Bài viết này được truyền cảm hứng từ Reading Challenge – một hoạt động giúp mọi người xây dựng thói quen đọc sách đang được tổ chức trong group Triết Học Đường Phố. Tôi xin chia sẻ trải nghiệm đọc sách cũng như một vài kinh nghiệm đúc rút được từ quá trình đọc của bản thân. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp được những thông tin hữu ích cho mọi người.
Tôi vẫn còn nhớ cuốn sách đầu tiên mình được đọc là vào hồi học lớp Năm – cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Từ đó đến bây giờ đã là 15 năm nhưng các diễn biến trong truyện vẫn còn rất sống động trong tâm trí tôi. Có lẽ, tôi là kẻ may mắn khi cuốn sách đầu tiên mang lại cho mình cảm giác thú vị và say mê, việc đó đã tạo tiền đề cho sở thích đọc sách của tôi sau này.
Theo tôi, đọc sách là một hình thức tập thể dục cho bộ não, cũng giống như người ta chơi thể thao hay chạy bộ vậy. Sau một quá trình rèn luyện, người đó sẽ có được cơ thể khỏe mạnh, săn chắc và tinh thần tươi tốt hơn. Người có bộ não được vận động thường xuyên và đều đặn sẽ sản sinh ra nhiều ý tưởng sáng tạo. Người đó cũng nâng cao được khả năng liên kết các ý tưởng và linh hoạt hơn trong cách tiếp cận vấn đề. Ngoài ra, đọc sách cũng là một cách nuôi dưỡng tâm hồn, trau dồi vốn từ và kỹ năng diễn đạt ý tưởng với người khác.
Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ 7 nguyên tắc quan trọng nhất mà tôi cho rằng nó giúp việc đọc sách trở nên hiệu quả và có ý nghĩa.
1. Đọc thường xuyên, ít nhưng đều đặn
Bất kể công việc gì, mục tiêu gì dù to lớn cỡ nào thì cũng đều trở nên đơn giản khi ta biết chia nhỏ chúng ra. Đọc sách cũng vậy. Dù là 1 cuốn hay 100 cuốn, khi biết phân bổ và điều tiết thì thành công luôn nằm trong tầm tay. Việc đọc sách sẽ không còn là gánh nặng mà trở thành niềm vui thích vì mình luôn có cảm giác thành tựu.
Trước kia, đã có một khoảng thời gian 6 tháng, tôi đặt mục tiêu mỗi ngày đọc tối thiểu 100 trang sách (và có đánh dấu việc đọc của mình vào lịch theo dõi.) Tính ra, 3 ngày tôi đọc được 1 quyển sách 300 trang (cỡ trung.) Kết quả là trong 6 tháng đó, tôi đọc được gần 50 đầu sách dày mỏng khác nhau.
Tôi để ý thấy rằng, mình càng giữ nhịp đọc đều đặn thì về sau, tốc độ đọc và sự tập trung càng gia tăng. Chưa kể, việc này còn rèn cho bản thân tính kỷ luật và cũng thúc đẩy mình phải sắp xếp các công việc khác trong ngày một cách hợp lý để thực hiện thói quen đọc sách.
Ngoài ra, khi chia nhỏ khối lượng sách và thực hiện việc đọc mỗi ngày sẽ giúp cơ thể dễ dàng thích ứng và hấp thụ thông tin hơn là đọc dồn một mạch trong thời gian ngắn (dẫn đến lao lực, căng thẳng) hoặc đọc ngắt quãng quá xa (dẫn đến chán nản, mất kết nối.) Đọc sách có kỷ luật cũng là một cách gián tiếp làm thuyên giảm sự cực đoan trong đời sống. Biết điều tiết việc đọc cũng sẽ biết cách điều tiết cảm xúc cá nhân hay phân bổ các công việc khác.
2. Đọc đa dạng
Vài năm trước, tôi chỉ đọc theo sở thích, tức là chỉ đọc các chủ đề mình thấy hứng thú và dễ đồng cảm như truyện thiếu nhi hay sách tâm linh tôn giáo. Nhưng sau khi làm theo gợi ý của một người bạn rằng hãy thử đọc một cuốn sách “sở đoản” xem sao, tôi đã có một sự thay đổi lớn trong việc đọc. Lúc đó, tôi không thích các nội dung chính trị vì thấy rất khó nuốt. Nhưng sau khi quyết định phá lệ, tôi đã đi mua một vài cuốn chính trị cổ điển về ngâm cứu như Chính trị luận – Aristotle, Khế ước xã hội – Jean Jacques Rousseau. Sau khi đọc xong, tôi nhận ra rằng chính trị là một chủ đề thú vị hơn mình tưởng. Kể từ đó, tôi không ngần ngại mở rộng việc đọc ra với các dòng sách khác và với các tác giả mình chưa biết tới.
Việc đọc đa dạng các thể loại, các chủ đề và các tác giả khác nhau mang lại rất nhiều lợi ích:
- Trau dồi được vốn từ ở đa dạng lĩnh vực.
- Tiếp xúc và học hỏi được các cách hành văn khác nhau, từ đó tăng cường sự linh động, sáng tạo trong tư duy và trong cách thể hiện một ý tưởng/vấn đề.
- Tăng khả năng liên kết các ý tưởng từ thể loại này với thể loại khác, từ tác giả này với tác giả khác, từ chủ đề này sang chủ đề khác. Việc này giống như xây dựng một mạng lưới liên kết dày đặc trong não bộ vậy.
- Tìm ra được văn phong của chính mình. Khi đọc đa dạng các thể loại, ta sẽ nhận thấy những tác giả có văn phong tương tự bằng việc cảm nhận được sự tương đồng sắc thái. Thường văn phong của một người là sự pha trộn văn phong của nhiều người khác. Càng đọc nhiều thì càng dễ tìm ra được cách hành văn phù hợp nhất với chính mình.
- Hạ bớt cái tôi. Khi không chỉ đọc những loại sách mình thích, mình “ăn” được ngay, hấp thụ được ngay mà còn đọc cả những thể loại sở đoản, tôi học được cách chấp nhận những đối tượng khác biệt. Đồng thời, đây là một cách tiếp cận với những góc tối, những yếu điểm của bản thân và những cảm giác khó chịu khi vướng vào chủ đề khó hay không tương đồng về hệ quy chiếu.
3. Đọc có hệ thống
Ảnh: Vũ Thanh Hòa
Hồi đầu khi mới đọc sách, tôi đọc rất hỗn độn, không nhất quán, đọc tùy hứng, ngẫu nhiên. Vui thì có vui nhưng không nắm bắt được sâu sắc vấn đề. Sau này, tôi mới đổi phương pháp là đọc nhuần nhuyễn một thể loại/chủ đề/tác giả này rồi mới đến một thể loại/chủ đề/tác giả khác.
Khi đọc tập trung và có tính hệ thống, ta rèn được tính kỷ luật và khả năng tư duy sâu về một đối tượng, giúp tăng cường cảm nhận, từ đó nhanh chóng nắm bắt được cách hành văn của một tác giả, phân biệt được sự khác nhau về sắc thái giữa thể loại sách. Nếu đọc ngẫu hứng thì việc cảm nhận các phong cách, thể loại văn học khi chưa được định hình rõ ràng thì đã nhanh chóng bị lu mờ khi ta tiếp cận sang phong cách và thể loại mới. Khi ấy, đọc nhiều nhưng không nắm được cốt lõi.
Không chỉ đọc sách mới cần sự chuyên môn hóa như vậy, việc chơi các môn thể thao (hay làm các công việc khác) cũng tương tự – tập từng động tác cho nhuần nhuyễn rồi mới chuyển sang động tác khác và sau cùng mới là phối hợp các động tác với nhau.
Lại một lần nữa, tôi phải trích dẫn câu nói của Lý Tiểu Long:
“Tôi không sợ người tập một lần 1000 cú đá. Tôi sợ người tập một cú đá 1000 lần.”
4. Đọc kết hợp viết review
Ngày xưa khi đọc sách, tôi không có thói quen review, đọc chỉ để đọc vậy thôi, xong là xong, không lắng lại được gì nhiều. Nhưng từ ngày bắt đầu viết review (trên THĐP) thì cảm thấy có sự thay đổi diễn ra trong bản thân mình:
- Tăng sự tập trung và tư duy phản biện lúc đọc, vì ban đầu đã đặt lệnh cho não là cần viết review sau đó.
- Tăng cường trí nhớ. Một nội dung được đọc một lần, được nhắc lại thêm một lần khi take note và được nhắc lại một lần nữa khi viết review. Đấy là còn chưa kể, khi viết review xong, tôi phải đọc lại bài vài lần để soát ngữ pháp và lỗi chính tả. Nên các yếu tố về nội dung hay các điểm ấn tượng của cuốn sách đều được ghi nhớ rất lâu.
- Tăng khả năng liên tưởng đến các đối tượng tương đồng. Viết review cần sự so sánh với các tác phẩm khác hay liên hệ với các ý tưởng tương tự trong cuộc sống.
- Tăng khả năng nhìn nhận, nắm bắt vấn đề một cách tổng quát.
- Rèn luyện được khả năng sắp xếp nội dung ưu tiên.
- Nâng cao trách nhiệm trong việc đọc, vì sau đó bài review là để chia sẻ với mọi người.
5. Không bỏ dở sách
Với tôi, đây là nguyên tắc cực-kỳ-quan-trọng trong việc đọc. Đọc hết một cuốn sách là thể hiện sự tôn trọng dành cho tác giả và cho cuốn sách đó. Nếu không biết tôn trọng người khác thì cũng không xứng đáng được người khác tôn trọng. Chưa kể, chỉ khi nào đọc hết cuốn sách thì thời gian đọc trước đó mới không bị uổng phí vì đối tượng không bị bỏ lửng.
Trong trường hợp đọc trúng một cuốn sách mình cho là dở tệ thì ta vẫn có thể học được cách tư duy nhận biết ưu nhược điểm của nó và tìm cách cải thiện nếu sau này mình có viết một chủ đề tương tự. Với tôi, trong việc đọc sách, không có thích hay không thích, chỉ có học hay không học được gì.
Nói đến đây lại nhớ đến câu nói của Yoda trong Star Wars:
Ảnh: Cameron Turner
Tôi cũng tự chế cho mình một câu là: “Đọc hoặc đừng đọc. Không được bỏ dở.”
Từ ngày tôi bắt đầu có ý thức đọc sách đến giờ đã là 9 năm, số sách tôi bỏ dở là 1. Đó là tác phẩm Ba gã cùng thuyền (chưa kể con chó) của nhà văn Jerome K. Jerome. Do ngày đó có sự di chuyển trong chỗ ở nên tôi đã phải ngắt quãng việc đọc sách trong một thời gian. Khi quay lại tôi không còn hứng thú và cũng quên các tình tiết trước đó nên cuối cùng đã bỏ dở cuốn sách hài hước này. Tôi đã cố gắng tìm kiếm lại nó ở các hiệu sách (cuốn cũ tôi đã làm từ thiện) nhưng không thấy nơi nào bán. Trải nghiệm này càng nhắc nhở tôi càng phải trân trọng việc đọc sách hơn nữa.
6. Tạo điều kiện tốt nhất cho việc đọc diễn ra
Tôi đã từng cho rằng đọc thì cứ đọc thôi, sao phải cầu kỳ này nọ và cứ thế cầm cuốn sách lên và cắm cúi đọc từ đầu cho đến hết. Nhưng hầu như lần nào đọc xong tôi cũng thấy mệt mỏi rã rời như vừa thi xong môn Toán đại học vậy. Khi không có sự ước tính về khả năng, nguồn lực, tâm thế của bản thân cho việc đọc thì mình rất dễ bị kiệt sức. Mỗi lần đọc sách xong là tôi không làm được việc gì khác nữa.
Chưa kể có lúc, tôi đọc sách trong tư thế không phù hợp nên nhanh chóng buồn ngủ. Ngoài ra, đọc với tâm trạng không tốt cũng dẫn đến việc không tiếp cận tối đa được giá trị của tác phẩm. Với tôi, đọc sách là cơ hội để lắng nghe cơ thể mình và môi trường xung quanh. Việc đọc sách sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi ta tạo được điều kiện thuận lợi nhất cho nó xảy ra.
Trong góc nhìn của tôi, mỗi cuốn sách như một con người. Đọc sách cũng là hình thức trò chuyện, tiếp xúc với người đó. Nếu ta không cho đi những điều tốt đẹp của bản thân (thái độ, tâm thế, sự chú ý) thì cũng không xứng đáng được nhận về những điều tốt đẹp từ họ.
Sau đây, tôi xin chia sẻ một vài gợi ý trong việc tạo môi trường đọc sách tối ưu, (tùy mỗi người sẽ có cách áp dụng riêng):
- Không nằm đọc sách (dễ buồn ngủ.)
- Không đọc khi đang mệt mỏi, tâm trạng xấu. (Trong tình huống này nên đi ngủ thì hơn.)
- Không đọc nơi thiếu sáng (dễ gây buồn ngủ, chán nản) hoặc dư thừa ánh sáng (mắt bị kích thích, giảm sự tập trung.)
- Hạn chế những yếu tố làm phân tán sự chú ý trong quá trình đọc: Chuông điện thoại, facebook.
- Chọn thời điểm đầu óc minh mẫn và thư thái để đọc sách. Nên cố định giờ cụ thể để tạo cảm giác đọc mạnh hơn vào những lần sau.
- Kết hợp với nghe nhạc (tùy người.)
- Tăng cường uống nước trong lúc đọc sách.
- Rèn luyện thể lực thường xuyên.
7. Tạo thời gian nghỉ
Theo tôi, sau 1 năm, 6 tháng hoặc 3 tháng liên tục đọc sách thì nên có khoảng nghỉ tương ứng (không đọc sách gì nữa.) Khoảng thời gian nghỉ chính là để “làm rỗng” tâm trí, rửa não, để quên hết đi những gì vừa đọc.
Khi tâm trí một người tích lũy càng nhiều tri thức thì không gian để đón nhận những ý tưởng mới của người đó càng thu hẹp. Tôi cho rằng người nào càng ôm giữ nhiều kiến thức, quan điểm (đặc biệt về một thái cực, chủ đề nhất định nào đó) thì họ càng cứng nhắc và kém sáng tạo.
Đối với tôi, đọc sách là để rèn luyện tính kỷ luật, khả năng tư duy, sự linh động trong cách tiếp cận vấn đề, chứ không phải để tích lũy thông tin. Các thông tin nào cần thiết và quan trọng sẽ tự được lưu vào vào bộ nhớ. Lúc cần thiết, nó sẽ tự xuất ra (tùy thuộc vào mức độ ấn tượng/quan trọng của nó và sự tập trung của bản thân khi đọc sách.) Nếu nó không hiện ra, chứng tỏ nó không đủ quan trọng với mình. Vậy nên không phải quá bận tâm hay cố gắng ghi nhớ điều gì trong quá trình đọc.
Ảnh: Vũ Thanh Hòa
Ngoài ra, thời gian nghỉ này cũng áp dụng khi chuyển việc đọc từ cuốn này sang cuốn khác. Không nên đọc liền tù tì nhiều cuốn sách liên tiếp. Não cần được nghỉ ngơi và có sự chuẩn bị trước khi bắt đầu tiếp xúc với một đối tượng mới. Đây cũng là bước đệm giúp việc đọc sách trở nên êm ái hơn.
Hiện tại, sau hơn 1 năm tạm-đoạn-tuyệt sách vở, tôi đã quay trở lại với thói quen đọc sách hàng ngày và tiếp tục viết review trên Triết Học Đường Phố như trước kia vẫn làm.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này. Rất mong nhận được sự góp ý và chia sẻ kinh nghiệm từ các bạn. Ngoài ra, bạn nào muốn tham gia xây dựng thói quen đọc sách cùng các thành viên ở Triết Học Đường Phố thì có thể vào group để ghi danh. Chào thân ái!
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
*Featured Image: StockSnap
Cảm ơn ^^
Đọc bài này thấy mình chưa bao giờ review sách cả. Chỉ trích dẫn thôi. Thời gian tới học cách review xem. Thank a lot. :D!
Em mong chờ các bài review của anh ạ. ^^