(Tản mạn một chút về chuyện Đại học và học hành vì gần đây cá nhân mình có một số sự việc liên quan đến nó)
Trong việc học, đặc biệt là Đại học, tôi thấy sinh viên phải bỏ ra một cái giá quá đắt cho việc học hành của anh ta nhưng lại nhận được hiệu quả học tập quá tồi. Lý do chúng ta đang theo học Đại học là gì? Một phần là vì xã hội ủng hộ cho việc đó. Xã hội cần những cái khuôn được dán nhãn “cử nhân Đại học Havard” hay gì đó tương tự vậy. Xã hội ít coi trọng những người không bằng cấp nhưng có cái đầu khôn ngoan giàu trải nghiệm, những cái đầu hiểu cuộc đời, những cái đầu biết “sống” và rộng mở, am hiểu nghệ thuật và con người. Họ coi trọng cái bằng hơn là thế. Tôi hỏi bạn bè học chung trường là “Một năm qua ông học đại học thấy sao”, bạn tôi trả lời “Ôi chán lắm ông ơi, chả có gì bổ ích, cố gắng học lấy cái bằng thôi, dù sao trường này cũng có tiếng mà, ra trường còn dễ xin việc.” Rất nhiều trường hợp đã trả lời tôi như vậy. Tôi không biết nếu cái bằng Đại học không được xem trọng như thế thì liệu chúng ta có vào trường Đại học với mục đích truy cầu kiến thức hay không.
Riêng trải nghiệm cá nhân tôi, một năm học Đại học vừa qua thực sự quý giá. Kỳ cục là quý giá không phải ở chỗ tôi học được gì qua giảng viên (thiệt sự là tôi chẳng học được gì cả), mà là cái mà tôi học được ở ngoài đời, học từ việc tự lập, từ lối sống, từ cái nhìn thực tế của cuộc đời, từ cách đối xử giữa những con người trong xã hội với nhau. Ngoài ra một năm đó là cơ hội cho tôi nhìn rõ bên trong mình, những rào cản trong tâm trí, những nhận thức sai lầm, những lối sống không hiệu quả, những khuôn mẫu hành xử tiêu cực,… Những thứ này tôi học được với một cái giá rất nhỏ, so với tiền học phí đại học – nó là những cuốn sách, những thử nghiệm, những trải nghiệm, những sai lầm, cả những đau khổ, hoang mang, và những lần rối loạn tâm lý. Những bài học này xét theo phương diện cá nhân và sức ảnh hưởng của nó lên cả cuộc đời thì có giá trị hơn cả, nó được học bằng nỗ lực, bằng rèn luyện, bằng việc chịu những áp lực, thứ mà tiền mà cha mẹ tôi cực khổ làm ra không thể đổi được từ trường Đại học.
Trong nền Kinh tế thị trường hiện nay, nơi thứ gì cũng có thể khai thác để phục vụ cho mục đích lợi nhuận, thì ngành giáo dục cũng nằm trong số đó. Các trường Đại học biến thành một ngành kinh doanh mà số lợi nhuận cũng không kém cạnh các công ty thương mại. Tôi không có ý bảo rằng giáo dục thì không nên thu tiền hay kinh doanh, nhưng khi ngành giáo dục hoạt động trong một môi trường thực dụng, nó đánh mất đi thiên chức và sứ mệnh cao cả của nó là dẫn lối và đánh thức trí tuệ cho người trẻ. Trường Đại học đã trở thành một hệ thống kinh doanh, đa số những con người tham gia vào hệ thống như những người công nhân trong những nhà máy, họ lao động, hoàn thành nghĩa vụ, đánh đổi để có đồng lương, trong đó không có niềm vui của những người dẫn đường, những người đánh thức tri thức bên trong những thanh thiếu niên năng động. Theo quan sát cá nhân, các khóa học trong trường Đại học giống như một quá trình cấy vào não sinh viên những mớ lý thuyết, tương tự như cài đặt phần mềm vào những chiếc điện thoại. Thành quả là chúng ta có những chiếc “điện thoại” được đúc khuôn giống nhau, khi ra trường chính là lúc hoàn thành dây chuyền sản xuất, những chiếc “điện thoại” đã sẵn sàng được sử dụng và tiêu dùng, để ăn khớp với những bánh răng của cỗ máy kinh tế. Trong bộ phim Baraka, tôi ấn tượng bởi 2 chuỗi cảnh quay xen kẽ nhau, một bên là dòng xe cộ chen chúc nhau trên đường phố New York, những dòng người xô đẩy nhau để lên xuống trên tàu điện ngầm, những nhà ga nườm nượp những dòng người vào ra, còn một bên là cảnh quay nhà máy sản xuất gà công nghiệp, nơi hàng trăm ngàn chú gà con chen chúc nhau trên băng chuyền, được đưa đến để phân loại, đánh dấu, rồi ném trả về các dây chuyền thích hợp để nuôi lớn, và xuất ra thị trường. Hai chuỗi cảnh quay này được xen lẫn nhau trong những sự tương đồng thú vị, những con người và những chú gà con.
Tôi không có ý chỉ nhìn vấn đề này theo góc nhìn tiêu cực. Tôi chỉ muốn nói lên sự thật, theo quan sát cá nhân và là một người trực tiếp trải nghiệm môi trường đại học. Những người trẻ không phải là những bánh răng cho một cỗ máy kinh tế lớn, không phải những sản phẩm cho thị trường, cũng không phải những khối óc được đúc như nhau. Chúng ta là con người, mỗi con người đều có một sự độc nhất thiêng liêng của tạo hóa, và chúng ta nên được trau dồi tính người bên trong mình, bằng nghệ thuật, bằng tình yêu thương và các giá trị nội tại khác. Chúng ta có trách nhiệm lao động vì sự sinh tồn của mình, nhưng cũng có quyền lao động với tâm hồn say mê. Chúng ta không chỉ là một công cụ chạy chương trình để xử lý những vấn đề kinh tế, chúng ta là những con người biết tư duy và cảm nhận được sự tồn tại của chính mình, trong khi xã hội muốn chúng ta là những cỗ máy, để trám vào những vị trí vận hành của họ.
Tất nhiên tôi không có ý nói là tất cả chúng ta không nên vào Đại học. Nếu đó là kiến thức mà bạn đang theo đuổi, bạn học hỏi nó song song với mục tiêu thực hành mà bạn vẫn đang làm hằng ngày, và Đại học là một nơi hỗ trợ tốt cho mục tiêu của bạn, điều đó là hợp lý. Tôi chỉ muốn nói đến những trường hợp bạn vào trường đại học để lấy cái bằng, để ôm lấy một đống kiến thức thiếu thực tiễn không thể tiêu hóa, không giúp ích gì cho đời sống và trải nghiệm của bản thân bạn. Đa số những kiến thức đại học là thiếu thực tiễn, bạn có thể học xong một cái bằng đại học, ra trường với một cái đầu đầy các lý thuyết cao siêu nhưng ứng dụng được rất ít và nó không đóng góp vào phần kỹ năng của bạn là bao, trong khi kỹ năng mới là cái đích cuối cùng, là cái tạo ra giá trị. Như là mọi kiến thức (dạng suy nghĩ) đều là hư ảo và vô dụng nếu nó không biến thành trí tuệ (dạng hành động, kỹ năng và bản năng), mọi kiến thức được học là để vượt lên trên nó, không phải để nó bao vây và tù hãm bạn. Đây là nhận định của Henry Thoreau trong chuyện Đại học và sinh viên:
“Nếu tôi muốn một thanh niên biết một điều gì đó về nghệ thuật hay khoa học chẳng hạn, tôi sẽ không theo một khóa trình thông thường, tức là chỉ gửi cậu ta đến chỗ một giáo sư nào đó, nơi người ta dạy và cho thực hành mọi thứ chỉ trừ nghệ thuật sống; để quan sát thế giới qua kính viễn vọng hay kính hiển vi, và không bao giờ bằng mắt thường của cậu ta; nghiên cứu hóa học, và không biết bánh mì cậu ta ăn được làm ra sao, hoặc cơ học, mà không biết nó làm ra tiền như thể nào; khám phá ra những vệ tinh mới của Hải vương tinh, mà không phát hiện ra hạt bụi trong mắt mình, hay bản thân cậu ta đang là vệ tinh của tên du đãng nào; hoặc đang bị nuốt chửng bởi đám quái vật nhung nhúc quanh cậu ta, trong khi ngắm nhìn những quái vật trong một giọt giấm. Sau một tháng ai sẽ tiến bộ hơn, cậu bé làm được con dao xếp cho mình bằng quặng kim loại cậu ta tự đào và nấu, đọc đủ sách cần cho việc đó, hay cậu sinh viên trong thời gian đó dự các bài giảng ở học viện luyện kim, và được cha cho một con dao nhíp Roger?
Tôi rất ngạc nhiên khi rời khỏi trường đại học người ta thông báo tôi đã nghiên cứu hàng hải! – Tại sao, nếu tôi đã đi một vòng xuống bến tàu, chắc tôi đã biết nhiều hơn về nó.” – Walden.
Mặt khác, Đại học là một sự đánh đổi không xứng đáng cho việc học, như tôi đã nói ở đoạn đầu tiên. Hiệu quả học tập quá tồi cho một chi phí quá đắt đỏ. Tôi nhận ra được một điều vô cùng quý giá khi đọc đoạn văn này của Thoreau: “Ngay cả sinh viên nghèo cũng học và được dạy khoa kinh tế chính trị, trong khi kinh tế của đời sống là môn đồng nghĩa với triết học thì thậm chí không được dạy trong các trường đại học. Hậu quả là, trong khi anh ta đang đọc Adam Smith, Ricardo, Baptiste Say, anh ta làm cho mình mắc nợ không trả nổi.”
Tôi là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, và tôi phải trả 24 triệu đồng trong một năm học để học những thứ tôi chẳng cần lấy. Xét theo khía cạnh kinh tế, nơi việc chi tiêu nguồn lực, đầu tư để lấy lợi nhuận là việc cốt yếu thì chuyện chi 24 triệu để đổi lấy chừng ấy “lợi nhuận”, về phần cá nhân tôi, là một cuộc đầu tư tồi. Tôi có thể học nhiều điều hơn thế từ xã hội, từ sách vở mà tôi tự chọn lấy để đọc, từ việc trau dồi kỹ năng với một mức phí thấp hơn nhiều. Chúng ta đầu tư vào đại học hầu hết không phải vì cái mà chúng ta học được, mà chủ yếu do bởi cả xã hội đang ủng hộ chúng ta làm việc đó bằng cách mở lối cho ta những cơ hội làm việc khi chúng ta có bằng cấp, vì những lời chỉ trích và phàn nàn sẵn sàng tấn công nếu chúng ta không học đại học, và những kỳ vọng, những bàn tán từ gia đình và những người xung quanh.
Về phần tôi, tôi đã quyết định không đầu tư nhiều tiền như vậy nữa. Tôi đã chuyển qua trường Đại học khác, ngành học khác mà tôi thật sự có tâm huyết với mức chi phí thấp hơn. Trường Đại học mới của tôi không nằm trong top, cũng không danh tiếng lắm, vì tôi chẳng còn quá xem trọng điều đó nữa. Bây giờ Đại học chỉ là một cơ hội cho tôi tiếp tục trải nghiệm, va chạm đời sống và tiếp tục học hỏi trong thực tế. Chương trình học trên trường chỉ là một phần phụ trong tiến trình học của tôi, nói cho đúng thì “Tôi chưa bao giờ để trường lớp can thiệp vào việc học của mình” – (Mark Twain). Tôi học, đọc mọi ngày tôi rảnh, bất kể có ai đó trên trường bắt tôi học hay không. Hay đơn thuần tôi chỉ học đại học để lấy bằng, nương theo luật chơi của xã hội, tạo ra con đường sống thuận lợi hơn cho mình mà không bị cuốn đi hoàn toàn con người tôi.
Chúng ta là những thanh niên trẻ, là những con người đầy nhiệt huyết, chúng ta có cơ hội có nhiều trải nghiệm quý báu và sống một tuổi trẻ (hoặc cả một cuộc đời) tròn đầy, sâu sắc và mãn nguyện. Chúng ta có thể va đập, mài giũa, trau dồi, đánh thức những tiềm năng để trở thành một phiên bản tốt nhất của mình (best version – not best copy), một con người có giá trị, đem giá trị của mình lao động cống hiến và có thể hạnh phúc vì điều đó; thay vì chọn sống an toàn và hời hợt với những con đường được xã hội dọn sẵn. Tôi không có ý khuyên can bạn phải làm gì, và tôi cũng chẳng có quyền làm điều đó (nếu bạn không yêu cầu lời khuyên từ tôi). Tôi chỉ chia sẻ những gì tôi thấy, nhận thức ra, và mong là bạn cũng nhận thức được điều đó, còn lựa chọn hành động là của bạn, cuộc đời luôn là lựa chọn, và lựa chọn điều gì sẽ cho bạn trải nghiệm những thứ tương ứng.
Kết thúc bài viết, tôi xin tặng bạn đọc một trích dẫn của Joseph Campbell mà tôi rất tâm đắc và luôn ghi nhớ:
“Nếu bạn có thể thấy một con đường được trải bày ra từng bước trước mặt, bạn biết nó không phải là con đường của bạn. Con đường của bạn thì phải tự mở lối từng bước. Đó là lý do tại sao nó chính là lối đi dành cho bạn.”
Tác giả: Bá Kỳ
Ảnh: Dmitry Ratushny / Unplash
💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP