27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chủ nghĩa tập thể dựa trên niềm tin rằng tập thể quan trọng hơn cá nhân

Featured image: LibertyManiacs.com Team

 

Đây là khái niệm thứ hai chia rẽ những người theo Chủ nghĩa Tập thể và Tự do Cá nhân. Chủ nghĩa Tập thể dựa trên niềm tin rằng nhóm quan trọng hơn là cá nhân. Theo quan điểm này, nhóm là một thực thể riêng độc lập và nó có quyền của riêng nó. Thêm nữa, những quyền này quan trọng hơn là quyền của cá nhân. Vì thế, nó có thể chấp nhận được việc hy sinh những cá nhân nếu cần thiết cho “lợi ích lớn hơn của đa số.” Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe điều này? Ai có thể phản đối việc mất đi tự do nếu như nó có một lý do thích đáng là cần thiết vì lợi ích lớn hơn của xã hội? Nhóm tối cao, dĩ nhiên, là nhà nước. Vì thế, nhà nước là quan trọng hơn những cá nhân công dân, và nó có thể chấp nhận được việc hy sinh các cá nhân, nếu cần thiết, cho lợi ích của nhà nước. Khái niệm này là trái tim của tất cả các hệ thống chuyên chế hiện đại được xây dựng trên mô hình của Chủ nghĩa Tập thể.

Mặt khác, những người theo chủ nghĩa Tự do nói: Khoan đã. Nhóm? Nhóm là cái gì? Nó chỉ là một danh từ. Bạn không thể chạm vào nhóm. Bạn không thể nhìn thấy nhóm. Tất cả những gì bạn có thể chạm vào hay nhìn thấy chỉ là những cá nhân. Danh từ nhóm là một sự trừu tượng hoá và không tồn tại như là một thực tế hữu hình. Nó giống như là một vật trừu tượng gọi là rừng. Rừng không thực sự tồn tại. Chỉ có cây là tồn tại. Rừng là khái niệm của nhiều cây. Tương tự vậy, danh từ nhóm chỉ miêu tả một là khái niệm trừu tượng của nhiều cá nhân. Chỉ có cá nhân là thực, và vì vậy, không có cái gọi là quyền của nhóm. Chỉ những cá nhân mới có quyền.

Nếu chỉ vì có nhiều cá nhân trong một nhóm này và ít hơn trong một nhóm khác thì nó không có nghĩa cho phép sự ưu tiên cao hơn cho các cá nhân của nhóm lớn hơn – thậm chí nếu bạn gọi nhóm lớn hơn đó là nhà nước đi chăng nữa. Đa số cử tri không có nhiều quyền hơn là thiểu số. Quyền không xuất phát từ việc đếm số lượng. Quyền không đến từ nhóm. Chúng là sở hữu bẩm sinh thuộc về mỗi con người.

Khi một ai đó lập luận rằng cá nhân cần phải hy sinh bản thân cho lợi ích lớn hơn của xã hội, chính xác cái mà họ đang nói là một số cá nhân sẽ bị hy sinh cho lợi ích lớn hơn của những cá nhân khác. Quan điểm đạo đức của những người theo Chủ nghĩa Tập thể dựa trên số lượng. Mọi điều đều có thể làm được miễn là số người được hưởng lợi được cho là lớn hơn số người cần phải hy sinh. Tôi nói được cho là bởi vì, trên thực tế, những người quyết định ai sẽ phải hy sinh không thể đếm chính xác. Kẻ độc tài luôn luôn tuyên bố họ đại diện cho quyền lợi lớn hơn của đa số, nhưng trên thực tế, họ và những tổ chức ủng hộ họ thường chiếm không quá một phần trăm dân số. Khi một ai đó nói minh vì đám đông và đại diện cho quyền lợi tốt nhất của họ, thì lý do bên dưới chỉ có thể là vì đám đông quá ngu xuẩn để có thể tự luận ra cái gì là tốt nhất cho họ. Do đó những nhà lãnh đạo Tập thể Chủ nghĩa, tự cho là khôn ngoan và đức độ, luôn quyết định thay cho họ. Bằng cách này, họ có thể giải thích cho bất kỳ hành động tàn bạo hoặc bất công nào như là biện pháp cần thiết vì lợi ích lớn hơn của xã hội.

A, đúng. Lợi ích lớn hơn dành cho đa số lớn hơn. Những kẻ chuyên chế hiện đại luôn khoác lên mình chiếc áo nhân đạo.

Bởi vì những người theo chủ nghĩa tự do không thừa nhận sự bá quyền của nhóm, nên những người Tập thể Chủ nghĩa thường phác họa họ như là những kẻ ích kỷ và vô cảm đối với khó khăn của người khác. Luận thuyết đó khá phổ biến trong trường học ngày hôm nay. Nếu một đứa trẻ không sẵn sàng đồng hành với nhóm, nó bị chỉ trích là tính cộng đồng kém và không phải là “đồng đội” tốt hay công dân tốt…. Nhưng chủ nghĩa Tự do không dựa trên cái tôi. Nó dựa trên nguyên tắc. Nếu bạn chấp nhận lập luận rằng cá nhân có thể được hy sinh cho nhóm, khi đó bạn đã phạm sai lầm rất lớn ở hai điểm. Thứ nhất, do các cá nhân là thành phần cơ bản của nhóm, nên dù gì thì khi đó chính nhóm cũng bị hy sinh, từng chút từng chút một. Thứ hai, nguyên tắc bên dưới là chết người. Hôm nay, cá nhân bị hy sinh có thể là người bạn không biết hoặc là ai đó bạn không thích. Ngày mai, đó có thể là chính bạn. Phải mất một thời gian suy ngẫm để nhận ra rằng lợi ích lớn hơn cho đa số không đạt được bằng cách hy sinh cá nhân mà phải là bảo vệ cá nhân. Trên thực tế, lợi ích lớn hơn cho đa số được phụng sự tốt nhất dưới Chủ nghĩa Tự do, không phải Chủ nghĩa Tập thể.

Cộng hòa đối lập Dân chủ

Chúng ta đang bàn ở đây một trong các lý do làm nên sự khác biệt giữa cộng hòa và dân chủ. Trong những năm gần đây, dân chủ thường được cho là một thể chế nhà nước lý tưởng. Lấy ví dụ trên thế giới, nhà nước Mỹ là một thể chế Cộng hòa. Tuy nhiên rất nhiều người lầm tưởng rằng Hiến pháp Mỹ đã khai sinh ra một nước dân chủ, và lý do thích đáng cho việc Mỹ tấn công các nước khác và lật đổ các chính phủ chuyên chế báo ngược ở đó là, như chúng ta được bảo, để phổ biến nền dân chủ ra khắp thế giới. Nhưng nếu bạn đọc các tài liệu và bài diễn văn của những bậc khai quốc đã viết nên Hiến pháp Mỹ, bạn sẽ nhận ra rằng họ đã phê phán mạnh mẽ nền dân chủ – và nếu bạn nhìn lại thực tế của cuộc sống tại những vùng đất mà nền dân chủ đã được mang tới, bạn tìm thấy ít sự khác biệt giữa chế độ cũ và chế độ mới, ngoại trừ chế độ mới có thể còn tệ hơn.

Trong nước Mỹ thuộc địa, Samuel Adams, nhà lãnh đạo xuất chúng của phong trào độc lập, đã bày tỏ quan điểm chung của các đồng sự của ông khi ông nói: “Dân chủ không bao giờ tồn tại lâu. Nó sẽ nhanh chóng đào thải, kiệt quệ, và tự giết chính nó. Đã không bao giờ có một nền dân chủ mà cuối cùng không tự sát.”

Sự hiểu biết về mặt tối của dân chủ không phải chỉ duy nhất tìm thấy ở những người Mỹ thuộc địa. Những nhà sử học Âu Châu và các nhà lý luận chính trị đương thời cũng đã đi đến cùng một kết luận. Tại Anh quốc, Lord Acton viết: “Một điều xấu xa của thể chế dân chủ đang tràn ngập khắp nơi là sự bạo ngược chuyên chế của đảng chiến thắng, bằng vũ lực hoặc gian lận, trong cuộc bầu cử.” Ở Scotland, giáo sư lịch sử tại đại học Edinburgh, Alexander Tyler, đã viết:

“Dân chủ luôn luôn là tạm bợ từ trong bản chất – nó đơn giản không thể tồn tại như là một thể lâu dài của chính phủ. Dân chủ sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi các cử tri khám phá ra rằng họ có thể tự bầu cho chính họ những bổng lộc hào phóng từ ngân khố chung. Từ thời điểm đó trở đi, đa số sẽ luôn luôn bầu cho các ứng viên có thể hứa hẹn mang lại nguồn lợi lớn nhất lấy từ ngân khố chung, và đưa đến kết quả là mọi nền dân chủ cuối cùng sẽ sụp đổ bởi vì các chính sách tài khóa thâm thủng – thông thường được theo sau bởi một chế độ độc tài.”

Những bậc khai quốc đã viết nên Hiến Pháp Mỹ tin rằng dân chủ là một trong các dạng thức tồi tệ nhất có thể của chính phủ; và do đó họ đã tạo ra cái mà họ gọi gọi là nền cộng hòa. Thật không may, danh từ này đã không còn mang ý nghĩa kinh điển của nó vào năm 1787. Ngày nay nó được sử dụng một cách bừa bãi cho tất cả mọi thứ từ độc tài quân sự, như là Cộng hòa Angola, cho đến độc tài tập thể chủ nghĩa như là Cộng Hòa Trung Hoa. Nhưng hãy nhớ rằng vào lúc Nước Mỹ Cộng Hòa được thành lập, danh từ này đã có ý nghĩa chính xác và nó được hiểu bởi tất cả mọi người.

Đó cũng là lý do tại sao danh từ dân chủ không hề xuất hiện trong Hiến pháp Mỹ; và khi người Mỹ nguyện thề trung thành với lá cờ, đó là trung thành với nền cộng hòa mà lá cờ đại diện, không phải nền dân chủ. Khi Colonel Davy Crockett gia nhập cuộc Cách mạng Texas trước trận đánh Alamo nổi tiếng, ông đã từ chối ký vào lời thề trung thành với chính phủ tương lai của Texas cho đến khi từ ngữ được sửa thành chính phủ cộng hòa tương lai của Texas. Lý do điều này là quan trọng là ở chỗ sự khác nhau giữa dân chủ và cộng hòa chính là sự khác nhau giữa Chủ nghĩa Tập thể và chủ nghĩa Tự do.

Trong nền dân chủ thuần khiết, đa số cai trị, chấm dứt tranh luận. Bạn có thể nói “Có gì sai với nó?” Chà, có thể có vô khối thứ sai. Lối hành hình linh-sơ không qua xét xử mà theo biểu quyết của đám đông ở Mỹ chống lại những người Mỹ gốc phi trong thế kỷ trước? Chỉ có một người với ý kiến bất đồng, chỉ duy nhất anh ta ở phía bên đối lập. Đó là dân chủ trong lúc thi hành nhiệm vụ.

“Khoan đã,” bạn nói. “Đa số nên cai tri. Vâng, nhưng trong phạm vi không từ chối quyền của thiểu số.” Và, tất nhiên, bạn đã đúng. Như Lord Acton đã quan sát:

“Nó thật tồi tệ khi bị đàn áp bởi thiểu số, nhưng nó còn tệ hơn nữa khi bị đàn áp bởi đa số… Bài thử chắc chắn nhất chúng ta có thể dùng để đánh giá một đất nước có thực sự tự do hay không là tổng lượng an toàn mà thiểu số được hưởng.”

Cung cấp sự đảm bảo cho thiểu số chính xác là vai trò của nền Cộng hòa. Cộng hòa là một nhà nước dựa trên nguyên tắc giới hạn sự cai trị của đa số, sao cho thiểu số – thậm chí dù chỉ là một người – sẽ được bảo vệ khỏi ý thích bất chợt hay cảm hứng của đa số.

Nền Cộng hòa được đặc trưng bởi hiến pháp được viết thành các luật lệ để đảm bảo điều đó có thể thực hiện được. Đó là chức năng của Luật Nhân Quyền của Mỹ, nó không là gì khác ngoài danh sách các việc mà nhà nước không được làm. Nó viết rằng Quốc hội, mặc dù là đại diện cho đa số, sẽ không ban hành bất cứ điều luật nào từ chối quyền của thiểu số thực thi sự tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, hội họp hòa bình, quyền tham gia quân ngũ, và các quyền “không thể tách rời” khác.

Những giới hạn này đối với sự cai trị của đa số là bản chất cốt lõi của nền Cộng hòa, và chúng cũng là cốt lõi của ý thức hệ Tự do. Và đây lại là một điểm khác biệt lớn giữa hai quan điểm: Những người Tập thể Chủ nghĩa ủng hộ bất kỳ hành động nào miễn là nó có thể được cho là vì lợi ích lớn hơn của đa số; và ở phía bên kia những người theo chủ nghĩa tự do bảo vệ quyền của thiểu số chống lại sự giận dữ và lòng tham của đa số.

 

Thánh Ca Tự Do

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI