26 C
Nha Trang
Thứ ba, 10 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cuộc chiến tranh giữa ánh sáng và bóng tối

Hoàng tử vs. phù thủy, Lọ Lem vs. mẹ ghẻ, Tấm vs. Cám, Thạch Sanh vs. Lý Thông, anh nông dân vs. lão địa chủ, Skywalker vs. Darth Vader, Neo vs. Agent Smith, v.v… Kể ra thì tôi mới nhận thấy là tuổi thơ của tôi, và có thể của các bạn, tràn ngập những câu chuyện và thước phim nói về cuộc chiến giữa hai phe thiện-ác, giữa ánh sáng và bóng tối dưới nhiều hình thức khác nhau. Kết cục của các câu chuyện này luôn là phần thắng thuộc về ánh sáng, một cái kết được gọi là có hậu và mang lại sự mãn nguyện cho con người.

Khi nói đến đây tôi cũng nhớ đến cặp tương phản khác mang tính tâm linh như God vs. Satan, Angel vs. Devil… Trong cuộc hành trình trở thành phiên bản tốt hơn, tôi nhận ra rằng cuộc đấu tranh giữa hai thái cực sáng tối này là có thật. Con người chúng ta luôn phải giằng co để xác định đúng hướng đi của mình: hoặc là tới các nguyên tắc đạo đức, hoặc là rơi vào các ảo tưởng sai lầm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã có câu nói rằng:

“Vào bất kỳ khoảnh khắc nào, bạn cũng có sự lựa chọn, hoặc là tới gần hơn với tâm hồn của mình hoặc là đi xa hơn khỏi nó.”

Hồi đầu khi nghe đến cuộc tranh đấu trong tâm hồn này tôi đã không tin. Tôi cho rằng nó là chuyện vớ vẩn, cường điệu hóa. Tu tập mà phải giằng co hay khổ sở vậy sao. Nhưng sau này, khi trải qua những chuyện thử thách đạo đức và đức tin, tôi mới hiểu ra cuộc chiến ấy thực sự là gì. Và để có được sự tiến hóa tâm hồn, mỗi người chúng ta sẽ không thể tránh khỏi việc phải dấn thân vào cuộc giằng co nội tâm rất khốc liệt. Ngay cả trong Chí Tôn Ca, dũng sĩ Arjuna cũng phải bước vào một cuộc đại chiến, không chỉ ở chiến địa đời thực, mà còn ở trận địa tâm hồn, khi những quan điểm cá nhân và các nguyên tắc tâm linh va đập với nhau để giành quyền thống trị. Với sự dẫn dắt tinh thần của Đức Krishna, Arjuna đã bước đi theo con đường của trí tuệ và phẩm hạnh tuyệt đối. Cuối cùng, chàng đã giành chiến thắng rực rỡ trên cả hai mặt trận.

Có thể khi tôi nói cụm từ “cuộc chiến” thì có bạn sẽ nghĩ rằng sao phải đao to búa lớn làm gì. Nhưng sự thật nó là như vậy, từ “cuộc chiến” không phải là ngoa. Vì sự giằng co mãnh liệt giữa các thái cực bên trong nội tâm của một con người có thể dâng lên đến mức bão tố, đẩy anh ta vào trong một áp lực khổng lồ để có thể đưa ra quyết định cuối cùng cho hành động của mình. Đôi khi, chính sự áp lực khôn cùng ấy lại đẩy con người lên đến một tầng mức tinh thần sâu sắc hơn, đến một năng lực mãnh liệt hơn để có thể áp đảo được những xu hướng đen tối, tiêu cực.

Nếu bạn thật sự có khao khát tiến hóa và trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình, đơn giản như là có một thân thể khỏe mạnh sung sức chẳng hạn. Có bao giờ khi thức giấc bạn rơi vào sự mâu thuẫn giữa việc ngủ nướng thêm trong chăn với việc ngồi dậy, xỏ giày và chạy bộ? Có bao giờ bạn phải đắn đo rằng hôm nay mình nên tới phòng gym hay tiếp tục ở nhà xem phim truyền hình dài tập? Bạn nên bắt đầu ăn uống lành mạnh hay tiếp tục với những món đồ fastfood?

Nếu bạn cảm thấy việc đưa ra quyết định thực hiện một hành động tích cực là khó khăn thì nó chứng tỏ rằng bạn đang muốn sống tốt hơn nhưng ý chí của bạn chưa đủ mạnh. Còn khi bạn đưa ra một quyết định tiêu cực một cách nhanh chóng và dễ dàng, điều đó thể hiện rằng bạn chưa từng nhận ra nhu cầu tiến hóa ở khía cạnh đó. Và thực tế là, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sức mạnh và sự yếu đuối chỉ xảy ra đối với người nào có ý muốn hướng thượng, muốn cải thiện và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Cuộc chiến ấy diễn ra bởi vì ở đó có bản ngã vật chất ưa những lối mòn cũ đối lập với chân ngã tâm linh muốn thánh hóa những điều yếu kém, trong đó có bản ngã vật chất kia.

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy một bên muốn hướng mặt về ánh mặt trời, còn một bên muốn giậm chân trong bóng tối. Một bên ra sức hun thúc truyền động lực, một bên cố gắng thao túng làm gia tăng sức ỳ (inertia) bằng sự ngụy biện. Một bên đơn giản và thiện lành, một bên ranh ma và cao ngạo. Tôi thiết nghĩ rằng những câu chuyện cổ tích, những thước phim kinh điển về cuộc chiến đấu của hai phe thiện ác đều đang góp phần mô tả cuộc chiến đấu trong nội tâm con người, khi chúng ta trên đoạn đường tiến hóa. Đó không phải là con đường dễ dàng, nếu như không nói đó là con đường chông gai và khốc liệt nhất mà một người có thể bước vào. Bạn luôn phải tự quan sát chính mình, luôn phải cân nhắc và phân biệt các nguyên tắc đạo đức với các lý lẽ vô lối, và bạn luôn phải sẵn sàng cầu nguyện sự cứu rỗi, dù bạn đã từng tự coi mình là “anh hùng.” Vì ai cũng đều có giới hạn của người nấy, đều có nỗi đau và bài học của riêng mình.

Cách đây không lâu, tôi đọc cuốn sách của tác giả Kaya mang tựa là “Trở thành thiên thần – Con đường khai sáng”. Tác giả đã nêu một ý tưởng rất hay rằng “cái xấu là để răn dạy”. Còn trong tác phẩm “Edgar Cayce giải luận về sách Khải Huyền” của tác giả John Van Auken có nói về lời giáo huấn cổ Do Thái cho rằng Satan (nghĩa đen là “kẻ thù” hay “đối thủ”) là người buộc tội, đồng thời cũng là người thử thách. Satan thử thách cả thế giới ngoại quan và nội quan của con người, để xem người đó có thật sự trung thành với God và các nguyên tắc tâm linh nền tảng. Nếu anh ta kiên định và trung thành, anh ta sẽ đi qua được thử thách. Còn nếu không, anh ta sẽ bị vùi dập và bị đồng hóa bởi những sai lầm, tội lỗi.

Chưa kể, trong Kinh Thánh, Ngày của Chúa được coi là ngày kinh hoàng và đen tối nhất, trong khi con người lại mơ ước ngày đó. Nếu được nói, tôi cho rằng sự kinh hoàng ấy là để mô tả góc nhìn của phần bản ngã yếu đuối khi nó bị phế truất quyền kiểm soát và bị lộ ra những giới hạn. Còn phần bản thể tâm linh sâu thẳm thì luôn hằng khao khát giờ khắc định mệnh ấy để được hòa nhập với sự tiến hóa.

“Chúng ta phải nộp con người cho Satan, để phần xác nó được hủy diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa.” (Corinthians 1 5:5)

Bài viết này tôi viết ra là để tự nhắc nhở bản thân mình về việc sống tỉnh thức và dám vượt lên khỏi những tăm tối, đồng thời cũng là để vun đắp sự không sợ hãi những cuộc xung đột bên trong nội tâm, và không sợ hãi sự thương tổn. Con người chúng ta thường có xu hướng e sợ sự xung đột, mâu thuẫn và tổn thương, nên thường tìm cách tránh né chúng. Nhưng chúng ta lại không biết rằng nhiều khi, những cuộc đấu tranh cần sự có mặt của bạn, và cần sự đối mặt của bạn. Vì chỉ có cách đó, sự dũng cảm mới lộ diện và trí phân biệt mới được đánh thức. Các phẩm chất đó mới là lối thoát cho mọi sự.

Tôi nói như vậy không phải có ý cổ vũ cho các cuộc chiến, hay khuyến khích con người nên tự khơi chuyện để xung đột với nhau hay với chính mình. Tôi chỉ đang muốn cổ vũ cho sức mạnh cho mình và cho những ai đang ở trong những cuộc chiến không thể tránh khỏi, cụ thể là cuộc chiến giữa phần con người muốn sa ngã và con người muốn tiến hóa đang cùng tồn tại. Chúng ta ai rồi cũng có lúc phải rơi vào những thử thách chông gai. Bạn đừng sợ hãi việc phải đấu tranh nội tâm, đừng sợ hãi sự giằng co mâu thuẫn, vì “ngọn lửa là để thanh tẩy, địa ngục là để kết tinh hay tinh luyện những mục đích đối nghịch nhau thành mục đích hợp nhất.” (*)

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: Ingmar/Unsplash

(*) Trích trong sách “Edgar Cayce luận giải về sách Khải Huyền”

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,910Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI