27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Không có bài học nào là miễn phí

Featured image: Katsushika Hokusai

 

Để trở thành một học sinh giỏi, để sở hữu bằng Đại Học, hay cao hơn là một chuyên gia đầu ngành… chắc chắn, cái giá mà ta phải trả cho nó là mấy chục năm đèn sách, rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả rất nhiều tiền. Nhưng khi xem những “nghệ sỹ” sân cỏ, những bức hoạ tuyệt đẹp, những diễn giả cuốn hút hay đọc những bài văn mê hoặc lòng người… thì ta thường nói “những tên này” thật là có khiếu. Vậy phải chăng, những người được gọi là “có khiếu” ấy chẳng bao giờ tốn một “xu” cho những thành quả của mình, chẳng mất nhiều công sức để đạt được thành công? Để trả lời cho câu hỏi ấy, tôi xin phép được cá nhân hoá bài viết này bằng những trải nghiệm của bản thân mình ở dưới đây.

Có bao giờ bạn cảm thấy môi mấp máy, người đờ đẫn, chân tay bủn, trống ngực to hơn trống làng… Khi đứng trước đám đông? Có bao giờ bạn hiểu rõ tường tận một vấn đề mà không thể diễn đạt nó ra bằng câu chữ cho mạch lạc và sát nghĩa? Nếu có thì bạn cũng chẳng hề đơn độc. Rất nhiều người đang cùng cảnh ngộ giống bạn, đang phải vò đầu bứt tóc vì nó. Và tôi cũng từng như vậy, thậm chí còn tồi tệ hơn bạn gấp trăm lần. Không bao giờ giám mở miệng trước đám bạn, sởn gai ốc khi có người lạ đến bắt chuyện, cảm giác trần nhà như sắp sập xuống đầu khi được xướng tên ở chỗ đông người…

Còn những thứ tôi viết ra ư? Sai chính tả bét nhè, sai cả ngữ pháp, cú pháp, sai tất tần tật. Ngôn từ cùi bắp, câu cú rườm rà, giọng điệu khô cứng… Chẳng khác nào một mớ giẻ rách, một tô cơm nguội. Nói đúng hơn là một mớ cỏ khô, một mớ cỏ khô chính hiệu.

Nguyên nhân khiến tôi trở thành một “Gã hề” trước đám đông và chỉ biết “đẻ ra” một mớ cỏ khô mỗi khi đặt bút là vì tôi ít học, chỉ tốt nghiệp lớp “chữ to”, là nhà tôi rất nghèo, là một tên còm nhom, xấu xí và bẩn thỉu, luôn “được” bạn bè dành tặng cho ánh mắt rẻ tiền. Vì thế tôi luôn tự ti và mặc cảm với cuộc đời,  run sợ trước mọi thứ mới mẽ, mù loà trước mọi vấn đề của cuộc sống. Đó là tôi, là tôi của mười năm về trước.

Nếu cho bạn được đánh đổi từ một “Gã hề” bằng những lời chỉ trích, mỉa mai để trở thành một người tự tin, nói năng lưu loát, có thể dẫn chương trình trong các buổi hội họp, liên hoan và nhận được những tràng pháo tay trước một hội trường hàng trăm nhân vật trí thức thì bạn có dám đánh đổi không?

Câu trả lời của tôi là có. Đó là khi tôi tự cởi trói cho chính mình sau 16 năm sống cuộc đời của một Gã hề, bị “đóng khung” bởi những nỗi sợ hãi. Tôi bắt đầu luyện nói, say mê nói, tìm mọi cơ hội được nói, nói mọi lúc mọi nơi. Lúc đầu với một, hai người, dần tăng lên năm, bảy người. Cứ thế, sự tự tin ngày một tăng lên cho đến khi có thể nói lưu loát trước hai, ba chục người, rồi đến hàng trăm người.

Từ đó, tôi được gọi là kẻ mắc bệnh nói nhiều, nói dai, nói dại. Nhiều lần tôi nói sai, nói ngu, nói ngớ ngẩn, tình nguyện bán thể diện của mình trước đám đông… Hứng chịu đủ lời mỉa mai và ánh mắt hằn học, khinh ghét. Nhưng qua mỗi lần sai, mỗi lần ngu, tôi học được kinh nghiệm để lần sau nói tốt hơn, hay hơn, cho đến khi những điều tôi nói ra được mọi người lắng nghe và dành sự tôn trọng. Đó cũng là lúc tôi hiểu rằng, ở đời CHẲNG CÓ BÀI HỌC NÀO LÀ MIỄN PHÍ. Để đạt một thành quả nào đó ta luôn phải trả giá ngang bằng với những gì nó mang lại cho ta.

Một lần nữa, tôi lại muốn hỏi bạn. Nếu cho bạn được đánh đổi mớ “Cỏ khô” mà bạn đang bắt bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp phải “ăn” hàng ngày bằng sự dè bỉu, mỉa mai, coi thường để đỗi lấy những “bát phở” thơm ngon dành cho họ, liệu bạn có dám đánh đổi không?

Có câu nói “Nếu bạn tập bơi mà không nhảy xuống nước thì chẳng khác nào bạn tập đá bóng bằng đôi chân vắt trên vai.” Nếu tôi tập nói là sự chủ động có chủ đích trong thế sẵn sàng thì ngược lại khi tập viết lại là sự bị động vào thế bắt buộc. Giống như một kẻ bị dồn vào đường cùng, buộc phải nhãy xuống một hồ nước sâu trong khi chẳng hề hiểu biết gì về kỹ năng bơi. Đó là khi công ty tôi lựa chọn kênh marketing trực tuyến. Công việc buộc tôi phải tự quản trị Website và viết bài PR. Một công việc mà trong đầu tôi chẳng có gì ngoài trang giấy trắng. Nhưng nó lại là một cái duyên giúp tôi mua vui với ngòi bút của mình và tập “múa quyền” bằng nét mực dòng văn.

Bạn đã bao giờ ăn phải thứ Cỏ khô chưa nhỉ? Nếu là có thì bạn sẽ thấy rằng, nó là thứ chất xơ mà càng nhai chỉ tổ thêm mỏi răng và rát lợi. Đó cũng là cảm giác khi ai đó đọc các bài viết của tôi cách đây 2 năm về trước. Nhưng bây giờ có khá nhiều người chực chờ các bài viết tôi ra để đọc, hối thúc tôi viết sách để mua. Tuy nó chưa thể “thơm ngon” như một bát phở hảo hạng. Nhưng có lẽ nó cũng đã ở tầm của một bát cơm nóng sốt chứ không phải là mớ cỏ khô hay là tô cơm nguội như ngày trước nữa.

Đọc đến đây chắc bạn sẽ bỉu môi mà phán toẹt. Ồ! Thằng này đang tự sướng. Hắn đang vỗ ngực khoác lác xưng tên. Đúng, nhưng hãy khoan đã, bạn hãy lắng nghe thông điệp chứ đừng nhìn thẳng vào thông tin. Tôi viết những dòng này không phải là để vênh váo tự hào, mà chỉ muốn kể với bạn trong quá trình “luyện công” da mặt tôi đã phải dày và chai rạn như thế nào. Tôi cũng mong rằng, qua cái khuôn mặt XẤU XÍ của mình. Bạn sẽ sàng lọc được chút thông tin và kinh nghiệm hữu ích nào đó cho chính mình. Hãy cùng tôi “ăn” nốt mớ cỏ khô cuối cùng này nhé bạn.

Cỏ khô, thứ chất xơ chán ngắt là cảm giác khi ai đó vô tình “ăn” phải những bài viết của tôi. Tôi cắm cúi viết. Viết như một kẻ điên mà không hề hiểu được mình đang truyền đạt cái gì. Chẳng hiểu bố cục ra sao, giọng văn lủng củng, câu cú rườm rà, dùng từ sai nghĩa, lỗi chính tả be bét… Vậy mà tôi vẫn cho nó hiện hữu trên Website và timeline hàng ngày. Kết quả nhận được là nút like và comment của tôi bị “đơ”, thay vào đó là sự xa lánh, khinh ghét và những lời châm chọt, xỉa xói sau lưng.

Nhưng chẳng sao cả, tôi vẫn cứ viết và càng viết nhiều. Tôi tự nhủ, để họ không thể ghét mình, thậm chí là thèm đọc những gì mình viết, thì phải tập viết cho thật hay. Để viết hay thì phải rèn luyện, phải trả giá bằng sự xấu hổ, thậm chí bị khinh khi, chỉ trích. Còn nếu viết ra mà đem dấu ẻm, chẳng cho “giám khảo” đọc thì chắc chắn sẽ không có động lực để cải thiện ngòi bút được. Không có người bắt lỗi thì làm sao thấy sai để mà sửa. Vậy là tôi cứ viết. Viết cho “tô cơm nguội” trở thành “bát cơm sốt”, và tiếp tục rèn luyện chờ đến ngày trở thành “bát phở” thơm ngon.

Suốt gần hai năm, tôi nhận được rất nhiều gạch, đá từ những bài viết của mình. Tuy vậy, đó chỉ đơn giản là những trảii nghiệm nhiều tủi hổ và quan điểm của cá nhân tôi. Có thể bạn đồng ý hay là không, cũng có thể bạn có phương pháp rèn luyện khác đơn giản và hiệu quả hơn tôi gấp nhiều lần. Nhưng nếu một kẻ ít học, dốt nát như tôi vẫn có thể nói và viết ra được những dòng này thì tôi tin bạn sẽ làm tốt hơn thế gấp nhiều lần. Điều quan trọng là chúng ta phải vất bỏ hết nỗi sợ hãi, luyện cho da mặt thật dày, không dấu dốt, sẵn sàng mắc lỗi để rồi sửa. Cuối cùng là phải kiên trì, không bỏ cuộc. Giống như tôi, khi đang viết những dòng này, cũng chỉ là cách tôi đang rèn luyện kỹ năng viết cho riêng mình, chứ chẳng phải lên lớp hay dạy đời ai cả. Tôi vẫn luôn mong muốn được bạn chỉ ra những lỗi của tôi trong bài viết này.

Tóm lại, tôi chỉ muốn nói rằng, để thành thạo một kỹ năng nào đó thì chẳng có cách nào khác là phải mài công rèn luyện. Đằng sau ánh hào quang trên sân khấu là một sự khổ luyện kéo dài. Đằng sau một diễn giả cuốn hút là hàng ngàn giờ luyện nói rát hơi bỏng cổ. Đàng sau một ngòi bút nỗi tiếng là hàng trăm quyển sách được lật dở đến nhàu nát, hàng chục lít mực được rãi đều xuống giấy. Thậm chí là cả những nỗi hổ thẹn và đắng cay chua chát.

Chẳng có bài học nào là miễn phí; chẳng có thành công nào là dễ dàng. Thiên tài là rất hiếm, nếu sinh ra với một tư chất bình thường thì phải có sự khổ luyện và nỗ lực hết mình mới thành công được. Con đường tuy hơi xa nhưng đích đến vẫn luôn rộng mở. Và thành công chính là kết quả của những cuộc vật lộn để đạp phăng mọi chướng ngại vật trên con đường ta đi.

 

Nguyễn Văn Thương

spot_img
Bài trước
Bài tiếp theo
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

14 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết rất hay, cho dù học trực tiếp là học bằng sự trải nghiệm, làm sai rùi sửa rút kinh nghiệm lần sau hay học gián tiếp là học qua sách vở, người khác thì mỗi bài học đều có cái giá của nó.

  2. Đầu tiên cho mình được cảm ơn tác giả 🙂 Bài được viết lên bằng trải nghiệm, rất hay rất thú vị.
    Mình thích được tiếp xúc với những người thẳng thắn dám nhìn nhận điều chỉnh bản thân qua sự tương tác với mọi người dù bằng những lời ” Nhận Xét”.
    Và cũng cho mình mạnh dạn được nói lên cảm nhận về văn phong tác giả 🙂 Bạn viết rất cuốn hút, thực tế, đoạn vào tuyệt vời nhưng càng về sau lại không duy trì được sự tuyệt vời đó 🙂 trần trụi mà nói đó là đầu voi đuôi chuột.
    Mình bị ấn tượng với phong cách viết của tác giả và muốn được đón đọc bài sau hay hơn bài trước nên mình có ” ý kiến” phản hồi đến tác giả 😀 Chỉ ngắn gọn thế thôi – Cuối cùng muốn 1 lần nữa cảm ơn tác giả mang đến cho độc giả chúng mình những bài viết hay mà không xa ròi thực tại. ^^

  3. Bai Viet cua ban that su rat an tuong va hay, chuc mung vi nhung gi ban da dat duoc, nghe ban tam su minh cam thay co duoc 1 phan an ui vi vua roi minh cung tham gia Viet 1 bai tren THDP( cuoc thi Viet ve sach thang 8), va bi gian Khao che tham te :), nhung minh van cam thay vui vi it ra minh cung da dam viet va nop no.
    Chuc ban tiep tuc thanh cong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI