Lại một kỳ thi đại học, ngày mai các sĩ tử sẽ thi môn đầu tiên. Trong cái tiết nóng bức tháng bảy, quả là một sự gian khó đối với họ. Hôm nay đi làm thủ tục cho các thí sinh, nhìn thấy các em lớn hơn, khôn hơn, mạnh dạn hơn mà thấy mừng.
Buổi chiều, một đồng nghiệp nói: “Thí sinh bây giờ bạo dạn quá anh ạ, chẳng giống mình ngày xưa, vào phòng thi nhìn thấy giám thị rất sợ, cứ mơ ước được bước chân vào giảng đường đại học và được một lần làm giám thị.” Br đáp: “Như thế là tốt mà em, chứng tỏ xã hội ngày càng phát triển, học sinh bây giờ trưởng thành hơn các thế hệ chúng ta”.
Miệng nói vậy nhưng trong lòng chợt thấy thiêu thiếu một cái gì đấy, rất mơ hồ, rất khó tả nhưng rất thật.
Ngày xưa, những thí sinh ở quê xa, đi thi đại học vất vả lắm. Vất vả từ việc đi lại, ăn ở ngủ nghỉ, đến việc thiếu hụt kiến thức. Sách vở hồi ấy ít quá, các trường lại tự ra đề nên lúc nào cũng ở trạng thái nơp nớp lo, vì không biết đề ra kiểu gì, dạng này mình đã được học chưa,… Đề thường có câu 5.b. rất khó, dành cho thí sinh nào thực sự giỏi mới làm được.
Bây giờ, đề có sẵn, đáp án có sẵn, thí sinh chỉ cần nhớ chứ không cần tư duy, suy luận. Tiêu chí ra đề là học lực khá sẽ làm bài được. Thế nên chẳng biết là mừng hay vui, khóc hay cười.
Nhìn thấy lớp trẻ bây giờ thiếu nhiều quá: Thiếu tư duy sáng tạo trong học tập; thiếu sự tìm tòi khám phá điều khó, điều mới; thiếu các kiến thức về lịch sử, xã hội; và nguy hiểm nhất là không có thói quen đọc sách.
Nhìn cách hành văn của các em mà buồn, vì nó khô khốc và vô cảm. Lịch sử, văn học có trong đầu các em ít quá. Giáo dục bây giờ chỉ chạy theo thành tích, mục tiêu đi học chỉ cần đậu đại học, còn việc hoàn thiện tri thức hầu như không được quan tâm.
Ngày trước, trừ các trường chuyên tỉnh có tỷ lệ đỗ đại học còn cao. Còn trường cấp 3 ở huyện chỉ được một vài người, năm nào nhiều cũng chỉ dăm bảy người. Chính thế mà cái từ “đại học” cao lắm, xa lắm, mơ ước lắm. Có câu vè của tử sĩ: Cổng trường đại học cao vời vợi. Mười chú trèo lên chín chú rơi.
Bây giờ nhà nào cũng có con đi học đại học, các trường THPT có hàng trăm học sinh đỗ đại học mỗi năm. Không đỗ chính qui tại các trường có tiếng thì vào học dân lập, kiểu gì chả là sinh viên. Nhớ năm ngoái, có thí sinh thi được 8 điểm/3 môn cũng có giấy gọi trúng tuyển vào đại học. Thương thay!
18 năm trước, tại cổng trường THCS Nguyễn Trãi trên đường Khương Trung, một thằng bé nhà quê lũn cũn bước vào. Bảo vệ đuổi ra và nói: “Đi về, đi về, nghỉ hè còn đến trường làm gì. Không thấy người ta tổ chức thi đại học à, ai cho vào trường mà vào.”
Phải định thần mấy phút, thằng bé mới biết nguyên nhân người ta không cho vào, và cũng phải suy nghĩ mấy phút, thằng bé mới lập cập mở cái cặp rách mép lấy giấy báo thi, hai tay run run đưa cho bảo vệ: “Thưa chú….thưa….cháu đi thi ạ.”
Mấy người bảo vệ tròn xoe mắt, đọc đi đọc lại cái giấy báo thi và nhìn khuôn mặt non choẹt của thằng bé trước khi cho vào. Nó còn nghe câu nói với theo “Con cái nhà ai bé tý thế mà đã đi thi đại học nhỉ.”
Chắc mấy người bảo vệ nghĩ thằng bé là học sinh cấp 2. Mà họ nghĩ thế cũng phải. Khi vào đại học, đi khám sức khoẻ, con số hiện trên bàn cân là 38,5 kg.
Hôm nay, tại một phòng thi đại học, sau khi làm các thủ tục, phổ biến qui định, nội qui, kết thúc bằng câu nói quen thuộc: “Thay mặt Hiệu trưởng nhà trường, Chủ tịch hội đồng tuyển sinh, tôi nhiệt liệt chào mừng các em đã đăng ký tham dự kỳ thi đại học. Chúc các em bình tĩnh, tự tin, làm bài tốt và trở thành sinh viên của trường…”
Sau một loạt vỗ tay, chút hoài niệm của 18 năm trước dội về. Thằng bé thấy cay cay nơi khoé mắt!
Tác giả: Baron Trịnh
*Featured Image: congerdesign
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2