Featured Imaeg: Bìa sách “Những Người Khốn Khổ” phiên bản tiếng Anh
Tình yêu là món quà tuyệt vời nhất mà Chúa trời đã ban tặng cho con người, chúng ta sống trên cuộc đời này để yêu thương. Có tình yêu, không những đời sống của riêng ta tươi đẹp hơn, mà còn làm cho nhân loại hạnh phúc hơn. Chúa nói, hãy yêu thương bản thân mình, yêu thương mọi người kể cả kẻ thù của mình, và trên tất cả, ngoài tình yêu thương đồng loại, hãy yêu tất cả mọi sinh vật, yêu tự nhiên, yêu cái đẹp, yêu tự do… Bởi “chúng ta sống trên cuộc đời này là để yêu thương”.
…
Có lẽ cuộc đời của nó cũng giống như bao người khác, có một công việc ổn định, có những danh vọng trong xã hội, những cuộc đi chơi vui vẻ, những vụ ăn uống thỏa thuê, nhưng sao nó luôn cảm thấy không hạnh phúc, thấy chán chường tẻ nhạt và thiếu một cái gì đó mà chính nó cũng không thể định nghĩa. Có lúc nó lao vào công việc một cách hăng say để trong những lúc bận rộn, sự tập trung trong công việc sẽ làm nó quên đi, nhưng rồi trong những lúc rảnh rỗi đầu nó lại đau. Hoặc nó tìm đến những thú vui khác, lúc thì trong những lần uống say, hay những buổi tán chuyện với bạn bè, nhưng rồi sau những buổi đó, cơ thể và trí óc nó càng mỏi mệt hơn, nó thường bị mất ngủ, có đêm nó trằn trọc tới tận sáng.
Một lần nó quyết định tìm tới sách, vì nghe đâu đọc sách sẽ làm nó dễ ngủ hơn, nó bước vào hiệu sách, tiến tới ngăn sách tiểu thuyết, đập ngay vào mắt nó là bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo, lật mở thử một vài trang, nó nhìn thấy dòng chữ “Sống là để yêu thương…” thấy hay hay nó liền mua về xem. Đọc ngấu nghiến bộ sách hơn nghìn trang trong cả tuần lễ, một cái gì đó rất mới lạ xuất hiện trong đầu nó mà trước đây chưa bao giờ nó cảm nhận được, giống như nó đang là Jean Valjean trong cuốn sách đã tìm thấy một ánh sáng khác lạ từ nơi ông giám mục nhân hậu kia.
Một ánh sáng tươi mới hạnh phúc xuất hiện và bao trùm trong trí óc của nó, nó nhận ra từ trước đến nay đúng là nó chưa hề biết yêu thương, cũng từ đó mọi người thấy nó không còn sôi nổi như trước nữa, quần áo nó giản dị hơn, nó ăn uống đạm bạc hơn, nó nghỉ làm một thời gian dài, nhưng trên gương mặt u tối trước đây của nó bây giờ luôn hé nở một nụ cười bình dị, mãn nguyện và hạnh phúc.
…
Mặc dù tư tưởng chính của quyển sách là giá trị nhân văn cao cả của tình yêu thương con người với nhau, đặc biệt là với những người khốn khổ, nhưng nếu đọc kỹ bộ sách ta còn thấy đó là bộ bách khoa thư về xã hội đương thời của nước Pháp trong nửa đầu thế kỷ XIX, bao gồm cả những triết lý, tư tưởng xã hội, về kiến trúc, lịch sử, về tín ngưỡng, tốn giáo của nước Pháp đã được Victor Hugo miêu tả rất chi tiết và chính xác.
Từ chuyện về cái cống ngầm hôi hám nằm dưới những con phố sạch đẹp của Paris, chuyện về tu viện kín mà bên trong là những nhà tu nữ khổ hạnh đã bị quên lãng trong lịch sử, hay kể cả những tiếng lóng của tầng lớp xã hội cấp dưới của nước Pháp, cho đến cuộc chiến tranh Napoleon, trận chiến Waterloo đã đi vào lịch sử thế giới đã được tác giả kể lại sinh động ra sao, rồi cuộc cách mạng năm 1832 của những người Cộng Hòa đều có những ý nghĩa khác nhau mà những ai có nhu cầu tìm hiểu về nước Pháp – một trung tâm văn hóa và chính trị lớn nhất thế giới lúc bấy giờ – có thể tìm kiếm và cảm nhận được.
Ngay từ phần mở đầu của tác phầm, tác giả đã nêu bật lên ý nghĩa nhận văn to lớn bằng việc khắc họa hình tượng ông giám mục – Đức cha Bienvenu tốt bụng và nhân hậu. Ông là một nhà tu hành đáng kính trọng cả về kiến thức lẫn phẩm chất con người, ông đối xử bao dung với tất cả mọi người, không hề phân biệt người giàu kẻ nghèo, bất cứ ai cần đều có thể đến gõ cửa ngôi nhà ông, ông không những yêu người tốt và cũng chẳng hề ghét kẻ xấu, ông cho họ là những người lầm lỗi và những người như ông cần phải cứu rồi, ông có thể ngồi cả đêm với một kẻ tử tù để hắn không còn cảm thấy sợ chết, ông đi một mình vào những vùng mà bọn cướp hoành hành và ra về với đầy những món quà do chính những tên cướp kính tặng. Ông dũng cảm nhẫn nại, chẳng nề hà bất cứ việc gì kể cả những việc khó khăn nhất.
Ông giám mục cũng có lúc đứng trước một ánh sáng khác lạ, đó là khi ông đến thăm nhà cách mạng G- một người cách mạng năm 1793 – bị cả xã hội đó xua đuổi, oán ghét, nhưng ông ta lại khiến cho ông giám mục đáng kính đó vô cùng kính trọng bởi suy nghĩ và hành động của mình. Ông G chết chỉ vì ông muốn chết thôi chứ không phải vì gì khác, ông đã sống một cuộc đời nghèo khó, bị xa lánh, nhưng lại là cuộc đời đầy lý tưởng, có cường quyền ông đập gãy cường quyền, có áp bức ông xoa dịu áp bức, có những lúc ông đầy tiền vàng nhưng ông vẫn ăn cơm chỉ với giá vài xu, ông nói: “Lý tưởng ơi, chỉ có ngươi là bạn của ta”. Ông chết mà biết trước cái chết, một cái chết anh hùng và thầm lặng, ông chết khi đã sống xong cuộc đời đầy lý tưởng, liệu trong chúng ta có bao nhiêu người đang sống mà chưa hề biết sống? Sống như vậy mới thật là đau khổ.
Phần hay và ý nghĩa nhất trong câu truyện là lúc người tù khổ sai Jean Valjean gặp ông giám mục. Đi suốt ngày đường khi ở đâu cũng bị xua đuổi, không một ai tiếp chỉ vì anh từng là một tên tù khổ sai, buổi tối anh đến nhà ông giám mục xin nghỉ nhờ, khác với mọi người ông tiếp đã hắn rất tử tế với tình yêu thương chân thật, tuyệt nhiên không có bất cứ những lời lẽ hay hành động nào trịnh thượng bề trên mà đáng lẽ ra ông có quyền để dạy bảo hắn, giữa một ông giám mục quyền cao chức trọng với một anh tù khổ sai dưới đáy xã hội mà có thể ngồi cùng bàn ăn và cùng nói chuyện, ông nói với tất cả tấm lòng của một ông già nhân hậu:
”Trên trời sẽ dành cho gương mặt đẫm lệ của người hối lỗi nhiều hạnh phúc hơn những chiếc áo trắng tinh của hàng triệu người chính trực đó ông ạ. Nếu ông từ nơi đau khổ bước ra với tư tưởng hằn thù và căm giận thì ông là người đáng thương; nhưng nếu ông bước từ đó ra với tư tưởng độ lượng và hiền hòa thì chúng tôi không ai bằng ông được”.
Một câu nói bao trùm toàn bộ tác phẩm này, của những triết lý, những tư tưởng nhân đạo của Chúa. Ngay cả lúc Jean Valjean ăn cắp bộ đồ bạc của mình, ông lại dùng tình thương của mình để cảm hóa anh, trong con người ông không những có tình thương người sâu sắc của Chúa, mà còn có cả lòng từ bi của Phật, con người ông giám mục hội tủ đầy đủ hết những điều tốt đẹp nhất của một con người thánh thiện, ông là một hình ảnh của Chúa. Ông đã cảm hóa thành công Jean Valjean, con người mà sau này cũng có những đức tính tốt đẹp như ở nơi ông.
Jean Valjean, một con người bị bất công xã hội chà đạp, đè xuống vũng bùn đau khổ chỉ vì đã ăn cắp một chiếc bánh mỳ cho những đứa cháu đói khát ở nhà mà bị tù khổ sai 19 năm. Tưởng như cuộc đời ông sẽ đi vào tội lỗi, nhưng ông đã may mắn gặp được ông giám mục, người đã “mua lại tâm hồn tội lỗi” của ông.
Khi trở thành nhà triệu phú Madeleine, những bất công trong cuộc đời ông vẫn còn, và cũng chỉ vì để minh oan cho một kẻ ngớ ngẩn tránh khỏi tù đày mà ông bị mất hết chức vụ, mất sự nghiệp của mình, những con người trước đây từng mang ơn ông quay lại chửi mắng ông, chỉ vì ông đã từng là một thằng tù khổ sai, bao nhiêu công đức to lớn của ông đều bị xóa sạch, tưởng như ông sẽ quay lưng lại thù ghét cái xã hội, những con người phụ bạc đó, nhưng ông vẫn không hề có một tư tưởng trả thù nào, ông vẫn yêu thương những kẻ nghèo khó, ngu dốt, ông vẫn đi làm phúc thường xuyên. Ông đúng như câu nói của Marius ở cuối bộ truyện:”Người(Jean Valjean) là một thiên thần đó”.
Tác phẩm đề cập đến rất nhiều vấn đề của xã hội Pháp lúc đó bấy giờ thông qua nhiều nhân vật với những tính cách và mô tả khác nhau. Marius, chàng trai trẻ tuổi giàu lý tưởng và hay mơ mộng, bỏ mọi vinh hoa phú quý chỉ vì muốn bảo vệ cha mình, thà sống nghèo khổ chứ không muốn vay mượn của ai cái gì, vì anh cho rằng vay người khác tức là bán linh hồn cho họ. Cosette là người yêu chàng có một tuổi thơ đầy khổ cực, được Jean Valjean cưu mang nhận làm con. Mẹ Cosette là Fantine, người phụ nữ có một quá khứ lầm lỗi, bị bạn trai bỏ rơi, nhưng lại yêu thương con gái mình hết mực, bán cả bộ tóc và hàm răng của mình để có tiền chữa bệnh cho con. Hay như chú bé Gavroche, tuổi còn nhỏ nhưng đã chiến đấu và hi sinh nơi chiến lũy, và còn cả chàng trai trẻ Enjolras, người của nhóm ABC, một người chỉ huy thực sự, một người cầm đầu lý tưởng của cuộc cách mạnh cũng đã nằm xuống cùng các bạn của mình sau một cuộc chiến đấu anh dũng.
Bên cạnh đó, những nhân vật phản diện như cặp vợ chồng độc ác Thénardier hễ nơi đâu ngửi thấy mùi tiền là chúng đánh hơi được, còn có thanh tra Javert, một tên mật thám đại diện cho sự nghiêm khắc của pháp luật, luôn chỉ dùng lý chứ không hề có tình, cuối cùng đã tự tử chỉ vì cảm thấy xấu hổ khi được Jean Valjean cứu sống… Mỗi con người là đều là những hình ảnh của xã hội Pháp lúc bấy giờ, trong khi giới cầm quyền hưởng thụ xa hoa, xâm chiếm để biến Pháp trở thành một đế quốc hàng đầu trên thế giới, nhưng ở nhiều nơi trên đất nước này, vẫn còn rất nhiều những mảnh đời khốn khổ, như câu nói của tác giả:
“Khi pháp luật và phong hoá còn đầy đoạ con người, còn dựng nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự tha hoá của đàn ông vì bán sức lao động, sự sa đoạ của đàn bà vì miếng cơm manh áo, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm thất học còn chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất, dốt nát và đau khổ còn tồn tại thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích.”
Tác phẩm còn là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn điển hình của nền văn học thế kỷ XIX, những tâm lý của những người đang yêu, những câu chuyện tình được tác giả mô tả bay bổng bên cạnh những không gian u tối của sự đau khổ và cái hào hùng của cuộc cách mạng là câu chuyện tình yêu lãng mạn của Marius và Cosette. Tình yêu chỉ từ một ánh mắt đưa tình nơi công viên cũng đủ làm xao xuyến một trái tim, những ngày sau chàng vẫn chỉ loanh quanh đó mong được gặp nàng, được chiêm ngưỡng vẻ kiều diễm của nàng.
Đêm thì nhớ nhung chờ trời sáng, đến ban ngày thì cũng chỉ dám ngắm nàng từ xa, tình yêu là thế đó, nó làm con người ta lơ đãng và ngẩn ngơ, trong tình yêu thật sự chỉ tồn tại lại hai kẻ ngốc mà thôi. Marius yêu Cosette nhưng Eponine lại yêu chàng, sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình cho người yêu, một tình yêu cao thượng dù không được đền đáp lại, thử hỏi trên đời này có mấy ai được như ý khi yêu, yêu mà không được đáp lại thì lòng buồn biết bao!
Có lẽ tác phẩm quá dài để có thể tóm tắt trong vài trang giấy hay vài câu nói, thông điệp của tác giả muốn gửi tới người đó không chỉ bằng một bài viết ngắn, chúng ta nên tự đọc để cảm nhận được nó, để hiểu nó. Có những người cả cuộc đời chỉ thích đọc Dostoyevsky, cho ông là nhất, cũng có những người cả đời chỉ thích nghe thơ Đỗ Phủ, còn ở đây có một người, luôn để quyển sách Những người khốn khổ nơi đầu giường, và đặt nó vào một vị trí cao nhất trong những cuốn tiểu thuyết, xứng đáng được coi là cuốn tiểu thuyết của tất cả các cuốn tiểu thuyết.
Đỗ Văn Nguyên
Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)