Tôi năm nay vừa tròn hai ba tuổi, khi bất chợt đọc câu hỏi của Triết Học Đường Phố, tôi chẳng thể trả lời được. Không phải vì tôi chưa bao giờ thất bại, tôi thất bại nhiều và dai là đằng khác, nhưng việc phải nghĩ ngợi và phân tích để rút ra gì đó từ những chuỗi ngày quá khứ mịt mù đó, là điều tôi không và sẽ không làm.
Tôi cho rằng nếu không có thành công thì thất bại cũng chỉ là chuyện thường ngày mà thôi. Nếu như ta vẫn đang trong hoàn cảnh thất bại mà nghĩ về thất bại thì sẽ đưa ra những kết quả thiếu khách quan, hai là liệu bạn có chắc là đối với bạn đó là thất bại hay không hay tương lai vẫn còn nhiều chông gai đang chờ đón. Còn nếu đang thành công, thì quả thật, mấy mươi thất bại hay sai lầm trong quá khứ liệu có quan trọng hay không, hay sẽ được liệt vào danh sách trải nghiệm sống?
Để tôi kể về thất bại đáng kể nhất của cuộc đời mình, đó là VIỆC HỌC, thứ duy nhất tôi có kinh nghiệm cho tới hiện tại. Tôi nghĩ bất kì thất bại hay thành công cũng đều có một câu chuyện dài của nó. Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ khi tôi vào lớp 10. Không đủ điểm nên phải chuyển từ trường chuyên hạng A mình đã học hồi cấp hai sang trường chuyên hạng B, hết cấp từ chuyên hạng B trượt đại học hạng B để đến với đại học hạng C, bỏ đại học hạng C định cố công thi đại học ngành nghệ thuật xem sao và lại trượt. Đó là về quá trình, còn về nội dung, tôi chính là kiểu người gì cũng biết chút chút, hứng thú chút chút mà chẳng đến nơi đến chốn. Lười và ham nhiều thứ, tôi không tập trung được vào điều gì và cứ bị quay mòng mòng trong sự tò mò của bản thân. Thói quan tâm đến nhiều lĩnh vực là điều khiến tôi chẳng thể giữ được tập trung, nhưng nói là thứ cần sửa trong tính cách của tôi thì không, giờ tôi vẫn nghĩ nó mang lại cho tôi nhiều hơn là mất.
Tôi chán nản nên ở nhà một hai năm, chẳng làm gì cả. Nghĩ lại những ngày tháng đó khiến tôi tin rằng việc phân tích quá sâu sai lầm khi còn trẻ là một việc tai hại. Chuyện tôi vất vưởng ở nhà như vậy khiến cả bố mẹ và người thân nội ngoại tôi lo lắng, lòng nóng như lửa đốt nhưng tôi thì lại dửng dưng, quanh quẩn hết ngày này đến ngày khác trong im lặng. Rảnh rỗi, tôi và gia đình bắt đầu phân tích chặng đường thất bại của mình, cá tá lí do được đưa ra. Vì sức ép gia đình, vì cộng đồng, bạn cùng lớp, vì vấn đề về sức khỏe. Khi rảnh người ta nghĩ ra rất nhiều thứ và vì tôi đã sống trong “tuyệt vọng” như thế nên chẳng ai nỡ kiểm chứng những thứ đó đúng hay sai. Bởi vì khi thất bại, mọi thứ đều có thể là lí do, nhất là những điều nhìn có vẻ khác biệt.
Không biết mọi người có để ý không, nhưng khi đi trên đường, nếu như có trượt chân ngã, người ta thường đứng dậy luôn, người tốt nếu phát hiện chướng ngại vật thì tìm cách loại bỏ cho người đi sau rồi đi, người đang vội thì phủi qua loa nhìn quanh quéo rồi đi luôn. Nên thế. Thất bại thật sự không phải thứ người trong cuộc nên chìm đắm quá lâu.
Nhưng tin tôi đi, chẳng đúng đâu, nếu như ngay sau thất bại, sai lầm mà ta gần như rút ra được bài học luôn thì kết luận đó chắc gì đã đúng. Bởi vì nếu thật sự đó là lí do, thì con người đã có thể tránh được. Hệ tư tưởng của một người rất vững chắc chứ không thể thay đổi trong ngày một ngày hai.
Còn nếu chúng ta đã phân tích đúng nguyên nhân thì liệu có sửa được luôn không? Giống như hệ tư tưởng, hành vi và thói quen của con người không phải là thứ sau một ngày nghĩ ngợi mông lung mà thay đổi được. Những điều xứng đáng được coi là thất bại trong đời người thì cũng xứng đáng để con người dùng ít nhất nửa đời để ngẫm ngợi.
Giờ đây, ở miền Nam nước Ý này, quan điểm duy nhất của tôi dành cho việc học chỉ là qua môn, nhanh ra trường, giữ học bổng. Tôi sẽ không gọi những ngày tháng này là thành công vì con đường trước mắt vẫn còn dài và vì tôi đã tự đưa ra những tiêu chuẩn cao cho sự thất bại, thì tôi cũng nên có tiêu chuẩn cao cho thứ sẽ được gọi là thành công.
Như John Lennon đã nói: “Mọi việc rồi cuối cùng sẽ ổn, nếu chưa ổn thì chưa phải là cuối cùng.” Vậy nên đâu cần phải ngồi lại ngẫm ngợi nhiều khi còn đang dang dở.
Con người ta cần tự tin vào bản thân mình để đối phó với cả chặng đường dài phía trước. Hiệu ứng Dunning-Kruger (hiện tượng nhận thức thiên vị về năng lực bản thân) là hiện tượng nên tránh trong cuộc sống, chúng ngăn cản sự tiếp thu kiến thức của con người. Nhưng đối với bản thân mình, hay lạm dụng một chút, dù không hiểu lắm về bản thân mình cũng hãy tạm gác lại mà đi học những điều mới mẻ, chúng ta có tất cả thời gian trên đời để học về bản thân và những sai lầm. Giờ đây hãy cứ tạm gác lại, cứ cho rằng mình đã hiểu mình đủ để có thời gian đi học những điều mới mẻ ngoài kia. Nhẹ lòng thì dễ bay, nhẹ đầu thì dễ nổi, nếu như có điều gì rút ra được từ những điều đã qua, thì có lẽ là tôi không muốn nghĩ quá nhiều quá sâu về bất kì điều gì.
Tác giả: Song
Chào bạn Song, cảm ơn bạn đã tham gia cuộc thi. Tôi đã đọc bài này 2 lần và không lần nào tìm ra được điểm hay của bài viết, nếu có cũng rất ít. Bài viết của bạn sẽ không được tôi cho điểm cao vì hai lý do đơn giản sau.
Bài này được 70 điểm.
Xin chào bạn Song,
Cảm ơn bạn đã gửi bài dự thi về THĐP. Mình xin được nhận xét bài viết của bạn như sau:
Bạn có chiêm nghiệm, nhưng là về sự thất bại nói chung, chứ không phải về trải nghiệm của bạn. Mình có cảm giác rằng bạn không thật sự coi đó là trải nghiệm thất bại nên không đầu tư sự chú ý vào nó. Và bạn cũng có viết là “đâu cần phải ngồi lại ngẫm ngợi nhiều khi còn đang dang dở” hay “tôi không muốn nghĩ quá nhiều quá sâu về bất kì điều gì.” Cuộc thi này tổ chức để người ta nhìn lại bản thân mình với những thiếu sót trong quá khứ. Từ đó rút kinh nghiệm và nâng cấp bản thân để không lặp lại những trải nghiệm thất bại đó nữa trong hiện tại hay tương lai. Mình có cảm giác bạn không hiểu kỹ đề bài.
Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc bạn dồi dào sức khỏe.
Thân mến,
Vũ Thanh Hòa