27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

“Ôm cây đợi thỏ” và “Hạnh phúc sẽ đến với người biết chờ đợi”

“Hạnh phúc sẽ đến với người biết chờ đợi.” – Tôi luôn rất tâm đắc câu này và luôn tin ý nghĩa của nó là chân thật. Nhưng cái mà tôi hoài nghi lại là cách chờ đợi.

Chợt nghĩ đến hình ảnh người vợ trong “Hòn vọng phu” – ôm con chờ chồng đến hoá đá. Không xét đến mối quan hệ phức tạp giữa hai nhân vật trong câu chuyện, chỉ đơn giản nghĩ họ là vợ chồng. Và xoay chuyển một tí về lý do người chồng bỏ đi – có thể xem như do một khúc mắc nào đó trong cuộc sống. Và một người ra đi không nói rõ lý do, người kia ở lại chờ đợi, có phải sự chờ đợi đó mang nhiều hoang mang và dằn vặt lắm? Và thay vì cứ lầm lũi nơi quê nhà chờ người đi chiến đấu quay về, thì tìm kiếm có phải cũng là một cách chờ đợi?

Bởi người ra đi hẳn đã có cho mình lý do để ra đi, những khúc mắc đó không thể nào biết được anh ta có thể tự giải quyết hay cần phải có hai người mới có thể tháo gỡ. Bản thân người đó không nhận ra hoặc chưa nhận ra, thì người ở lại liệu phải chờ đợi đến bao giờ với cái xác suất 50 – 50? Thay vào đó chủ động tìm gặp và xác nhận vấn đề để biết và lựa chọn cách giải quyết có phải sẽ bớt dằn vặt hơn?

Cũng cần phải nói tìm chưa chắc đã gặp, vì làm sao biết được người đi đến phương trời nào. Và cũng không biết phải tìm kiếm bao lâu. Nhưng ít nhất khi bắt đầu đi ta cũng đã có được 50% cơ hội. Và trong thời gian tìm kiếm, việc ta vẫn luôn nuôi giữ tình cảm cho người đó có phải cũng là một hình thức của chờ đợi? Chờ đợi cơ hội để cả hai có thể gặp nhau, và hàn gắn lại.

Và khi gặp được nhau, đã thấu hiểu được vấn đề nhưng làm hết mọi cách vẫn không giải quyết được, lúc đó lại cần tiếp tục chờ đợi. Chờ người hồi tâm chuyển ý, chờ đợi thời gian sẽ cho người – và cả cho ta – thêm hiểu biết để nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, và có cách thức giải quyết khác.

Nhưng trong lúc đó ta vẫn chỉ ngồi im thì liệu người có hồi tâm chuyển ý? Cũng giống như một người đang giận và người kia dù muốn làm hoà cũng không làm gì, thì biết chờ bao lâu cho cơn giận kia nguôi ngoai? Hay nếu như người giận cũng đang chờ ta bước đến làm hoà thì việc im lặng đó có phải đã làm mất đi 50% cơ hội hàn gắn?

Cũng có khi người cần thêm thời gian để tự suy ngẫm lại vấn đề, thì đó là lúc ta nên im lặng chờ đợi, cho người không gian riêng, và tôn trọng quyền tự quyết. Nhưng một lần nữa, “im lặng” đó không có nghĩa là không làm gì cả. Giả như cả hai người đều không xác nhận với nhau về việc “cần được chờ đợi” và “sẽ chờ đợi” thì người cần suy nghĩ liệu có còn tiếp tục nghiêm túc suy nghĩ khi cứ hoang mang “liệu có ai chờ mình?” Hay người “sẽ chờ đợi” liệu là chờ đợi cái gì đây khi mà việc người kia có nghiêm túc suy nghĩ hay không lại là vấn đề xác suất 50 – 50?

Chờ đợi là một hành động có mục đích, có đối tượng. Cũng giống như anh chàng trong câu chuyện “Ôm cây đợi thỏ”, mục đích của anh ta là CÓ được con thỏ, một đối tượng hoạt động, vì vậy việc anh ta “ôm cây” rõ ràng là thất sách. Vậy thì để đạt được mục đích “có thỏ” thì chỉ có hai đường: hoặc thỏ tự nhảy vào tay anh ta hoặc anh ta phải buông cây ra và hành động.

Đều là xác suất 50 – 50, nếu là bạn, bạn sẽ chờ đợi cơ hội hay tìm kiếm cơ hội?

Luôn phải có ai đó chủ động làm một điều gì đó. Muốn đến gần nhau, người này không bước thì người kia phải bước. Một người đi, còn một người đứng yên… chờ thì đến khi nào khoảng cách mới được rút ngắn lại? Và biết đâu được người đi cũng chỉ đi chầm chậm thôi để chờ ta bước đến? Làm sao ta biết được điều đó nếu không hỏi (tìm hiểu) hay người không nói (thể hiện)? Và nếu như ta cứ đứng yên có phải ta đang chối bỏ cơ hội của chính mình? Vậy thì việc chờ đợi đó liệu còn có ý nghĩa gì hay không?

Cũng cần phải biết mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, cũng như một giá trị riêng nhất định. Không phải chờ đợi nghĩa là toàn tâm toàn ý hướng về người đó, quên mất bản thân mình. Người đã chọn con đường cho mình, dù ta tìm kiếm hay đuổi theo thì đó cũng là con đường của riêng ta, ta lựa chọn điều đó. Ta chỉ đi tìm điểm giao, tìm cơ hội để bước chung lần nữa chứ không thể lối đi bên này mà cứ cố với sang bên kia. Rồi bạn có đi đúng hướng được không? Liệu rồi bước chân của bạn có vững vàng? Và có khi nào vì cứ mãi loay hoay vượt đường như thế bạn lại bỏ lỡ bóng hình trước mắt – là người mà bạn đang chờ đợi, đag cố đến gần? Ta chỉ cần cho người biết rằng dù người có đi bao lâu, bao xa thì ta vẫn dõi theo và chờ đợi, thế là đủ. Nếu ta biết cách đi cho đúng, và nếu người cũng có tâm chờ đợi, cả hai rồi cũng sẽ gặp nhau.

Nhưng không phải ai cũng có thể chờ đợi ai mãi được. Tình yêu là một hạt mầm cần được cả hai người vun đắp, nếu chỉ có một người này hoặc người kia cố gắng thì cũng bằng không. Nếu ta cứ cố bước tới, còn người thì cứ cố quay đi, thì đó là lúc ta cần suy nghĩ lại về lựa chọn chờ đợi của mình. Ai làm gì đều có lý do của riêng họ, nếu như họ đã chọn không cần đến sự chờ đợi của mình, thì có phải việc mình cứ khư khư ôm giữ tình cảm đó là một việc làm vô ích, hoài công? Hai thỏi nam châm vốn đã không hút được nhau thì bên này càng cố tiến đến, bên kia cũng sẽ chỉ càng dạt ra xa.

Người có thể đi, ta sẽ chờ. Có thể lúc này người chưa cần sự chờ đợi đó, nhưng nếu còn thấy hy vọng (phải là có hy vọng), ừ thì ta vẫn có thể chờ. Nhưng không phải chờ đợi một cách mù quáng. Nghĩa là nếu như ta đã kiếm tìm, nếu như ta đã làm hết mọi khả năng và cho người thời gian lựa chọn, người vẫn chọn bước đi có nghĩa là người đã chối bỏ cơ hội chứ không phải ta. Và khi đó, sự chờ đợi không còn ý nghĩa gì nữa cả. Nếu vẫn muốn chờ, thì hãy chờ cho vết thương lành lại. Rồi hạnh phúc cũng sẽ đến, nhưng là một hạnh phúc KHÁC, không như ta mong đợi ban đầu nhưng xứng đáng với những gì bản thân ta đã cố gắng. Đôi khi hạnh phúc đó còn vượt ra ngoài mong đợi của ta gấp nhiều lần. Nhưng bạn cần phải biết đón nhận, cần phải can đảm mở ra thì mới biết bên trong gói quà là gì.

Đó chính là HẠNH PHÚC dành cho người BIẾT CÁCH chờ đợi.

*Photo: Lorenzo Quinn
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Hình như tác giả hiểu nhầm tích truyên(ôm cây đợi thỏ).Theo tôi(ôm cây đợi thỏ)người ta nói về một sự chờ đợi mong chờ may mắn một cách vô vọng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI