Ảnh: Trí Tín
Vấn đề thứ hai: Lực lượng công nhân (2)
Nền giáo dục nước ta đang bộc lộ khá nhiều bất cập, từ những vị chỉ huy lèo lái không có la bàn, đến những người công nhân chỉ cốt trục lợi cho bản thân mà mặc kệ hiệu quả công việc, và bây giờ, lại một vấn đề nan giải khác của Giáo dục, đó là chế độ đãi ngộ với nhà giáo – những người thầy của chúng ta.
Khác với những người kia, họ làm việc bằng một thái độ hoàn toàn khác. Những người làm nghề giáo vì “cái tâm”. Đối với kẻ có tâm, ấy không phải là công việc, ấy là một phần cuộc sống. Và giáo dục chúng ta thì không thể trông đợi gì ở đám vô tâm kia nữa rồi, chỉ còn lại số ít này, theo tôi, là xứng đáng với nghề, là còn có thể cậy nhờ trùng tu nền giáo dục. Đáng tiếc, chúng ta lại mù quáng quên mất điều đó. Do vậy, trong bài viết này, tôi lại phải nhắc về câu chuyện quen thuộc của ngành giáo dục bao lâu nay. Sự bất công “đáng trách” mà những người có tâm phải đương đầu.
Khó khăn thứ nhất: Thiếu sự ủng hộ từ gia đình, người thân
Ai cũng nói “dạy học” là một nghề cao quý, thế nhưng, có nhiều vị phụ huynh biết được con mình thi trường sư phạm đã lập tức làm ầm lên, cực lực phản đối. Thực tế đó đã mở ra viễn cảnh phũ phàng cho các bạn nuôi mộng gõ đầu trẻ, và cũng cho tất cả những ai hy vọng về một thế hệ người thầy tận tâm. Chưa kể có những ông bố bà mẹ, khi các bạn đã vào nghề, thậm chí còn đang đi học, thay vì bảo ban đạo làm thầy lại hướng họ vào tiền bạc, chức vụ,..
Hay cực đoan hơn, coi con là chân trong để sau này nhờ vả. Thực sự, tác động tiêu cực từ gia đình đã khiến bao “thầy cô tương lai” chết mòn ngay từ trong trứng nước. Tại sao lại vùi dập sư phạm, trong khi chính họ cũng có ngày hôm nay nhờ sư phạm? Tại sao lại lợi dụng kiếm chắc, để rồi lợi ích nhóm nuốt chửng lợi ích cộng đồng?
Một nghề cao quý nhưng nay đã bị chèn ép thành tầm thường.
Khó khăn thứ hai: Học sinh, phụ huynh thiếu tôn trọng
Đứng lớp, họ phải đối diện với những rắc rối đáng sợ – cơn thịnh nộ “học sinh”. Học sinh Việt Nam ngày nay dường như chẳng còn biết đến sự tôn trọng tối thiểu với người đối diện. Nếu cần, thậm chí các bạn sẵn sang mang cái “tôi vĩ đại” ra để mà làm mình làm mẩy, để đối chọi lại. Bất kì ai, đứng trên bục, đều không thể chịu đựng được cái thái độ đầy thách thức dưới kia. Các em trở thành ông chủ của các thầy cô vậy, thích thì “bật”, thích thì vứt cho cái nhìn “thích làm gì thì làm”, thích thì “tao đéo cần” rồi ra khỏi lớp..
Tất nhiên, để có cái nhìn khách quan ta cần phải xem xét cả hai phía, nhưng thực sự với cách cư xử “tức nước vỡ bờ” thiếu suy nghĩ này, trường hợp để có lí do ủng hộ là rất rất ít. Một sự xúc phạm nghiêm trọng với truyền thống, lịch sử, văn hóa nước ta. Một sự rẻ rúng thương hại, bố thí cho người thầy từng chút tôn trọng. Hậu quả là đương nhiên, chẳng còn ai lại đi học hỏi người mà mình căm ghét, coi thường.
“Sai lầm của kẻ đi học là không biết chọn thầy, sai lầm của người làm thầy là dạy nhầm kẻ không muốn học” – Ambitious Man
Họ bị học sinh khinh nhờn. Họ bị phụ huynh “đánh ghen ngược”!!!
Trong suy nghĩ nhiều bậc phụ huynh, giáo viên thực chẳng là gì. Nhiều người thấy họ dạy dỗ con mình không được như ý muốn là lập tức đổ lỗi và chỉ trích các thầy cô. Thật lạ một điều, ai cũng nhờ các thầy cô dạy bảo con mình nên người, nhưng kết quả chung mang lại thì phải giống với ý họ, thay vì hợp tác, việc này lại giống với hợp đồng hơn. Phụ huynh là ông chủ, sai bảo nhân viên của mình phải đào tạo ra những sản phẩm như này, như kia, để hàng tháng phát lương cho họ. Và nếu sản phẩm không đạt tiêu chí, chắc hẳn giáo viên sẽ bị quở phạt. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay và vẫn chưa có điểm dừng, khi mối quan hệ giữa giáo viên – phụ huynh trở nên mất cân bằng, chất lượng giáo dục đã bị ảnh hưởng rõ rệt.
Đó là thái độ kẻ mang ơn được dạy dỗ và nhờ dạy dỗ?
Khó khăn thứ ba: Dư luận viên – những kẻ phán xét
Hãy thử hồi tưởng lại mà xem, vốn là một nước có văn hóa trọng học vấn, từ xưa đến nay, chưa bao giờ vị trí người thầy lại bị hạ thấp đến thế. Xã hội luôn sẵn sàng công kích các thầy cô bằng đủ mọi ngôn từ, sự châm chích ấy quá đỗi “công hiệu”, đủ sức thổi phăng mọi nỗ lực bám trụ với nghề của bất kì ai. Các nhà giáo phải chịu những điều tiếng không hay từ chính những người mình đã dạy dỗ từ khắp mọi nơi, ở đường, trên bục..
Thậm chí ngay cả trên mạng, đám học trò cũng không buông tha. Nực cười! Cứ hô hào cải cách giáo dục rất kêu, rất mạnh nhưng tôi thấy ngay từ cái thái độ với giáo dục, đầu tiên là với thầy cô đã chẳng có gì cải thiện rồi. Giáo dục đi xuống, xã hội cũng ngoảnh mặt luôn với các thầy cô, trong khi đấy đâu phải do mỗi họ gây ra? Cái sự chịu đựng của người trong nghề, sự ngám ngẩm của người sắp vào nghề, cứ như ngày một to ra. Đối xử giáo viên thế mà cũng đòi cải cách giáo dục tiến bộ.
Tôi cho rằng không thể. Giáo dục không thể không dựa vào những người đó, nhưng ta lại “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, vậy nó đi lên kiểu gì? Như tôi đã nói, không ai đi dạy mà lại chịu được học sinh xấc láo, phụ huynh coi thường, và cái búa rìu dư luận cứ chực chờ để ai thò ra vụ gì là “chặt chém”. Chừng nào còn “bóc lột giáo viên”, chừng đó còn “nghèo tâm huyết”. Lực lượng “công nhân giáo dục” mà đã “nghèo tâm huyết” thì khó mà cải cách được, đừng nói tới “cách mạng giáo dục”. Ấy là cách nhìn của tôi về sự hà khắc với thầy cô vậy.
Ở một nơi mà người ta không cho rèn người bằng đe búa, nghệ nhân nào có thể tạo ra được những hiền tài sắc bén?
Khó khăn thứ tư: Những áp lực của “sếp”
Điểm qua, ta có thể thấy các giáo viên Việt Nam “được trọng đãi” như nào, từ gia đình, học sinh, phụ huynh cho tới toàn xã hội,… Chưa dừng lại ở đó, ngay cả cấp trên của họ cũng không “nhẹ nhàng” chút nào. Bộ giáo dục, hay tôi còn gọi là “Hội kiến trúc sư giáo dục”, gồm những con người định hướng, lèo lái cả ngành nhưng lại giao “bài tập về nhà” cho các công nhân của họ một cách phi khoa học, phản giáo dục.
Ai cũng biết cái đích của giáo dục con người là đào tạo ra nhiều “người”, nhưng ở Việt Nam ta, giáo dục lại không đi theo cái đích đặt ra ấy. Hệ quả gây ra đối với các thầy cô là những áp lực đè xuống đôi vai họ. Thực sự, “bài tập” này là quá sức! Vì chạy đua chỉ tiêu đề ra, họ dạy trên lớp cốt mong đủ chương trình, thậm chí “vắt chân lên cổ” mà chạy.
Chẳng có gì khó hiểu khi học sinh của ta lạ lẫm với câu hỏi: “Tại sao?” Khi mà mọi thứ trôi qua quá nhanh, đọc đủ – chép đủ, giảng đủ – nghe đủ đã là cố gắng lắm rồi, nói gì đến giải đáp thắc mắc học sinh. Đã vậy, năm nào cũng được giao kha khá thành tích “phải” đạt được, nếu không sẽ bị phạt, các thầy cô còn biết làm thế nào nữa. Phải bày cách làm, ôn tủ, “luyện công”… Bằng bất cứ giá nào, kể cả lách luật dạy thêm ngoài giờ, cũng phải cố mà nhồi nhét vào đầu học sinh đống đề thi, khi thi còn có cái mà chép. Điểm số, giấy khen, bằng cấp. Vâng, chỉ bằng mấy thứ vớ vẩn ấy mà họ có thể khuất phục được một đứa trẻ háo hức tìm hiểu thế giới, làm chúng không còn biết tò mò nghĩa là gì.
“Giáo dục” có còn là “giáo dục”? Áp lực khủng khiếp từ trên dồn xuống còn khiến quỹ thời gian của giáo viên eo hẹp dần, nếu dạy học là một nghề, vậy khi những người công nhân khác nghỉ ngơi, khi bác nông dân bật TV xem thời sự, ông giám đốc đọc báo,.. Thì giáo viên, lại phải căng đầu ra mà lo nghĩ cho công việc ngày mai, ngày kia, ngày kìa.
Ông chủ bóc lột. Xã hội làm ngơ.
Khó khăn thứ năm: Cơm, áo, gạo, tiền…
Thiệt thòi đủ đường là thế, giáo viên còn không có cái quyền cơ bản của một công nhân cống hiến cho xã hội. Ấy là quyền được tăng lương. Nghe sao mà chua xót. Vì cái nghề dạy học là nghề cao quý, nên giáo viên cũng phải cao quý cực kì, thậm chí, là thánh nhân. Những thứ vật chất tầm thường quá là bẩn thỉu với họ, chúng ta có quyền để mặc họ với vài đồng bạc rách. Cũng chẳng sao? Chính sách đã thế, giáo viên còn biết sao nữa, ngoài cách bán rẻ tài năng của họ ra thị trường “chợ đen”.
Lớp học thêm, lò ôn luyện. Bởi thế, áp lực đi học của học sinh cũng tăng dần theo cái áp lực đi dạy của thầy cô. Tạo nên vòng luẩn quẩn cho toàn ngành. Tiền hàng tháng đã còi cọc, ngay cả tiền thưởng cũng chẳng khá hơn, nhiều giáo viên vùng cao còn chẳng biết “thưởng” là gì. “Lương giáo viên” – sự bất công cuối cùng mà tôi muốn viết. Nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để, thì e càng cải cách, giáo dục chỉ càng loanh quanh.
Một công trình muốn đạt tới đẳng cấp thế giới, nhất thiết phải trông mong ở kẻ làm công. Thế nhưng, xây cái cột trụ giáo dục ở nước ta lại không như thế, giữa người tâm huyết với kẻ thờ ơ ranh giới cứ mờ dần, người ta không còn biết ai xứng làm “thầy” mình nữa rồi. Cao quý cũng trở nên tầm thường và ngược lại, vậy còn ai muốn dốc lòng cho sự nghiệp khi mà bản thân lại cứ bị đánh đồng, bị đối xử như kẻ có tội?
Trong bốn lực lượng góp mặt vào hệ thống giáo dục Việt Nam, tôi đã nói đến Bộ Giáo Dục – những kiến trúc sư, giáo viên (có cả xứng đáng lẫn không xứng đáng) – công nhân giáo dục, bài viết tới tôi sẽ nói về các vị phụ huynh của chúng ta, với danh xưng tương ứng vị trí của họ trong hệ thống. Đặc biệt, nếu với các kĩ sư vẽ ra bản thiết kế sai, định hướng sai, công nhân người không xứng thì làm việc hỡ hững, kẻ xứng đáng lại bị rẻ rúng coi thường, thì với các vị phụ huynh, vấn đề của họ liệu sẽ ở đâu?
Ambitious Man
Các bài viết cùng chuyên mục: