28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDT2018] Một cách đơn giản để hạnh phúc

Tôi đã đọc rất nhiều các bài viết về tâm, sinh và triết lý.

Có thời gian, tôi hay tìm đọc mấy đoạn tản văn; đó là những bài theo kiểu đọc cũng được, không đọc cũng không sao, tất cả đều rất cảm động, đánh vào lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và làm tôi rơi nước mắt. Sau thời gian được truyền cảm hứng từ thể loại này, tôi cảm thấy mình luôn cố gắng chạy theo một thứ gọi là hạnh phúc nhưng không sao nắm bắt được! Cảm giác bất lực bủa vây, não tôi lập tức bật cơ chế phản vệ bằng cách ra lệnh đóng băng trái tim. Và tôi quay ngoắt 180 độ, trở nên cực kỳ lý trí. Thói quen đọc cũng từ đó mà thay đổi, tôi chuyển sang đọc các bài viết mang tính thẳng thắn đến bất ngờ, đa phần là những bài nêu bật quan điểm sống cá nhân và song song đó lên tiếng chỉ trích một đối tượng nhất định trong xã hội. Lúc này, tôi không còn bị cảm giác bất lực đè nặng, cũng không còn phải miệt mài đi tìm hạnh phúc, thay vào đó, hai tiếng “hạnh phúc” được xóa sạch trong từ điển của tôi luôn, tôi như một cái máy thực thụ. Dường như, tôi đã lần lượt chìm dần vào hai thái cực: quá thực dụng và quá mộng mơ.

Song, bằng một cách diệu kỳ, tự dưng tôi hiểu ra phương pháp để cân bằng. Tôi quyết định không đi tìm hạnh phúc nữa, nhưng cũng không quên hẳn nó đi, mà tôi tự tin xây dựng một chiến lược cụ thể để có thể song hành cùng nó.

Vậy nên, những gì tôi sắp viết ra đây không phải là một trải nghiệm kinh hoàng, u uất, chạm đến trái tim hay khiến đôi mắt bạn đọc ướt nhòa. Và nó lại càng không phải là bí quyết kiếm được 1000 đô la khi chỉ làm việc trong 3 giờ đồng hồ hay dạy cách làm giàu từ hai bàn tay trắng. Hôm nay, tôi sẽ viết về cách mà tôi đã làm để có thể sống tốt, làm việc tốt, và thoải mái yêu thương trong cuộc đời này.

Để sống hạnh phúc, trước hết tôi sẽ kể cho bạn về cái cách mà tôi đã sống không hạnh phúc. Đó là khoảng thời gian chuẩn bị thi Đại học, tôi đã do dự không biết nên học ngành nào, và thay vì thẳng thắn nhìn vào vấn đề, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của mình, tìm hiểu về các môn học, về đầu ra của ngành học, thì tôi lại quyết định trì hoãn việc… quyết định! Sau cùng, ba mẹ tôi chỉ ra một cái tên ngành vào phút chót, tôi nghe theo. Kết quả, công việc tôi hiện nay không liên quan gì nhiều đến những thứ được học khi xưa, đó là một sự chuyển đổi khó khăn, đôi khi tôn ân hận. Ngoài ra, cũng trong quá trình học Đại học, tôi có cảm tình với một anh chàng, nhưng trì hoãn không bày tỏ, tôi đã đau khổ vì yêu mà không dám nói, cho đến một ngày anh ấy có bạn gái, tôi khóc lóc mấy tuần liền. Rồi sau đó, tôi làm freelance, tôi cũng lại luôn trì hoãn, tôi xao nhãng vào mấy việc như: nghe nhạc, đọc sách, xem hình mấy con chó mèo trên mạng trong tâm trạng… hơi hơi lo lắng về công việc! Rồi đến khi deadline còn 6 tiếng nữa, tôi mới bắt tay vào làm và hoàn thành trong vội vã. Rõ ràng, tôi đã không hề hạnh phúc!

Ngồi ngẫm nghĩ, tôi tìm cách lật ngược lại lịch sử, đi ngược vào quá khứ bằng trí óc của mình; nói thì nghe ma mị, chứ đơn giản chỉ là kéo cái ghế, rồi ngồi xuống, lấy tay chống cằm, mắt chớp chớp tượng tưởng lại việc đã qua mà thôi. Nếu năm ấy tự tôi quyết định chọn ngành, và chính tôi lựa chọn sai ngành y như cái cách mà ba mẹ tôi đã làm thì sao? Nếu năm ấy tôi tỏ tình, và bị anh chàng kia từ chối, rồi anh ta cũng có bạn gái khác thì sao? Và nếu như tôi hoàn thành công việc sớm hơn dự định, thế là tôi lại cũng có một khoảng thời gian nghe nhạc, xem phim y như việc tôi nghe nhạc, xem phim trước khi làm thì sao? Thật kỳ lạ, trong trường hợp này tôi lại thấy hài lòng và hạnh phúc, hay ít ra là tôi không thấy day dứt, hối hận.

Vì cớ làm sao mà cùng một sự việc, cùng một kết quả, nhưng cách đưa ra quyết định khác nhau lại dẫn đến cảm xúc khác nhau nhiều như vậy? Là bởi, não của chúng ta vốn có trí tưởng rất phong phú, nó rất thích vẽ vời, nhất là về những thứ mà nó không biết. Hay nói cách khác, con người thường hối hận về những gì mà mình đã trì hoãn không làm, khi đó họ hay thốt lên: “Giá như!” Còn nếu làm rồi, bộ não sẽ không còn phải tưởng tượng nữa, kết quả cũng có luôn rồi, việc duy nhất cần thiết lúc này là chấp nhận kết quả xảy đến như một thực tế hiển nhiên mà thôi, điều này không khó khăn lắm. Như vậy, sự trì hoãn chính là thứ đã đẩy lùi hạnh phúc!

Kết luận trên có vẻ hơi thừa, vì hình như ai cũng đã được biết điều này, mẹ tôi cũng đã nhiều lần dạy tôi như thế. Ơ! Thế vậy tại sao, dù biết rõ trì hoãn là xấu, mà tôi và không ít những người trong số các bạn, chúng ta lại đã có thời gian mê mụi đắm chìm trong nó? Tôi phải làm cách nào để không bao giờ trì hoãn nữa?

Đầu tiên, hãy thử nghĩ xem trì hoãn có vui không? Rõ ràng tôi thấy nó không vui, nhưng hình như nó lại đỡ căng thẳng hơn là lao đầu vào làm một việc gì đó ngay lập tức. À! Để tôi ví dụ một tình huống của chính mình cho dễ hiểu. Có lần, khi xếp hàng đi lấy máu và nhìn thấy cô y tá cầm chiếc kim tiêm trên tay, tôi liền quyết định im lặng khi cô ấy gọi tên mình. Tôi đứng đó, rất lo lắng, không vui vẻ, nhưng tôi thà như thế, chứ không nghĩ bản thân sẽ chấp nhận nổi cái cảm giác đau đớn của mũi kim cắm vào mạch máu dưới tay; thôi thì trì hoãn được phút nào hay phút đó! May mắn thay, anh bạn đi cùng đã xung phong đổi số thứ tự với tôi, anh ấy lấy máu trước, chịu đau một lần, rồi vui vẻ thoải mái ngồi đọc sách suốt buổi, trong khi bên cạnh anh là tôi, đang xanh lè mặt mày và sống trong lo sợ nhiều tiếng đồng hồ sau đó. Rõ ràng, anh ấy hạnh phúc hơn tôi!

Sau nhiều lần gặp phải các trường hợp tương tự, tôi biết rằng thì ra trì hoãn có liên quan mật thiết với cảm xúc sợ hãi. Cảm giác lo lắng trước khi bắt đầu làm một cái gì đó đôi khi nó còn kinh khủng hơn những khó khăn bạn gặp phải trong quá trình làm. Khi đó, con người tìm đến sự trì hoãn để tạm hài lòng, tạm quên đi khó khăn sắp đến, nhưng cảm giác lo lắng thực ra vẫn còn, và ngày càng đè nặng. Bây giờ, hãy thử tưởng tượng những cái êm ái nhất thời như: lướt web, nghe nhạc, xem phim, ăn vặt, nằm lăn ra giường, hay đơn giản hơn là đứng yên để không làm gì cả như tôi phía trên,v.v… tất cả chúng là những cái cây cổ thụ cao to trong khu rừng “Cám dỗ”. Việc của tôi (và cả bạn nữa), là tìm ra lối đi và tiến nhanh vào con đường mang tên “Hành động”, hãy làm ngay khi có thể, đừng sa đà vào cây cối xung quanh. Con đường có thể xa, có thể dài, nhiều đá sỏi, nắng nôi, mưa bụi, nhưng đừng vì thế mà rẽ sang lối vào lại khu rừng; vì rừng cây tuy đẹp, nhưng thời gian trôi qua, đêm xuống sẽ trở thành nơi nguy hiểm. Kiên trì đi trên con đường “Hành động”, cuối con đường sẽ là trị trấn “Thành công”, một nơi vừa thanh bình, vừa giàu có. Đó chính là cái mà tôi và những người bạn đi đường xứng đáng đạt được!

À! Tiện thể khi nói về từ “xứng đáng”, tôi muốn kể rằng sau bao năm lăn lộn mưu sinh, trái tim lại bắt đầu biết rung động một lần nữa, tôi cảm mến anh bạn kia hơn mình một tuổi; và lần này, tôi đã không trì hoãn trong tình cảm. Sau khi có những hành động mà người đời hay gọi là tán tỉnh, kèm một ít quà tặng, vài lần đi chơi, chia sẻ quan điểm sống kha khá, tôi quyết định bày tỏ. Bạn đoán thử xem? Vâng, anh chàng từ chối, giây phút ấy tôi nghĩ mình sẽ phải rất đau buồn. Nhưng một phép màu đã đến, tôi không buồn gì cả, hoàn toàn không! Cảm giác này khác hẳn sự day dứt, nuối tiếc với anh chàng hồi thời Đại học; tôi biết mình đã can đảm hơn rất nhiều. Tôi cũng biết anh bạn của tôi, anh ấy lo sợ rằng yêu nhau thì sớm muộn cũng xảy ra xung đột, sẽ có đôi lần mệt mỏi, rồi thì không may nếu có chia tay sẽ đau khổ biết bao, anh ấy muốn tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng như kiểu “trên tình bạn mà vẫn loạng choạng trước tình yêu.” Tôi cũng đã từng như thế, nhưng nay tôi biết những cái mập mờ do dự không xứng đáng để chiếm lấy thời gian của một người. Anh ấy vẫn còn đang trì hoãn, còn tôi thì không!

Nói như thế, không có nghĩa tôi luôn sống hấp tấp, thường vội vã ra quyết định, lao đầu theo công việc và bị guồng quay của xã hội chi phối. Ngược lại, tôi vốn là người theo chủ nghĩa sống chậm, nhưng điều đó không liên quan gì đến việc trì hoãn cả. Sống chậm, có nghĩa là tôi cho phép mình dành ra một khoảng thời gian trong ngày để uống một tách trà, đọc vài trang sách và ngắm mấy chùm hoa tím rịm nở rộ bên hiên, sau khi đã hoàn thành mọi công việc, xin lặp lại là “sau khi đã hoàn thành mọi công việc.” Sống chậm, có nghĩa là bạn đang tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời ở thị trấn “Thành công”, chứ không phải nằm ườn ra dưới một gốc cây nào đó trong khu rừng “Cám dỗ”. Đừng nhầm lẫn giữa một người sống chậm và một kẻ trì hoãn!

Nếu cuộc đời là một thành phố, và những hạt bụi chính là khó khăn ta phải trải qua, thì có lẽ thành phố nơi tôi đang sống không đến nỗi ô nhiễm hay ngập ngụa trong bụi bẩn, nó vẫn có một ít bụi, nhưng chúng không thể cản trở cuộc sống tốt đẹp của tôi. Từ những hạt bụi cuộc đời, tôi nhìn thấy, hít vào, dùng bộ não và trái tim để thanh lọc và cho ra đời từng con chữ. Có thể nói, tôi không phải là một người từng trải, chỉ là tôi biết cách để trải qua mọi thứ mà thôi!

Và cách tốt nhất mà tôi đã, đang và sẽ áp dụng để không phải hối hận, ăn năn, nhớ nhung, nuối tiếc; để dẹp bớt quá khứ và sống cho hiện tại, đó chính là không bao giờ trì hoãn. Đừng trì hoãn, công việc tốt sẽ đến nhanh hơn. Đừng trì hoãn, bạn sẽ sớm tìm ra người yêu phù hợp với mình hơn. Đừng trì hoãn, bạn sẽ hạnh phúc hơn!

Tác giả: Yinny

Ảnh minh họa: Wiki Commons
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

  1. Chào em, cảm ơn em vì đã tham gia cuộc thi!
    Bài viết của em về sự trì hoãn khá là mang tính “thời sự” cho tuổi trẻ đấy! Lời văn cũng mạch lạc đơn giản! Tuy nhiên phần câu chuyện minh họa cho thông điệp thì hơi mờ nhạt một chút.
    MỚi đầu đọc cảm giác giống hơi “vội vã” thật đấy nhưng may là sau đấy em có nói thêm về việc sống chậm đã làm cho thông điệp hoàn chỉnh hơn.
    Bài viết sẽ ổn hơn nếu em có nhiều ví dụ cụ thể hơn nữa về việc không trì hoãn song song với việc sống chậm là sống như thế nào, làm sao để cân bằng cả hai…
    Nói chung là chị đề cao thông điệp không trì hoãn lẫn sống chậm của em!
    Chúc em ngày tốt lành hihi

  2. Xin chào bạn Yinny,
    Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện với THĐP. Mình có đôi lời nhận xét như sau:

    1. Câu chuyện của bạn theo diễn biến thời gian: Sai, nhận sai, sửa sai. Kể theo trình tự như vậy thì không bị lạc khỏi mạch truyện nhưng dễ dàng gây nên cảm giác đơn điệu, tẻ nhạt cho người đọc. Câu từ của bạn cũng không sắc sảo, trau chuốt nên không tạo đủ sức hấp dẫn để kéo sự chú ý của mình trở lại.
    2. Mình thấy bài viết còn có thể cô đọng được hơn nữa. Bạn mất quá nhiều thời gian để có thể vào đề. Không lẽ đây cũng là biểu hiện của một sự trì hoãn? Nói về trì hoãn, mình thấy trên đời này chỉ có 2 loại người làm điều đó: Hoặc là thiên tài (họ trì hoãn công việc để đợi đến thời điểm tối ưu nhất cho công việc đó), hoặc là người hay ngụy biện (không thắng nổi những lý do gây cản trở bên trong mình nên luôn bỏ lỡ những cơ hội.)
    3. Xét về tính văn chương, nghệ thuật, sáng tạo bài viết của bạn không có gì đáng kể.

    Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc bạn sức khỏe và sự tự tin trong cuộc sống.

    Thân mến,
    Vũ Thanh Hòa

  3. Chào Yinny, cảm ơn bạn đã tham gia cuộc thi.

    Bài viết của bạn nói về sự trì hoãn, khuyên người khác đừng trì hoãn, trong khi bài viết này lại nộp trễ deadline, tôi dễ dãi nên đã chấp nhận cho vào cuộc thi, nhưng tất nhiên sẽ bị trừ điểm vì cái tội nước đến chân mới nhảy. Văn phong của bạn tôi thấy cũng không có gì đặc biệt, cũng chỉ thuộc hạng trung bình. Bạn nói đã đọc rất nhiều các bài viết về tâm, sinh và triết lý, đáng lẽ bạn phải viết hay hơn và sâu sắc hơn thế này chứ. Bạn sẽ biết điểm sau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI