Chúng ta ngày nào cũng nở mày nở mặt với công chúng mà quên đi tiếng cười rộn rã bên đám bạn hoặc vui tươi với người yêu. Chúng ta luôn cố gắng trang điểm lộng lẫy cho vừa mắt người nhìn nhưng không chăm chút tâm hồn cằn cỗi của mình, nên những vấn đề tâm lý của bản thân vẫn chưa được tìm ra câu trả lời. Tại sao vậy? Tại sao khi ta nổi danh, mọi người ào ạt tìm đến ta, khi ta giải nghệ thì ta không được nhớ đến? Và sao ta phải trải qua thăng trầm một mình?
Lý giải cho những nghịch lý trên chính là quy luật bất biến về sự chuyển động của con người. Có một vòng lặp diễn ra ở Trái Đất này: người trẻ cống hiến, người già về hưu. Giống như những chiếc lá khô héo rơi xuống chậm rãi trên nền vỉa hè, con người vô tâm giẫm phải nó và quét sạch nó đi một cách không thương tiếc. Họ tiếp xúc với nhau qua cách quan sát người kia đẹp ra sao, mà không biết rằng nước sơn rồi cũng sẽ bị phai màu, bong tróc. Cho đến khi nước sơn không còn giữ được nét nguyên vẹn ban đầu, con người mới tá hỏa nhận ra một điều: hóa ra lớp trang điểm kia chỉ che đậy cho cái xấu xí bên trong.
Phải chăng đây là dấu hiệu cho sự chờ đợi quá giới hạn của sự thật?
Sự thật không đòi hỏi bạn quá nhiều ngoài việc mở lòng đón nhận nó như một người bạn. Nhưng dường như con người đã bị sự mù quáng làm mờ lý trí. Họ vẫn giữ vững niềm tin mù mịt vào vỏ bọc thay vì nhìn thấy bản chất bên trong đằng sau.
Mỗi thực thể đều có cả những ưu thế và khiếm khuyết riêng. Chẳng hạn như nếu bạn có cá tính mạnh mẽ thì khó hoà đồng, bạn ưa thích đọc sách thì chắc chắn bạn không phải là người phóng khoáng trong các bữa tiệc lớn… Tất cả mọi thực thể đều có điểm chung: bao gồm cả lớp nước sơn và lớp gỗ. Đa phần họ ưa chọn lớp sơn hơn vì lớp sơn giúp họ chiếm được lợi thế giao tiếp xung quanh một cách dễ dàng. Tuy vậy, bề ngoài bạn bóng lộn bao nhiêu thì bề trong bạn càng trống rỗng bấy nhiêu. Điều này càng minh chứng rõ ràng cho những vụ tự tử của các ngôi sao thần tượng, và cả những người bình thường bị áp đặt một kỳ vọng phải làm điều lớn lao quá lớn. Sự chú trọng thái quá vào hình thức làm tiền đề cho cơn trầm cảm kéo dài bên trong.
Con người luôn trải qua một cuộc chiến đấu – con đường ngắn nhất dẫn tới trầm cảm: cái nào là thật, cái nào là giả? Khi ta chập chững bước vào đời sống xã hội, ta cứ ngỡ danh vọng và quyền lực là có thật, chỉ cần chứng tỏ thực lực là mình sẽ nắm giữ lấy nó. Nhưng khi biết được bộ máy vận hành quyền lực chỉ là một trò chơi sắp đặt để gieo rắc tai hoạ cho mình và những người xung quanh, lúc đó ta nhận ra sự hối hận với chính mình vì đã biết quá muộn. Chúng ta mặc nhiên để tự mình bị rơi vào cạm bẫy của người nổi tiếng, và rồi chúng ta bị bỏ lại trong hoàn cảnh trắng tay. Đây là thời khắc quan trọng nhất để ta rút ra một sự thật về chính ta: Ta là ai? Và ta là ai trong mắt họ, trong xã hội này?
Chấp nhận sự thật về bản thân không đồng nghĩa là tự nhận lấy những lời bình luận tiêu cực, mỉa mai không có thật. Nó có nghĩa là ta nhìn vào chính mình, thông qua sự quan sát vào một lăng kính về những đức tính đằng sau trải nghiệm ta có. Giả dụ như bạn thấy mình là một người ham mê leo núi hoặc vươn tới các địa danh, bạn có thể cho mình là một người ham mê phiêu lưu. Hoặc bạn yêu thích trau dồi ngôn từ nghệ thuật thì có thể nhận mình là một người yêu vẻ đẹp của nó. Chỉ có bạn mới biết rằng bạn là ai. Bạn lấy danh tự xưng thế nào cũng được, nhưng bạn không thể để cho ngoài kia biết bạn là ai. Bạn nhìn vào tâm bạn chính là nội tâm, còn người khác nhìn chỉ là ngoại tâm mà thôi.
Sự thật luôn chỉ hiện lên trong con người ta khi ta chấp nhận tất cả những gì thuộc về bản chất của ta. Khi ta thừa nhận chính mình không theo đuổi sự hoàn hảo (bao gồm hào quang danh vọng), trong lòng ta quay về bản thể trần trụi và sống đúng với nó. Ta thường nhận xét bản thân ta theo một chiều hướng tồi tệ (không làm ra hồn, chỉ gây rắc rối), nhưng ta không biết làm sao để chứng minh ngược lại. Vấn đề ở đây là ta đã che giấu bản thân mình quá lâu đến nỗi quên ta là ai. Vì thế, nên sự thật mới là liều thuốc duy nhất giúp ta tự an ủi chính mình, đồng thời nhận được sự đồng cảm từ người bên cạnh. Có khi bạn sẽ có một người bạn tốt khi bạn dũng cảm thẳng thắn nói về chính bạn.
Nếu dư luận không ảnh hưởng nhiều đến bạn nhưng bạn tự thấy mình tồi tệ, bạn hãy coi điều đó là cảm nhận từ bạn. Sự thật luôn góp ý bạn nói ra thật lòng cảm xúc và vùng thông tin của chính mình. Nói ra thì không mất gì, nên đừng lo lắng. Nếu ta sợ bị gièm pha thì ta tự nói ra sự thật về mình theo hướng tổng thể khách quan. Giả sử, bạn là một người dễ bị bắt nạt, thì bạn xét rằng bạn là một người dễ nhạy cảm. Có thể bạn không thấy tốt đẹp gì sau khi bạn nói, nhưng ít ra, bạn không còn quá mệt mỏi khi phải giả vờ làm đẹp thiên hạ bởi sự giả dối. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi bạn nói thật. Vì sự thật luôn trả lại tự do cho ta.
Còn về tôi, tôi tự cho là mình cực đoan trong chuyện tình cảm. Tôi không kết giao nhiều mối quan hệ nhưng tôi có một người luôn sát cánh bên tôi. Tôi đã từng suýt mất người ấy vì người giúp tôi nhận thấy sự thật cứu tôi khỏi sự lừa lọc trắng trợn. Và bây giờ, tôi không thấy mệt mỏi nữa, tôi đang tận dụng câu chuyện làm cảm hứng cho những gì tôi viết sau này.
Ta sẽ mất nhiều thứ hời hợt từng nằm trong tay ta, nhưng đổi lại, ta không bị gò bó bởi ranh giới thật-giả. Vì sự thật cho ta thêm một cơ hội hồi sinh để nhìn nhận lại cuộc sống theo hướng trung thực hơn. Đồng thời, nó làm ta chấp nhận và yêu thương bản thân ta nhiều hơn.
Tác giả: Ally Yuu
Edit: THĐP
Ảnh: Georgiana Barbu | Unplash
💥 THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/THDP-DEEPCLUB
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP