Thưở nhỏ, tôi sống ở một xóm ngoại ô nghèo quanh co miền Tây. Bên hàng xóm duy nhất có một nhà có dàn VCD và loa thùng lúc nào cũng mở nhạc tưng bừng. Hàng năm, vào giờ này là cả xóm được nghe những bài ca xuân xưa bất tử như Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa, Mùa Xuân Đó Có Em, Ước Nguyện Đầu Xuân, Mùa Xuân Lá Khô… Tết nào tôi cũng nhớ những lời ca cũ rất quen:
“Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa
Một chiều xuân em đã hẹn hò
Đưa hương theo làn gió…”
Những bài hát nghe tự thời nào cứ gặp đúng cảnh, đúng tình là bật ngay lên trong trí nhớ. Những bài hát buồn buồn ấy là nhạc bolero.
Rồi lớn lên ra thành phố học – những buổi chiều ở nhà trọ vắng quạnh – cứ mỗi lần nhìn ra ven đường gặp hoàng hôn nắng nhạt, khói đốt đồng bay lên từ cuối chân trời, những bài hát cứ y như đem đến tận cõi lòng tôi, làm sống thật trước mắt người trai trẻ mùi rơm rạ mới gặt, gió mát và từng tốp trẻ con thong thả trên lưng trâu tỏa về thôn xóm. Trong cái yên lặng riêng mình, tôi lại nghe vẳng lên trong trí nhớ:
“Tình nồng thắm xuyên qua bao mái tranh…
Ngọt ngào dâng hương mái tóc xanh
Những tình mặn mà là những tình đơn sơ
Quê tôi vẫn đẹp đẹp mấy tình ngây thơ…”
Hình ảnh miền quê xa ngát, êm đềm, đó là cái đọng lại, cái quý nhất tìm thấy sau khi nghe nhạc, nhạc bolero. Vâng, cũng là nhạc bolero!
Ai đó hãy khoan vội chê rằng bolero là giòng nhạc “sến” “bình dân” “nghèo”. Ừ thì nghèo, có sao! Khái niệm đó ta nên hiểu theo nghĩa khác, chỗ khác, giành cho những cái khác nhạc bolero. Bolero là giai điệu, giòng nhạc mộc mạc và gợi cảm trong phần hồn của mỗi con người. Nói như một hôm nào đó, một kẻ thị thành tạm rời xa khói bụi ồn ào, về ngả lưng nằm dài trên cỏ ở một nơi nào đó (như bài Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non), mặc cho lũ cào cào, châu chấu đua nhau nhảy lóc tóc lên tóc, lên người, chui cả vào ngực áo – hay nhảy ùm xuống giòng kinh mát rượi, thả nổi mà nhìn mây trôi qua hai hàng dừa nước ven bờ (Bến Duyên Lành).
Khi ấy, cái con người thành thị kia đã được bỏ lại cùng đống quần áo, giầy dép, đồng hồ, mắt kính, smartphone trên bờ đất, chỉ còn lại niềm rung động êm ả giữa trời nước hiền lành. Rồi khi trở về, bỗng dưng lòng ta sẽ cảm thấy yêu thêm một chút màu khói nhạt lững lơ trên mái rạ, yêu thêm một chút bông hoa súng nhỏ nở lặng lẽ trên mặt hồ êm. Cái tình quê đơn sơ, như vậy, đã thêm một chút trong lòng. Bấy giờ, ta vẫn có thể yên tâm ngồi nghe nhạc Taylor Swift, Hilary Duff, hay Michael Jackson, yên tâm chiêm ngưỡng những ngôi sao màn bạc thế giới. Có hề gì!
Tôi viết tản mạn và không trích thêm, không “tiến dẫn” một bài bolero nào nữa, vì chăng nhạc bolero hay có quá nhiều!? Những bài hát ấy lặng lẽ có chỗ đứng riêng trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, nó không cần được “tiến dẫn”, nó bất tử vì nó có cái chung của đời và cái riêng của thơ ca. Yêu những bài hát ấy, chính là ta yêu một cách nói riêng hiền lành và tự nhiên của con người.
“Mai sau dù có bao giờ…” Giả dụ như cái miền quê nghèo khó của chúng ta sẽ được như nhiều người mong ước, có ánh đèn đô thị, có xe hơi, nhà lầu, có quán bar, vũ trường v.v… Và giả dụ như thứ quê ca tình tự quê nhà có khi nào bị xem như không còn hợp thời trang, không hiện đại… thì tôi vẫn cứ mang theo trong trí nhớ riêng mình cái chiều làng quê say sưa trong tiếng ca, người làng quê yêu bông lúa thiết tha, những mẹ già ngồi trông trẻ đùa xóm dưới, rung rung môi cười như thưở còn đôi mươi.
Hồ Nhất Duy
Có những lúc muốn xa rời, vứt bỏ những cái hại điện, à quên, hiện đại của thành thị để tìm đến chốn bình dị đơn sơ của thôn quê… Nơi bình yên chim hót!