà con người tự do, thản nhiên mắng, chửi, chèn ép, giẫm đạp… lên nhau mà sống. Thật khó để có một câu kết thỏa đáng cho thực trạng như vậy.
Mỗi người cần có “kim chỉ nam” cho hành động của mình. Người theo đạo có Mười điều răn của Chúa, Phật… để bắt buộc phải làm theo dù là thật tâm hay chỉ “đạo đức giả”. Tôi “vô đạo” tôi biết bấu víu vào đâu…?
Đúng với cái mình đang nghĩ ^^
Tôi đọc bài viết này, không biết ý của tác giả thật sự là đừng sống thật với bản thân, hay đừng sống thật với người khác nữa.
Cuộc sống đôi khi vẫn khiến người ta phải lừa dối nhau, vẫn có những đạo đức giả, để lấy lòng mọi người xung quanh. Khéo léo sẽ dễ đạt được thành công hơn nhưng đó là lừa dối người khác.
Tôi nghĩ rằng, sống thật với bản thân, đơn giản là thực sự biết mình cần gì, đang cảm thấy thế nào. Mình không có tự lừa dối mình, hoặc đối xử tệ bạc với mình để làm vừa lòng người khác. Chúng ta có thể không đối tốt với người khác, nhưng vẫn cần phải đối xử tốt với chính mình.
thực tế đã minh chứng, khi được phép làm những hành động tồi tệ như hãm hiếp và giết chóc mà không hề bị pháp luật trừng phạt thì con người thường tỏ ra rất thích thú, những bình dân thường ngày trở nên giống thú vật hơn bao giờ hết, Nếu muốn bằng chứng các bạn có thể xem lại các cuộc thảm sát người Do Thái vào thời Xô Viết và thời Trung cổ. Khống chế dục vọng mới cần thiết, còn đạt đến trình độ không có dục vọng họa may có thánh, mà nhân loại chẳng có một ai là thánh trừ người chết.Việc phán xét 1 ai đó là tốt hay xấu cũng trở nên khó khăn, có lẽ đơn giản nhất là qua những hành động của họ trong quá khứ và hiện tại, thế là được. Tôi thích câu này:” Đừng thần tượng bất cứ một ai, bởi nếu một ngày kia khi thần tượng của các bạn sụp đổ ngay trước mắt thì sao?”. Vậy, tất cả chúng ta có quyền có dục vọng, dục vọng đó là tốt hay xấu có lẽ tùy theo từng nền văn hóa mà tự mỗi người xem xét, vấn đề là kiềm nén và khống chế dục vọng đó như thế nào mà thôi, sống thật với bản thân hay sống đúng với chính mình là lắng nghe lý trí và suy ngẫm để ngăn những hành động do dục vọng hay bản năng thúc đẩy. Đơn giản chỉ có thế.
Đúng với những gì mình đang nghĩ
Đừng sống thật với bản thân, mà hãy sống đúng với bản thân 🙂
Không tán thành lắm cái title, nội dung thì nghe khách quan hơn nhiều. Cuộc đời này, cái gì quá cũng đều trở thành không tốt cả. Nhưng chúng ta vẫn nên cố gắng sống thật được chừng nào hay chừng ấy, thật – nhưng phải đúng đắn, phải lý hợp tình, thật – nhưng phải văn hóa, phải biết cái gì nên làm cái gì không, chứ nếu sống thật mà cứ vô tư phơi bày những cái xấu xa, ngu dốt, lố bịch ra thì lại trở thành vấn đề khác rồi.
Có điều tôi chắc chắn ko tán thành quan điểm: “Tại sao ta lại không chấp nhận bị lừa dối nhỉ, chẳng hay hơn sao?”, chúng ta ko nên hoặc luôn phải cố gắng hạn chế nói dối, thay vì nói dối, hãy nói thật ở một mức độ cho phép và im lặng nếu ko có lựa chọn nào hơn. Nếu như nói dối vì mục đích tốt thì phải suy nghĩ thật kỹ đến hệ quả sau này, bởi vì lời đã nói ra cũng như thời gian đã mất ko có phép màu nào lấy lại được. Chúng ta đều cần sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, mà trách nhiệm ko chỉ có ở những việc chúng ta làm, mà còn có trong những lời chúng ta nói nữa.
đạo đức thật và đạo đức giả có thực sự đã khác nhau?!!
em dang học lớp 11 yêu môn triết học nhưng chẳng hiểu gi về nó
Ai cũng thế thôi em, đặc biệt trong môi trường giáo dục VN. Có thể 10 hoặc 20 năm khi kinh nghiệm sống nhiều hơn em sẽ thấy yêu hơn và cần tìm hiểu lại
Hi vọng mấy đứa bạn ĐH của mình nó đọc được cái bài này
Dạo này chúng nó đang “bấn loạn” về cái chủ đề : giả tạo
Mà mình lại ko tiện share , cũng chẳng dám like , chỉ comment vì nó không hiện lên dòng thời gian =)) Rất xin lỗi tác giả
ờ, mà càng thông minh thì càng thích dối lừa, sống là vui, lừa được cũng vui 😉