28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cỗ máy thời gian, giấc ngủ và những chuyến phiêu lưu kỳ thú

(1552 chữ, 6 phút đọc)

1. Cỗ máy thời gian

Đôi khi cồng kềnh như mô tả của nhà văn Huỳnh Dị thông qua tác phẩm Tầm Tần Ký, đôi khi lại nhỏ gọn như những gì được trình bày trong Project Almanac, một bộ phim khoa học viễn tưởng. Hầu hết mọi người nghĩ rằng cỗ máy thời gian là một khối kim loại phức tạp với vô số những sợi dây dẫn điện đủ màu sắc. Đó là cái giá phải trả khi chúng ta sử dụng hai từ “cỗ máy.”

Thật ngớ ngẩn nếu chỉ cố gắng tập trung vào mảng công nghệ để rồi quên lãng những chất liệu “sự sống” hay thậm chí là “vô hình.” Rõ ràng máy móc được tạo ra bởi sự sống và sự sống thì hình thành dựa trên nền tảng của một thế lực vô hình nào đó. Tuy nhiên, khoan hãy nói về một cỗ máy thời gian như vậy. Tôi vẫn thích phiên bản do Fujiko Fujio sáng chế, trong Doraemon, chú mèo máy đến từ tương lai.

Khoa học vốn dĩ chẳng sâu xa. Cỗ máy thời gian là thứ có khả năng đưa chúng ta quay trở về quá khứ hoặc đi tới tương lai. Đây chính là khái niệm đơn giản nhất.

2. Quy luật chung của toàn thể vũ trụ

Từ những hạt nguyên tử không thể nhìn thấy bằng mắt thường cho đến con kiến lửa bé tí ti, từ nhân loại cho đến hệ Mặt Trời rộng lớn, từ dải Ngân Hà mênh mông bát ngát cho đến một vũ trụ kỳ bí chưa tìm ra điểm giới hạn. Cái gì mà chẳng đi tới tương lai?

Tất cả mọi thứ đều đang chuyển động, đó là hiện tại và cũng là tương lai. Sẽ rất buồn cười nếu một nhà khoa học tài ba cố gắng phát minh ra một thiết bị giúp ông ta thi hành một điều không tưởng trong khi ông ta vẫn đang thực hiện nó mỗi ngày. Hôm nay là tương lai của ngày hôm qua và ngày mai chắc chắn là tương lai của ngày hôm nay, không cách nào chối cãi. Cho nên, tôi xin phép được bổ sung vào phần định nghĩa: Cỗ máy thời gian là thứ có khả năng đưa chúng ta quay trở về quá khứ hoặc đi tới tương lai trong một quãng thời gian ngắn hơn quy luật chung của toàn thể vũ trụ. Tức là chỉ cần tiêu tốn từ một sát na (khoảng 1/74.000.000 giây) đến 11 tiếng 59 phút 59 giây 73.999.999 sát na để di chuyển từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối (12 tiếng). Nhanh hơn ít nhất một sát na.

Vấn đề nảy sinh: Bạn có dám chắc chắn rằng mình đã trải qua 12 tiếng đồng hồ để di chuyển từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối?

Câu trả lời là không. Thời gian luôn khác biệt đối với từng cá nhân, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cảm xúc, tâm trạng và danh sách những việc cần phải làm. Giờ, phút, giây bất quá cũng chỉ là vài đơn vị đo lường do con người bày ra dựa theo quy tắc chung của toàn thể vũ trụ mà tôi vừa nêu trên. Bởi vậy mới có kẻ sống tới 105 tuổi lẻ rồi bất chợt thở dài ngao ngán: “Cuộc đời này ôi sao thật ngắn ngủi?”

Tôi tin rằng bậc tạo hóa đã cấy ghép một thứ gì đó hoạt động tương tự như cỗ máy thời gian vào sâu bên trong cơ thể loài người. Tuy nhiên, việc trải nghiệm từng khoảnh khắc để đi tới tương lai không phù hợp với khái niệm “du hành thời gian” mà chúng ta mong muốn.

Đừng lo lắng, thay vì thiết kế một cỗ máy thời gian, tôi đã phát hiện ra nó.

3. Giấc ngủ

23 giờ 16 phút, tôi phải đi ngủ vì ngày mai có một cuộc hẹn quan trọng vào buổi sáng và bản thân thì đang cảm thấy rất háo hức. Ôm lấy tấm chăn ấm áp, thả lỏng cơ thể, nhắm nghiền hai mắt, hít thở đều, một, hai, một, hai,…

Tiếng chuông báo thức, ánh nắng dịu dàng, hiện tại là 7 giờ 30 phút của ngày hôm sau. Cái quái gì vậy? Tôi đã đến tương lai, đã di chuyển 8 tiếng 14 phút đồng hồ mà chỉ tiêu tốn khoảng 15 đến 20 phút để cơ thể thật sự chìm sâu vào giấc ngủ. Đây chẳng phải là cơ chế của cỗ máy thời gian hay sao? Không hẳn, vẫn còn tồn tại nhiều nghịch lý…

Tôi nhất định sẽ tìm ra cách lý giải thỏa đáng.

4. Giấc ngủ dài bao lâu?

“8 tiếng chuẩn mực” hay “45 phút ngắn ngủi”? Không có câu trả lời hoàn hảo, xin đừng lấy ba cây kim nhọn hoắt gắn trên chiếc đồng hồ treo tường ra làm thước đo thời gian. Tại sao giấc ngủ dài 8 tiếng tựa hồ như tích tắc? Tại sao 45 phút nghỉ trưa đôi khi dài khôn tả? Vấn đề nằm ngay đây. Giả sử bạn đi đến tương lai sau đó 45 phút bằng giấc ngủ nhưng tận sâu trong tiềm thức lại cảm thấy bản thân vừa mới trải qua một quãng thời gian dài vô tận. Điều này tôi đã từng không ít lần gặp phải, nhất là khi thiếu ngủ trầm trọng.

Lý giải: Độ dài của giấc ngủ cũng giống như quãng thời gian mà cỗ máy tiềm ẩn trong cơ thể vận hành. Nếu tình trạng sức khỏe hoặc tinh thần của chúng ta không được ổn định, chẳng nhiều thì ít, cỗ máy kia nhất định gặp vấn đề. Bạn biết đó, con người và máy móc giống nhau ở điểm này, đã trục trặc thì khó bề làm việc hiệu quả.

Ý kiến cá nhân: Nâng cao sức khỏe và kiểm soát tinh thần sẽ góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ loài người tiếp nhận cỗ máy thời gian một cách tốt hơn, thậm chí còn có thể nâng cấp, phát triển nó.

5. Những chuyến phiêu lưu kỳ thú

Giật tít vậy thôi, tôi đang nói đến những giấc mơ.

Sự hiện diện của những giấc mơ là một phần không thể không bàn tới. Nó đôi khi chen ngang và kéo giãn thời gian vận hành của giấc ngủ. Bản thân tôi từng mơ thấy vài sự kiện dài ngày (có khi lên đến hơn một tuần) chỉ trong một giấc ngủ bình thường, cho nên mới gọi là “những chuyến phiêu lưu kỳ thú.” Phải chăng cỗ máy thời gian tiềm ẩn kia đang trình chiếu một bộ phim để chúng ta có thể “giải trí” xuyên suốt hành trình di chuyển đến tương lai?

Lý giải: Tôi hoàn toàn ủng hộ hai khái niệm, “linh hồn” và “đường hầm thời gian” ngoại trừ phần thể xác bằng da bằng thịt, con người còn có linh hồn. Khi ngủ, linh hồn được vận chuyển vào đường hầm thời gian, chạy dọc theo quy luật chung của toàn thể vũ trụ, nhanh chóng đến tương lai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, linh hồn vẫn có thể đi lệch khỏi quỹ đạo thông thường, ghé thăm một chiều không gian khác, ngược dòng về quá khứ hoặc gia tốc tới tương lai (liên kết với hiện tượng Deja vu.) Như vậy, đường hầm thời gian chắc chắn không phải là một cái ống hai chiều dài vô tận mà là một khoảng không gian đa chiều rộng mênh mang bởi lẽ chúng ta dẫu có mơ bao nhiêu giấc thì cũng phải quay về quỹ đạo ban đầu và tiếp tục hành trình cho đến khi thức dậy. Điều đó cho thấy, mọi ngã rẽ trong đường hầm thời gian đều tồn tại ở những vị trí rất gần nhau.

Ý kiến cá nhân: Hãy dùng lý trí can thiệp vào những giấc mơ, cố gắng ghi nhớ chúng và xử lý thông tin một cách hiệu quả, áp dụng vào đời sống hiện tại lẫn tương lai.

6. Củng cố luận điểm

Đã bao giờ bạn thắc mắc về những bậc thánh hiền thuở xa xưa? Làm cách nào họ có thể biết rõ quá khứ, tiên đoán tương lai và sống một cuộc sống vĩ đại như thế? “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý?”

Tôi lại nghĩ rằng thông qua việc tôi luyện bản thân, họ đã giác ngộ và nắm được cách vận hành cỗ máy thời gian mang tên “giấc ngủ.”

Trước đây, không ai tin một người sống ở Hà Nội có thể xuất hiện giữa Sài Gòn trong vòng một nốt nhạc. Hiện tại thì sao? Chỉ cần truy cập ứng dụng Messenger, tìm kiếm một người bạn Sài Gòn và gọi video trực tuyến cho người ấy, cách thức đơn giản. Vác xác đi khắp nơi không hẳn là cách di chuyển duy nhất. Đôi khi, thân hình vài mươi cân mà não bộ chúng ta đang điều khiển chẳng thể nào “lách qua khe cửa hẹp.”

Cho nên: Hãy dùng trí tuệ làm những điều không tưởng!

Tác giả: Võ Trọng Gia

*Featured Image: kellepics

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI