24 C
Nha Trang
Thứ năm, 12 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Văn hóa và hủ tục: Đừng vội nghĩ mình đã là văn minh

*Photo: Unknown

 

Những nền văn minh cần được khai sáng

Đối với một con người của xã hội văn minh hiện đại, điều này có thể là phi lý, thế nhưng tục chôn con theo mẹ “Dọ-tơm-amí” là một tục lệ có thật vẫn đang tồn tại trong cộng đồng nhiều dân tộc như Bana, Jơ rai, Jẻ Triêng. Các dân tộc Tây Nguyên còn nhiều tục lệ được coi là “dã man” trong con mắt của người Kinh văn minh như tục “Joă ană” là đạp con cho chết. Cái tục này cho phép người đàn ông có quyền yêu cầu vợ mình đạp chết đứa con đầu lòng nếu nghi ngờ đó là con của một người khác, sự dã man của nó được mô tả như sau:

“Buộc phải tự thi hành án Joă ană, người phụ nữ vừa gượng dậy sau sinh nở sẽ phải bồng con vào rừng, dùng cây chụp loại chuyên đào củ mài đào một hố tròn sâu, thả đứa con mình vừa rứt ruột đẻ ra dốc ngược đầu xuống đáy hố để hồn ma bé khỏi biết đường về, rồi… đạp và …lấp. Hành đồng ấy được thực hiện trước sự chứng kiến của gã chồng, người cứ đinh ninh từ nay người vợ này mới hoàn toàn thuộc về mình, đứa con tiếp theo mới chắc chắn là con của mình.”

Chẳng riêng gì ở Việt Nam, trên thế giới có 3 triệu bé gái bị cắt âm vật mỗi năm, một hành động được coi là “truyền thống văn hóa” ở 29 quốc gia. Ở Amazon hay New Guinea vẫn tồn tại những bộ tộc ăn thịt người. Những ví dụ về “hủ tục” như vậy chẳng phải là ít, và mỗi con người chúng ta dường như sẽ chẳng mấy băn khoăn khi cho rằng nhiệm vụ của xã hội, nhà nước, thậm chí là Liên Hợp Quốc là nhằm khai sáng, can thiệp, và ngăn chặn những hành vi tội ác, ngu xuẩn, biểu tượng của một nền văn minh lạc hậu, của sự mê tín dị đoan… Giống như giải cứu những người rừng và đưa họ về với cuộc sống văn minh vậy.

Nhưng, xin các bạn chỉ một lần thôi, hãy ngừng lại và suy nghĩ

Chúng ta có thật là đã văn minh và hiện đại? Một nửa sự thật thì không phải sự thật, vậy thì có cái gì đảm bảo rằng sự thật mà chúng ta biết lại không phải là một nửa của một sự thật lớn hơn nữa?

Hãy nhìn vào giá trị đằng sau, không phải là thói quen đằng trước

Trong mắt bạn, cắt âm vật phụ nữ hay chôn sống trẻ em là một hành động dã man. Quả thực, những “hủ tục” này đã cướp đi sinh mạng của vô số người trong chiều dài lịch sử của nó. Thế nhưng, trải qua cả nghìn năm phát triển, những “hủ tục” ấy vẫn duy trì đến tận thế kỷ 21 này. Chính nhờ có chúng, các tộc người xưa kia có thể tồn tại qua những thế kỷ lạc hậu, thiếu thốn điều kiện y tế, ngừa thai… Những đứa trẻ mồ côi mẹ không trở thành gánh nặng cho buôn làng, những người phụ nữ mất đi ham muốn tình dục không trở thành cái máy đẻ để rồi chết vì băng huyết khi sinh.

1000 năm trước, chiếc bánh chưng có thể tượng trưng cho đất, chiếc bánh giầy tượng trưng cho trời, phản ánh quan niệm của cha ông ta về trời và đất. Bây giờ, tôi chả bao giờ thấy chiếc bánh giầy nào trong ngày tết như truyện vẫn kể, và bất cứ ai học qua cấp 2 đều biết rằng trời và đất đều có hình tròn, thế nên cái bánh chưng chỉ đơn giản là một loại bánh truyền thống mà thôi.

Có bao nhiêu người còn nhớ rằng chúng ta làm bánh chưng và bánh giày là vì lệnh của vua Hùng?
Có bao nhiêu người còn nhớ rằng chúng ta làm bánh chưng và bánh giầy là vì lệnh của vua Hùng?

Mỗi một tục lệ, đều có bối cảnh ra đời và giá trị ẩn chứa đằng sau đó. Đó có thể là một giá trị mang tính tinh thần như chiếc bánh chưng hay con gà trên mâm cúng, nhưng đó cũng có thể là một giá trị vật chất nhằm duy trì sự phát triển của xã hội như tục cắt âm vật. Xã hội thay đổi, con người thay đổi, liệu chúng ta có thể bình tâm suy xét trước mỗi phong tục tập quán của dân tộc mình, của dân tộc mà chúng ta can thiệp thay vì chỉ đơn giản phân chúng thành hai nhóm “truyền thống tốt đẹp” và “hủ tục”?

Mất đi giá trị, phong tục chỉ còn là một thói quen. Thế nhưng bất cứ cộng đồng nào cũng có thể khoác cho những thói quen ấy những cái tên mỹ miều như “bản sắc văn hóa dân tộc” hay “truyền thống lâu đời của cha ông”. Nếu chúng ta cho rằng hành vi đạp con đến chết hay cắt âm vật là dã man, liệu chăng 1000 năm sau con cháu chúng ta sẽ được dạy rằng án tử hình là những minh chứng cho sự dã man và tăm tối của cha ông chúng khi vẫn còn dùng bạo lực để đối xử với nhau? Chúng ta coi ăn thịt người là man rợ, chẳng khác gì người phương Tây bảo Việt Nam ăn thịt chó là dã man. Giả sử 1000 năm sau khi con người chung sống hòa hợp với thiên nhiên, việc ai đó giết thịt một con gà trống để cúng giao thừa có chăng sẽ được coi là hành vi man rợ?

Phải chăng 1000 năm sau, người ta sẽ nhìn vào hành động cắt tiết gà dã man chẳng khác nào chúng ta đang cắt âm vật của bé gái
Phải chăng 1000 năm sau, người ta sẽ nhìn vào hành động cắt tiết gà dã man chẳng khác nào chúng ta đang cắt âm vật của bé gái

Văn hóa cần bao dung, còn con người cần có óc phản biện

Trong bài viết này, tôi không muốn bàn về định nghĩa hủ tục hay phong tục, tôi muốn nói về hai điều quan trọng, mà theo tôi sẽ giúp xã hội chúng ta trở nên tốt đẹp hơn nhiều.

Thứ nhất, là tư duy phản biện (critical thinking) trong văn hóa. Chúng ta làm quá nhiều thứ theo thói quen: Cúng gà, mừng tuổi, bốc mộ, xin chữ, lễ chùa, cúng rằm, ăn thịt chó giải hạn, đốt vàng mã… Bao nhiêu người thực sự có thể giải thích được ý nghĩa thật sự ẩn sau mỗi hành động đó. Quá nhiều những phong tục đã mất đi ý nghĩa văn hóa của nó, nhiều phong tục khác bị biến tướng theo những niềm tin tâm linh (ví như việc đốt nhà lầu xe hơi, nhét tiền vào tay tượng phật hay mài đầu cụ rùa trong Văn Miếu).

Khi người ta không hiểu được giá trị, ý nghĩa tốt đẹp đằng sau mỗi phong tục tập quán, những phong tục ấy sẽ trở nên sáo rộng, màu mè, lãng phí thời gian và vật chất của xã hội. Bản thân tôi lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi với những mâm cỗ toàn thịt gà luộc, một món ăn vô cùng thiếu hấp dẫn với vô số gia đình nhưng vẫn phải tồn tại theo phong tục. Để rồi chúng bị đổ đi, hoặc chuyển thành món kho, món rim vào ngày hôm sau. Trong một nỗ lực tìm kiếm lý do việc phải tồn tại món gà luộc trong mâm cỗ, tôi tìm thấy không chỉ một dị bản lý giải cho cái con gà này.

Thế nên, điều tôi muốn chốt ở đây là mỗi chúng ta hãy dùng cái đầu để nghĩ, cũng như mỗi khi bạn hướng dẫn con cái mình làm theo một phong tục nào đó, hãy nói cho nó về lý do, nguồn gốc của điều đó. Nếu chính bạn cũng không biết vì sao chúng ta phải làm như vậy, hãy để con bạn yên.

Nếu đã không biết lý do vì sao chúng ta phải cúng gà hay cúng lợn, vậy thì cúng chó hay cúng vịt cũng đâu có sao?
Nếu đã không biết lý do vì sao chúng ta phải cúng gà hay cúng lợn, vậy thì cúng chó hay cúng vịt cũng đâu có sao?

 
Điều thứ hai tôi muốn nói là văn hóa cần có tính bao dung. Chính xác hơn là cả xã hội cần bao dung hơn. Những con người vĩ đại trong lịch sử như Gandhi, Nelson Mandela, Lão Tử… đều là những con người yêu hòa bình. Chúng ta căm ghét sự áp bức, chúng ta căm ghét chế độ nô lệ. Nhưng chúng ta lại vẫn ủng hộ việc nô lệ nhau từ tận linh hồn. Văn hóa, phong tục có thể là những thứ được thừa nhận bởi số đông, nhưng cũng chính vì thế mà nó trở thành gông xiềng, nô lệ đối với thiểu số. Những đứa bé gái sinh ra ở Somali phải chịu đựng nỗi thống khổ của việc cắt âm vật, vì đó là điều mà cộng đồng thừa nhận. Người cha khốn khổ trong những câu chuyện chôn con theo mẹ phải chấp nhận điều đó, vì anh ta chỉ là thiểu số khi so sánh với cả buôn làng của mình.

Chúng ta thích nhân danh xã hội, thích viện dẫn số đông để áp đặt lên thiểu số, cả về tinh thần lẫn cơ thể. Đấy là lý do vì sao chẳng có ai đặt thịt chó lên bàn thờ, cũng như nhà nhà đều ăn bánh chưng vào dịp Tết, con người trong xã hội trở thành nô lệ cho nền văn hóa của chính mình. Một cách bản năng, chúng ta sẽ trở thành người đầy tớ chung thành của văn hóa dân tộc. Chúng ta hành động như thế vì chúng ta tin rằng điều đó là hợp lý, rằng như thế mới là người Việt Nam chứ không phải người Mỹ, người Nhật, người Tàu. Văn hóa dân tộc cho phép chúng ta sỉ vả người phụ nữ không chồng mà chửa, cho phép bố mẹ dạy con bằng đòn roi, đốt cả hàng trăm tỷ đồng tiền vàng mã. Tất cả mọi thứ đều mang danh văn hóa.

Liệu một cô gái đã từng phá thai với bạn trai có thực sự là loại gái chẳng ra gì?  Liệu một cô gái điếm có phải là đã mất hết nhân phẩm? Liệu một đứa con cúng trâu thay gà trong đêm giao thừa có phải là bất hiếu? Liệu một thanh niên tóc nhuộm, nói tiếng Việt pha tiếng Anh có phải là mất gốc?

Văn hóa của chúng ta còn thiếu tính bao dung đối với những người không tuân theo nó. Ngủ với ai là quyền của cô gái, tóc màu gì hay nói tiếng gì là quyền của mỗi công dân, cũng như cúng cái gì trên bàn thờ là quyền của mỗi gia đình. Tất cả những thứ ấy chả làm cho bạn mất gì, tổn hại gì. Cũng như nếu vì một lý do gì đó mà cả đất nước Việt Nam có cúng vịt, lợn, chó, thay vì gà, tôi tin là điều ấy cũng chả ảnh hưởng gì lắm đến tương lai của đất nước 100 năm tới. Thế nhưng hãy thử nhìn lại cách mà xã hội áp đặt lên những con người không tuân theo những chuẩn mực văn hóa của nó: Lên án, dè bịu, khinh bỉ rồi thậm chí là thóa mạ họ.

Những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa sẽ chẳng thể được giữ gìn thông qua sự áp bức. Hàng trăm năm lễ giáo phong kiến cũng chẳng ngăn được những người đàn bà chửa hoang, ánh sáng cách mạng cũng chẳng ngăn nổi những người đàn ông muốn xem phim sex, thế nên hãy tin rằng những điều tốt đẹp của văn hóa chẳng thế đến với mỗi con người thông qua sự áp đặt. Muốn thuyết phục một đứa bé duy trì truyền thống cha ông, hãy làm cho nó nhìn thấy giá trị của cha ông để lại chứ không phải là một thói quen rỗng tuếch.

Bạn có muốn sống trong một thế giới mà ăn mặc sexy có thể bị xử bắn không?
Bạn có muốn sống trong một thế giới mà ăn mặc sexy có thể bị xử bắn không?

Kết

Chính vì cái sự áp đặt của văn hóa, thế nên mới có chuyện sửa kết chuyện Tấm Cám. Chính vì sự mất giá trị của các phong tục truyền thống, mới có chuyện ấn đền Trần bán đắt hơn tôm tươi. Đáng sợ thay ý chí của con người, hầu đồng có thể bị coi là mê tín, còn chen nhau cướp ấn lại coi là lễ hội văn hóa.

Con người ta cần sống có cả tấm lòng bao dung và cả cái đầu tỉnh táo tư duy, dù cho là với chuyện làm ăn kinh tế hay là đời sống văn hóa tâm linh.

Tôi thấy thực là rất cần.

 

 

Hoàng Đức Minh

Hà Nội, 03/02/2014

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

8 BÌNH LUẬN

  1. Cách hiểu của bác này về văn hóa thật là MÉO MÓ. chẳng có văn hóa nào mà đi cổ vũ “sỉ vả người phụ nữ không chồng mà chửa, cho phép bố mẹ dạy con bằng đòn roi, đốt cả hàng trăm tỷ đồng tiền vàng mã.” Văn hóa là những giá trị tinh thần và tư tưởng tốt đẹp. những cái mà anh nói là những tư tưởng hẹp hòi và cạn. Nó xuất phát từ trình độ và mức nhận thức của con người còn kém, khi họ đi đến 1 trình độ và sự hiểu biết nhất định, họ sẽ không bao giờ nghĩ như vậy và làm. Làm sao lại độ tại văn hóa được nhỉ. Có văn hóa nào cổ súy những cái như thế.

  2. Mình thích tư duy của bạn, thích sự phản biện của bạn, song bạn vẫn nên không ngừng suy ngẫm và trải nghiệm. Tay viết còn hơi non, và tầm nhìn đôi lúc còn đang hạn hẹp. Tất nhiên là tôi cũng không nói là bạn đúng ở điểm nào hay sai ở điểm nào, vấn đề này khá là tương đối, chỉ nên nói là có chỗ tôi đồng tình có chỗ không thôi. Tóm lại là hãy “bao dung” cả những vấn đề mà bạn đang lên án, và rồi lại “bao dung” cả việc “bao dung” kia, chắc là mọi thứ sẽ rộng mở hơn nhiều. Cuối cùng là “bao dung” cho tôi về việc cmt linh tinh nhé.

  3. “Nếu chính bạn cũng không biết vì sao chúng ta phải làm như vậy, hãy để con bạn yên”. Tôi rất thích câu này của bạn, mà không biết phụ huynh của bạn có đọc không.
    Tôi ấy hả, tôi chẳng băn khoăn về chuyện cúng bằng thịt gà hay thịt chó, bởi vì tôi chẳng cúng gì cả, với tôi cái bàn thờ cũng là không cần thiết. Nhưng không phải tôi “bao dung” bố mẹ tôi hay họ hàng về chuyện họ thờ cúng rối mắt như vậy đâu, mà là tôi đành chấp nhận vì việc ấy đúng với họ, cho nên tôi để họ yên.
    Tôi thích những ý kiến chia sẻ của bạn trong bài viết này. Tuy nhiên tôi đồng ý với bạn Revolutionary về vấn đề “văn hóa cần bao dung”. Văn hóa là ai, là người nào? Để bao dung ta cần phải là người rất “lớn”, rất “tầm cỡ”, nhưng như vậy thì quả là khó lắm! Tôi nghĩ ở đây có thể là cách dùng từ của bạn chưa diễn đạt được ý bạn muốn nói chăng?
    Với cá nhân tôi, bình tĩnh chấp nhận được những khác biệt đã là một trình độ cần phải tu luyện luôn luôn rồi. Khi tôi mạnh hơn, những khác biệt mà tôi cho rằng nó làm kìm hãm tiến hóa tâm linh của loài người, tôi sẽ tìm cách để chuyển hóa nó thành tiến bộ hơn chứ không “bao dung” nó đâu.

  4. Một bài viết thực sự chất lượng. Tiếc 1 điều là đoạn đầu khách quan nhưng đoạn cuối lại cố áp đặt văn hóa bao dung.
    Sẽ là thú vị để quan sát xem 1 cộng đồng sẽ tiếp nhận 1 ý kiến mới mẻ như bài viết này thế nào trong 1-2 ngày tới.
    Chúc tác giả viết được nhiều bài chất lượng hơn!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,910Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI