28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Dân tộc lành tính này liệu có vươn tới đỉnh cao?

Featured Image: Tuckster

 

Tôi muốn viết bài này rất lâu rồi. Thuộc lòng Quốc ca ngay năm mới lên hai, tôi không dám nói lòng yêu nước của bản thân lớn lao hơn bất kỳ ai cả. Nhưng tôi đã thấy đau – nỗi đau kéo dài năm này qua năm khác, khi tôi dần lớn lên…

Tôi trăn trở nhiều, trong ám ảnh tâm trí tuyệt nhiên chưa khi nào nguôi nỗi khát khao bí bách: Đến bao giờ Việt Nam – đất nước tôi mới có thể đứng trên đỉnh cao của hoàn cầu, viễn cảnh mà các dân tộc khác phải nghiêng mình kính phục, cắp sách vở sang theo học hỏi đây? Không rõ mọi người mong mỏi điều đó đến đâu, còn tôi chắc lẽ ôm nỗi sầu này đến cuối đời mất, nếu toàn thể dân tộc cứ mãi bằng lòng khiên cưỡng trước vị thế “anh học sinh trung bình”, không tài nào khá khẩm hơn được nữa.

Lịch sử dân tộc tôi đầy rẫy những trang hào hùng chống giặc ngoại xâm, ngay cả những kẻ thù sừng sỏ nhất đều đã nếm mùi thất bại cay đắng trên mảnh đất chúng tôi. Đành rằng đó là những hồi ức vô cùng đẹp đẽ, niềm tự hào lớn lao của dân tộc chúng tôi. Song nó kèm theo bao vết thương khó lành, mà tôi cho sự tổn thương trong tinh thần dân tộc là ghê gớm nhất.

Tôi, một 9X trẻ người non dại, nhiều khi ngẫm đến dòng chảy lịch sử nước nhà, vô hình chung thấy hoài nghi: Liệu còn chiến tranh nữa không? Nó sẽ đến vào thế hệ chúng tôi hay con cháu chúng tôi? Lại cầm súng ra trận ư?… Chẳng việc gì phải sợ quân thù xâm lược nhưng không quốc gia nào muốn bị xâm lược cả! Tôi chắc chắn một điều như thế! Nước ngoài nó dám đem quân đánh mình chẳng qua vì nó thấy mình yếu thế hơn nó, ví như trong bóng đá thì khi nào ta cũng ở thế “cửa dưới” phải thi đấu với đội “cửa trên”. Giả thiết mình mạnh hơn, nó nào dám động đến một sợi lông!

Xưa kia ngoại bang xâm lấn lãnh thổ, thì giờ đây các quốc gia phát triển xem chúng ta như mảnh đất màu mỡ cho họ đầu tư, giành giật, thao túng thị trường. Họ vẫn thế, cuồng vọng và tham lam, không bao giờ chịu từ bỏ địa vị chủ động ngỡ là của riêng. Còn chúng ta, khi nào mới vọt tiến thành kẻ đi chinh phục đây?

Giữ thế thủ mãi, lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng các thế lực thù địch, tâm trí đâu mà phát triển quốc kế dân sinh? Trong khi phạm vi an ninh quốc gia của người Mỹ đã vượt xa biên giới họ cả nửa vòng Trái Đất kìa?

Hai dân tộc Bách Việt và Do Thái có quá khứ đau thương không khác gì nhau, thậm chí chúng ta may mắn hơn chút khi giữ được lãnh thổ, còn họ mất sạch trong quãng thời gian dài đằng đẵng mấy nghìn năm, cho đến ngày khôi phục lại phần nào. Hai dân tộc ấy đều kiên cường và thông minh. Nhưng giờ đây, đất nước do những người phục quốc Do Thái năm xưa dựng xây mới được mấy chục năm đã tiến xa đến đâu? Nước Việt ngàn tuổi của chúng tôi đã tiến xa đến đâu? Có lẽ không cần phải so sánh điều khập khiễng này!

Tư duy đổ lỗi cho thiệt hại đến từ những cuộc chiến trong quá khứ là điều không thể chấp nhận được. Chiến tranh có thể tàn phá nhiều tài sản, nhưng dưới góc độ kinh tế, nó không khác nhiều so với những thảm họa như thiên tai, chỉ làm mất đi lượng vật chất nhất định chứ nào đâu có gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát, khủng hoảng,… Những vấn đề trên nếu xảy ra lại đến từ những nguyên nhân khác.

Vin vào sai lầm trong thể chế kinh tế có lẽ còn là kiểu đổ lỗi tàn nhẫn hơn. Đâu khác nào phủ định tiền nhân? Thử làm phép so sánh nhé: Trong khi Cuba chưa cải tổ toàn diện nền kinh tế chỉ huy, bị cấm vận khó khăn hơn chúng ta, mà GDP bình quân đầu người vẫn cao hơn của Việt Nam một bậc. Xa hơn nữa, Liên Xô với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu ấy đã phát triển rực rỡ trong hơn 70 năm tồn tại, chỉ thua Mỹ. Thật lòng mà nói, thể chế kinh tế nào cũng có mặt lợi mặt hại, vấn đề là cách thức vận hành ra sao mà thôi. Chính sách không sai, song hễ áp dụng là ở mỗi nơi lại cho ra những kết quả khác nhau, cá biệt còn trái ngược nhau.

Phàm là dân Việt Nam mà đổ hết tội lỗi, nguyên do dẫn đến những yếu kém của đất nước cho Đảng cầm quyền, cho Nhà nước thì thực sự không có chút lương tâm nào. Hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản của chúng tôi đã lãnh đạo toàn dân đạt được nhiều thành tích trong kháng chiến cũng như khi hòa bình, quả tình với điều kiện đất nước thì làm được vậy đã là ổn lắm. Tôi không nghĩ một Chính phủ nước ngoài nào, giả sử họ được thuê quản lý đất nước tôi, có thể làm tốt hơn!

Điều tôi phàn nàn nhất là về bộ máy tuyên truyền hiện tại, nó quá ư kém cỏi nên làm chúng ta mất rất nhiều từ hình ảnh, vị thế quốc gia đến nguồn nhân lực, lòng tin của nhân dân,…Ngày xưa ta chiến thắng kẻ địch mạnh có phần góp công lớn từ nghệ thuật tuyên truyền dân vận thì nay, thẳng thừng mà nói, rõ ràng chúng ta đang có nguy cơ thua báo chí phương Tây và mạng xã hội đó.

Tôi viết bài này như lời tự trách, tự sỉ vả mình. Mở rộng hơn, tôi nhìn thấy lỗi trong tất cả chúng ta. Bất kỳ ai bằng lòng với tình hình xã hội hiện nay thì không còn gì để nói. Còn muốn mơ mộng thế hệ con Lạc cháu Hồng ngày sau sẽ chiếm lĩnh đỉnh cao kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học,… của nhân loại thì phải mạnh dạn sửa mình ngay từ hôm nay. Không “lột xác”, sao có thể thành người khác?

Tôi cho là “dân tộc tính” của người Việt ta có những vấn đề không lợi cho sự phát triển. Chúng ta quá “lành tính” và cực kỳ coi trọng sự “lành tính” ấy!

Cái văn hóa đề cao sự “lành tính” đã tích tụ nhiều ngàn năm nay

Tôi nghe kha khá chuyện cổ tích, mô típ lúc nào cũng đều là “ở hiền gặp lành”, và rồi nhân vật được ngợi ca kiểu gì cũng thánh thiện đến mức hoàn hảo. Trong khi xem thần thoại Hy Lạp, các vị thần mà họ tưởng tượng ra tuy có nhiều quyền năng nhưng trái lại, vẫn đầy ắp bản năng, kẻ tật xấu này, người thói dở kia. Họ khách quan và tôn trọng cá tính con người, trong khi ta luôn cố gò ép bản thân học theo một hình mẫu toàn thiện. Vậy thì ai muốn xây mới nữa, ai thèm sáng tạo?

Trong cuộc sống, phương châm được tôn sùng luôn là “một điều nhịn là chín điều lành”, khiến người ta dễ dàng chấp nhận cái cũ, cái sai, cái bất cập, cái lạc hậu, cái bảo thủ, miễn là chưa đạt mức quá thể đáng. Trong khi một nền khoa học phát triển đòi hỏi người ta phải liên tục đấu tranh, phản biện, khai thác cải tiến từ những sai sót nhỏ, không ngừng phát hiện ra cái mới mặc dù nó “chẳng giống ai”, tìm ra chân lý đến cùng,…

Chúng tôi chống ngoại bang ngay từ những ngày đầu lập nước. Các chính phủ cai trị dân chúng đa phần đều đi lên từ cuộc chiến chống ngoại xâm. Họ anh hùng đấy, nhưng là kiểu anh hùng đồng nhất. Chính phủ lập nên từ cuộc chiến chống ngoại xâm hầu như không phải tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân, họ giải thoát dân chúng khỏi kiếp nô lệ thì tự giác nhân dân đã theo họ, trung thành với họ đến cùng rồi. Thế mới dở! Bởi sau khi đánh thắng giặc, họ như người “ngồi mát ăn bát vàng”, cứ ung dung tận hưởng thành quả, chẳng việc gì phải nát đầu nghĩ chính sách “kinh bang tế thế” làm gì, để lôi kéo, thu hút sự ủng hộ của quần chúng, cho nhọc.

“Kiêu binh hãn tướng” từ bao đời nay luôn là như thế! Nhân dân hầu như không nhìn thấy bất cập mà đấu tranh cho đến khi triều đình suy tàn, thế nước vỡ lở ra. Họ hiền lành quá mà! Đồng điệu quá mà! Tôn sùng chủ nghĩa anh hùng dân tộc, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, sống bằng niềm tự hào vinh quang chói lọi mãi để đến lúc nhìn ra mình bị ăn mòn tư duy thì đã quá muộn.

Trong cuộc sống thường ngày, chẳng mấy ai ưa những kẻ khác thường, lập dị. Cha mẹ bao giờ cũng đòi hỏi con cái phải làm sao cho bằng chúng bằng bạn, phải hòa mình vào tập thể, người ta làm thế nào thì mình theo thế đó, cứ đa số mà theo. Những đứa con ngoan là những đứa trẻ biết vâng lời. Học trò giỏi là những trò tuyệt đối trung thành, lĩnh hội được hết những kiến thức thầy cô giáng và trả bài không sót một câu.

Thời còn học phổ thông, tôi nhớ thằng bạn ngồi cạnh tôi, nó ngông cuồng lắm: Đi học không chịu nghe thầy cô giảng, thích thì học, chán thì nghỉ. Ngoài Toán và Hóa ra, hầu như cậu ta không để ý tới môn học nào khác nữa. Đi thi, cứ bài khó nhất cậu ta chọn làm, còn những bài dễ cậu ta luôn bỏ qua. Kết quả học tập lúc nào cũng chót bảng. Ấy vậy mà sau này vẫn thi đỗ đại học Bách khoa. Ngày đó, trong lớp chỉ có tôi thấy cậu ta có tài, còn thầy cô và hầu hết các bạn trong lớp đều không coi cậu ta ra gì cả. Người Việt mình là như vậy đấy.

Trong công việc, mẫu người được các nhà quản lý ưa chuộng thường là những kẻ dễ sai bảo, biết cách lấy lòng số đông. Nói tài năng không được coi trọng hẳn là chưa đúng. Nhưng phẩm chất riêng biệt của từng cá nhân bị xem nhẹ là vấn đề bộc lộ quá rõ ở xứ ta. Với những người dị biệt, có chút tài mọn nhưng hơi lười, hay cãi sếp chẳng hạn, hoặc không chịu kết giao với anh em đồng nghiệp, hoặc nhiều tật xấu,…sẽ sớm bị tẩy chay ngay. Chẳng ai chịu sử dụng những con người ấy cả.

Than ôi! Chúng ta vốn nổi tiếng là dân tộc khoan dung, nhưng sao ta khắt khe với thực tài quá vậy, săm soi đến từng ly! Vô hình chung chúng ta đã bỏ quên một lượng chất xám khá lớn. Chúng ta quên mất một điều rằng: Những phát minh lớn nhất thời đại này đa phần xuất phát từ chính ước mơ, mong muốn được làm việc nhàn hạ hơn của con người, từ sự lười nhác ngay trong tâm tưởng chúng ta đó!

Phải thừa nhận rằng chúng ta chịu khó học hỏi. Bất cứ cái gì hay của thế giới, ta đều học theo. Nhưng học rất rập khuôn, học không đến nơi đến chốn, học mà không chịu sáng tạo thêm gì. Người ta nói dân tộc tôi giỏi “biến cái của người khác thành cái của mình”, tôi cho là không phải, ta chỉ giỏi nhái mà thôi. Xu thế vọng ngoại đến là cuồng, đâu cần biết cá tính dân tộc là gì. Trong khi ở nước ta có bao vấn đề đặc sắc mà không quảng bá được rộng rãi trên toàn thế giới, không đủ trình độ để rao giảng cho người ngoại quốc về đất nước mình.

Chính sách phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục của ta là chính sách a dua. Điều đó khiến Việt Nam ta có nền công nghiệp đa dạng không kém gì Âu – Mỹ – Nhật, các lĩnh vực nghiên cứu tràn lan không thiếu thứ gì, hệ thống trường lớp đồ sộ giảng dạy tất cả những chuyên ngành mà thế giới này sở hữu. Nhưng rất hiếm ngành, nghề, lĩnh vực vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao thế giới, mà đa phần đều ở mức trung bình.

Sao không bỏ bớt đi? Phát triển kinh tế nên tập trung vào nông nghiệp, du lịch sinh thái và công nghệ thông tin đi; nghiên cứu khoa học cơ bản và công nghệ sinh học đi; dạy kỹ thuật canh nông, nấu ăn và văn hóa ẩm thực đi; chạy theo những thứ phù phiếm kia làm gì?

Đường lối ngoại giao hòa bình của chúng ta rất thành công, nhưng có một điều tương đối dở: Lập trường của chúng ta không dứt khoát trước những vấn đề quốc tế, hay phát biểu nước đôi, chẳng rõ là ủng hộ bên nào. Bởi vậy, chúng ta “chơi được” với tất cả các quốc gia nhưng hiếm khi có “bạn thân”. Thực tế chỉ ra rằng, nếu không thực sự thân thiết với một vài quốc gia phát triển, thật khó để họ có thể dốc lòng dốc sức giúp đỡ chúng ta đi lên phồn thịnh.

Trong số du học sinh, kiều bào Việt ở nước ngoài, cứ ngỡ họ tiếp thu được trọn vẹn tinh hoa từ các quốc gia phát triển thì “dân tộc tính” cũng khác biệt phần nào. Song tôi thấy về cơ bản là giống trong nước. Họ, tuy sở hữu số ít là các nhà khoa học lỗi lạc, không ngừng vươn lên đỉnh cao tri thức nhân loại, nhưng đa phần vẫn an phận thủ thường, tự huyễn hoặc với mức sản xuất hàng năm hơn trăm tỷ USD của cộng đồng hải ngoại so với trong nước, cá biệt có kẻ rảnh rỗi còn thường xuyên lên mạng bới móc tình hình quê hương xứ sở mình chứ tuyệt nhiên không thấy đóng góp gì.

Trí thức học ở nước ngoài không đủ bản lĩnh về nước đối mặt với khó khăn sóng gió, hầu như toàn đi chọn môi trường làm việc thuận lợi hơn. Trung thành với nếp suy nghĩ ấy thì biết bao giờ mới đem lại đột phá cho quê hương, non sông gấm vóc? Nơi nào còn quan liêu, tham nhũng, còn trì trệ cơ chế, thì mới cần nhiều người tài để đấu tranh thay đổi, thi triển hết mọi phẩm chất và năng lực để thành danh, há không phải vậy sao? Ai dám dấn thân, lịch sử sẽ gọi tên. Nhưng buồn thay, đa phần trong số chúng ta không có được bản lĩnh ấy.

Tôi nghĩ “dân tộc tính” không phải điều bất biến mà có thể thay đổi. Để có được cá tính riêng, bản sắc riêng phải rèn luyện mới thành. Hãy tập suy nghĩ coi mình như kẻ mạnh trước đã. Từng cá nhân nên thay đổi quan điểm, nghĩ lớn làm lớn, hiên ngang mà sống giữa đời, đừng cam chịu khom lưng uốn gối làm gì.

Thời nay nước ta chưa giàu có, nhưng đã hết khổ đau cùng cực, chuyện mưu sinh ở mức sống cơ bản ta có thể lo liệu được. Mang nặng mãi mấy thứ cơm áo gạo tiền lặt vặt thì không làm nên nổi trò trống gì đâu. Tôi quan niệm rằng, phàm đã sống được mấy chục năm ở trên đời thì hãy cố gắng làm thật nhiều cho xã hội mình đang sống, khi thác xuống còn nhiều người ghi nhớ. Sinh ra hữu danh mà khi chết đi thành kẻ vô danh thì buồn tủi vô cùng.

Nên vấn đề cốt lõi ở mỗi cá nhân làm sao phát huy được cá tính độc lập mạnh mẽ, sáng tạo, đột biến, “dân tộc tính” còn lẩn khuất đâu đó ngay trong tâm hồn, thần trí chúng ta. Có vậy mới hòng thay đổi lớn được!

“Dân tộc lành tính” này rồi sẽ đi đến đâu? Đáp án nằm ngay trong mỗi con người mang dòng máu Việt chúng ta, nhất là thế hệ trẻ của tôi và các bạn!

 

Duy Hùng

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

139 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết của bác rất hay, nó có hơi hướng hơi giống một bài viết về tính cách con người Việt Nam của cụ Nguyễn Khắc Viện, có lẽ người Việt chúng ta thích tắm ao làng, ngủ dưới bóng cây đa, sống trong lũy tre làng hơn là xông pha vượt biển. Âu cũng là tàn dư của nền văn minh nông nghiệp của chúng ta!

  2. Cám ơn bạn vì bài viết. Mình rất thích chủ đề này, nhưng chưa đủ bút lực để viết nên đành bỏ dở. Quả thật mình rất đồng tình với quan niệm của bạn. Viết vài dòng cmt đồng cảm chắc không đóng góp được gì :)) chỉ là không viết ra thì lại cảm thấy bực bực.

    1. Lịch sử: Xem qua hết các cmt thì thấy thật lộn xộn. Lúc nào lịch sử Việt Nam cũng có 2 mặt, hễ có người nói nó đẹp, nó tốt thì nhất định phải có ai đó nói điều ngược lại. Nếu cứ tranh cãi bàn luận về cái đúng cái sai đã rồi thì hàng ngàn xác người đã nằm xuống đều trở thành vô nghĩa cả. Mình thấy biết được những cái đó thì tốt, không biết cũng chả sao. Vì mục đích, phương tiện của những cuộc chiến đã không còn giá trị nữa rồi, cái còn lại chính là sự hi sinh của những người lính trong thời ấy. Nên đến khi nào mình còn sống bằng sự hi sinh của người khác thì đừng nên bới móc nữa làm gì, chả giúp ai sống lại cả. Điều nên làm, đúng như bạn nói, là càng phải sống có ý nghĩa hơn.
    2. Về câu nói của Nguyễn Trãi mà mình cực kì thích, mình nghĩ bạn dùng nó làm dẫn chứng thật sự không thích hợp. Vì đó không phải nói về sự ‘lành tính’ hay chủ nghĩa anh hùng dân tộc, mà theo mình nghĩ là thuật đắc nhân tâm ở đời. Dùng nhu thắng cương, dùng trí và tâm để trị nước đánh giặc, không liên quan đến luận điểm. Tuy đây không phải điểm chính nhưng vì mình đồng ý với bạn gần hết rồi nên đành đi tìm sạn vậy :))
    3. Mô típ truyện cổ tích: truyện cổ tích không xấu, các nhân vật điển hình cũng không xấu. Nhưng vấn đề có phải thật sự là từ những quan niệm đó mà ảnh hưởng đến tư duy của cả một dân tộc ngàn đời trước, và kéo dài cho tới giờ? Vì sao lại có sự ‘bất biến’ như vậy? tại sao dân tộc mình vẫn còn quá ‘lành’ sau bao biến cố lịch sử? Nếu bạn có thể chỉ ra được thì thật quá tốt.
    4. Ngoại giao: hiểu biết mình hạn hẹp nên không dám bàn nhiều, mình cũng không biết chính sách ngoại giao của nước mình là thế nào. nếu những gì bạn nói về chính sách ngoại giao là đúng, thì một đất nước cũng giống như một học sinh làm bài nhóm, một nhân viên trong công ty, nếu không bao giờ có chủ kiến riêng thì không bao giờ được sự tín nhiệm cả. Và bày tỏ chủ kiến không phải để được nhờ cậy hay nâng đỡ, mà là để chứng tỏ giá trị của mình.
    5. Du học và trách nhiệm: mình đồng ý với bạn. Mình nghĩ những ai lấy tiền để bù đắp cho trách nhiệm thì cứ làm, những ai về xây dựng đất nước thì cứ làm, chả sao. Chỉ là, sống ở đời nên cho đời một giá trị. Về nước gây dựng từ đầu thì chông gai khỏi bàn, nhưng chỉ xét về cái tâm thôi thì đã là sáng quý lắm rồi. Thành công hay không để từ từ. Còn những ai ‘ở bển’ thì mình chỉ hi vọng họ cũng sẽ đóng góp cho đời một giá trị, không chỉ trong nước Việt Nam, chứ không nên mãi luẩn quẩn ở cái vòng kiếm tiền -> gửi tiền là hết. Những ai thành công ở đó thì cũng đáng để chúc mừng :)) haha, chỉ là tiền tuy giúp xóa đói giảm nghèo nhưng không thể giúp Việt Nam nâng cao vị thế hay chỗ đứng. Con cái khi công thành danh toại không thể cứ về thảy cho ba mẹ núi tiền là nói đã làm tròn trách nhiệm.

    Túm lại là mình đồng ý với quan niệm của bạn, suy cho cùng là bạn muốn đóng góp cho đất nước này phải không? Cám ơn bạn nhiều. Nội điều đó và quyết tâm của bạn thể hiện qua các cmt thì cũng đáng quý lắm rồi. Chúc bạn thành công.

  3. Người Hàn quốc học tập Nhật bản và phát triển mạnh mẽ như thế nào?

    Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội

    Đúng 20 năm, đến 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn lại khủng khiếp như thế. Ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo…bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào. Trên tivi chỉ có 2 chương trình là “dạy làm người” và “dạy làm ăn”, từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy. Từ một dân tộc “xin việc”, tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi “cho việc”, tức xây dựng các nhà máy ở nước ngoài và hàng triệu người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đứng xếp hàng xin các ông chủ Hàn Quốc cho họ việc làm. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc người khác.
    Năm 1988, pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau và cười trong nước mắt, hơn 100 quốc gia giàu có nhất trên thế giới miễn visa cho họ, Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Công và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí. Phim Hồng Công tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Người Hàn tuyển chọn ngay 2000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ …4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, mối tình đầu, hoa cúc..với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet và hợp nhãn người châu Á. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng. Người Nhật điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, các nước Đông Nam Á thì chỉ biết ụ pa ơi, ụ pa hỡi. Phim Hồng Công bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.

    Năm 1988, ngoài 2000 người đi Holywood để xây dựng công nghiệp điện ảnh, ngần ấy người được cử đi Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu” tròn tròn xinh xinh” của dân châu Á, tụi Tây không thích, không bán được. Có những năm, những mẫu xe của Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ bắt đầu nhìn người Hàn với ánh mắt khác, ngưỡng mộ và ngạc nhiên, thích thú.

    Ngoài ra, những sinh viên giỏi toán nhất được hướng theo ngành tài chính ở các đại học lớn ở Mỹ, với tham vọng Seoul thành một London, New York. Các quỹ đầu tư ra đời, tự tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không chỉ trích, chỉ góp sức góp trí để xây dựng. Một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn giàu. Hệ thống bán lẻ Lotte phải có nghĩa vụ mang hàng hoá Hàn đi khắp nơi, ông lớn Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á về cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với cả một tập thể trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy.

    Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại tinh xảo như bây giờ. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?

    Nguồn: Tony buổi sáng

  4. Người Việt Nam giờ đâu có lành! Hay bạn dùng từ “lành” trong nháy nháy! Hèn thì đúng hơn! Hung hăng mà lại hèn nhát! Hai đặc tính đó thường đi chung với nhau! 🙂

    Giàu mạnh thì đi thôn tính ức hiếp người khác! Nghèo thì bị chúng nó lột da! Cứ luẩn quẩn cái vòng dog eat dog mãi như vậy! Cuối cùng chỉ thấy cách giải thích của đạo Phật là hợp lý nhất! Ức hiếp người thì sẽ có lúc đầu thai sang kiếp khác làm kẻ bị ức hiếp mà thôi! Gieo nhân nào gặt quả ấy!!!

    Cứ tranh giành ảnh hưởng, đấu đá rồi thế giới cứ chiến tranh liên miên sao? Giàu để làm gì nếu tình người ghê rợn như ở mấy nước Mỹ Nhật Hàn? Con người cần hạnh phúc nhưng họ cứ tưởng hạnh phúc đó mua được bằng tiền bằng danh lợi! Nếu giàu mà hạnh phúc thì sao dân Nhật, dân Hàn tự tử nhiều thế? Người già ở Hàn Quốc bị con cái bỏ rơi còn phải đi làm cái nghề bán trôn nuôi miệng thì có thảm không! Người già ở Nhật chết rữa ra cả tháng mới có người biết đến mà đem đi mai táng! Mình nghĩ đó cũng là quả báo của cả một dân tộc mà thôi. Người Nhật đã gây quá nhiều tội ác với các dân tộc khác, nhất là với người Trung Quốc và người Việt Nam… Con đường của dân tộc Hàn Quốc giờ cũng chả tử tế tốt đẹp gì!!!

    Người Israel đã gây ra những gì cho người Palestine? Giàu mạnh để được quyền bất chấp đạo lý, được thả sức lăng nhục chà đạp những dân tộc yếu thế sao?!

    Nhìn xa nhìn rộng ra thấy thế giới này cứ như trong một trận bão máu vậy! Giống như một quả cầu lửa cháy rực của dục vọng ngùn ngụt giữa đêm đen! Chỉ có đạo Phật giải quyết được hết thoai! Haha!

    Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
    Lấy chí nhân để thay cường bạo!!!

    Đó vẫn là CHÂN LÝ mà người Việt Nam đã tuyên ngôn!!!

  5. Mấy nay cứ bứt rứt mãi nên phải dô cm nữa :)))
    Mình xin phép góp ý vs tư cách độc giả đơn thuần thôi nhé, đừng nghĩ mình là tác giả này nọ nha. Và đây là một vài điểm mình chưa đồng ý hoặc chưa đc thuyết phục:
    bài bạn mới nghe có vẻ thuyết phục nhưng thật ra chả thuyết phục tí nào hết, chưa đủ
    – bạn ca tụng Nhà nước, Đảng và Chính quyền, bạn ghét và thất vọng về hệ thống tuyên truyền (có phải ý là truyền thông k?) nhưng bạn lại giả vờ quên hay cố tình quên cái bộ máy tuyên truyền đó từ đâu mà ra? do ai quản lý, do ai kiểm soát? đây là ý mâu thuẫn nhất mình nhận thấy.
    – có một câu bạn nói “rõ ràng chúng ta đang có nguy cơ thua báo chí phương Tây và mạng xã hội đó.” =>> CÓ NGUY CƠ THUA PHƯƠNG TÂY =>>> :O :O :O
    – cái ý tưởng làm sao cho đất nước hùng cường, tất nhiên, ai mà k mong muốn, nhưng mình thấy nó xa rời thực tế và thậm chí mang màu giả tưởng quá. Thôi khoan hãy hùng cường, trước mắt xin qua cái nghèo, cái khổ, cái ngu cái đã rồi tính sau đi.
    – như rất nhiều người, bạn khá chê bai những tài năng, những người rời bỏ quê hương xứ sở để đi xây dựng nước người, bạn ghét những người ở bên ngoài mà chê bai đất nước. Cái này mình không đồng ý, mình đang ở trong đất nước mình còn chê bai, huống hồ họ đc đi xa, được thấy ánh sáng, nhìn lại nơi tối tăm, k chê sao được. Phải chê đã cho người trong tối sáng mắt ra mà thay đổi nhận thức. Đừng nói câu chẳng giúp được gì, bạn k biết họ đang giúp gì cho đất nước và họ sẽ làm được gì trong tương lai đâu. Họ chính là lớp người (như dân tộc Do Thái) phiêu lưu khắp nơi, tận dụng, cố học hỏi những tinh hoa thế giới để mong một ngày về xây dựng quê hương đấy. Ôi chao, chủ đề này định viết lâu rồi mà cứ chây lười, nay mình phải viết ngay mới được.
    – Bạn nói “Đường lối ngoại giao hòa bình của chúng ta rất thành công…” -> thành công kiểu gì mà để cho bọn cà chớn 5 lần 7 lượt hết chiếm đảo lại ngang nhiên xâm phạm lãnh thổ như vậy? Mình k cho nó là thành công một chút xíu nào hết!

    Thôi, vậy đã, mình đi viết bài về những người con Việt đang bị chính dân Việt ghét chỉ vì họ yêu đất nước đây!
    Thân chào bạn!

    • Suy nghĩ của bạn chưa thật đa dạng, hình như bạn đang cố tìm ẩn í nào đó trong bài viết của mình. Nhưng không, đơn giản thôi. và tiếc là bạn không nhìn ra những điều đơn giản ấy.

  6. bài bạn viết có tâm huyết nên mình cũng góp vài ý để xây dựng:

    mình nghĩ bài sẽ hay hơn nếu không có đoạn này “Phàm là dân Việt Nam mà đổ hết tội lỗi….có thể làm tốt hơn”. cái gọi là đạt nhiều thành tích có nhiều cách nhìn, mất 20 năm hay mất 80 năm để tạo ra cùng 1 thành tích trên cùng 1 khởi đầu là hoàn toàn khác nhau, giống như một học sinh học 12 năm thì hết phổ thông trong khi học sinh khác phải mất 20 hay 25 năm mới xong. bao nhiêu thời gian và tiền của đổ vào những khoản thời gian dư thừa ấy? khi nhìn một sự việc nên nhìn vào năng suất chứ không phải số lượng. tôi biết bạn chêm vào đoạn này để trung hòa bài viết, để nó mang tính 2 chiều trong cách nhìn nhưng cũng vì thế giá trị bài viết giảm đi khá nhiều.

    đoạn về tuyên truyền: nói thật thì chỉ có ở nước ta hay các nước XHCN mới tôn vinh cái từ “tuyên truyền”. Tuyên truyền nó mang tính chất của quảng cáo, hô hào. lẽ ra để dân trí đi lên thì truyền thông phải mang tính giáo dục và nói lên sự thật. chỉ khi nào dân chúng hiểu thấu những vấn đề đang tồn tại thì mới chung tay cải thiện tình hình và giúp đất nước phát triển. mọi hình thức thúc đẩy khác với sự thật đều mang theo những hậu quả lâu dài dù cho kết quả trước mắt là đạt được.

    về “ở hiền gặp lành” là điều nên khuyến khách và nó mang tính nhân quả, khi bạn giúp một người thì tương lai bạn có thể nhận được hồi báo, chỉ là chữ “hiền” ở đây khg được đi chung với chữ “khờ”, giúp người là giúp như thế nào cho hiệu quả tốt nhất với người được giúp. bất cứ xh nào cũng khuyến khách cái thiện và xa rời cái ác. còn về “hình mẫu hoàn thiện” cũng có rất nhiều sự khác nhau, hình mẫu luôn cần để ta noi theo nhưng ta làm một điều tốt vì ta hiểu nó hay chỉ mang tính bắt chước là rất khác nhau, giống như một người trưởng thành và một đứa trẻ học làm người lớn. cái cần làm là giảng giải cho hiểu bản chất và ý nghĩa của mình mẫu đó chứ không phải ép buột phải noi theo cái vẻ ngoài của nó. vẫn là một chữ “hiểu” thôi.

    “một câu nhịn chín điều lành” quả thật là nên từ bỏ. chúng ta nên học cách nói thật và nói thẳng. cái tích cách nhịn nhục đó hình thành là do trong lịch sử chúng ta luôn luôn ở cái thế nhược tiểu, nhịn để được bình yên dù là bình yên trong sự áp bức.

    đất nước chúng ta luôn luôn bị giới hạn trong tầm nhìn ngắn và chế độ quân chủ vua – tôi khiến đất nước cứ lao xuống dốc dần dần sau khi dành được độc lập. ngoại bang thường đến vào lúc thế nước đang yếu và có tranh dành quyền lực. và sự việc cứ thế xoay vòng mãi.
    những điều bạn nói về giáo dục nhà trường, gia đình hay công việc thì đúng rồi ở VN. quan niệm về những điều ấy còn quá nhiều hạn chế, chúng ta nên học hỏi ở các nước phát triển.

    “Chúng ta vốn nổi tiếng là dân tộc khoan dung” không biết câu này bạn lấy từ đâu ra? chúng ta có khoan dung không? chúng ta thường nhịn nhục khi ở thế yếu, trong suốt chiều dài lịch sử có bao nhiêu lần ta ở thế mạnh, và trong những lần đó chúng ta khoan dung bao nhiêu lần? cũng không phải khắt khe với thực tài đâu bạn, chỉ là tất cả nằm ở một chữ “lợi” thôi. vì cái lợi mà người ta chèn ép nhân tài. cái lợi trước mắt luôn được xem trọng hơn cái lợi lâu dài.

    về công nghiệp thì chúng ta chưa thật sự có bạn à, tất cả đều nhập từ nước ngoài, chúng ta hầu như không tự tạo ra được cái gì cả, chúng ta chỉ lắp ráp thôi. bạn có thể tìm hiểu về điều này. trong tất cả các hàng hóa ở VN có sản phẩm nào được sản xuất từ máy móc do VN chế tạo ra? ở những mức thấp nhất mà chúng ta còn là không nổi thì làm gì sánh vai cùng các cường quốc?

    về cái phát triển nông nghiệp này nọ thì tôi nghĩ bạn chưa đủ sức để bàn, kể cả tôi cũng thế. đó là những chính sách vĩ mô, nên để các vị giáo sư, tiến sĩ về kinh tế nghiêng cứu.

    về đường lối ngoại giao thì…phải nói VN chúng ta đang ở thế khó xữ. VN và TQ cùng chế độ XHCN nhưng TQ chưa bao giờ từ bỏ ý đồ thôn tính ta, còn Mỹ và phương tây lại không cùng chế độ với ta nhưng lại mang lại lợi ích thực tế cho sự phát triển đất nước. Đây là một bài toán vô cùng khó khan cho các vị lãnh đạo. là muốn “chế độ” hay muốn “phát triển”. nếu muốn cả 2 thì tình hình sẽ cứ mãi như vậy, vẫn lập lờ nước đôi.

    về kiều bào VN thì tôi không đồng ý với bạn. có lẽ bạn cố gang đạt được 1 suất du học để biết được. nhưng nếu bạn du học được, bạn hiểu ra thì có khi bạn sẽ không trở về. nói thật chứ nếu không có tiền của những kiều bào đó đổ về VN từ năm 1975 đến nay thì không biết chúng ta có đang là thế này không. hãy tìm hiểu thêm nhé bạn.

    tôi muốn hỏi bạn một điều: nếu bạn có bằng đại học hay tiến sĩ của các trường danh tiếng thế giới thì bạn chọn ở bên đó làm việc với sự tôn trọng, mức lương phù hợp, môi trường vật chất đến tinh thần đều tốt… hay bạn trở về đây để làm những việc không phù hợp với những gì bạn học, bị trù dập vì họ sợ bạn dành ghế, môi trường làm việc thì kẻ bất tài và nịnh nọt nhiều? bạn chọn cái nào? bạn chọn đi con đường phát triển cả đời hay con đường tương lai bị mai một dần? có nhiều người nói rất đúng là ở nước ngoài làm rùi gửi tiền về VN cũng là xây dựng đất nước, còn hơn là về để rồi chẳng làm được gì.

    nói túm lại thì VN muốn phát triển thì cần nhất 3 điều: thay đổi quan niệm tư tưởng, không dùng bạo lực giải quyết vấn đề, cải cách giáo dục.

    • Cám ơn bạn. Mình xin tiếp thu tất cả những ý kiến của bạn. Còn câu hỏi bạn dành cho mình thì mình xin trả lời như sau:
      1. Nếu không am hiểu tình hình trong nước bằng nước ngoài thì mình sẽ không về; tìm hiểu thật kỹ lưỡng, tự tin rồi thì mình sẽ về.
      2. Nếu ở nước ngoài làm việc 1 thời gian và tích lũy tài chính tốt thì kiểu gì mình cũng về nước đầu tư.
      3. Tùy lĩnh vực mình học. Nếu liên quan đến chính trị, kinh tế thì khả năng sẽ về nước sớm; nếu là khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật thì nghiên cứu thật sâu và đạt thành tích tốt xong mới về thì sẽ đóng góp được nhiều hơn.
      Mình cũng đang phấn đấu kiếm học bổng du học. Trên đây có thể coi là dự định của mình sau này.

  7. Mình xin phép được tổng hợp sơ lược lại mấy vấn đề rút ra từ cmt của các bạn:
    1. Một số ý kiến đóng góp rất thuyết phục, mình chân thành lắng nghe.
    2. Một số người đọc không kỹ bài viết của mình, nên nhiều vấn đề vẫn chưa được mổ xẻ, mình rất tiếc.
    3. Một số bình luận thể hiện rõ “dân tộc tính” mà mình vừa nêu, điều đó càng làm căn cứ khẳng định cho luận điểm của mình.
    Xin nói rõ hơn là khái niệm này trước mình chỉ có cố GS Nguyễn Đăng Thục, một nhà giáo của VNCH đã nêu, nhưng mình trình bày vấn đề khác so với cách của ông ấy. Các bạn có thể tra Google để làm rõ hơn. Nói chung mình tự tin khẳng định đây là vấn đề khá mới mẻ. Mình viết bài này theo quan điểm khoa học, và đã tham khảo nhiều tài liệu của cả trong nước và nước ngoài, “lề trái” lẫn “lề phải”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài viết ngắn, nhiều vấn đề mình đã cô đọng lại. Mình sẽ tiếp tục phản biện để bảo vệ những luận điểm đã nêu trong bài viết. Rất mong nhận được sự quan tâm chú ý của nhiều độc giả hơn, trong đó có thể có các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các học giả,…
    Mọi người có thể nhận định rằng mình vĩ cuồng. Không sao, mình chấp nhận và tiếp thu.
    Một quan điểm khoa học hôm nay có thể sai, nhưng nhiều chục năm sau chứng minh được nó đúng vẫn chưa là muộn.
    Hãy xem như hôm nay mình đi gây war, chắc là không được lòng nhiều người đâu!

  8. Đang 3h sáng trong chăn phải bật dậy cmt 😀
    Đầu tiên mình xin cảm ơn bài viết của bạn và mình hiểu ý của bạn mình xin đóng góp một vài ý :
    1, Bản thân tôi chẳng bao giờ tự hào dân tộc ta con rồng cháu tiên,đánh thắng đế quốc này đế quốc nọ .
    2, Bộ máy hành chính , cơ cấu của nước nhà thật sự yếu kém làm ăn thì vô trách nhiệm, hạch sách, nhìn thấy rõ ràng luôn…. ví dụ : làm việc muốn nhanh phải có ” hoa hồng ” , thuế trung bình của ta cao hơn khu vực, đóng thuế thủ tục rườm rà làm mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp,… mình không muốn nói sâu.
    3, Câu nói :”đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” không để tôn sùng chủ nghĩa anh hùng dân tộc như bạn viết đâu nhé, mình và bạn chưa đủ tuổi để bình câu này.
    4, Về chính sách ngoại giao bạn cũng đừng lên bình luận bạn chỉ nên biết rằng Đảng và nhà nước xác định : “trong đối tác có đối tượng trong đối tượng có đối tác ” , Không có kẻ thù mãi mãi và cũng không có bạn bè mãi mãi. Bạn nghĩ chơi thân với các nước phát triển là người ta sẽ giúp bạn phát triển ư? Ngây thơ lắm, đời không cho ai không thứ gì đâu người ta đầu tư cho bạn, dạy bạn ,.. rồi cũng sẽ lấy đi của bạn thứ gì đó thôi. Ví dụ : Nó cho bạn nhiều đến lúc trên trường quốc tế nó dơ tay tán thành bạn chẳng dám dơ tay phản đối vì phụ thuộc nó nhiều, rồi tài nguyên thiên nhiên nó cũng ngó dần của bạn,… nó không đơn giản như bạn nghĩ đâu.
    5, Bạn lấy nguồn thông tin ở đâu mà hải ngoại làm được hơn 100 tỷ USD trong khi đó Việt Kiều có gần 4 triệu ? Họ không về nước nước cũng không có nghĩa là họ không giúp đất nước hàng năm ” kiều hối ” vẫn gửi về đấy thôi. Bạn nghĩ họ về nước sẽ làm ở đâu? Cúi đầu đi xin việc vào một cơ quan toàn thằng ngu rồi toàn con ông cháu cha , họ làm gì ở đấy ? bạn là họ bạn có về không? lúc nào bạn giỏi như họ ở trong hoàn cảnh như họ có khả năng kiếm 100. 000 USD /1( 2 tỷ VND/1 năm ) năm mà bạn không làm vẫn về nước cúi đầu xin việc cửa trước cửa sau với mức lương khoảng 40.000.000 VND /1 năm thì bạn đánh giá nhé. Còn trường hợp , có những Việt Kiều lên ” ném đá ” ,” bôi nhọ” nhà nước bạn cũng chưa đủ tuổi để nhận xét người ta đâu, đừng đánh giá vội. Bạn thử đặt vào vị trí người ta xem:” lúc bạn 5 tuổi, cha mẹ , họ hàng bạn bị quân miền Bắc vào giết hại bạn phải lên máy bay bay ra khỏi nước ngoài chạy nạn sống nơi đất khách không cha không mẹ bạn có ” thù ” không? Đừng vội nhận xét họ!

    • Mình tiếp thu hầu hết những ý kiến của bạn, chỉ làm rõ hơn 1 số vấn đề thôi:
      1. Bạn không nên tự ti vì mình tuổi trẻ nên không thể nghiên cứu, xem xét những vấn đề lớn. Tâm lý ấy kéo lùi sự phát triển của chính mình.
      2. Thông tin về mức sản xuất của cộng đồng hải ngoại có ở trên các tờ báo của họ, học giả Vương Trí Nhàn cũng đã đề cập trong bài viết trên fb của ông ấy. Bạn có thể tìm đọc.
      3. Làm việc ở nước ngoài hay trong nước đều tốt, có khát khao vươn lên đỉnh cao khoa học thế giới đều tốt. Mình chỉ muốn góp ý những người bằng lòng với thực tại, không dám chấp nhận khó khăn. Làm việc ở Mỹ chỉ để lấy 100.000USD/ năm là bình thường, không có gì đặc sắc.
      4. Cay cú hằn thù không phải phẩm chất của kẻ mạnh hơn.

  9. Bài viết khá hay đọc rất thấm.Nói rất đúng tình trạng của người Việt hiện nay, luôn ảo tưởng mơ mộng nhớ về cái quá khứ hão huyền 4000 năm chống giặc ngoại xâm mà giờ đây nhìn lại chúng ta luôn ở vị trí thấp kém và luôn bị bắt nạt trong mọi tình huống, tài năng của 1 người ko thể đánh giá hết được tài năng khi chỉ nhìn vào 1 số khía cạnh tiêu cực của họ và người VIệt luôn làm vậy, bảo sao tài năng đích ko thể phát triển được.Chúng ta vẫn còn quá ích kỉ, chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt của bản thân mình, việc du học của ta cốt là để học hỏi kiến thức để về xây dựng đất nước nhưng mấy ai đi du học lại trở về để sống tại 1 môi trường thấp kém nghèo nàn.Sự yên phận cam chịu của đa số người Việt cũng vậy, khi đất nước này đang được điều hành bởi đội ngũ lãnh đạo yếu kém với vô vàn vấn đề nhức nhối phơi bày ra trước mắt cùng hệ lụy thì người dân vẫn điềm nhiên an phận sống ko chút lo nghĩ quan tâm,ai cũng trả lời 1 cách vô tâm:Cuộc sống tôi vẫn bt tôi vẫn sống nhàn hạ chẳng ai gây hai gì cho tôi vả nên tôi mặc kệ”.Một số điều trên đang góp phần đưa dân tộc này ngày càng đi xuống và mãi mãi thụt lùi.

  10. Mình cũng đã nghĩ nhiều về vấn đề làm sao để chúng ta phát triển hơn , và đi đến một kết luận rằng.Muốn hùng cường trước hết chúng ta hãy giải quyết vấn đề ” người giỏi được coi trọng còn người kém hơn được tôn trọng ” .Lâu nay cứ trì trích người giỏi bị o ép nhưng ai có thấy nhiều kẻ tài năng tự cao tự đại, coi thường người khác không.Học cách tôn trọng và công bằng với người khác là điều ai cũng phải học.Hai vấn đề trên phải giải quyết song song đồng thời mới có cơ may khấm khá được
    Cũng đang chán vì cứ ngồi ca thán mà chưa làm được cái gì.Ca thán ở cái tầm tuổi này là một tội lỗi

  11. Đừng đổ lỗi cho dân tộc tính.

    Đây là lỗi của cơ chế. Cơ chế đã tạo nên những người VN như vậy (điển hình là tác giả bài viết trên. Tư duy vẫn không thoát khỏi tư duy đã bị nhồi sọ từ nhà trường XHCNVN). Dưới chế độ CS hiện nay, xã hội VN tụt hậu về mọi mặt.

    Nếu chế độ này còn tồn tại, thì Việt Nam sẽ không khá thêm chút nào đâu.

    • Cơ chế là do con người tạo ra. Lãnh đạo đất nước cũng từ nhân dân mà ra. Mình viết bài này là góp ý chung, không tách biệt giữa chế độ cầm quyền với nhân dân. Muốn có cơ chế tốt thì con người phải thay đổi, phẩm chất, tư duy phải thay đổi. Nhiều dân tộc, như Nhật Bản, họ đã làm được điều đó. Còn chúng ta chưa nhận ra căn nguyên vấn đề. Tôi hỏi bạn, bản thân chúng ta đã tự xây dựng được một học thuyết chính trị, kinh tế riêng nào chưa? XHCN hay TBCN mà không áp dụng phù hợp với chúng ta, không tạo được bản sắc riêng cho chúng ta thì vị thế đất nước mãi làng nhàng thế này thôi.

      • Vấn đề do cơ chế hay không do cơ chế đã làm tụt hậu đất nước, còn đang tranh luận trên nhiều quốc gia! Nhưng riêng cảm nhận của tui thì hình như có một sự đổ lỗi cho nền chính trị! Chính trị là gì? Chính trị là do thói quen, tập quán, trình độ tri thức của người dân…ở một vùng đất rồi tạo nên chính quyền cai trị cho phù hợp mà thôi…Vậy nên người Pháp trị thuộc địa VN bằng cách của người VN chứ không phải theo kiểu Pháp, và ở Lào và Campuchia thì lại theo kiểu riêng của từng đất nước đó!(nếu theo một kiểu thì không phù hợp). Rõ ràng, con người định hình thể thức chính trị chứ không phải là ngược lại. Tui không biết nhiều nhưng tui biết “Dân khôn thì chế độ dân chủ, dân ngu thì nảy sinh độc tài!”. Điều cần làm là phải khiến ta và mọi người cùng giàu có hơn, hiểu biết hơn thì tự nhiên chế độ dân chủ mang tính VN sẽ nảy sinh, tự xã hội sẽ định hình nền chính trị của mình!

  12. 1 vấn đề có nhiều mặt, t nghỉ là lỗi đến từ cả 2 phía. con người dân tộc này vốn dĩ rất mạnh, nhưng chỉ những thời khắc sống còn nó mới mạnh thôi, còn ko thì tự giết nhau. tôi luôn có niềm tin sẽ tiến lên duoc con đường đã vạch, nhưng lỗi phần dân đã rõ, còn phần đảng thì làm lãnh đạo mà ko nghiêm, bộ máy qá nhiều thành phần bất hảo. khi chiến tranh, được vào đảng là 1 vinh dự, là 1 trọng trách to lớn, gách vác vận mệnh dân tộc. còn bây giờ, vụ lợi, cái tôi cá nhân, làm tiền trên chính dân mình. tôi thật tiếc ..,

  13. Ai cũng nghĩ được như vậy “đất nước lành tính” này đi lên là cái chắc.Thế hệ trẻ những con người dám nghĩ, dám nói và dám làm sẽ thay đổi được “đất nước lành tính” này.
    Cảm ơn người viết đã trình bày quan điểm này 🙂

  14. Nhà tôi có mọt cái cuốc. Tôi rất quý nó vì nó là của bố tôi truyền lại, mà nghe nói nó còn từ đời ông nội tôi nữa. Thời đó chiếc cuốc nhà tôi sắc nhất, bén nhất, bền nhất. Cả làng đều ngưỡng mộ vì nhà tôi có một chiếc quốc như vậy. Khi nó truyền lại đến nhà tôi thì tôi vẫn nối nghiệp của ông cha làm ruộng, lúc đó các nhà khác đều thuê máy cày hoặc dùng trâu đầu bừa đất cho nhanh. Tôi cũng thấy nó rất tiện nhưng cha ông tôi đã dặn tôi nhất quyết phải dùng nó đều làm việc vạy mới đúng là con người”VIỆT NAM” với cái “THUẦN PHONG MỸ TỤC” . Tôi cũng chả biết nói gì đành ngậm ngùi mà cuốc, cơ mà sức người làm sao bì được với sức trâu và máy móc, Trong khi mình cuốc vài ngầy mới xong sào ruộng thì bên máy nhà kia họ dùng bừa, trâu cày có vài tiếng là mọi việc đã xong xuôi. Đôi khĩ nghĩ cũng tháy tội cho mình. Đêm nằm trằn trọc vì nghĩ đến chuyện làm sao cho bớt cực. Rồi một ý tưởng lóe lên trong đầu tôi-Cách đó vừa có thể đảm bảo mình vẫn có tiếng là ngoan ngoãn nghe lời cha ông vừa giúp mình bớt cực. Ngày hôm sau tôi vay mượn hàng xóm cộng với vốn của tôi để đi mua ngay một con trâu về mà cày. Thay vì lắp sau lưng trâu cái gì đó như cái lược mà tôi cũng chả biết gọi nó là gì cho phải- Vì tôi đâu có biết nó gọi là gì, Tôi lắp cái cuốc vào sau lưng con trâu và ra đồng cày như thường. Tôi rất đỗi tự hào vì mình vừa phát minh ra cách cang tác mới, đi đâu tôi cũng khoe rằng tôi đã cải tiến cách cày bừa của mấy nhà bên thành cách của mình giúp tôi tăng năng suất lao động. Cách của tôi nhanh chóng đồn đến tai trưởng thôn, ông ta xuống chúc mừng tôi rất nồng nhiệt và còn trao bằng khe vì sáng kiến của tôi nữa. Rất đỗi tự hào và để cho mọi người xem tài năng của tôi còn tuyệt diệu hơn nữa ngay hôm sau tôi mua thêm 3 cái cuốc nữa là treo sau lưng con trâu. Sau khi hòa thành tác phẩm của tôi tôi rất đỗi vinh dự và hãnh diễn vì tài năng của mình. Nhưng rồi mấy chiếc máy lồng của làng đã biến chiếc máy của tôi thành trò hề, Vì bị mọi người chê cười nên tôi rất xấu hổ nên tôi lấy cớ tôi cũng có thể làm được như vậy thậm chí là hơn nhưng tôi không thích và lấy cớ nếu tôi làm vậy là vi phạm”THUÀN PHONG MỸ TỤC, XÚC PHẠM TỔ TIÊN,TRÁI VỚI GIÁO HUẤN CỦA CÁC ĐỜI TRƯỚC”. Ngay sau đó tôi nhờ trưởng làng cấm không cho máy cày, máy lồng bén mảng ở làng mình nữa. Ông trưởng làng thấy việc đó cũng vô lý và từ chối nhưng khi tôi đưa cho ông ta một món tiền kha khá và hứa sẽ đãi ông ta một chầu thịt chó thì ông ta nhận lời ngay. Từ khi có lệnh của trưởng làng thì chẳng ai dám dùng mấy cái máy đó nữa dù họ có nói sao đi chăng nữa. Và từ đó tôi quen dc trưởng làng. Kể từ đó tôi thi thoảng lại nhờ ông ta chút việc và dĩ nhiên vẫn phải mang quà biếu ông ta. Nhưng cũng nhờ đó mà nhà tôi có vẻ khấm khá lên vì có đôi lần tôi nhờ ông ta dìm đi mấy vụ tôi chiếm đất của mấy nhà bên cạnh, va thêm mấy cái ao nữa, và dĩ nhiên số tiền tôi bỏ ra cho ông trưởng làng cũng không có ít gì.

    Ít lâu sau lại rộ lên trào lưu trẻ con làng mình sang làng bên học vì nghe đó bên đó có mấy bác MỸ, ÚC, ĐÀI LOAN,.. dạy hay lắm, dạy hơn hẳn thầy giáo làng mình, Tôi có ông bác làm giáo viên ổng đến nhờ tôi giúp. Ổng nói cứ thế này thì ổng chết đói mất. Vốn có tính nghĩa hiệp tôi liền nhờ trưởng làng nói với dân làng rằng bên đó cũng chẳng hơn dc bên ta là bao. Nếu họ muốn trưởng làng có thể cử những người còn giỏi hơn những người làng bên dạy học. Uh thì nói đấy dân làng cũng ậm ừ. Trước kia khi làng còn khốn khó chính trưởng làng đứng ra giúp dân, ông dạy dân cách trồng lúa nên ng ta trộng ổng lắm, dân làng rất nghe ổng. Nhưng từ khi thấy con của ổng cũng qua làng bên mà học thì hình như dân làng cũng sinh nghi, thấy vậy ổng lại trấn an ng dân bằng những câu :” Tôi gạt mọi ng làm gì, bên đó hổng có j tốt đẹp cả, bên đó họ áp bức bóc lột ng dân lắm, qua đó có mà chết như chơi”.
    Sau vụ đó ông bác tôi cũng chẳng khấm khá hơn chút, Ông ta còn mở lớp dạy bói toán, bấm độn, pắt kua,.. học trò theo cũng khá đông vì họ nghe nói ổng tài lắm, trưởng làng giới thiệu ổng mà làm sao sai được.
    Nói đến đây thôi tôi còn phải đi LO VIỆC NƯỚC, phải đi cải tiến và sáng chế máy móc cho mọi người nữa- Tôi bây h đã là tiến sĩ r mà

  15. Muốn giúp xã hội nhưng xã hội chính trị đã làm niềm tin của người dân về xã hội không còn nhiều. Vậy công tác tuyên truyền rất quan trọng. Ai cũng nói được như vậy, nhưng chẳng thấy xã hội thay đổi gì cả. Chả hiểu cách làm của mấy anh công viên chức này như thế nào. Vậy đó, có ai dám tin con rồng cháu tiên, có ai tin sánh vai được nữa không khi niềm tin đã bị chôn vùi? Hi vọng lãnh đạo đất nước sẽ biết được điều này.

  16. Bài viết quả thật đao to búa lớn. Từ bao giờ tư duy “VN phải sánh vai với các cường quốc năm châu” đã thấm nhuần vào suy nghĩ của “nhân dân” như vậy. Người VN chưa đạt được thành tựu gì trong đời, chưa “sánh vai” được với ai nhưng nhất định mơ ước VN phải vươn lên cá chép hóa rồng v.v… (mình ko ám chỉ tác giả nhé vì ko biết chút gì về thông tin cá nhân, chỉ nói chung chung)
    Mình vừa đọc loạt bài về chủ nghĩa cá nhân của THĐP, quả thật rất thấm thía… Ai đã dạy mình hi sinh vì lợi ích chung, hi sinh vì tập thể là hành động đúng đắn nhất? Ai đã dạy mình tinh thần dân tộc, quyền lợi của quốc gia là trên hết? Ai?

    • Đúng rồi đó bạn. Bài viết này nói khá nhiều về chủ nghĩa cá nhân, về phát huy cá tính của mỗi người. Tự do của chúng ta cần được tôn trọng, không ai có quyền áp đặt người khác phải suy nghĩ như thế nào.

      Còn tôi chắc chắn rằng tư duy “VN phải sánh vai với các cường quốc năm châu” chưa thấm vào suy nghĩ của “nhân dân” đâu, nếu vậy thì nước ta thành cường quốc từ lâu lắm rồi.
      Thứ nữa, xin trả lời câu hỏi của bạn: Tinh thần quốc gia, tinh thần dân tộc thì đất nước nào cũng có, chính thể nào cũng tuyên truyền. Ở Việt Nam thì các cụ dạy từ xưa rồi. Tôi nghĩ nó tốt, không vấn đề gì cá nếu cá nhân và tập thể chung quyền lợi.
      Chúng ta yêu nước thì chúng ta làm điều có ích cho đất nước thôi. Đơn giản thế. Còn ai lợi dụng lòng yêu nước của chúng ta để trục lợi thì chúng ta cùng góp sức đấu tranh thanh loại chúng. Chứ ngồi yên không làm gì thì bị bắt nạt là phải rồi, trông chờ ai giúp được đâu?

      Cám ơn bạn đã góp ý. Chúc bạn sức khỏe và nhiều thành công!

      • Mình vẫn còn đang tiêu hóa khái niệm chủ nghĩa cá nhân nên ko thể lạm bàn gì nhiều. Thế nào là quyền lợi tập thể, thế nào là lợi cho đất nước, thế nào là tinh thần dân tộc…? Chắc phải đọc lại 😀
        Ko biết từ đâu, nhưng ý tưởng VN sánh vai với các cường quốc năm châu đã được dạy trong sách giáo khoa các cấp. Ý mình thấm nhuần ở đây là nghĩ vậy, tưởng sắp vậy, tưởng là kiểu gì cũng phải vậy (theo kế hoạch 10 năm, 20 năm…). Còn nếu chỉ với nỗ lực cá nhân mà muốn thực hiện được điều đó thì chả khác gì một người vô công rỗi nghề ngày ngày uống nước chè bàn chuyện của Thủ tướng với Tổng bí thư ĐCS.

          • Mình ko có ý định hỏi bạn gì cả. Câu trả lời mà bạn muốn dẫn chứng có lẽ mình cũng đoán được nó như thế nào.
            Quan điểm của mình khác bài viết về nhiều điều.
            Mình đơn thuần chỉ muốn nhắc đến ý tưởng VN đứng trên đỉnh cao toàn cầu… đối với mình khá là khôi hài

      • mình có một vài thắc mắc nhỏ: minh thấy trong lịch sử nước ta cũng có chinh phạt, cũng có xâm lược chứ nào đâu có phải là một dân tộc “trung tính”, hồi xưa bác cũng từng có đợt vận động: thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua… thậm chí ngàn năm bắc thuộc ta vẫn không nguôi ngoai mà chịu làm dân đất bắc. có lẽ gần đây chúng ta mơi vậy chứ dân tộc ta nào đâu có phải trung tính.

        • Thời kỳ 45-75 VN còn được các nước khác “khen” là hiếu chiến đấy bạn, và ngược lại thời kỳ phong kiến có lúc không bị Bắc thuộc thì ta cũng đem quân đi đánh các nước nhỏ tơi bời, thậm chí còn tiêu diệt luôn 1 dân tộc thiểu số (chăm-pa thì phải?).
          “Dân tộc tính” là một từ quá chung chung. Thế nào là “dân tộc tính”, bao nhiêu % người của 1 dân tộc có cái tính ấy thì được gọi là dân tộc tính?

        • Cám ơn bạn. Chuyện chúng ta chinh phạt là có, nhưng không hoàn toàn chủ động. VD: Chăm-pa, Thủy Chân Lạp bị sáp nhập vào lãnh thổ nước ta phần vì những nhà nước ấy hiếu chiến, quấy phá phá ta quá nhiều; phần vì họ Nguyễn ở trong tình thế phải “vượt về phương Nam” mới củng cố được thế lực. Những trường hợp cá biệt này không làm mờ đi tính bị động của dân ta: Rõ ràng là khi bị áp bức mới vùng lên đấu tranh. Phàm những anh hiền lành hay cục tính mà, nên tôi nghĩ trong những thời khắc nguy nan, dân ta đoàn kết một lòng tạo thành sức mạnh vượt trội cũng là dễ hiểu. Còn bình thường chúng ta không thế.
          Phong trào thi đua yêu nước cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại, nhưng hiệu quả mỗi thời điểm một khác. Buồn thay, càng hòa bình, an nhàn, phong trào ấy càng đi xuống.

          • Thứ 1: Lý do “chân chính” để đem quân đi đánh nước khác thì không thiếu, thiết nghĩ những việc làm của TQ với biển Đông và nước ta hiện nay cũng ko thiếu những lý do họ cho là “chân chính” từ phía họ và được nhân dân họ ủng hộ. Lịch sử mấy ngàn năm toàn chiến tranh thì đâu thể coi là “lành tính” (đấy là quá khứ, hiện tại thì chắc là lành rồi vì 4 tốt 16 chữ vàng) (mà dùng từ “dân tộc ta” thì chung chung quá và vơ đũa cả nắm, thực chất đó chỉ là hành động của Nhà nước VN qua các thời kỳ – phong kiến, cs)
            Dĩ nhiên bị áp bức mới vùng lên đấu tranh, ko bị áp bức đấu tranh với ai hay phải tự tạo kẻ thù để đấu tranh (giống TQ)?
            Thứ 2: Phong trào thi đua yêu nước. Hỡi ôi! Sản phẩm của CS, XHCN! Khởi nguồn của bệnh thành tích, báo cáo láo!

          • XHCN, TBCN do ai nghĩ ra? Con người! Nó đều có mặt đúng và mặt trái. Bạn không nên phiến diện như vậy.
            Mình xin phép không phản biện những vấn đề khác, vì đến đây mình thấy lập luận của bạn không thể hiện tinh thần khoa học cho lắm. Cơ bản là chúng ta không hiểu nhau. Mình sẽ dừng phần tranh luận với bạn ở đây, dù bạn có nói gì thêm.

          • Chỉ có XHCN do con người nghĩ ra. CNTB là sự vận động tự nhiên của xã hội và con người đặt tên cho nó.
            Ngay từ đầu mình đã ko muốn tranh luận gì với bạn vì lý do quan điểm khác nhiều (m đã nói ở dưới). Nhưng ko lẽ bạn bình luận ý kiến của mình m ko trả lời dù m ko đồng ý, nên đành viết vài dòng để thể hiện chính kiến, vậy thôi.

          • bạn Guest nì kiểu như đang copy lại khái niệm vđ tự nhiên trong học thuyêt của chủ nghĩa Mác í. Xã hội nào chả do vận động ph.triển mà thành, có con ng mới có vđ xã hội, và con ng tư duy ra các học thuyết đó. Quan trọng là vđ theo chiều hướng nào, dù bạn có í phủ định XHCN thì thực tế nó là 1 vđ đã xảy ra rồi 🙂

          • Vừa nhận ra ko phải bạn bình luận bài viết của mình nên việc mình bình luận lại là vô nghĩa. Xin phép xóa bình luận trên vì cơ bản ngay từ đầu m ko có ý định tranh luận với bạn (như m đã nói ở dưới)

          • “Chăm-pa, Thủy Chân Lạp bị sáp nhập vào lãnh thổ nước ta phần vì những nhà nước ấy hiếu chiến, quấy phá phá ta quá nhiều” có người bạn bên Cam nói là VN ta lúc đó muốn chiếm đất của họ nên đưa ra li do như vậy. chứ thực tế họ không hề quấy phá chúng ta. Ta mới chính là người quấy phá tìm cách gây sự để chiếm đất họ. Thông tin của 2 nước đưa ra cho dân chúng đã khác nhau nên đừng bao giờ mặc định những thông tin mình biết hiển nhiên là đúng.

          • mình lấy thông tin này từ đại việt sử kí toàn thư và 1 số sách sử các học giả thời phong kiến viết. Nếu có đk tham khảo sử cổ của Cam thì tốt nhưng khó. Bạn có tư liệu thì cho mình tham khảo nhé

          • mình thấy mọi người phần lớn đều tham gia tìm nguyên nhân hay phản bác những thứ làm mình thấy ngứa mắt hơn là tập trung vào tìm giải pháp….
            cảm ơn bạn bài viết rất hay

    • Luận điểm số 1 của bạn, mình đồng ý. Luận điểm thứ 2 của bạn có thể bị bác bỏ nhanh chóng bằng minh chứng từ đất nước Nhật và các nước Bắc Âu – rất đề cao tinh thần tập thể!

      • Mình có thể trả lời là khó có thể bác bỏ. Mình ko đủ lý luận về vấn đề này, nhưng nếu bạn đủ quan tâm để đọc ít nhất là loạt bài về chủ nghĩa cá nhân của THĐP, liệu bạn có thể dùng minh chứng từ nước Nhật và các nước Bắc Âu để bác bỏ lý thuyết đó?
        Đơn giản nhất là lý thuyết nổi tiếng của Adam Smith, đại khái là con người hành động vì lợi ích của bản thân mình sẽ đưa ra được những sự lựa chọn tối ưu nhất cho chính bản thân mình và cho xã hội chứ không phải việc suy nghĩ và hành động vì lợi ích của một người nào khác (bao gồm cả tập thể)
        Tinh thần tập thể là một mỹ từ nghe rất thuyết phục. Nhưng mình tin chắc tinh thần tập thể ở các nước khác nhau sẽ rất khác nhau, và người ta có thể lạm dụng cái “tinh thần tập thể” để lấn át quyền tự do lựa chọn của cá nhân vì một “mục đích chung” nào đó (mục đích chung đương nhiên không phải là mục đích của 100% số người, ít nhất là của 51% số người, có khi chỉ là mục đích của 1 nhóm người).
        Tinh thần tập thể, tự hào dân tộc, quyền lợi quốc gia… những mỹ từ ở VN đã được sử dụng quá nhiều, đặc biệt được ưa thích bởi giới cầm quyền để định hướng người dân đến những chuyện “lớn lao” mà quên đi cái sát sườn là lợi ích của chính họ. Vì thế hãy cẩn thận khi dùng những từ này.
        Các bạn 9x có ước mơ và khao khát là rất đáng quý (như bạn duyhung viết bài này). Nhưng hãy cẩn thận với chỗ dựa tinh thần của các bạn là “truyền thống dân tộc”, “lịch sử hào hùng”, “tự hào dân tộc” v.v… Sự thực khác xa với những gì sách đảng, báo đảng, tivi đảng… dạy và tin chắc là theo thời gian, các bạn cũng sẽ hiểu và vỡ mộng. Mình tin là nếu các bạn có tài năng và có mục tiêu phấn đấu chỉ cho bản thân bạn, thì các bạn cũng sẽ thành công và thành công đó sẽ trở lại giúp được cho xã hội và cộng đồng bạn đang sinh sống (ví dụ dài dòng 1 chút là bạn Đông tác giả của Flappy bird chắc chắn ko thiết kế trò chơi vì lợi ích quốc gia, nhưng đã rất thành công và làm cho khối kẻ chả liên quan gì cảm thấy tự hào về “ngành công nghệ game của VN”. Tuy nhiên chính cái “tập thể” đó lại dìm bạn ý xuống đến mức phải từ bỏ trò chơi của mình)
        Nói thêm một chút là mình ko phủ nhận hoàn toàn tinh thần dân tộc. Phàm là người ai cũng có tình cảm với nơi chôn rau cắt rốn của mình, và ước muốn làm nó tốt đẹp hơn. Nhưng dân tộc không phải là đảng, chính phủ, đoàn thể… tóm lại là các tổ chức đang lãnh đạo quê hương đó. Xã hội VN hiện nay, có cái gì tự do tồn tại ngoài vòng kim cô của Đảng? (từ tài nguyên thiên nhiên, đất đai đến quyền lợi, thậm chí tư tưởng của người dân?) Không thể trách các bạn đi du học không về, khi các bạn hành động đúng theo lợi ích của các bạn và lý thuyết tự do về kinh tế

  17. “Lịch sử dân tộc tôi đầy rẫy những trang hào hùng chống giặc ngoại xâm,
    ngay cả những kẻ thù sừng sỏ nhất đều đã nếm mùi thất bại cay đắng trên
    mảnh đất chúng tôi”. Xin lỗi tác giả , lịch sử Việt Nam là lừa bịp dối trá. Mỹ muốn đánh thì mất vài giờ tên lửa sẽ nuốt chửng Việt Nam. Còn ta thắng là do đại đồng cs Tàu + Nga đánh chứ Việt Nam thì mất xác lâu rồi.

    • trời đất ạ. mình không muốn bàn đến chuyện chính trị mà các cmt hầu hết cứ lái vào đó là sao? Chả liên quan gì cả. Góp ý vậy thì mình biết tiếp thu kiểu gì đây. Ý tôi nói là lịch sử cả bốn ngàn năm của dân tộc kìa, đâu phải riêng mỗi thời chống Pháp, chống Mỹ đâu? Chẳng lẽ họ dối trá từ mấy ngàn năm trước sao?

        • cám ơn Phi Tuyết. Mục đích mình viết đoạn trên là để lấy dẫn chứng “chiến tranh đau thương như thế nào” và tổn thương lớn nhất là tinh thần dân tộc: vì chiến tranh quá nhiều nên nảy sinh những tâm lý không tốt cho dân tộc. Bạn Minh cố tình không trích cả đoạn, dễ khiến mọi người không hiểu đúng. Hai là, điều đúng thì nên ca ngợi, không sao. Chiến công của dân tộc chứ riêng gì ai. Nhưng đó không phải là ý chính.

      • Comment của bạnh @minh không có ý động vào chính trị cũng không được, vì bạn sử dụng các dẫn chứng sai lầm, bị bóp méo bởi những kẻ cầm quyền. Dù rất muốn khen cách viết của bạn, nhưng mong bạn hãy bỏ qua tự ái, tìm hiểu thật kĩ về lịch sử nước nhà trước khi đưa chúng ra làm dẫn chứng cho bài viết của mình!

        • “Lịch sử dân tộc tôi đầy rẫy những trang hào hùng chống giặc ngoại xâm, ngay cả những kẻ thù sừng sỏ nhất đều đã nếm mùi thất bại cay đắng trên mảnh đất chúng tôi” là một câu tổng kết. Mình đã xem xét và đọc nhiều sử liệu của các tác giả Việt Nam và nước ngoài mới kết luận được. Người Mỹ và VNCH đều công nhận lịch sử chúng ta đã từng chiến thắng các đế chế mạnh: Trung Quốc, Mông Cổ, Pháp. Khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam VN, họ cũng thừa nhận họ đã thua. Thế giới đã chứng kiến và công nhận điều đó. Tôi phục người Mỹ vì kẻ mạnh đã hành xử đúng nghĩa: Bình thản đón nhận những chiến thắng và chấp nhận cả những thất bại, luôn tự thay đổi chiến lược sao cho phù hợp, không cay cú hằn thù. Chúng ta, cả hai phía “cộng hòa” và “cộng sản” đều chưa làm được như vậy!

          • Bạn viết thế mà không ngượng à?!

            Tôi phục người Mỹ vì kẻ mạnh đã hành xử đúng nghĩa: Bình thản đón nhận những chiến thắng và chấp nhận cả những thất bại, luôn tự thay đổi chiến lược sao cho phù hợp, không cay cú hằn thù. Chúng ta, cả hai phía “cộng hòa” và “cộng sản” đều chưa làm được như vậy!

          • mình nói riêng về khía cạnh ứng xử hậu chiến thôi, có nhiều điều ta chưa khách quan bằng họ. Còn đau lắm chứ. Như bạn nói vậy, thân phận nhược tiểu khổ nhục tang thương thế đấy, nên chỉ còn cách vươn lên giàu mạnh thôi.

    • Người Việt Nam đổ máu cho mưu đồ lợi dụng ăn cháo đái bát của lợn Nga, lợn Tàu. Mới đọc nhật ký của ba tớ thấy lói thế ạ!!! Làm thân nhược tiểu khổ nhục tang thương thế đấy!!!

  18. mình đọc đoạn đầu
    định khóc thét lên vì đồng quan điểm
    tính cm ngay để cảm ơn bài viết
    cho tới đây
    “Phàm là dân Việt Nam mà đổ hết tội lỗi, nguyên do dẫn đến những yếu kém của đất nước cho Đảng cầm quyền, cho Nhà nước thì thực sự không có chút lương tâm nào. Hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản của chúng tôi đã lãnh đạo toàn dân đạt được nhiều thành tích trong kháng chiến cũng như khi hòa bình, quả tình với điều kiện đất nước thì làm được vậy đã là ổn lắm. Tôi không nghĩ một Chính phủ nước ngoài nào, giả sử họ được thuê quản lý đất nước tôi, có thể làm tốt hơn!”

    xong, mình k đọc nữa!
    thật tiếc
    dù mình k phải ng hay đi đổ lỗi!

    • Chính trị là thứ dễ khiến chúng ta ghét nhau. Bài này mình không có ý định bàn sâu về chính trị. Mình cũng không cuồng chế độ nào. Nếu bạn có thể đọc tiếp nữa để góp ý thêm cho mình thì tốt quá. Mình cũng rất tiếc. Hic

      • mình đã dô đọc hết bài bạn
        ngoại trừ một vài quan niệm chưa đồng ý lắm còn lại thì bài của bạn đa phần trùng vs những suy nghĩ của mình
        k muốn chỉ vì 1 đoạn ngắn đó mà đánh giá cả bài của bạn
        tuy nhiên khi bắt đầu viết bạn nên làm quen vs việc mình nói 1 đường mọi ng lại nghĩ 1 kiểu hehee
        mình cũng mất khá lâu để quen vs điều đó
        Chúc bạn càng viết càng hay nha!

  19. Tôi đồng ý với hầu hết những điểm bạn nêu ra trong bài viết, trừ đoạn nói về Cuba và Liên Xô. GDP không phải là thước đo chính xác nói lên được sự giàu mạnh của một nước. Đã có nhiều học giả nói về điều này, vd: http://mises.org/library/burn-your-house-boost-economy.

    Bạn có biết đã có bao nhiêu chục triệu người bị giết dưới chế độ Liên Xô không? Mục đích không biện minh được cho phương tiện.

    • Trân trọng cám ơn bạn. Đoạn đó mình nói thuần về vấn đề kinh tế thôi. Có thể mình sẽ bàn sâu về chính trị trong một bài viết khác. hj. Còn GDP hay GNP, mình đồng ý nó chỉ là thước đo tham khảo thôi, nhưng chuẩn quốc tế mà. Phấn đấu được tiêu chí nào tốt tiêu chí ấy. Còn kém thì còn phải học thôi.

    • Mình xin bổ sung nữa là dù chính thể Liên Xô nhiều khuyết tật nhưng thời họ tồn tại, đất nước ấy rất hùng mạnh, nước Nga bây giờ chưa theo nổi đâu. Ý tôi nói là chúng ta nên xem xét xem học được gì từ dân tộc họ, chứ chuyện chính thể nào, tôi thấy không giải quyết được vấn đề gì trong phát triển kinh tế cả. Nó chỉ liên quan đến nhân quyền thôi. Saudi Arabia, Brunei, Quatar vẫn còn quân chủ chuyên chế kìa, họ lạc hậu về chế độ nhưng nhận thức thì không, và chưa nghèo bao giờ nhé!

      • chưa nghèo vì con nhà đại gia, cứ đào dầu lên mà bán ko giầu mới lạ, bạn nói trí thức phải dấn thân. Nhưng với cơ chế này có mà dấn vào mắt . “Thông minh người ta ko dùng ” nhé

        • Muốn đào dầu lên bán cũng cần công nghệ mà. Trung Đông không chỉ nổi tiếng về dầu mỏ. Họ có chính sách an sinh xã hội tốt, giáo dục tốt. Dĩ nhiên bất cập rất nhiều.
          Cơ chế có thể thay đổi. Bạn đang nhụt chí hơn cả những nhà quản lý “cộng sản” đó. Họ vẫn từng ngày nghiên cứu thay đổi chính sách đó thôi.
          Vận mệnh đất nước này không sớm thì muộn cũng nằm trong tay giới trẻ hiện tại. Không thiếu người lên làm lãnh đạo sau này. Mà lãnh đạo hay không đâu quan trọng gì, 1 lãnh đạo và 1 công dân bình thường đóng góp cho xã hội không hơn kém nhau nhiều! Vấn đề là có muốn cống hiến hay không thôi?
          Một người chủ động trong công việc thì không cần phải chờ đến lúc người ta “dùng”!

  20. Bài viết rất hay, đề cập đến tâm lý chung của nhiều bạn trẻ hiện nay. Không khoe khoang gì nhưng mình học cấp 3 trường chuyên top quốc gia, và đa số bạn bè đều có mong muốn (và đủ khả năng) để du học, thậm chí còn nói sẽ chẳng bao giờ về… Mình từng có suy nghĩ như vậy, nhưng cũng ngộ ra điều bạn nói ở trên, nếu đi hết rồi thì ai sẽ xây dựng đất nước!! Ai cũng cho rằng ở VN không có điều kiện phát triển tài năng, mình không phủ nhận, nhưng cứ vịn vô lý lẽ ấy thì mãi không bao giờ *đủ điều kiện*
    Có lẽ do mình không phải là người ham của cải cho lắm nên mình không suy nghĩ về điều kiện sống như các bạn, nhưng chính vì thế mà mình có quyết tâm góp 1 phần nhỏ công sức thôi, đưa nước nhà trở thành cường quốc như bài viết đã nêu… Hi vọng nhiều bạn sẽ có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề này
    Cảm ơn bạn, lâu rồi mới có người nói hộ lòng mình, chứ bình thường toàn bị chửi mình khờ =))

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI