Photo: THE ENLIGHTENMENT by D. ALAN HOLMES
Hồi còn bé… tôi chẳng phải là một đứa trẻ ngoan
Giờ vẫn vậy.Có thể bạn không tin nhưng tôi đảm bảo là hồi bé tôi “kinh khủng” hơn bây giờ nhiều.
Hồi bé thì đứa nào mà chả thích xem tivi, tôi cũng vậy. Mẹ tôi cứ suốt ngày phàn nàn về việc tôi thích xem tivi mà chẳng chịu học bài. Trời ơi, học thì có gì vui đâu cơ chứ, tại sao người lớn lại có thể suốt ngày làm những việc nhàm chán được nhỉ? Tôi chẳng hiểu sao bố tôi lại thích xem bóng bàn hay bóng đá. Tự mình chơi thì cũng vui, nhưng ngồi xem quả bóng bay qua bay lại trên bàn thì có gì hay cơ chứ? Tôi cũng chả hiểu nổi là tại sao người lớn thì lại không thích xem phim hoạt hình. Chẳng lẽ cứ lớn lên là thấy phim hoạt hình chẳng hay nữa? Tôi tự nhủ rằng sau này tôi có lớn lên thì tôi sẽ vẫn thích xem phim hoạt hình, nhất định là như vậy.
Thôi, tôi không lan man nữa.
Tóm lại là mẹ muốn tôi học bài chăm chỉ, có lần bà gắt lên thế này: “Con nhà người ta còn không được xem tivi buổi tối ấy, xem xong rồi thì mau đi học bài đi.” Tôi chẳng biết “con nhà người ta” mà bà nói đến là nhà nào, nhưng mà tôi biết bạn tôi đứa nào cũng được xem.
Thế là tôi bảo: “Bạn con bố mẹ nó vẫn cho nó được xem đấy thôi.” Mẹ tôi nghe vậy tức quá lại quát lên: “Thế thì mày sang nhà người ta mà ở. Nhà này không thế.” Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Thế thì mẹ lôi đứa nào không xem tivi về mà làm con,” nhưng mà không nói ra.
Từ ấy trong tôi tin rằng, mỗi bố mẹ lại nói một kiểu,thành ra cũng không cần phải tin những gì bố mẹ mình nói, vì có thể bố mẹ đứa khác lại không cho là như vậy.
Những câu chuyện kiểu như vậy diễn ra khá thường xuyên suốt tuổi thơ ấu của tôi. Mỗi khi tôi thắc mắc là Tại sao phải thế này, Tại sao phải thế kia mà mẹ tôi không sao giải thích được hợp lý thì mẹ tôi lại viện dẫn “sự đúng đắn của cha mẹ”. Để tôi lấy them cho các bạn một ví dụ nhé:
“Học xong phải về nhà ngay”
“Tại sao ạ?”
“Vì đi đến nơi thì phải về đến chốn chứ sao”
“Thì con cuối cùng vẫn về đến nhà đấy thôi ạ”
“Nhưng mà không được la cà dọc đường”
“Vì sao không được la cà ạ, về nhà có gì chơi đâu :(”
…
“Nói chung là mẹ nói thì phải nghe lời”
“Nhưng mẹ nói đúng thì con mới phải nghe chứ”
“Không được cãi!!!!!!!!!”
“Mẹ cũng đang cãi con đấy chứ”
“Chỉ có con cái cãi cha mẹ chữ làm gì có cha mẹ cãi con cái”
“Vì sao lại không ạ, tại sao con nói mẹ không nghe mà thì ko sao, mà con ko nghe thì lại là cãi”
…
Đấy, bạn thấy tôi khổ không. Khả năng tranh biện của tôi đã được rèn luyện suốt tuổi thơ như thế, đối thủ không chỉ có mẹ tôi mà bao gồm cả bố tôi, ông bà tôi, cô gì chú bác và cả bạn bè tôi.
Khả năng cãi cha mẹ của tôi trở nên rất nổi tiếng, lúc nào cũng được “khen” là “Tý tuổi mà lúc nào cũng cãi nhem nhẻm”. Ai cũng bảo tôi lớn lên sẽ làm luật sư. Ban đầu tôi cũng thích làm luật sư lắm, có điều sau này xem phim thấy nghề luật sư phải nhớ nhiều luật khô khan quá nên bỏ luôn vì sợ học thuộc lòng. Các dì với ông bà của tôi ở quê lên cũng phải đau đầu với khả năng cãi của tôi, khi về mọi người lúc nào cũng xoa đầu tôi và nói “Phải bớt cãi mẹ cho mẹ đỡ khổ nghe chưa!”
Sau này lớn lên thì tôi bớt cãi mẹ thật, một phần vì tôi không muốn kích thích tâm lý yếu ớt của mẹ tôi, một phần vì nói chung tôi cũng chẳng cảm thấy vui vẻ gì với một đối thủ toàn cãi cùn như vậy. Mà cũng có thể vì mẹ tôi sau này cũng bớt lý luận với tôi hơn, bà chuyển sang áp dụng quyền lực tuyệt đối thay vì nghe tôi tranh luận.
Đối với tôi hồi ấy, người lớn nói chung có quyền lực không phải bởi vì họ nói đúng, mà là bởi vì họ nuôi trẻ con.
Lúc tôi lên lớp 3, tôi đã phát biểu ra một câu châm ngôn rằng “Nếu tất cả những đứa bé có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân vào năm 5 tuổi, có 3/4 trong số chúng sẽ dọn ra khỏi nhà và bố mẹ sẽ chẳng thể làm gì được hết.”
Tất nhiên đấy chỉ là suy nghĩ của trẻ con mà thôi, bạn chẳng cần quan tâm nhiều lắm.
Đáng tiếc, không phải đứa trẻ nào cũng nghĩ như tôi. Những đứa trẻ khác (ví dụ như anh chị em tôi), chúng nghe lời bố mẹ thật. Mặc dù có đôi lúc chúng cũng làm trái với mong muốn của bố mẹ, nhưng khi bị mắng thì lại rất ngoan ngoãn nghe lời. Đúng là tôi có một đứa em họ, thằng cu này lúc nào cũng chăm chỉ học hành, học thêm, rồi đọc sách, rồi thì lại rửa bát, không xem tivi gì sất. Chả biết bây giờ thì nó đang du học hay làm ông to bà lớn ở đâu rồi, có điều hồi đấy tôi nghĩ là nó ngu lắm.
Đối với tôi, những đứa trẻ khác đều nghe lời một phần vì chúng phải phụ thuộc vào bố mẹ, một phần hẳn là vì chúng quá ngu nên không nhận ra được bố mẹ chỉ lợi dụng chúng. Tại mẹ tôi vẫn hay bảo: “Con cái thế này thì lớn lên chả trông mong gì.” Đấy, hóa ra bố mẹ đẻ ra chúng ta chỉ để sau này mình chăm sóc bố mẹ khi già thôi sao? Mà cái lý luận “Con cái phải nghe lời cha mẹ” toàn là do các vị cha mẹ phát minh ra chứ có phải của trẻ con phát minh ra đâu, hiển nhiên cha mẹ thì phải phát biểu cái gì có lợi cho cha mẹ rồi.
Tóm lại thì tôi là một đứa trẻ hư
(Nhìn lại những năm tháng ấy, tôi thấy mình rõ ràng có tố chất cách mạng từ thủa nhỏ. Hắc hắc)
Sinh ra trong một gia đình Việt Nam đã là một gánh nặng
Mới đây edaily đăng lại một bài viết có tên “Sinh ra là người Việt Nam đã là một gánh nặng” nói về chủ nghĩa yêu nước cực đoan, về thói nhược tiểu, về tâm lý bầy đàn. Còn tôi thì mới được nhận email của bố gửi cho tôi nói rằng: “Không ai cấm và cũng không cấm được con làm những điều con thích, nhưng thật quá đơn giản khi con chỉ làm những điều con thích, đặc biệt khi bắt đầu có chút ‘lông cánh’. Con có biết người con như thế là người con như thế nào không và mẹ sẽ cảm thấy như thế nào không?”
Bố mẹ chẳng bao giờ thích tôi chơi với Huyền Chip, kể cả khi cô ấy còn chưa nổi tiếng. Bố tôi gọi kiểu đi lông bông mà chẳng học hành gì như cô ấy là “không bình thường”, tất cả những người muốn đi như thế là “người bất bình thường”. Thành ra đến lúc đi sang Kenya rồi tôi cũng chưa kể với bố mẹ rằng “con cũng định lông bông như thế” (chả biết khi nghe về ý định mua ngựa của tôi, bố mẹ sẽ nghĩ sao nữa.)
Khi còn bé, tôi vẫn nghĩ mình sẽ làm một cuộc cách mạng, khai sinh ra một hệ tư tưởng mới, mà theo đó thì những lời nói của cha mẹ không còn là quyền uy tuyệt đối với những đứa trẻ. Lớn lên rồi tôi mới biết, cũng chẳng phải ở quốc gia nào cũng thế, nền văn hóa nào cũng thế. Chẳng phải ở nước nào người ta cũng chạy theo bón từng thìa cơm cho con mình rồi lại ngồi than thở rằng vì sao con bà mãi chẳng chịu ngồi im một chỗ ăn cơm.
Sinh ra trong một gia đình Việt Nam, mặc nhiên mỗi đứa bé đã phải gánh lên mình những trách nhiệm như “nối dõi tông đường”, “hương khói tổ tiên”, “phụng dưỡng ông bà cha mẹ”. Những đứa bé đến trường phải trờ thành “con ngoan trò giỏi”, phải “đỗ đạt”, rồi sau đó là phải có “công ăn việc làm ổn định”, phải “sinh con cho bà có cháu.”
Chúng ta được sinh ra là để sống cho bố mẹ ta, còn con ta được sinh ra là để sống cho ta.
Tôi chưa bao giờ cho rằng được sinh ra là tôi mang ơn bố mẹ, bởi tôi tin rằng tôi chưa bao giờ được hỏi ý kiến khi được sinh ra.
Tôi vẫn thường nghĩ rằng, hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn được đối xử. Tôi chưa bao giờ cho rằng những sự áp đặt mang danh nghĩa của yêu thương và quan tâm là cách mà tôi mong muốn được đối xử.
Tôi không phải cha mẹ, thế nên tôi không hiểu nỗi lòng của cha mẹ, vì không hiểu nỗi lòng của cha mẹ, tôi chỉ có thể phân tích và trả lời bằng lý trí.
Tôi nghĩ rằng trong mối quan hệ này, có cả trách nhiệm lẫn tình cảm. Thế nhưng trách nhiệm ấy, với tôi, phải xuất phát từ tình cảm tự nguyện chứ không phải là một sự ràng buộc mang tính nghĩa vụ. Mà trong trường hợp này, phần trách nhiệm mà tôi tự nguyện mang không giống như bố mẹ tôi mong đợi.
Thực ra có một điều mà tôi chưa bao giờ nói ra, sợ bố mẹ tôi đau lòng. Ấy là tôi chẳng thấy bố mẹ tôi báo đáp được gì cho ông bà tôi cả. Mẹ tôi là cô con gái duy nhất rời quê lên thành phố học, rồi lấy chồng trên này. Cả năm bà mới về thăm gia đình một lần, lại càng chẳng thừa thãi đồng nào để gửi về cho cha mẹ.
Bố tôi đi nước ngoài 10 năm, trở thành người học cao nhất nhà, thế nhưng cuối cùng vì bệnh tật, ông cũng là người được ông bà tôi hỗ trợ tài chính lẫn công sức nhiều hơn nhiều những gì ông có thể dành lại được. Tôi biết ông bà tôi buồn lắm, có điều bà chỉ thanvới tôi chứ có mắng mỏ bố tôi bao giờ đâu.
Còn một điều nữa, tôi cũng ít khi nói, ấy là em trai tôi. Tại sao những kỳ vọng, và cả những thất vọng của gia đình này, lại cứ dồn lên tôi, mà không phải nó? Tôi cố gắng, tôi thành công, tôi tự lập, nhưng vẫn là người chịu gánh nặng nhiều hơn? Tôi đâu có 1 người anh trai để chỉ bảo những khi tôi cần sự giúp đỡ, tại sao tôi lại trở thành người anh vô trách nhiệm vì không chỉ bảo em mình? Hẳn là bởi vì theo kế hoạch, bố mẹ chăm cho tôi, còn tôi phải chăm cho em tôi?
(Có 1 điều tôi vẫn ấm ức mãi, là tôi ngủ riêng từ năm 5 tuổi, còn nó vẫn ngủ chung giường với bố mẹ đến gần hết cấp 2)
Năng lực gắn liền với trách nhiệm, hiển nhiên là chẳng ai kỳ vọng vào một người không có năng lực thực hiện.
Đáng tiếc, tôi không phải là một đứa con ngoan theo cách mà bố mẹ tôi mong muốn.
Xin lỗi bố mẹ, con sẽ không ngoan đâu
Chip thường ít khi trả lời về đời tư của cô ấy, một phần có lẽ cũng khó có thể có một câu trả lời thuyết phục với xã hội về trách nhiệm của một đứa con khi mà cứ đi suốt như vậy. Bố mẹ cô ấy cũng chẳng thích cô ấy cứ đi mãi vậy.
Tôi cũng nghĩ thế, hẳn là tôi không ngoan.
Tôi đã lựa chọn cách sống của mình, với những giá trị của riêng mình, và cả cách nhìn nhận của con về những giá trị ấy. Tôi tin rằng nỗi buồn của bố mẹ tôi không phải xuất phát từ tôi mà xuất phát từ kỳ vọng ở bên trong bố mẹ đối với tôi. Thế nên tôi tin rằng ở trên thế giới này, vẫn có những ông bố bà mẹ nào đó sẽ vui mừng khi có một đứa con như tôi, chỉ đơn giản là vì họ không nghĩ như bố mẹ tôi.
Điều quan trọng nhất của tất cả những lựa chọn mà tôi đã chọn, ấy là vì lương tâm của tôi cho phép tôi làm điều đó. Theo bố mẹ, có thể là theo cả xã hội, rằng tôi là kẻ bất hiếu, rằng tôi vô tâm, rằng tôi ích kỷ, nhưng con lương tâm tôi không cắn rứt,vì thế tôi vẫn sẽ làm.
Và, chẳng phải bố mẹ tôi vẫn luôn muốn tôi báo đáp ông bà theo cách mà bố mẹ tôi muốn sao? Đấy không phải là một sự áp đặt ích kỷ sao?
Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ thay đổi. Âu cũng là lẽ thường tình. Có thể như người ta nói, làm cha mẹ mới hiểu lòng cha mẹ, hoặc như khi người ta mất đi rồi mới thấy quý giá. Lúc ấy có thể tôi sẽ hối hận chăng?
Chắc là sẽ không đâu, vì tôi tin rằng có sai lầm, có vấp ngã người ta mới có thể lớn lên được. Cho dù có hối hận thì cũng đâu có thể thay đổi được quá khứ. Thật vô nghĩa khi tự trách lương tâm và vấn rằng “Sao hồi trẻ mày ngu thế?”
Vì thế, tôi sẽ vẫn nhớ những gì bố mẹ đã làm cho tôi, vẫn nhớ những gì bố mẹ đã dạy. Tôi vẫn sẽ cố gắng trở về mỗi dịp Tết đến, vẫn sẽ hỏi thăm sức khỏe bố mẹ và em trai. Nhưng tôi sẽ không hối hận vì những gì tôi đã không làm.
Bố mẹ hãy tin rằng con của bố mẹ, dù có sai lầm, có vấp ngã, thì con vẫn sẽ không bao giờ hối hận về những lựa chọn của mình: Bởi đó là lựa chọn của con.
Hoàng Đức Minh
Homa Bay, 29/12/2013
P/s to mẹ tôi: Con nghĩ là mẹ nên thực hành về thiền thay vì chỉ đọc sách mỗi sách và nghe DVD.
Chẳng có vấn đề gì khi bạn ấy muốn nói ra ý kiến của mình, vì tự do ngôn luận. Còn mỗi người lại có quan điểm riêng, chẳng có ai “đúng” hơn ai, quan trọng là lương tâm mỗi người tự phán xét mình ra sao? Xã hội ngày càng biến đổi, cho nên giá trị đạo đức trong xh nói chung và gia đình nói riêng đều thay đổi. Mình cũng có nhiều khi rất “ức chế” vì bất đồng quan điểm vs bố mẹ, nhưng “phận làm con” chỉ biết chấp nhận thôi, bố mẹ cũng cần phải chấp nhận chúng ta, vì cuộc sống không phải bao giờ cũng theo ý mình. Đồng ý là cha mẹ luôn yêu thương con cái nhất và mong cho chúng những thứ tốt đẹp nhất, nhưng có bao giờ cha mẹ – con cái dành time nói chuyện nghiêm túc về những vấn đề đó? cái gọi là “tốt nhất” theo ý cha mẹ có chắc là con cũng thích? chỉ có BẢN THÂN MÌNH mới biết chắc chắn mình muốn gì và cái gì là PHÙ HỢP vs mình nhất. Còn nói về KÌ VỌNG của cha mẹ? – đúng là cha mẹ luôn kì vọng thật nhiều vào con cái, nhưng đó là những cái họ tự nghĩ ra, tự mong muốn thế chứ có ai bắt buộc đâu? con cái cũng có những kì vọng của riêng mình chứ. Nếu cha mẹ ko tôn trọng ý kiến riêng của các con thì điều ngược lại cũng xảy ra theo quy luật tất yếu thôi.
Còn một điều nữa mình muốn góp ý vs các bậc phụ huynh là, đừng bao giờ so sánh con mình vs “con nhà người ta”, đấy là một cách “khích tướng” thật vô dụng! ko những làm cho đứa con trở nên ức chế, mặc cảm, tự ti,… mà quan trọng là, cha mẹ đã ko coi trọng chúng, khi những người thân yêu nhất của mình ko coi trọng mình, đó là một điều đau lòng. Con cái có bao giờ SO SÁNH (và cũng ko có quyền so sánh) bố mẹ mình với “bố mẹ nhà người ta” đâu?
Bố mẹ hãy tin rằng con của bố mẹ, dù có sai lầm, có vấp ngã, thì con vẫn sẽ không bao giờ hối hận về những lựa chọn của mình: Bởi đó là lựa chọn của con
—-> quá ÍCH KỈ
1. Không ai hỏi ý kiến bạn khi sinh ra bạn, đúng, nhưng ba mẹ bạn có quyền vứt bỏ bạn ra đầu đường xó chợ khi bạn vừa mới lọt lòng. Họ có làm không? Không. Bạn nghĩ họ nuôi bạn giống như đầu tư để sau này ra cái cục tiền nuôi họ khi già ? Vớ vẩn, bằng với số tiền họ nuôi bạn tốn mấy trăm triệu tiền ăn, ở, học thì họ có thể bỏ ngân hàng mà an hưởng về già. Âu cũng là bạn nghĩ cho mình bạn, bạn đặt suy nghĩ đưa cái tôi lên hàng đầu của người trẻ mà suy sét các thế hệ khác. "Lợi dụng" ư? Bạn đọc báo nhan nhản thấy có những người con gái bị cha ruột mình hiếp dâm, ấy mới là lợi dụng. Còn bạn có bị chính mẹ ruột mình hãm hiếp ko ? Hay là họ ân cần nuôi bạn khôn lớn?
2. Bố mẹ ai cũng có kì vọng, đó là chuyện bình thường. Giả như bạn tạo ra một sản phẩm nào đấy thì bạn có kì vọng cho nó là một sản phẩm tốt không? Dân IT có muốn phần mềm mình làm ra đem bán ve chai không? Vấn đề ở đây là gì. Bạn là con người, nên bạn khác sản phẩm, và bạn có thể hiểu được tại sao ba mẹ kì vọng như vậy. Nhưng bạn có quyền không đi theo. Còn họ buồn vì bạn, không phải vì bạn không đáp ứng được kì vọng của họ mà vì họ cho tương lai bạn sau này. Bạn cứ thử nghĩ đi, những con người đã đi trước cả thế hệ, họ hẳn nhiên nghĩ rằng làm thế này mới đúng, và đi theo con đường của bạn sẽ chẳng dẫn tới điều gì tốt đẹp. Ừ, họ nghĩ như vậy, có thể họ sai, có thể họ đúng, nhưng thay vì cứ trách móc thì bạn đã bao giờ đặt mình vào tư thế người cha, người mẹ hay chưa? Ví dụ nhỏ thôi, nếu bạn thấy thằng bạn thân của bạn đâm đầu mù quáng vô yêu con nhỏ chỉ biết lợi dụng nó thì bạn có ngăn cản hay không? Trong mắt bạn thì cái gì là tốt, cái gì là sai, còn trong mắt thằng bạn bạn thì cái gì mới là đúng? Đúng là ba mẹ thì không có quyền phán xét bạn, nhưng bạn cần phải hiểu tại sao họ lại như vậy, vì họ thương bạn.
Còn nếu bạn muốn hỏi tại sao bạn phải hiểu chứ họ không hiểu ư? Đơn giản, đừng hỏi những câu như vậy, vì hóa chăng là bạn ích kỷ, mà ích kỷ thì nghĩ như vậy là chuyện bình thường. Không chỉ với ba mẹ bạn mà đối với những người khác cũng vậy, đặt mình vào tư thế người khác để nghĩ là chuyện nên làm, dù họ không làm vậy với mình. Và làm ơn đi, họ già rồi, đâu đủ minh mẫn để suy xét đúng sai mà tranh đua với bạn, họ chỉ biết những điều "nên" làm (theo ý họ) và khuyên bạn mà thôi.
Tin tôi đi, bạn cứ đi theo con đường bạn, nhưng nếu sau này thất bại tìm về họ thì họ vẫn sẵn sàng giang tay đón nhận bạn, dù trước đó bạn có ngỗ nghịch tới cỡ nào.
3. Bạn có bao giờ nghĩ rằng ba mẹ không muốn cãi lại bạn bởi vì họ chỉ đơn giản là không muốn cãi, còn bạn là phường hiếu thắng nghĩ mình cãi được họ? Giống như bạn đi ra đường gặp tụi thị phi nói xấu bạn vậy, bạn có thèm cãi với họ không?
4. Không ai nói phải yêu thương bố mẹ theo nghĩa vụ, âu cũng chỉ là cái mác của đạo đức do xã hội đặt ra mà thôi. Thương yêu đến từ sự tự nguyện, nhưng tình thương sẽ không đến nếu bạn không bao giờ đặt mình vào người khác xem họ nghĩ gì. Nếu bạn tán một chàng trai, cô gái thì bạn có lao tâm khổ tứ đoán xem họ đang nghĩ gì, thích gì, nên mua gì để tặng hay không? Có ngày đêm trằn trọc đoán già đoán non từng cử chỉ hành động của chàng, nàng là dụng ý gì hay không? Yêu thương cũng vậy đó. Bạn có bao giờ mường tượng cảnh ba mẹ bạn cũng ngày đêm trằn trọc không hiểu được thằng con mình đang nghĩ gì hay không? Họ muốn nghe bạn, nhưng trách nhiệm của cha mẹ là không được yếu lòng, phải luôn đứng vững để con cái có điểm tựa. Nếu bạn thực sự tin rằng đường đi của mình là đúng, sao bạn không thừ chia sẻ những suy nghĩ của bạn với ba mẹ? Còn nếu bạn nói đã thử nhưng họ không thèm nghe, thì hãy tự nhìn lại mình xem bạn có bao giờ lắng nghe họ (một cách thật lòng) chưa, hay chỉ đơn thuần nghe xong để tìm ý phản kháng, hay nghe xong r nói rằng "đối với con thì thế này không đúng, thế kia không đúng", chứ không bao giờ nghĩ rằng "ồ đối với ba mẹ thì là như vậy, tại sao nó lại như vậy?"..
Mình cũng giống bạn, toàn bị nói " chắc sau này làm luật sư " ..
Nghe bạn kể câu chuyện mình có thể tìm thấy được sự đồng cảm.
Chúc bạn thành công .
Sinh ra trong một gia đình Việt Nam đã là một gánh nặng (Y)