26 C
Nha Trang
Thứ ba, 10 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDT2018] Bước ra khỏi vũng sình lầy

Tôi ngồi đó. Im lìm. Tôi ngồi đó. Nhìn nỗi đau liếm dần từ bàn chân, đến đầu gối, thắt lưng, lên tới ngực rồi càn quét khắp đỉnh đầu. Toàn thân tôi cứng đờ như khối gạch nung chỉ chực nổ tung trước sức nóng hàng ngàn độ C. Tôi đau đớn khốc liệt đến mức tưởng rằng có vô số sâu bọ đang đục phá xương tủy mình.

Khi cơn đau chạm đến giới hạn chịu đựng, tôi từ từ nhả đôi chân, giải thoát mình khỏi tư thế kiết già. Để tránh nhiễu động không gian hành thiền thinh lặng, tôi kìm nén để không phả ra tiếng thở ồ ồ dồn dập, vừa vuốt khẽ đôi chân, xoa dịu cơn đau. Tôi quỳ hai gối xuống nền nhà, một tay chống xuống nền gạch gỗ, tay còn lại vịn bờ tường để lấy sức đứng lên. Tôi đứng yên hồi lâu, để cơ thể làm quen với thay đổi, rồi khom người bước đi chậm chạp, lặng lẽ như lá cờ ủ rũ trong trời mưa.

Đó là những ngày tôi tập ngồi kiết già ở tuổi 29.

Thiền sư nói: “Có nhiều tư thế ngồi thiền: kiết già, bán kiết già, xếp bằng, ngồi trên ghế… Các bạn hãy chọn cho mình tư thế ngồi thoải mái, phù hợp với bản thân, để ngồi được lâu nhất.’’

Đau đớn, là chính tôi chọn lấy. Bởi tôi có một lời nguyện. Cũng bởi, đau đớn thể xác này, so với ngày hôm qua, chỉ như muối bỏ bể, nào có xá gì!

Khi còn là đứa trẻ, tam giác cuộc đời tôi đã xoay quanh ba cạnh: Bạo hành, xâm hại tình dục và biến cố gia đình. Tâm trí tôi cứ chạy đi chạy lại, chạy tới chạy lui trong ba cạnh đó, không cách nào ngăn nó ngừng khuấy đảo và xé rách ngày đời tôi. Tôi chống cự, bằng tất cả sức lực. Nhưng tam giác đó vẫn làm tuổi thơ tôi nhàu nát, phủ bóng tối u ám và nỗi ngờ vực khôn nguôi xuống suốt quãng đường trưởng thành.

Từ bé thơ, tôi vốn không hiểu tại sao tình cảm mẹ dành cho tôi lại thiên lệch đến vậy? Một dấu chấm hỏi lớn, treo lủng lẳng giữa tôi và mẹ, ghim vào lòng tôi những vụn vỡ khiến tôi ngơ ngác. Tôi lớn lên cùng với trận đòn triền miên của mẹ, vết đánh lằn ngang lằn dọc, đôi khi tứa máu. Ở trong nhà hay giữa đám đông, mẹ đánh tôi bằng mọi thứ có thể: Đòn gánh, cây bạch đàn, thanh củi, đũa, thìa… Khi không kiếm được vật gì, mẹ dùng bàn tay, sau đó là những cái tát nổ đom đóm mắt.

Giữa đời sống, trong thời thiền, tôi luôn run bắn người lên trước những hình dung về mẹ. Càng cố gắng gạt đi thì đến đêm tối, ký ức trở về sống động. Một tôi nhỏ bé leo trèo cửa sổ, đầu va vào cạnh tường, máu chảy bê bết sau lớp tóc rối. Sợ hãi, tôi gọi mẹ. Rồi mẹ quát tháo, mẹ chửi tôi lên bờ xuống ruộng. Tôi lau nước mắt, quay đi. Gió ngày hôm đó tạt vào mặt, luồn qua tóc mát lạnh, tôi nghe lòng mình tê tái.

Ký ức vùng vằng ở kỳ kinh nguyệt đầu tiên: “Mẹ ơi, quần con có máu…” Giận dữ lại trút xuống. Mẹ bỏ mặc tôi. Tôi bối rối, hoay loay với miếng băng đầu tiên. Vào khoảnh khắc đó, tôi thấy tồn tại của mình ở cuộc đời này thật lạ lùng và rẻ rúng. Tôi như một vì sao cô độc sa xuống bầu trời đêm, không còn tìm thấy ánh sáng. Tôi khắc cốt ghi tâm: “Người duy nhất mà mày có thể trông cậy, đó là mày!” Bên trong tôi, tất cả khô lại, tôi trở nên cứng rắn và lì lợm, tôi trốn vào trong sự im lặng cằn cỗi. Tôi không còn khóc ré lên khi mẹ đánh, nước mắt ngừng rơi, không van nài nữa, tôi trơ mắt nhìn đòn roi vụt xuống. Có lúc, tôi còn cười. Liệu đó có phải là nụ cười thách thức, hay là loại cảm xúc được sinh ra từ những cơn buồn bã đan cài và vặn xoắn lại cùng với giận dữ?

Ký ức lướt qua ngày tháng non nớt, cơ thể của đứa con gái đang dậy thì đã bị vấy bẩn bởi bàn tay già nua của một người thân trong dòng họ gia đình. Hàng tỉ lần, tôi muốn xóa sạch ký ức, muốn mọi hình dung xấu xí về chuyện cũ biến mất, để tôi dũng cảm nhìn vào khuôn mặt nhắm nghiền, để tôi dành cho người lòng tôn trọng lần cuối khi quỳ gối trước linh cữu. Nhưng tôi đã mãi mãi mắc kẹt ở thời khắc đó, không thể đi xa hơn, không tiến thêm bước nào. Chỉ còn lại tôi méo mó, dị dạng. Tôi căm ghét cơ thể và giới tính của mình. Tôi ghê tởm mọi động chạm. Tôi nỗ lực triệt tiêu hấp dẫn tính dục khi cắt phăng mái tóc dài ngang eo, tạo kiểu tóc bờm xờm ngắn ngủn nhìn thấy cả da dầu, ăn mặc xuề xòa và kín bưng từ trên xuống dưới, để không ai nhận ra tôi là nam hay nữ. Mỗi lần soi gương, tôi thấy mình mất mát ghê gớm điều gì đó…

Mẹ tôi không hẳn là người bạc ác hay nhẫn tâm, ngược lại mẹ rất dịu dàng, trìu mến. Yêu thương đẹp đẽ đó, mẹ dành tất cả cho anh trai. Mẹ nuông chiều anh từ nhỏ đến lớn. Một bên là tình cảm ghẻ lạnh, một bên là quan tâm thừa mứa. Sự thiên lệch đó đã dẫn đến những hệ lụy không tránh khỏi. Anh dễ dàng sa đà vào cám dỗ. Kinh tế gia đình từ đó lao đao. Bố vốn phải đi làm xa để nuôi cả gia đình, nay cuộc sống càng chật vật hơn. Mẹ tiêu xài quá tay, lại không quen với khó khăn, khi kinh tế eo hẹp, mẹ chới với và bắt đầu hành động sai lầm. Đỉnh điểm là lúc mẹ quyết liệt đòi ly hôn để được chia tài sản. Mẹ bán hết đồ đạc trong nhà, mang theo số tiền duy nhất còn lại, bất chấp tất cả, mẹ bỏ đi, đẩy gia đình vào cảnh khánh kiệt và ly tan.

Rồi cuộc sống vẫn cứ trôi chảy, dù cho bạn đã chạm đáy hay vẫn còn chênh vênh. Từng ngày những cơn gió cảm xúc vẫn thổi chiều bạo liệt. Sau ngày mẹ người yêu tôi ngất xỉu trước mặt tôi và kịch liệt phản đối mối quan hệ của hai đứa, tôi thấy đã quá đủ. Tôi quyết định để lại mọi thứ, rời khỏi Việt Nam. Là bác ấy không chấp nhận anh lấy tôi làm vợ, bác nghĩ rằng tôi sẽ đi theo vết xe đổ của người phụ nữ thiếu chuẩn mực như mẹ tôi.

Tôi cũng chỉ có thể cười…

Tôi uống từng ngụm biến cố để chuếnh choáng say trong dư vị thăng trầm, hằng mong mình có thể chấm dứt lối mòn khô khan của khổ đau. Nhưng nỗi buồn thương là cái cây không có vòng tuổi, tôi vĩnh viễn không bao giờ còn ngây thơ như trước nữa.

Tôi học như điên để vào học trường Chuyên, thoát ly khỏi gia đình. Khi đó, tôi 14 tuổi. Mọi người nghĩ tôi giỏi giang, có tiền đồ. Chỉ tôi biết, đó là cuộc tháo chạy thực sự, rời xa mẹ, từ bỏ gốc gác của mình. Những gì diễn ra khiến tôi trải nghiệm nỗi ám ảnh còn dữ dội hơn cái chết. Cái chết thực sự không đáng sợ bằng sự dày vò của bản thân về việc mình đang mất đi kết nối với sự sống – ở ngay tại thời điểm mình đang sống. Người tôi gặp, nơi tôi đến, tất cả trôi qua hối hả như cụm mây lúc trời giông bão. Tôi tìm cách hủy hoại các mối quan hệ xung quanh, như một cách để tự cứu lấy bản thân. Đau thương và phẫn nộ, u buồn và bất lực, tôi trở nên kỳ quặc lẫn cực đoan. Bạn bè rời xa. Bên tôi chẳng còn ai. Tôi cũng không còn liên hệ với gia đình, nguồn cội.

Tôi không biết vì sao những cây xương rồng lại có gai, vì sao tôi lại sinh ra làm con của mẹ, vì sao người thân làm tôi đau đến vậy? Vào ngày đời hoang vu nhất, nhìn những mũi gai nhọn đâm vào mùa đông lạnh giá, tôi đã ứa nước mắt. Tôi nhận ra thiếu thốn của mình, rằng tôi không hiểu gì về yêu thương. Tôi thừa nhận mình đã làm mọi cách để chống lại hay xóa bỏ thiếu thốn đó. Tôi nỗ lực trong cùng cực và tuyệt vọng, chỉ để một lần, một lần thôi, được mẹ ôm vào lòng.

Tôi chấp nhận là mình đã rất khó khăn để học cách sống một mình, từ khi còn là đứa trẻ. Tôi ngủ co ro trong tư thế bào thai để tự bảo vệ mình, tôi nổi loạn, tôi phòng ngự, tôi buộc mình phải mạnh mẽ. Tôi giao du với người nào cho tôi cảm giác có mẹ, tôi gửi hàng loạt tin nhắn cho những người mà tôi nghĩ rằng họ sẽ giúp tôi lý giải quá khứ. Nhưng vô ích, thiếu thốn trong tôi vẫn còn nguyên, không sao khỏa lấp.

Đó là một phần của câu chuyện xưa cũ, tuy không phải là tất cả, nhưng là phần dữ dội nhất. Tôi nỗ lực viết ra thật gọn gàng, chân thực, về trải nghiệm tôi đã có, về va chạm tôi đã từng. Mặc dù tôi biết, câu chữ chỉ là đống ngôn ngữ xáo rỗng, không thể điễn đạt thấu đáo ngày hôm qua.

Ở Myanmar, tôi biến mất vào trong sự cô độc hãi hùng. Tôi chọn cho mình phần khó khăn nhất, như cách cuộc đời đặt lên đôi vai trẻ nhỏ – quá nhiều nặng nhọc. Tôi chọn ở trong căn phòng chứa nhiều âm khí nhất, trên tầng cao nhất của tòa nhà 5 tầng. Hàng ngày tôi vẫn vịn cầu thang lê từng bước về, toàn thân kiệt quệ rã rời. Buông mình xuống giường. Mắt nhìn vào khoảng không. Tôi thở khẽ. Căn phòng đóng lại!

Cứ như vậy, tôi sống ẩn dật. Hàng ngày dậy lúc 3h30, thiền từ 4h sáng đến 7h30 tối. Một ngày có 5 thời thiền, mỗi thời kéo dài 1 tiếng rưỡi. Tôi thường dùng khoảng nghỉ giữa các thời thiền để đi kinh hành ở dưới hàng cây cổ thụ. Tôi ăn 1 ngày 2 bữa, vào lúc 5h30 sáng và 10h30 trưa. Trong 18 tiếng còn lại, tôi không ăn thêm thứ gì.

Ở giữa “đoạn trường khổ lụy”, bước vào khóa tu, tôi bắt đầu trận chiến đơn độc với chính mình. Bằng mọi giá, tôi cần hiểu được dòng sự kiện đã qua, phải lý giải được: Tại sao? Chuyện gì đang xảy ra với mình? Tôi quyết tâm ngồi kiết già vì tôi biết mình tìm kiếm điều gì ở nơi hẻo lánh này. Tôi nuốt nước mắt, cắn răng chịu đau đớn để tác động vào huyệt Tam Âm Giao trong tư thế kiết già. Khi huyệt này được kích hoạt liên tục thì sẽ giúp dưỡng âm, làm ổn định và xoa dịu thần kinh. Đây là điều mà tôi nhắm vào trong giai đoạn tu tập đầu tiên.

Ngày đầu tiên xếp chân ngồi chéo, chỉ mới 10 giây là cơ thể tôi đã run lên bần bật. Không chịu được, tôi nhả chân ra. Lần sau, tôi tăng thời gian ngồi lên, từ 10 giây, lên 30 giây, rồi 45 giây, rồi 1 phút, 10 phút, 30 phút, 1 tiếng, 2 tiếng… Quá trình tăng tiến đó diễn ra trong hàng tháng trời. Tôi cứ ngồi, cơn đau đến và tôi chịu đựng. Ngày ngày tôi sống cùng với cơn đau đớn tê dại đó. Cho đến một buổi sáng tháng 5 mưa ẩm ướt, tôi ngồi xuống, chờ đợi cơn đau đến, như mọi lần. Nhưng đợi mãi mà không thấy cơn đau xuất hiện. Nhiều ngày sau, cơn đau hoàn toàn biến mất, không trở lại thêm lần nào nữa.

Sự kiện kỳ lạ này đã ủi an tôi. Phía trước vẫn là màn đêm, nhưng tôi biết mình đi đúng hướng. Tôi tận hưởng niềm vui lặng lẽ như Dương Quá khi chọn thanh Huyền Thiết Trọng Kiếm, vốn là thanh sắt màu đen trũi, vừa nặng, vừa cùn, thiếu bén nhạy, lại di chuyển bất tiện để luyện thành kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm. Tôi cũng đã dùng chính đau dớn đọa đày này để luyện nội lực cho mình. Cũng giống như trước khi tự tử thành công, một người phải vượt qua được sự suy kiệt tinh thần mãnh liệt để thực hiện hành động cuối cùng. Chính động lực thôi thúc vượt qua đó, nếu đặt ở một hoàn cảnh khác, thì nó lại là một loại tinh anh về cảm xúc và tinh thần để trải nghiệm sự sống chân thực, vẹn nguyên. Và đây là đích đến thứ hai của tôi.

Hẳn nhiên mọi thứ không hề dễ dàng. Khi cố gắng “bước ra” khỏi vũng sình lầy đó, tôi học được cách “bước lên” trên trận đồ cuộc sống vốn đã chứa đựng nhiều điều rối rắm và phức tạp, để nhìn sâu vào bản chất của chúng. Tôi dần hiểu mối liên hệ nhiệm màu giữa thiếu thốn và ham muốn. Ham muốn sinh ra từ cảm xúc lộn xộn ban đầu về tình trạng thiếu thốn và bị giới hạn, rồi tạo thành động lực thôi thúc tinh vi để lấp đầy những thiếu thốn. Đào sâu vào tâm thức, tôi nhìn ra nỗi khổ niềm đau gói trong ham muốn và thấu hiểu sự xung đột giữa các ham muốn. Tiếp đến, tôi xây những cây cầu hóa giải xung đột, tạo những cuộc đối thoại công bằng giữa từng phần ham muốn đối nghịch nhau. Bằng cách rút dần các suy nghĩ ra khỏi quá khứ tăm tối, mở ra thật nhiều không gian yên ổn bên trong, tôi dần phát triển được tâm thức vững chãi và lành mạnh. Từ đó, tôi tìm thấy điểm cân bằng luôn tồn tại ở giữa những thái cực trái ngược nhau, để tự mình chiêm nghiệm cái thực tại đang là.

Trở về Việt Nam, lần đầu tiên tôi ngắm thời gian trôi qua đẹp đẽ, thăng bằng đến vậy. Tôi đã nhìn khao khát của mình vụn vỡ trong đêm mùa hạ chứa chan sao trời ở Myanmar. Để giờ đây, tôi chẳng bận tâm xem mẹ có tìm kiếm tôi giữa những chuyến người xuôi ngược hay không? Tôi đã không còn quay trở lại nơi chốn cũ nữa, cũng không còn mơ lại giấc mơ xưa nữa. Tôi đã trở thành một con người khác. Cả giấc mơ còn lại cũng giống như một đêm nằm ngủ, mở mắt ra và thấy bên trong cơn mộng của mình vẫn còn nguyên sự tỉnh thức.

Tôi gặp mẹ, tha thứ cho quá khứ của tôi và mẹ, đón mẹ về nhà để gia đình đoàn tụ. Tôi kết nối lại với những người bạn cũ, gửi lời xin lỗi vì đã làm tổn thương họ. Thôi nghĩ về ngày tháng buồn, tôi mở ngỏ cánh cửa tương lai, tin rằng, dù có như thế nào, tôi vẫn luôn sẵn sàng, với mọi điều đang đến!

KoE
Sponsored

Này bạn ơi! Nếu bạn có nhiều ngày bĩ cực, nếu bạn thấy cuộc đời mình vô phương cứu chữa… Thì bạn của tôi ơi! Thực ra mọi thứ không như bạn nghĩ đâu. Bạn không phải là nạn nhân của hoàn cảnh. Tâm trí đôi khi là kẻ lừa phỉnh đáng ghét. Sẽ có rất nhiều vực thẳm và rối ren, cho đến khi bạn nhận ra chúng chỉ là hình hài khác của tâm thức bị bóp méo.

Tạo hóa vốn kỳ diệu. Tạo hóa biết chính xác khả năng và mức độ chịu đựng của từng người để gửi vào đó những bài học tương ứng. Tạo hóa sẽ chẳng trao cho bạn những bài học quá sức. Tất cả đều cân bằng, như nó phải thế! Hãy tin tưởng vào nội lực của chính mình. Đừng sợ đau khổ. Điều bạn cần làm là: Đánh thức nguồn lực có sẵn bên trong. Bằng cách dừng lại, tách mình ra khỏi hoàn cảnh và cảm xúc, im lặng lắng nghe từ trong sâu thẳm, liên tục hỏi mình những câu hỏi: “Vì sao?”, “Tại sao?”, “Như thế nào?”… Hãy hỏi liên tục. Chúng sẽ chỉ đường cho bạn, đưa bạn đến những cột mốc, giúp bạn nhìn ra điều gì được giấu kín sau lớp áo khổ đau, cũng như cho bạn thấy được những ẩn mật của bản chất thực tại.

Tôi gọi mình là “người đàn bà nơi xứ lạ.” Tôi đã đi một quãng đường dài. Xuyên thẳng qua nụ hôn của những ham muốn yếu mềm, bỏ lại những tổn thương trên hành trình thiên lý, chỉ để được trở về Nhà – nơi tôi có toàn quyền định đoạt Bình An cho chính mình!

Và tôi tin, bạn cũng sẽ như vậy!

Gửi tới các bạn, lời thương yêu trìu mến!

Tác giả: Sukha

*Featured Image: Free-Photos
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

12 BÌNH LUẬN

  1. Em chào chị! Em muốn cảm ơn chị rất nhiều vì câu chuyện chị chia sẻ. Từ rất lâu rồi em mới lại có cảm giác được đồng cảm và chia sẻ. Em không tự nhận mình là một người có tuổi thơ quá tăm tối và tổn thương, mà có phần may mắn. Nhưng có những ký ức đau buồn đã đeo bám em suốt khoảng thời gian em trưởng thành và định hình nên con người, tính cách và động lực sống của em.

    Em tìm mọi cách để chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi, tổn thương, mất mát của bản thân nhưng giờ em hiểu rằng cách duy nhất để em tim thấy sự bình yên và hạnh phúc thật sự là em phải tha thứ cho chính mình, buông bỏ những nỗi đau- tổn thương và tha thứ cho người thân trong gia đình em.

    Em hiểu rằng sâu thẳm trong trái tim và tâm hồn họ chất chứa rất nhiều nỗi đau và mất mát. Em tin rằng cội nguồn của họ (gia đình em) là những con người bác ái, bao dung, vị tha, chính trực và mạnh mẽ… nhưng họ như em vậy, chịu đựng quá nhiều nỗi đau để rồi họ quyết định rằng họ phải phòng thủ, họ phải đóng cửa trái tim, để ngừng chịu đựng tổn thương. Và rồi em nhận ra, em bắt đầu trở nên cũng giống như vậy, chịu đựng tổn thương và chọn ngừng yêu thương để được an toàn. Cứ mỗi khi sự phẫn nộ, cơn tức giận, lòng ích kỷ xảy ra,…em đều cố tự hỏi, tại sao họ đau đớn nhiều đến vậy, điều gì khiến họ chọn cách cư xử đó, sâu thẳm bên trog chuyện gì đã xảy ra,… Và buồn cười thay hết lần này đến lần khác em điều tự hỏi như vậy và không tìm thấy gì cả, vì em nghĩ rằng không em sẽ không thấu hiểu được ai cả trước khi em thấu hiểu chính mình.

    Cho nên em lựa chọn rằng nếu em mong muốn giúp người thân trong gia đình thoát khỏi những nỗi đau, tự chữa lành những tổn thương và sống hạnh phúc, em phải làm được cái đó trước đó đã. Và em quyết định mình phải đi xa, em chỉ như nhành bông nhỏ và mỏng manh, em không đủ sức kéo ai lên cả nếu em vẫn chông chênh mép vực thẳm. Buồn cười thay trước đây em cũng đã từng khao khát được “đi xa”, chốn khỏi gia đình này, những con người này và sống ở một nơi khác. Bởi vì em chưa bao giờ đủ can đảm đẻ thừa nhận mình bị tổn thương và sợ hãi. Khi em thấy được mô thức hành động vô thức này, em lại lựa chọn rằng mình sẽ không chốn chạy nữa, phải đối diện, phải chấp nhận và tha thứ. Em cố giải mã những điều này thông qua lòng tin vào Chúa Trời, em tin người muốn em sinh ra trong hoàn cảnh này vì người muốn em học được bài học về tình yêu thương và sự tha thứ, rằng em ở đây vì sứ mệnh chữa lành, khơi dậy lòng yêu thương và sự vị tha. Lòng hân hoan và niềm của em nảy nở nhưng nhanh chóng tàn lụi khi em nhận ra những suy nghĩ yêu thuong, vị tha và tích cực của mình dễ dàng bị mất đi khi phải đối mặt với những căng thẳng, tiêu cực và nỗi sợ sâu thẳm. Em nhận ra tất cả chỉ là nỗ lực chống cự yếu ớt trước thực tại khắc nghiệt.

    Nên em tin rằng cách duy nhất để em giúp đỡ gia đình mình là em chọn đi thật xa, như vậy em sẽ có thời gian để nuôi dưỡng, vun đắp nội lực bên trong mình, em muốn mình phải thật vững chãi, đẻ dẫu cho hoàn cảnh có thế nào em vẫn tìm thấy tình yêu thương mà không phán xét, đánh giá.

    Em cảm ơn chị vì câu chuyện chị chia sẻ, câu chuyện cho em thêm lòng tin trên con đường của mình

  2. Đôi khi mình có những ý nghĩ thoáng qua không tốt cho mấy, mình cảm giác sự trở về của bạn không phải để học tha thứ và yêu thương, mà để rèn luyện cho tâm thức của chính bạn. Mong bạn không trách vì ý nghĩ lạ lùng và khiếm nhã đó.

  3. Chào Sukha,
    Cảm ơn bạn vì bài viết tuyệt vời này. Bên trong sự tuyệt vọng cùng cực nhất vẫn có những hy vọng le lói, mình thật sự rất mừng vì bạn đã tìm được nó, khi đọc đến những đoạn cuối của bài viết mặc dù chúng ta chẳng quen biết nhau. Qua lời văn của bạn khiến mình nhận ra bản thân ở đâu đó và những nỗ lực của bản thân để vượt qua khó khăn này. Đúng như bạn nói, mọi thứ đều tùy thuộc vào tâm thức bản thân. Đôi lúc điều duy nhất có thể làm là tin vào sự sắp đặt và thay đổi tâm thức méo mó của mình.
    Bạn thật sự rất cừ.
    Cám ơn bạn vì những chia sẻ thật lòng của mình.

  4. Chào Sukha, cảm ơn bạn đã đến với cuộc thi lần này của THĐP. Đây là bài viết tôi thấy hay nhất, và có lẽ bạn cũng sẽ đoạt giải nhất nếu không còn bài nào khác hay hơn. Tôi rất vui vì có được một người như bạn tham gia cuộc thi. Bạn có khả năng viết tốt như một nhà văn chuyên nghiệp, có nhiều sáng tạo trong câu chữ, biết sử dụng nghệ thuật so sánh để miêu tả. Không biết là bạn đã từng viết nhiều chưa? Tôi đoán là ít nhất bạn cũng đọc nhiều. Bút danh của bạn tôi tra cứu ra cũng được khá nhiều thông tin thú vị.

    Đọc bài này xong tôi vẫn còn cảm giác chưa thỏa mãn, tò mò muốn biết thêm chi tiết. Bạn có thể chia sẻ thêm cho mọi người biết cơ duyên nào đã đưa bạn đến Myanmar để thực hiện giai đoạn khổ tu của mình? Cũng không thấy nói quá trình này diễn ra trong bao lâu? “Lời nguyện” bạn nhắc tới là lời nguyện gì? Tại sao bạn muốn ở căn phòng nhiều âm khí nhất? Liệu đây có phải là một lựa chọn sáng suốt? Bạn tìm kiếm gì ở nơi hẻo lánh đó?

    Đọc câu chuyện của bạn làm tôi nhớ tới cuốn sách tôi đọc năm ngoái của Om Swami, If Truth Be Told: A Monk’s Memoir. Ông này cũng vào rừng lên núi tuyết cao khỉ ho cò gáy vùng Hy Mã Lạp Sơn khổ luyện thiền định một ngày ngồi mười mấy hai chục tiếng, cho tới khi giác ngộ và có thể làm được những chuyện phi thường như có thể làm cho tim ngừng đập, chữa bệnh bằng mantra…

    Theo tôi câu chuyện của bạn rất thích hợp để viết thành một cuốn sách và dựng thành phim vì những hoàn cảnh đều được đưa đẩy tới mức cực điểm, không phải những chuyện thường thấy. Tôi cho bài này 95 điểm.

    • Chào Huy!
      Đầu tiên, phải nói bạn là một người rất cẩn trọng và tinh tế khi để ý đến từng chi tiết nhỏ. Đôi khi, cách ai đó chọn cho mình một cái tên cũng nói lên con người của họ. Nhưng không phải ai cũng dốc lòng tìm kiếm xem đằng sau cái tên đó là gì?
      Phải, Sukha là một từ trong ngôn ngữ Pāli. Có lẽ ai cũng từng nếm trải khổ đau. Vậy thì ý nghĩa của Sukha là: điều ngược lại của khổ đau. Mình viết như thế này, là các bạn đã hình dung ra rồi, phải không?
      Huy này. Bạn có rất nhiều câu hỏi mà để trả lời cho thấu đáo thì có lẽ mình sẽ phải viết ra cả một cuốn sách mất, hoặc chí ít, cũng cần một cuộc trò chuyện “face to face” thì mình mới có thể phác hoạ cho trọn vẹn bức tranh đó. Bởi nếu nói về hành trình khám phá nội tâm và tinh thần mà nói lược bớt hoặc không hoàn chỉnh thì mình thấy rất có lỗi với người nghe. Nhất là khi, các sự kiện xảy ra sẽ kéo theo sự kiện khác, theo một tiến trình nhân quả nhất định. Chỉ một vài dòng chữ không đủ để mình có thể tái hiện lại cho rõ ràng điều đó. Nếu mình nói chưa đủ, các bạn sẽ hiểu sai, mà hiểu sai về tâm linh sẽ dẫn các bạn đi lạc hoàn toàn khỏi chân lỷ. 🙂
      Vậy nên, ở đây mình sẽ tạm lé lộ trước 2 chi tiết quan trọng.
      1-Cơ duyên đã đưa mình đến Myanmar. Thực ra đây là 1 chuỗi nhân duyên. Từ tuổi thơ khốn khó –> mong muốn hiểu được nguồn gốc cho những khổ đau mà mình phải chịu đựng –> tìm kiếm các cơ hội để học hỏi tâm lý, tinh thần và tâm linh –> đến với thiền –> trải nghiệm thiền định kỳ lạ –> muốn tìm thầy để lý giải được trải nghiệm đó –> gặp được thầy –> biết được các đường lối tu tập đúng đắn –> sang Myanmar để học trực tiếp với thiền sư quốc tế.
      2-Căn phòng chứa nhiều âm khí. Đây hoàn toàn là một quyết định đầy mạo hiểm của mình. Lúc đó thì mình còn rất hoang mang, vì mình chưa hề được trang bị kiến thức để đối diện với những chuyện lạ lùng vượt ra khỏi lý giải của khoa học – trong căn phòng đó.
      Về sau này, mình mới coi đó là quyết định sáng suốt nhất trong chuyến đi. Bởi vì nếu không sống trong căn phòng đó, thì mình đã không hiểu được Nỗi sợ hãi khi đối diện với những thứ vô hình ở bên ngoài và bên trong tâm thức, để nỗ lực vượt qua và tìm các cách trấn an mình.
      Mình sẽ không public những trải nghiệm trong căn phòng đó, đơn giản vì mình không muốn bị coi là kẻ nói khoác. Tạo thêm tình tiết mờ ám cho những câu chuyện được đám đông cho là hoang đường. Liệu có nên không?
      Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn mở rộng nhãn quan, có thể gặp mình trực tiếp, trong một nơi yên tĩnh nào đó – tại SG. Mình sẵn sàng chia sẻ, cho một nhóm nhỏ những bạn cởi mở!

      Thân ái! 🙂

  5. Xin chào chị Sukha,
    Cảm ơn chị vì đã chia sẻ câu chuyện của mình với THĐP. Em xin có đôi lời nhận xét về bài viết như sau:

    1. Bài thi có bố cục rất rõ ràng, tường minh. Chị triển khai nội dung 3 cạnh tam giác (bạo hành, xâm hại tình dục và biến cố gia đình) rất cụ thể, chắc chắn và không chệch đường ray mạch truyện. Bài viết có 2 lớp truyện chạy song song bổ trợ và làm mạnh lẫn nhau: 1 là diễn biến việc thực hành thiền, 2 là diễn biến cuộc sống của chị. Em thấy đây là một cách viết nghệ thuật, sáng tạo.
    2. Chị kể chuyện rất chân thật, trần trụi nhưng không hề bị phô, ngôn từ có tính văn chương nhưng không hoa mỹ, sáo rỗng. Bài viết sử dụng rất nhiều hình ảnh minh họa, những sự liên tưởng cùng các phép ẩn dụ, so sánh khiến nội dung cuốn hút và sinh động. Chưa kể, trải nghiệm của chị rất chấn động và dữ dội nên càng làm tăng cường sự chú ý của người đọc. Những gì chị viết có nội lực lớn khiến em nổi da gà nhiều lần trong quá trình theo dõi.

    3. Bài viết có nhiều đúc rút, chiêm nghiệm sâu sắc ở nhiều tầng lớp: Tâm thức con người, thái độ sống và cách vận hành của cuộc sống. Những gì chị viết ra đều minh chứng cho việc chị thật sự đã đi qua được vũng sình lầy của cuộc đời. Em xin được chúc mừng chị.

    Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc chị dồi dào sức khỏe và niềm vui sống.

    Thân mến,
    Vũ Thanh Hòa

  6. Tiền đắng hậu ngọt, này thực là mĩ tửu. Lửa khổ đau đốt cháy tất cả những gì yếu đuối để còn lại chỉ là thứ mà đau khổ chẳng thể làm gì đc.

  7. Cảm ơn bạn vì bài viết rất tuyệt vời!
    Bạn có khả năng diễn đạt rất tốt, rất có năng khiếu văn chương. Thử đọc lại đoạn này xem “Tôi uống từng ngụm biến cố để chuếnh choáng say trong dư vị thăng trầm, hằng mong mình có thể chấm dứt lối mòn khô khan của khổ đau. Nhưng nỗi buồn thương là cái cây không có vòng tuổi, tôi vĩnh viễn không bao giờ còn ngây thơ như trước nữa.”
    Mình đọc mà cảm thấy hơi nổi da gà vì những cảm xúc trong đó. Thật sự là rất “đi vào lòng người”
    Tuy nhiên nếu có thể mình muốn nghe chi tiết thêm tí về chuyện bạn tha thứ cho mẹ, đón bà ấy về nhà và phản ứng của bà ấy thế nào? Cả tình trạng của ba và anh trai bạn nữa.
    Góc độ cá nhân, mình tin bạn giống như một cái cây con qua nhiều sóng gió đã bắt đầu nở hoa và sinh quả ngọt. Mọi biến cố trong quá khứ không gì khác ngoài điều kiện cần và đủ để cây ấy có thể trưởng thành mạnh mẽ nhưng vẫn an nhiên như lúc này.
    Bạn thật can đảm và đáng ngưỡng mộ!

    • Chào Phi Tuyết.
      Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết của mình.
      Thựa ra, 3000 từ là số lượng khá hạn chế để mình có thể kể tường tận những gì đã diễn ra ở bên ngoài và bên trong tâm thức của mình – trong 30 năm qua. Có những trải nghiệm, mình đã phải lược đi.
      Về những gì mà bạn thắc mắc:
      – Chuyện tha thứ cho mẹ: Mình có tâm sự với mẹ về chuyện ngày xưa mẹ đối xử với mình như vậy và mình đã bị tổn thương như thế nào. Thật ngạc nhiên là: bà phủ định hoàn toàn chuyện đó và coi việc quát tháo hay đánh đập mình là một điều hết sức bình thường.
      Bạn biết không? Khi trưởng thành, mặc dù rất đau khổ và thù ghét mẹ, nhưng lý trí của mình vẫn liên tục thúc giục mình PHẢI tha thứ cho mẹ. Đó là lý trí nói vậy, nhưng tha thứ là một hành trình cần rất nhiều sự chuyển hóa từ bên trong, mới có thể hoàn thành con đường từ suy nghĩ, nhận thức, rồi dẫn tới hành động tha thứ. Và mình đã mất 10 năm để tha thứ được cho mẹ. Điểm khởi đầu và cũng là điểm khó khăn nhất, đó là tha thứ cho chính mình và thời khắc đã xảy ra điều không như ý đó. Đây là giai đoạn rất giằng xé, đầy mâu thuẫn và nhiều người thường bỏ cuộc ngay lại đây. Mình phải học cách yêu thương cái thời khắc mà mình căm ghét. Rồi từ đó mới làm đầy yêu thương và bình yên ở bên trong nội tâm mình. Có được nội lực rồi mình mới trải rộng tấm lòng đó đến những người xung quanh, rồi đến người mà mình khó tha thứ nhất, đó là mẹ.
      Khi tâm thức mình đã chuyển đổi, thì hành động bên ngoài sẽ theo đó mà diễn ra một cách tự nhiên và tất yếu. Ngay cả khi người làm tổn thương mình không hề thừa nhận điều đó cũng không còn ý nghĩa nữa. Điều quan trọng nhất là mình đã bước qua được những giày vò về chuyện cũ và người xưa để sống thanh thản, hãnh tiến.
      – Về anh trai mình: Một trong những sai lầm của mẹ đó là đã bao bọc nuông chiều anh quá nhiều. Chính điều này đã tước đi của anh cơ hội được vấp ngã và trưởng thành. Biến cố xảy ra, anh mới nhận ra là mình thiếu đi cái sức mạnh cần có để đương đầu với nghịch cảnh. Nhiều năm về sau khi gia đình ly tan, nhất là từ khi mình rời xa gia đình, anh mới có cơ hội để học lại từ đầu những bài học của mình. Tuy rất chật vật, nhưng tin mừng là sau thời gian trượt dài, anh đã đứng vững trên con đường của mình. Tuy có chậm chạp hơn mọi người, nhưng anh vẫn đang cố gắng để tiến về phía trước.
      – Về bố mình: Chà, đây là một người đàn ông mình không nhắc nhiều đến trong bài viết này, nhưng bố chính là người giàu yêu thương và nhân ái nhất. Sau tất cả, bố vẫn chọn bao dung như là một điều đẹp đẽ cần phải có trong cuộc sống gia đình. Mình đã tiếc rằng tuổi thơ đó của mình không có nhiều ngày được ở bên cạnh bố. Bố đi công tác liên miên, cũng vì lo mưu sinh cho cả gia đình, cho cả 4 miệng ăn. Nếu có bố ở nhà, nhất định bố sẽ bảo vệ mình và mình sẽ không phải lớn lên như thế.

      Mình ít khi nói về bản thân. Mình khá kín tiếng và sống hơi ẩn dật. Mình kể câu chuyện (rất khó để chia sẻ) này ra, là để nắm lấy đôi tay của những bạn đang phải chật vật sống từng ngày như mình đã từng. Vì mình hiểu mình đã khổ sở như thể nào để bước qua. Mình mong các bạn ấy sẽ sớm tìm ra được ngọn lửa cho chính mình, để sống vẹn nguyên và huy hoàng trong những ngày sắp tới.

      Thân mến! 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,910Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI