27 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những phân số cuộc đời – phần 2

Featured image: Yasmina

 Phân số 2/3: Bí kíp duy trì các mối quan hệ

Trước tiên, hãy cùng tôi đọc lại một đoạn trích trong cuốn Dạy Con Làm Giàu của Robert Kiyosaki khi người cha giàu dạy dỗ cậu bé Robert, bạn sẽ hiểu về phân số này.

“Robert, con hãy nhớ rằng, trên đời này, trong tất cả những mối quan hệ của con, những người mà con quen biết, sẽ luôn có:

  • 1/3 trong số họ luôn luôn yêu quý con và có cái nhìn thiện cảm về con bất kể con làm gì, dù tốt hay xấu, dù điên khùng hay ngốc nghếch.
  • 1/3 trong số đó sẽ luôn luôn ghét con bất kể con có đối xử tốt với họ đến đâu.
  • Và 1/3 còn lại chẳng quan tâm con là ai, con làm gì, tại sao con tồn tại trên đời này.

Việc của con, là hãy quan tâm và yêu quý những người yêu quý mình. Tìm cách thu hút sự chú ý và tình cảm tốt đẹp của nhóm 1/3 những người chưa quan tâm con, và quan trọng nhất là, mặc xác những kẻ không yêu quý con đi.”

Đó quả thực là một lời dạy chí lý khi chúng ta nhìn lại thực tế cuộc sống của mình. Như ai đó đã nói câu rất hay này: “Chúng ta đang tiêu những đồng tiền mình không làm ra, để mua những thứ ta không cần, nhằm gây ấn tượng với những người ta chẳng hề quen biết.” Thật ngớ ngẩn đúng không. Đau lòng ở chỗ câu nói này tuy ngớ ngẩn nhưng đó lại chính xác là những gì chúng ta đang làm. Hãy nghĩ lại đi nào, bạn có bao nhiêu thời gian và bao nhiêu nguồn lực để có thể làm vui lòng tất cả mọi người? Đặc biệt là những người chẳng ưa gì chúng ta?

Và bạn cũng biết, nhóm người yêu quý chúng ta hẳn là những người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết và một vài người xung quanh như hàng xóm, đồng nghiệp, bạn học… Những người yêu quý chúng ta ta rất dễ nhận ra họ. Họ luôn ở đó khi ta cần, luôn lắng nghe và cùng ta vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Họ thật đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng đáng tiếc, tất cả những gì chúng ta làm để đáp trả lại tấm chân tình đó, là làm lơ họ. Ta coi họ như thể việc đối xử tốt và yêu thương chúng ta là trách nhiệm, là bổn phận của họ vậy, nên chẳng có gì phải cảm ơn, phải ghi nhận hay đáp trả. Đã bao lâu rồi bạn không tỏ lòng biết ơn và tình cảm mến đến những người yêu thương bạn? Có thể với nhiều người cũng đã khá lâu rồi. Họ thà bỏ tiền ra thết đãi những người bạn ngàn năm mới gặp một lần, hơn là mua cho cha mẹ họ một món ngon, hơn là mua cho người bạn thân nhất của mình một món quà nhỏ. Đó là cách chúng ta vốn vẫn làm, và đang làm, từ giờ tới cuối đời.

Chuyển sang nhóm người luôn ghét ta dù ta chẳng làm ảnh hưởng gì đến họ. Đây là nhóm khó khăn nhất trong việc xác định họ là ai, ta ít khi biết được ai ghét mình nếu như họ không biểu lộ ra điều đó. Mà chẳng ai lại biểu lộ mình ghét người khác cả. Nghĩ tới đây tôi lại nhớ đến bộ phim Âu Mỹ tôi đang xem, ở đó sao mọi người bày tỏ quan điểm của mình thật dễ dàng. Dù cho là hai người bạn nói với nhau, dù cho đứa con tức giận cha mẹ, dù cho người vợ nói với chồng, người khách hàng với cô nhân viên, ai cũng dễ dàng nói ra câu “I hate you” sao mà đơn giản và dễ dàng đến thế. Sẽ thật tốt nếu như ai ghét ta cũng nói ra điều đó, lúc đó ta thật dễ đối phó, chỉ cần hóa giải hiểu lầm hoặc mặc kệ họ. Nhưng cuộc sống thực này vốn không đơn giản như thế. Nhiều người không ưa chúng ta lắm đấy, nhưng họ lại cứ im im. Hoặc tệ hơn, họ lại cố tình tỏ ra tốt với ta, yêu thương ta lắm. Tôi cảm thấy sợ những người này, chắc hẳn là họ có ý đồ gì đó, chứ không ai lại cố công đi đối thật tốt với người mình ghét làm gì đúng không?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến ai đó ghét bạn, như là sự ghen tị, thù hằn, hiểu lầm, sợ hãi… Cho dù vì lý do gì, người ghét bạn cũng sẽ luôn ghét bạn nếu như không có biến cố nào xảy ra thay đổi điều đó. Và người ghét bạn, cho dù bạn làm gì, đối xử với họ tốt đến đâu, họ vẫn luôn ghét bạn. Có thể thấy rõ điều này qua lượng anti-fan của những người nổi tiếng. Rõ ràng một cô nàng nổi tiếng nào đó chẳng hạn, cô ta chẳng làm hại hay ảnh hưởng gì đến cuộc sống của một anti-fan, nhưng khi đã ghét rồi, thì cứ ghét thôi. Bất kể cho cô ta có làm việc thiện lành phúc đức tốt đẹp gì cũng đều sẽ bị các antifan coi là ngứa mắt và giả tạo. Nếu cô ta gặp chuyện buồn phiền và than thở, sẽ bị coi là nhu nhược, yếu hèn. Nếu cô ta mạnh mẽ, sẽ bị coi là ngứa mắt, đóng kịch… Vâng, dù có làm gì cũng không thể khiến cho một anti-fan thay đổi tâm tính đối với thứ họ mang ác cảm sẵn trong người. Và bạn nên biết rằng, tuy chúng ta không phải người nổi tiếng, nhưng chúng ta cũng luôn có đâu đó những anti-fan ở ngoài kia. Và tôi thật sự ước gì chúng ta có thể nhận diện họ một cách dễ dàng. Đây là việc của giác quan thứ sáu. Việc bạn làm, nếu như phát hiện ra ai đó không ưa mình. Nếu người đó là quan trọng và việc họ ghét bạn chỉ là hiểu lầm, hãy tìm cách hóa giải nó. Còn giả như, họ là người không quan trọng. Bạn hãy đứng dậy thôi, ném một ánh nhìn kiêu kì và quay lưng bước đi. Mặc cho họ sống mãi mới sự ghen tuông và đố kị. Họ mới là người phải mệt mỏi chứ không phải chúng ta. Dù sao đi nữa, nếu bạn may mắn nhận ra ai là người không ưa mình, hãy phớt lờ họ.

Nhóm cuối cùng, người không quan tâm đến ta. Nhóm này khá dễ nhận diện, vì họ thờ ơ. Họ chẳng hào hứng những việc ta làm, cũng không ghét bỏ. Tóm lại là họ bàng quan với cuộc sống của ta. Người cha giàu dạy ta nên quan tâm đến nhóm người này nhiều hơn. Tạo điều kiện hai bên tìm hiểu nhau và khiến họ thuộc về nhóm người luôn yêu quý ta. Về cách thức để khiến người khác trở nên yêu mến ta, Dale Carnegie đã nói một câu cực hay thế này “Chỉ trong vòng ba tháng thành thật quan tâm tới mọi người, tôi có nhiều bạn hơn gấp nhiều lần so với ba năm làm mọi thứ để khiến mọi người quan tâm đến tôi.” Nếu bạn muốn tìm cách thu hút sự yêu mến của những mối quan hệ nhạt nhòa, hãy tìm đọc cuốn Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie nhé.

Khó khăn lớn nhất đối với mỗi người, là làm sao để xác định ai là người ghét bỏ, ai là người yêu quý mình. Tôi cũng chưa biết được nhiều cách để giúp bạn làm rõ và nhận định họ. Vì ở khía cạnh này chúng ta chỉ có thể dùng đến trực giác của bản thân là chính.

Chuyện ở chỗ, xác định được những nhóm người này, bạn sẽ không còn quá áp lực cho bản thân phải khiến tất cả mọi người yêu quý mình, đó là điều không thể. Hãy tin rằng chuyện mình có người không ưa, là rất bình thường. Người ta ghét chủ yếu vì người ta ghen tị. Nếu ta khiến người ta ghen tị, chứng tỏ chúng ta có điểm gì đó hơn họ. Điều này đáng vui hơn là đáng buồn đúng không? Và quan trọng nhất là, xin bạn hãy dành nguồn lực của mình, bao gồm cả công sức, tài chính và tình cảm yêu thương cho những người xứng đáng, những người luôn yêu thương bạn vô điều kiện dù cho bạn có làm bất cứ điều gì xấu xí. Hãy dành cho họ nhiều tình cảm và sự quan tâm hơn. Nếu có thể, hãy bớt vài phút giây quan tâm những người xa lạ trên facebook, để chuyện trò, thăm hỏi những người xung quanh bạn, như bác hàng xóm cạnh nhà, cô bạn học ít nói hay cho mượn tập, anh chàng đồng nghiệp hay giúp bạn những việc vặt vãnh…

Và cách tốt nhất trong việc duy trì các mối quan hệ, bất kể ở nhóm phần ba nào. Là hãy luôn đối xử tử tế và chân thành với mọi người. Sự chân thành quan tâm của bạn có thể khiến những người không ưa bạn trở nên đỡ ác cảm về bạn hơn, và nhất là nó sẽ lôi kéo những người bàng quan trở nên yêu quý bạn. Bất kể người nào trên đời, nếu có thể quy tụ những người yêu quý luôn ở bên mình. Đó thực sự là người giàu có, giàu có về tình cảm.

Tóm lại ý nghĩa của phân số này, là khi bạn hiểu được nó, bạn sẽ không còn buồn nhiều khi có người ghét mình. Bạn sẽ muốn tìm cách thu hút những người bàng quan trở nên yêu mến bạn hơn, và nhất là, hãy thể hiện sự biết ơn và trân trọng đến những người luôn yêu quý và ủng hộ bạn nhiều hơn, nhiều hơn nữa.

Phân số 1/3: Bí kíp cho một cuộc đời vui vẻ

Mới đây tôi có chia sẻ status này lên fb, một câu nói không biết của ai nhưng đối với tôi, nó là chân lý, là lẽ sống ở đời đáng được đọc, học và thực hành mỗi ngày.

“Trên đời này chỉ có 3 loại việc: việc của bản thân, việc của người khác và việc của ông trời
Chúng ta thường buồn phiền là do:

  • không chịu làm việc của bản thân
  • thích xen vào việc của người khác
  • quá lo lắng về việc của ông trời

Muốn sống vui vẻ thật ra rất đơn giản, chỉ cần:

  • luôn làm tốt việc của bản thân
  • không xen vào việc của người khác
  • ngừng lo lắng về việc của ông trời.”

Thật đơn giản và dễ hiểu đúng không?

Việc của bản thân, có lẽ không cần nói nhiều, là danh sách việc làm của bạn mỗi ngày, là những ý định, những mục tiêu, những kế hoạch và công việc bạn vẫn thường làm để nuôi sống bản thân. Là những việc ảnh hưởng trực tiếp tới nồi cơm, tới tương lai của bạn và những người bạn yêu thương. Đó mới là điều bạn cần quan tâm và dốc toàn lực để hoàn thành và không ngừng phấn đấu.

Việc của người khác, là new-feeds với tràn ngập thông tin hình ảnh của những người xa lạ từ ăn chơi vui vẻ tới đau buồn thê lương. Biết những việc này cũng có cái tốt, khi nó là thông tin bạn cần biết hoặc là những điều đáng được học hỏi. Còn không, nó vô nghĩa. Việc của người khác, là những trang tin tức vô bổ ngập tràn tin rác. Những bài báo phiến diện quy chụp hoặc những bộ phim tẻ nhạt tốn thời gian.

Việc của người khác, là tất cả hành động của những người nổi tiếng. Những thông tin nhảm nhí vớ vẩn hôm nay họ làm gì, ngày mai họ đi đâu, ai chia tay chia chân, người nào lộ hàng, người nào ly dị. Những thông tin này, tin tôi đi, nếu như bạn không biết, chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới cả. Còn nếu như bạn biết cho vui, nó cũng đã ngốn không ít thời gian quý báu của bạn. Còn nếu như bạn cuồng họ ư? Bạn sẽ ăn cùng họ, ngủ cùng họ qua những trang tin tức, bạn sẽ thèm khát được biết tin về họ mỗi ngày. Bạn làm mọi cách để được chụp cùng họ tấm hình. Bạn ca ngợi họ, cuồng tín họ, thần tượng họ như thể là một kiểu tôn giáo mới.

Thật tình xin lỗi nếu như tôi nói điều này khiến bạn cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng theo tôi, việc trở thành fan cuồng, thần tượng một người khi bạn chẳng học hỏi gì được từ họ, ngoài việc tôn sùng một ngoại hình đẹp đẽ, một tài năng thứ cấp và nhất là thần tượng một người chỉ qua những bức hình đẹp đã được chỉnh tới lui… Là việc làm vô nghĩa và lãng phí tài nguyên bản thân nhất trên đời.

Nghệ sĩ là người làm nghề giải trí, hãy để họ trở thành nguồn giải trí đơn thuần, đừng biến họ thành thần thánh để tôn sùng. Chính điều đó khiến họ ảo tưởng về sự thu hút cá nhân và càng ngày càng nghiện những chiêu trò lố bịch hòng mong được sự chú ý, thay vì trau dồi những kĩ năng nghề nghiệp. Mà thôi, nói tới đây thôi, vì chắc chắn ai cũng có thần tượng của mình, tôi nói nữa e rằng sẽ bị ném cho hàng ngàn ánh nhìn dao găm mất. Bạn có quyền chọn người để thần tượng, nhưng xin hãy chọn những người mang lại ảnh hưởng tích cực, những người giúp cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn ấy.

Tôi chẳng thần tượng một ai, dù xem các thể loại phim các nước, nghe đủ loại nhạc. Và thật sự tôi thấy đó là một điều may mắn. Tôi thích một vài người nổi tiếng nhưng không phải vì những gì họ được tung hô. Tôi thích gia đình Angielia Jolie – Prat Pitt vì cách họ dùng sự nổi tiếng của mình để gây ảnh hưởng tốt đẹp tới cả thế giới, cách họ thu nhận và chăm sóc những đứa trẻ không ruột rà với mình, những thông điệp yêu thương họ truyền tải. Tôi thích gia đình Victoria – Beckham vì cách họ bảo vệ, yêu thương gia đình của mình cũng như khâm phục tài năng của họ ở tất cả các lĩnh vực, cách họ cân bằng công việc-cuộc sống và gia đình. Tôi thích anh chàng MC quốc dân già cỗi, xí trai Yoo Jae Suk của đất nước Hàn Quốc vì sự hài hước, những hành động chân thành và luôn đối xử tốt với tất cả mọi người của anh ấy. Tôi thích chàng ca sĩ quá thời Kim Joong Kook vì sự nhẹ nhàng lịch thiệp sau một vóc dáng cường tráng, mạnh mẽ. Và cuối cùng, tôi thích cô ca sĩ Lee Hyori vì cách cô ấy sống, mộc mạc, tự do, chân tình và đơn giản. Tôi chỉ thích cô ấy từ khi cô cưới một chàng nhạc sĩ nghèo, xấu trai, tổ chức một đám cưới siêu đơn giản và sống một cuộc sống giản dị, ăn chay, nuôi thú vật bị bỏ rơi…

Những người này, họ nổi tiếng, tôi yêu mến họ hoàn toàn không vì tài năng gì cả, chỉ vì những giá trị sống họ mang lại, là đáng giá, đáng học hỏi. Mà nói cho cùng, dù sao, cũng may nhờ có những người hâm mộ như các bạn, mà người nghệ sĩ mới không bị chết đói. Và sống một cuộc sống thần tiên sung túc như hiện tại. Thiết nghĩ nếu ai cũng bàng quan với người nổi tiếng như tôi, thế giới này sẽ ra sao? Mà khoan lo đến chuyện của thế giới, chỉ biết rằng, khi tôi không quan tâm tới người nổi tiếng, tôi có nhiều thời gian để chăm lo cho cuộc sống của mình hơn rất nhiều, nhiều thời gian để thu nạp những thông tin, kiến thức hữu ích và nhất là thời gian để quan tâm tới những người xung quanh tôi, những người quan tâm và yêu mến tôi. (phần này có nên cho vào mục 1/3 những người không quan tâm ta thì hợp lý hơn không nhỉ?)

Theo tôi, tất cả những tin tức trên báo chí, đều là việc của người khác, chỉ cần đọc đề mục để biết thôi, không cần đi sâu làm gì, tốn thời gian, vô bổ, chuốc phiền não vào người. Cuộc sống này, không đâu trút lên người bạn nhiều phiền não cho bằng những trang tin tức: giết người, tham ô hối lộ, tai nạn, hiếp dâm, đâm chém, lừa gạt… Phần lớn cảm xúc tiêu cực của bạn đều từ báo chí mà ra, những câu chuyện của những người khác, hãy học cách làm lơ nó. Lơ báo chí, lơ newfeeds đi và tập trung cho việc của chính mình.

Việc của ông trời, là những việc như thời tiết, việc chiến tranh thế giới, những căn bệnh hiểm nghèo… Bạn không thể không biết về việc của ông trời, nhưng hãy tập đừng quá bận tâm về chúng, đó vốn dĩ không phải việc bạn có thể can thiệp hay tác động. Hãy đứng qua một bên và luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhân những điều có thể xảy đến.

Ý nghĩa của phân số này, là hãy thay đổi cách sống hiện tại của bạn, hãy dùng nguồn lực, năng lượng của mình để làm tốt những việc của bản thân thay vì đi lo lắng chuyện của những người bạn không hề quen biết và tệ hơn là lo thay chuyện của ông Trời bạn nhé.

 

Phi Tuyết

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

8 BÌNH LUẬN

  1. 1. quy tắc 2/3 của cuốn dạy con làm giàu, về cơ bản đó là cách chúng ta phân loại mọi người một cách khá ” máy móc” , thực sự 1 ng chúng ta nghĩ là bạn tốt có thể trở thành kẻ thù và ngược lại. một ng vốn thờ ơ có thể trở nên nhiệt tình tham gia nếu họ hiểu ý nghĩa việc mình đang làm.

    câu hỏi ở đây tại sao chúng ta cố gắng phân loại họ ra, mặc dù ít nhiều ta thấy nó không ổn. lý do nằm ở việc phân loại sẽ tạo thành 1 bức tường vô hình để giúp ta tránh tổn thương, phiền phức, thất vọng : X làm tôi đau khổ vì anh ta nằm ở nhóm luôn ghét tôi, Y không tỏ ra quan tâm đến tôi vì cô ta ở nhóm luôn thờ ơ. tôi không liên quan đến những chuyện này, tôi ko cần biết lý do thực sự!, đơn giản là vì họ ở ở nhóm đó mà thôi.

    tổn thương từ các mối quan hệ làm ta máy móc phân loại họ, vậy nguồn gốc những tổn thương đó?

    đó có thể xuất phát từ những ảo tưởng thô sơ :

    ai đối xử tốt ( tệ ) với tôi thì mãi mãi là thế / tôi quan tâm đến họ thì họ phải quan tâm lại tôi/ họ là ng yêu, ng thân trong gia đình nên họ phải hiểu và ủng hộ tôi/ mọi chỉ trích, phàn nàn của họ về tôi đều xuất phát từ lòng đố kị cá nhân chứ riêng tôi đã là pro, hoàn hảo.

    ”Khó khăn lớn nhất đối với mỗi người, là làm sao để xác định ai là người ghét bỏ, ai là người yêu quý mình” , cuộc sống đa dạng hơn 2 trạng thái yêu/ghét rất nhiều. và trực giác ko quyết định được.

    2. quy luật 80/20 :

    Chúng ta thường buồn phiền là do:

    không chịu làm việc của bản thân

    thích xen vào việc của người khác

    quá lo lắng về việc của ông trời

    Muốn sống vui vẻ thật ra rất đơn giản, chỉ cần:

    luôn làm tốt việc của bản thân

    không xen vào việc của người khác

    ngừng lo lắng về việc của ông trời.”

    3 ý đầu tiên bạn viết và phân tích rất chính xác, và bạn đang phản ánh đúng thực trang hiện nay của giới trẻ.
    nhưng 3 đề xuất tiếp theo cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, vì ở đây mình cảm nhận có một sự dịch chuyển từ thái cực quan tâm thiên hạ, lơ đãng việc nhà = > chú tâm việc nhà, lơ đãng thiên hạ
    có 1 cái bẫy ở đây …đó là sự thờ ơ xã hội, khi chúng ta đang tập trung mọi thứ về mình, điều đó rõ ràng là sai.
    câu hỏi ở đây là tại sao chúng ta lại làm như thế? đó có phải chúng ta nhận được sự tổn thương khi tham gia vào vấn đề xã hội, về chuyện ng khác. tổn thương đó sinh ra từ ảo tưởng :
    khi chúng ta tham gia vào, chúng ta đồng thời mang cái ” tôi” của mình vào ( quan điểm,niềm tin, kiến thức,mong muốn, cảm xúc”) nhưng nếu thực tại không diễn ra như vậy vì nhiều lý do , mà đôi khi quá phức tạp để hiểu. vậy chúng ta thất vọng với xã hôi, ng khác và với chính mình.
    có 1 câu nói ” bạn không thể thay đổi thế giới, những ng thân..trừ khi chính bạn thay đổi bản thân mình trước.” câu nói đó cũng sai lè, vì bạn chỉ thay đổi ” cách nhìn” về thế giới thôi, còn thế giới, mọi người có thể tốt hơn hoặc tệ đi. đây là vấn đề khá phức tạp để bàn sâu ở đây.

    mình chỉ mong mọi người đừng thờ ơ..nó còn tệ hại hơn điều xấu xa vì đạo đức, pháp luật có thể hạn chế cái xấu chứ ko làm gì được nhiều để tránh được sự thờ ờ trong toàn xã hôi.

  2. Đọc bài nay nhớ tới:
    – cuốn “Sinh ra là một bản thể đừng chết như một bản sao”
    – lời dạy : “Sống là động nhưng lòng luôn bất động.
    Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương.
    Sống yên vui danh lợi mãi coi thường.
    Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến !” 🙂

  3. vâng chính xác là ta thường có thể trò chuyện hàng giờ với một người xa lạ, nhưng lại dành quá ít thời gian cho ngững người thân thiết nhất trong gia đình. Tôi không biết lý do là gì, yếu tố văn hóa truyền thống của phương đông, con người ta rất khó trải lòng…
    tell me how can i do?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI