29 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Phỏng vấn] Rio Lam — Sẽ luôn có đường đi, nhất định sẽ có

Featured Image: Vivienne Gucwa

 

Nguyễn Hoàng Huy: Em có thể giới thiệu sơ qua về mình cho các độc giả Triết Học Đường Phố được biết?

Rio Lam: Em là một đại diện điển hình của thế hệ 9x đời đầu. Nói điển hình không có nghĩa là em giỏi hay tài năng xuất chúng gì. Em giống các bạn khác, không có gì nổi bật, “điển hình” có lẽ là ở chỗ đó. Các bạn 9x cứ thấy mình thế nào thì tức là em cũng gần như vậy. Còn những bạn đọc thế hệ khác nhận xét 9x thế nào thì cứ nhận xét em như thế, vậy là được ạ.

Nguyễn Hoàng Huy: Anh được biết em đã từng viết sách, dịch sách và đã từng có sách xuất bản, nên anh đoán em là một người đọc sách cũng khá nhiều. Theo em như thế nào là văn hay chữ tốt? Như thế nào là một bài văn không hay?

Rio Lam: Em nghĩ đầu tiên phải xác định rằng mình đang viết ở mảng nào. Viết bài luận khoa học thì phải logic, chặt chẽ, khách quan. Viết nhật ký cho bản thân thì cứ dốc hết lòng dạ, tâm trí ra trang giấy. Làm thơ thì phải tìm cho được thi hứng, viết báo lại phải viết xúc tích. Cứ đáp ứng những yêu cầu cơ bản cho từng thể loại thì với em là hay rồi. Còn sự “hay” trong mắt người đời là do tùy duyên mỗi người. Làm sao để văn em hay em còn không biết ấy chứ *cười* Sau khi đáp ứng được yêu cầu của thể loại thì bước tiếp theo là xem trọng độc giả, em nghĩ vậy. Viết nhật ký thì độc giả là chính mình, cho nên không được ngại, không được dối lòng.

Viết truyện cho teen thì không được xem thường teen, cho rằng cứ “phăng” ra vài mẩu chuyện tình cảm sướt mướt là xong. Em vốn là người không thích viết truyện tình cảm tuổi teen, nhưng ngày xưa khi làm cho Hoa Học Trò, em bắt đầu bằng thể loại đó và luôn tâm niệm một điều như vậy. Dù viết cho một đứa trẻ lớp 1 hay một vị giáo sư, dù thể loại nào đi nữa, em cũng phải viết ra thứ tốt nhất có thể. Đối tượng độc giả mình hướng đến dù bằng cấp, học vị, tuổi đời khác nhau; nhưng mình luôn phải tôn trọng người ta. Sự tôn trọng đó sẽ dẫn mình đi xa hơn mình nghĩ, hoặc ít nhất, nó giúp mình tôn trọng chính tác phẩm của mình. Còn nếu đang làm việc (được trả lương), sự tôn trọng đó lại là thái độ chuyên nghiệp.

Nguyễn Hoàng Huy: Em có thể giới thiệu một vài tác giả Việt Nam cũng như nước ngoài em yêu thích?

Rio Lam: Em không đọc văn Việt Nam nhiều lắm, dường như vì duyên chưa đến. Em có thể kể ra tên một số quyển sách ảnh hưởng đến thế giới quan của em: Suối nguồn, Mùi hương, Khúc du ca cuối cùng, truyện cổ Andersen… Nhưng em không nghĩ là mình thích một tác giả nào cụ thể. Để thích thì em phải đọc hẳn vài tác phẩm của họ cơ, mà em lại đọc chưa đủ nhiều.

Nguyễn Hoàng Huy: Quan điểm của em về các cuốn sách kỹ năng, sách dạy làm giàu…

Em không có ý định làm giàu, nên em không quan tâm đến thể loại sách này. Em nghĩ nếu bạn nào đang băn khoăn không biết có nên đọc không thì các bạn có thể hỏi những người đã giàu rồi *cười* Xem thử họ có đọc không vậy.

Nguyễn Hoàng Huy: Em hãy kể cho mọi người biết về câu lạc bộ Vừng Ơi. Hiện tại đã có khoảng bao nhiêu thành viên, mọi người tập họp một tháng mấy lần, anh đoán hoạt động chính của nhóm là chia sẻ kiến thức, không biết có đúng không?

Rio Lam: Vừng Ơi là một nhóm bạn muốn chia sẻ và lan tỏa sức ảnh hưởng của văn hóa – nghệ thuật ở Đà Nẵng ạ. Đà Nẵng của em mang tiếng là thành phố lớn, thành phố đáng sống, vậy mà… nói chung là nghe hoài cái câu, “Sao chuyện gì hay ho cũng diễn ra ở Sài Gòn, Hà Nội?” riết tụi em thấy chán và muốn làm một cái gì đó. Người ta chưa thấy thị trường tiềm năng cho các hoạt động này ở Đà Nẵng, vậy thì tụi em phải tạo ra thị trường đó để người ta chú ý đến.

Mô hình của Vừng Ơi tranh thủ mọi thế mạnh có sẵn của địa phương, cũng như nhận thức rõ ràng về điểm yếu của nơi đó để có lối hoạt động linh hoạt. Lâu dài và tham vọng hơn, em hy vọng mô hình Vừng Ơi – Đà Nẵng có thể áp dụng cho những địa phương nhỏ khác. Anh biết mà, lâu nay những câu lạc bộ, hội nhóm quy mô ít khi mở rộng hoạt động ra những địa phương nhỏ, nếu có cũng chỉ ở hình thức “chi nhánh.” Mỗi năm vài lần các bạn ở địa phương đó lại khăn gói quả mướp đi về hai đầu đất nước để dự hội thảo, sự kiện, v.v… Nhưng khi về lại quê nhà thì vẫn gần như “tay trắng,” không thay đổi gì được mấy ở quê mình. Em nghĩ sự thay đổi ấy phải đến từ bên trong, từ nội lực, chứ không thể chờ ngoại lực được nữa.

Nguyễn Hoàng Huy: Em có nhận xét gì về hệ thống giáo dục ở Việt Nam hiện nay, và có giải pháp nào đưa ra để cải tiến nó? Giải pháp anh đưa ra là loại bỏ bộ giáo dục, tất nhiên anh biết sẽ có rất nhiều người không đồng ý với giải pháp này.

Rio Lam: Em muốn nhận xét về những người đang chịu ảnh hưởng từ hệ thống giáo dục đó hơn ạ. Vì em nghĩ bây giờ nếu em nhận xét về hệ thống giáo dục, mọi người đều có thể đoán được em sẽ nói gì, và chỉ khiến họ… quẩn quanh hơn thôi (trong trường hợp chẳng may người ta tin lời em).

Em muốn nói với các bạn đang học tập dưới mái trường rằng mọi thứ thực sự vẫn có thể thay đổi, và bạn đủ sức thay đổi, ít nhất là cho bản thân mình. Bây giờ những trang web cung cấp các khóa học online miễn phí rất nhiều, chẳng hạn như Coursera, MIT, v.v… Nhất là với những bạn học các ngành tương tự như em (Public Relations, Marketing,…) thì ngay cả trường ở Mỹ cũng không thể cung cấp cho bạn kiến thức hoàn hảo. Cái này không phải do hệ thống giáo dục, mà do đặc tính chuyên ngành. Đi ra ngoài kia, làm cái gì đó, chạy một dự án cho bản thân, v.v… Năm lớp 10 em và hai người bạn đi đọc truyện thu âm cho trẻ em trường khiếm thị, tốn kém cũng không bao nhiêu (chỉ khoảng 300,000 VNĐ), mà học được bao nhiêu thứ bổ ích.

Nếu môi trường ở Mỹ cho em điều gì, thì đó chính là khả năng tự học, sự tự tin là mình có thể “thay đổi” nhiều thứ. Môi trường ở Việt Nam không hỗ trợ những khả năng này, nên em cũng thông cảm nếu các bạn chưa làm được. Nhưng sự thông cảm của em chắc cũng không làm các bạn no ấm hơn, nên tốt nhất là ngừng đổ lỗi những gì mình chưa thể thay đổi, và thay đổi chính bản thân mình. Gandhi nói thế mà.

Nguyễn Hoàng Huy: Em có hứng thú với chính trị không? Nếu có thì chủ trương, đường lối chính trị của em là gì? Và theo em thì chính phủ và bạo lực có liên quan tới nhau như thế nào? Theo em thì bạo lực có nên được sử dụng đến ngoài các trường hợp tự vệ không?

Rio Lam: Em từng nghĩ mình không hứng thú với chính trị, nhưng rồi dần dần tò mò, giống như kiểu nghe chuyện bà hàng xóm nhà bên có ông chồng theo gái, mình cũng hóng hớt muốn biết thêm. Thật ra cơ bản em là đứa tò mò mọi thứ, từ khoa học đến xã hội.

Em không có chủ trương về chính trị, bởi lẽ em thuần túy thích quan sát nó rồi dự đoán này nọ như một người viết quan sát cuộc đời này.

Em không hiểu rõ “bạo lực” anh nói đến cụ thể là gì, nhưng chẳng phải là bạo lực có liên quan đến tất cả mọi người sao ạ? Con người ta đánh nhau, chống trả, đàn áp,… thế là có bạo lực. Em đang cố gắng trở thành người không ủng hộ bạo lực dưới mọi hình thức, nhưng cá nhân em thỉnh thoảng vẫn điên lên muốn tát ai đó một cái. À, cái này là kể thêm thôi ạ.

Nguyễn Hoàng Huy: Em có ủng hộ dân chủ (democracy) không? Đa số mọi người hiện nay đều ủng hộ dân chủ, trừ anh, vì những lý do anh đã đề cập tới trong bài viết của mình cách đây không lâu.

Rio Lam: Nếu đặt mọi thứ trong lý thuyết, rằng dân chủ nghĩa là mọi người đều có quyền quyết định ngang nhau, chuyện gì cũng bỏ phiếu bầu, thì em thực sự là người không ủng hộ dân chủ kiểu đấy *cười* Einstein có câu nói về sự ngu dốt của đám đông, và em tin câu nói ấy là đúng.

Nhưng với tình hình hiện nay trên toàn thế giới, dân chủ có rất nhiều biến thể, hình thức khác nhau. Thậm chí nhiều người xưng là dân chủ cũng chưa hẳn đã là “dân chủ” thực sự như lý thuyết em vừa nói. Em vẫn đang tìm hiểu về chuyện này vì không có đủ kiến thức đưa ra nhận định.

Nguyễn Hoàng Huy: Dự tính cho tương lai của em là gì? 10 năm sau em có nghĩ em sẽ trở thành một cây viết nổi tiếng không? Anh thấy em rất có tiềm năng.

Rio Lam: Dự tính tương lai của em là làm việc cho một tổ chức NGO, đóng góp chút xíu vào công tác giáo dục ở Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ những bạn học sinh bất hạnh hoặc các em nhỏ mồ côi. Em thấy mình may mắn quá, sinh ra được ba mẹ yêu thương, được đi du học. Em thực ra là đứa học không xuất sắc, thế nên lần đầu tiên khi được tiếp xúc với điều kiện ở Mỹ, em cứ mặc cảm hoài một câu này, “Nếu mấy bạn nghèo nghèo mà học giỏi được tới đây, chắc họ còn tiến xa gấp vạn lần mình.” Nói chung ở đời khi nào cũng có bất công bởi tấm chăn không đủ rộng để đắp cho cả mọi người, em sinh ra đã giành mất phần chăn lớn hơn nên em muốn trả ơn cho đời.

Có một khoảng cách giữa giới hàn lâm và thị trường mà chưa có cây cầu nào băng ngang qua. Em chỉ quan tâm đến các khái niệm “hàn lâm” và “thị trường” gần đây thôi ạ, vì phải cân bằng giữa hai thứ đó trong nhóm Vừng Ơi. Riêng bản thân em không chia ranh giới giữa hai cái đó. Nếu phần lớn mọi người có một lượng kiến thức nhất định về cái gì đấy, thì nó sẽ là đại chúng, đó là cách em định nghĩa. Nhưng mà em ko nghĩ hai cái này phân tầng cao thấp hoặc tốt xấu. Em hy vọng một ngày nào đó góp phần xây được cây cầu nối hai thứ này.

Nguyễn Hoàng Huy: Em có thông điệp gì khác muốn nhắn gửi đến mọi người không?

Rio Lam: Có ạ. Chuyện này em mới nhớ ra gần đây.

Chả là hồi ấy trên mạng có câu nói gây cảm hứng: “What is the last time you did something for the first time?” Em đọc xong thấy xúc động lắm, nhưng khi nhớ lại thì hóa ra lần cuối em làm thứ gì đó lần đầu là mới hơn tuần trước, lúc em thử một quán café mới.

Thế nên em nghĩ mọi người có thể ứng dụng câu nói này vào những việc nhỏ hằng ngày, chả tốn kém gì lắm mà sẽ thấy đời lạ hơn. Nói chung bây giờ muốn làm gì cũng có cách, có công cụ, nguồn lực. Dẫu nơi mình ở khó tiếp cận những thứ đó hơn nơi khác, nhưng sẽ luôn có đường đi. Nhất định sẽ có.

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI