Em ngồi. Bên ly cafe Capuchino còn nóng hổi, phả hương ngọt ngào lướt nhẹ qua cánh mũi em. Em hít một hơi, mắt nhắm khẽ, thả mình vào chiều Hà Nội mát mẻ hiếm hoi. Em đã huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời, mặc tôi chúi đầu vào cuốn sách cũ của Alan Phan, thỉnh thoảng có đẩy nhẹ gọng kính và “ừ” một cái để tỏ ra rằng tôi vẫn đang lắng nghe câu chuyện của em, chứ không vô hình. Tôi biết em đang ôm mớ bòng bong không tài nào tháo gỡ. Tôi hiểu vấn đề của em hơn chính bản thân em.
Tại sao em lại sống cuộc đời thế này nhỉ, em mới chỉ hai mươi…
Tôi liếc nhìn đồng hồ. Mất chính xác đến 2 tiếng 36 phút cho những chuyện đâu đâu, em mới có can đảm để trải lòng. Cô bé của tôi thường ngốc, và tiêu tốn nhiều thời gian vậy đấy. Tôi đặt nhẹ cuốn sách xuống bàn, đẩy gọng kính lần nữa, mắt nhìn thẳng em:
— Nào có chuyện gì, nói anh nghe.
— Haizzz – tiếng thở dài thườn thượt cuốn cả hương cafe theo – nhìn các bạn xem, bạn A đi du học rồi, bạn B cũng được nhận công ti này công ti nọ, bạn X ấy, hôm trước ra mặt một anh rõ đẹp trai, lại đi Audi cơ, nghe đâu bảo còn sở hữu chuỗi khách sạn lớn… Còn bao nhiêu bạn nữa, sao các bạn may mắn quá vậy anh? Em đâu có đến nỗi nào, mà sao em chẳng được bằng như thế.
Tôi cười, hỏi. Đối với cô bé của tôi, chẳng câu trả lời nào là thích đáng, nên biện pháp duy nhất là hỏi lại, chỉ có thế em mới biết tự vấn lại chính mình:
— Mục đích sống của em là gì?
— Ơ thì… Em ngừng lại, em định nói nhưng biết rằng những gì em nói sẽ bị tôi bẻ cong trong một nốt Đô trầm. Em ngập ngừng không thành tiếng.
— Mục đích cuộc đời của em – Tôi nhấn mạnh lại – là những thứ hào nhoáng, xa hoa, là có nhà, có xe, có học thức, có địa vị chỉ-để-trưng-diện thôi sao? Em vì sợ bị người khác khinh thường mình kém cỏi, và khao khát những thứ đó, chỉ để chứng tỏ cái tôi của mình, chỉ để người khác ngước nhìn thèm khát và tôn trọng em?
Mắt cô bé long lanh, đồng tử mở to hết cỡ. Trong đầu em đang là một mớ cảm xúc hỗn loạn bùng lên mà người châm ngòi nổ là tôi. Những lúc cảm xúc không ổn định là lúc người ta dễ bị nghe theo nhất. Tôi nhân cơ hội này mà tiếp:
— Bây giờ giả sử có hai con chim. Hai con cùng phải bay đến đích. Con thứ nhất bị quàng thêm vào cánh vài hòn sỏi còn con thứ hai thì không. Em nghĩ con nào về đích trước và bay cao hơn?
— Tất nhiên là con thứ hai… – Em lí nhí.
— Thì đúng. Một quy luật đơn giản vậy nhưng không phải ai cũng hiểu. Anh thấy bọn phát triển nó có thể tập trung tối đa nguồn lực khi nó muốn làm một cái gì đó, còn mình thì như con chim thứ nhất ấy, bao nhiêu thứ đeo nặng trên vai. Em có thấy em giống con chim đó không? Những hòn sỏi xung quanh cuộc đời em có thể là Xuất phát điểm khó khăn nên em phải dành nhiều thời gian kiếm tiền, nhưng cũng có thể là Mục đích, khát khao của em không thể vượt lên cao được, em còn nhìn thấp quá, còn sân si quá. Nó cũng có thể là cái tôi lớn, cái suy nghĩ manh mún, và tư duy quá ngắn cho cuộc đời em. Đó là lí do mà em dù là con chim chăm chỉ, vẫn dành cả thanh xuân chỉ để đập cánh là tà dưới đất.
— Anh không ham thơ, nhưng hồi Trung học anh đặc biệt ấn tượng với một câu thơ của Chế Lan Viên: “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Nếu mà em có cái giấc mơ quá cỏn con ấy, thì cả cuộc đời em cũng chỉ sống cỏn con như thế, mãi không lớn lao, hào sảng được. Anh cũng nghe nhiều giữa việc ước mơ và suy nghĩ viển vông, nhưng theo anh nghĩ ấy, giấc mơ là đỉnh xa nhất khi ta chiếu một ngọn đèn. Dù đường đi còn mù mịt, nhưng em đã định hình được nơi xa nhất mình có thể đi. Ngọn đèn chiếu tủn mủn, thì chỉ có nước em vừa đi vừa mò đường, và khả năng đi lạc rất cao.
Cô bé của tôi miệng méo xệch. Em bị hẫng khi chưa kịp bắt nhịp với những gì tôi nói, em lắc lắc cái đầu để tập trung hơn. Còn tôi thì bị thánh Alan Phan nhập khi vừa đọc được nửa cuốn sách của ông mà thấy hấp dẫn quá, nên lỡ lời tuôn cả mớ suy nghĩ đâu đâu. Tôi kéo sát ghế cạnh em:
— Để anh kể em nghe. Hồi anh đi làm thêm bồi ở Mỹ, anh thấy người Việt mình sao mà sân si và cái tôi lớn quá. Hai ông Việt cùng làm với nhau, mà chỉ vì ông này nhờ ông kia lấy hộ cái khăn, ông kia không làm, mà ông này nghĩ ngay rằng ông kia khinh mình, rồi để bụng. Lâu dần xích mích quen, lời qua tiếng lại và rồi không ai chịu ai, thành đánh nhau, và tình bạn thì tan thành mây khói. Em thấy có ai dễ chửi, và chửi hay như dân mình không. Ra ngoài đường va chạm xe, thay vì xin lỗi đàng hoàng lịch sự thì gào lên chửi nhau ngay được. Chẳng ở đâu mà chỉ vì một cái nhìn “đểu” người ta có thể đâm chém và cướp đi mạng sống của nhau. Em thấy có dở hơi không? Ngay ở trong môi trường văn phòng, em cứ thử để ý, mấy ông có tri thức cả rồi đấy, mà thỉnh thoảng nói xấu nhau vài câu, cái tôi bùng lên, lập phe lập phái đấu đá lẫn nhau. Bọn doanh nghiệp Tây Tàu tha hồ xâu xé miếng mồi thị trường ngon, trong khi mấy ông gà nhà thì còn đang mải vặt lông lẫn nhau. Buồn hết mức…
Em thấy không? Khi cái giấc mơ con, còn cái tôi thì lớn. Em bị chúng kìm lại. Ngày ngày em dành thời gian để lo những thứ đâu đâu, đâu có thời gian cho chính cái bản ngã của mình. Này nhé, em xem. Sáng em thức dậy đi học, em kể em đi học thì trốn cô ngủ cho qua tiết, đến kì thì cố sống cố chết cho qua môn. Đối với anh, học không phải là gánh nặng, anh hào hứng mỗi ngày trước khi đến lớp, vì anh biết hôm nay anh sẽ được tiếp thu kiến thức mới, một bậc trong nấc thang dài vô tận dẫn anh đến với kho tàng vô giá của nhân loại. Anh không sợ giáo viên hỏi bài như em, anh luôn chủ động hỏi lại giáo viên. Anh coi các bài thi là thử sức và điểm số là đánh giá năng lực bản thân. Chừng nào em còn coi việc học là gánh nặng, mà không, bất cứ việc gì, thì em còn hao mòn thời gian, tuổi trẻ, và có khi cả cuộc đời để chạy theo cái bóng của nó, rồi tự em lại thấy mệt khi không đuổi kịp, rồi lại sinh buồn, sinh nản, đó chính là cái “khổ” mà em vẫn thường nghe trong Giáo lý nhà Phật vậy.
Học xong em làm gì, em đi làm thêm. Em kể, em làm nhàng nhàng rồi đếm thời gian chỉ mong cuối tháng lãnh lương. Anh hỏi nhé, cũng là quãng thời gian đó em phải bỏ ra, sao em không cố gắng chăm chỉ một tí thôi, em coi như em vừa làm vừa được học, công việc gì cũng có cái để học, doanh nghiệp vừa được việc, em cũng vừa được việc, win-win. Còn hơn em ngồi chơi không, lãng phí nguồn lực. Mà cuối tháng lãnh lương, em có thấy xấu hổ với chính mình không? Đành rằng hoàn cảnh cũng như một hòn sỏi kìm sải cánh em bay, nhưng thay vì tận dụng nó, em đổ lỗi, hờn trách nó, cuộc sống của em cũng xoay xoay quanh cái cơm áo gạo tiền, lấy sức đâu em đầu tư cho chính mình?
Em còn kể, em ghét cái mụ làm cùng ca tối với em. Người đâu mà sai em làm hết việc này việc nọ, em không làm xong thì nói kháy nói móc, kiểu: Đơn giản thế mà không làm được à? Mang tiếng sinh viên, đầu óc không bằng con động vật. Em bực dọc, em khó chịu chỉ vì người ta động đến cái tôi của em? Em ghét lại người ta chỉ vì người ta tỏ ra không thích em? Em ơi, ghét qua ghét lại nhau hết nguyên một ngày. Đêm về thay vì dành đầu nghĩ về những giấc mơ, em nghĩ cách làm sao để bật lại bà quản lí, làm sao lôi kéo mấy bạn cùng làm nói xấu mụ ta cho bõ ghét. Em rước mệt vào người vì chính cái tôi của em quá lớn. Tại sao em không nghĩ, mụ quản lí đó đáng ghét vậy, nhưng nhìn khách quan bà ấy làm được việc, còn làm rất giỏi, em nên lấy đó làm tấm gương mà phấn đấu, thay vì gây thêm thù oán thì em nghĩ cách để nói với bả: Em còn non nớt, cần học hỏi nhiều và mong bà chỉ bảo. Đấy thấy không, em vừa thêm bạn, vừa bớt thù, lại học thêm nhiều điều mới. Và đêm về, em lại có chỗ cho những giấc mơ, thay vì những điều tủn mủn bực dọc không tên. Đó cũng lại là một trong những cái “khổ” em thường hay nghe vậy…
Tôi dừng, liếc đồng hồ, gấp cuốn sách và khẽ đứng dậy.
— Xin lỗi em, đến lúc anh phải đi rồi.
— Ơ… anh – Em vẫn còn đơ ra trước quá nhiều thứ cần nghe dồn vào một lúc. Khi tôi bước dần ra quán, em gọi với theo, ú ớ:
— Thế tại sao anh có thể bay, nhưng lại từ chối bay cao, và sống nhàn tênh như thế?
Tôi mỉm cười, vọng lại:
Khi em nhận ra chém gió cũng là một loại tài năng, em sẽ dành trọn thời gian cho nó. cười
Tác giả: Lyo Canty
*Featured Image: MK817