27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

5 nhận định về cách lập luận chính trị ở Việt Nam

Featured image:  the rik pics

 

Gửi các admin của Triết Học Đường Phố: Mình rất ấn tượng về page của các bạn, các bạn là page bàn luận về chính trị sạch nhất mà mình từng thấy. Nên mình xin mạn phép đóng góp một bài. Mình là 1 sinh viên năm nhất, tuy chỉ mới 18 tuổi nhưng sống trong một đoạn thời gian mà có nhiều sự kiện chính trị và tồn tại một thế giới mở như fb nên mình cũng rất chú ý tới những cuộc tranh luận về chế độ, nhà nước của Việt Nam, đồng thời sau khi vào đại học mình học những bộ môn như Mác, như học phần quốc phòng mình. Qua những cuộc tranh luận cùng với những gì mình học trong các bộ môn chính trị mình nhận thấy lối suy nghĩ và lập luận của mọi người, từ cả 2 phe, đều có vài điểm sai lầm, mang tính cực đoan và khiến mọi cuộc tranh luận được đưa ra rơi vào bế tắc. Vì vậy mình xin mạn phép post bài này để chia sẻ với mọi người, cùng đọc, ngẫm. Những ý kiến, nhận định của mình chỉ mang tính cá nhân, xuất phát từ bản thân mình nên đừng hỏi những cái ấy từ đâu ra, đừng phán xét đúng sai.

Đầu tiên các bạn thường hay bác bỏ ý kiến trái chiều bằng lý do kiểu như “Bọn phản động, bọn bán nước” từ phía các bạn ủng hộ chế độ hoặc là “Ôi cộng sản, lũ ngu dốt!!!” từ phía các bạn còn lại. Đây gọi là chụp mũ về tư tưởng, về niềm tin, các bạn muốn bảo vệ tư tưởng niềm tin của bạn thì bạn phải có lập luận, phải có lý lẽ để bảo vệ nó, chứ không phải bác bỏ mọi ý kiến phản bác bằng cách phán xét đối tượng tranh luận với bạn.

Thứ hai, không chấp nhận ý kiến bên đối diện dù cho họ đưa ra đầy đủ lý lẽ và chứng cứ thuyết phục. Các bạn phải tập chấp nhận những ý kiến đúng đắn từ phía bên kia. Nếu bên kia đưa ra được bằng chứng lý lẽ thuyết phục thì bạn phải chấp nhận nó, có như vậy thì lý lẽ, bằng chứng của bạn mới được người khác lắng nghe, tán thành. Không nên tranh luận theo kiểu cãi bướng, cứ đinh đinh cái định kiến rằng bên mình luôn đúng và bên kia luôn sai.

Thứ ba, 1 vấn đề rất là nhức nhối, chửi thề. Nếu các bạn không có văn hóa, không biết cách ứng xử thì mình khuyên các bạn đừng tham gia những vấn đề thế này, xem cho biết đi. Vì tranh luận là giải quyết vấn đề bằng ngôn ngữ, lập luận, chứ không phải cãi nhau ngoài đường bên nào chửi cho bên kia im miệng là thắng.

Thứ tư, thường xuyên lôi lịch sử, những chính sách sai lầm của bên đối lập trong quá khứ ra để phán xét tư cách, độ đúng đắn của họ. Mình nói thật, trong mắt mình cuộc chiến 1954-1975 không phải cuộc chiến giải phóng, cũng không phải cuộc chiến chống xâm lược, mà là 1 cuộc nội chiến. Mà nội chiến thì không có đúng sai, chỉ đơn giản là anh em trong nhà giành nhau quyền kiểm soát (và sai lầm của cả 2 bên là đều lôi nước ngoài vào). Đồng thời, thứ chúng ta tranh luận là những vấn đề hiện nay, với những cá nhân sống trong thời đại này chứ không phải vào thời nào đó. Cho nên việc lôi lịch sử ra để xuyên tạc phán xét là hành động không hợp lý và mang tính thù địch hơn là tranh luận.

Thứ năm, so sánh vấn đề trong nước với nước ngoài. Các bạn có thể dẫn chứng những thành công thất bại của nước khác để củng cố cho lập luận của bạn nhưng cái mình nói ở đây là cái kiểu lấy nguyên nước người ta ra so sanh với nước mình mà không nêu ra thua ở đâu, vì sao thua. Như “Bên Singapore hồi xưa thua mình, giờ nó hơn mình chục năm”, các bạn chỉ nhìn tới việc nước mình thua nước họ với tâm thái là ganh tị, chứ không phải học tập. Biết mình thua người khác rồi thì phải xem mình thua ở đâu và có niềm tin phấn đấu chứ ko phải cứ luôn miệng nói mình thua người này người kia như vậy.

Có lẽ do nước ta độc Đảng nên người dân không quen với việc tranh luận những vấn đề thế này. Nhưng theo mình, trước khi bàn về tự do, bàn về dân chủ, bàn về đa đảng thì mỗi người dân trong chúng ta, dù tư tưởng chính trị như thế nào, đều phải biết cách làm thế nào để tranh luận, đưa ra lý lẽ hợp lý chứ không phải thực hiện những hành động đưa mọi cuộc tranh luận nào vào ngõ cụt.

P/S: Nếu bạn nào tâm đắc về bất kì quyển sách nào về nghệ thuật tranh luận, lập luận thì cho mình xin vì những cái trên là do mình tự rút ra và còn phải học nhiều. Xin cảm ơn.

 

KR

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

46 BÌNH LUẬN

  1. “Ta đánh đây là đánh cho liên Xô, cho Trung Quôc..”!

    Đồng chí nào nói câu “danh ngôn” này nhỉ?

    Đã đánh cho hai Ông và để bành trướng Chủ Nghĩa CS thì “Lội chiến” ở mô hè?

  2. Cũng như bạn Người Việt, tôi khá ngạc nhiên về trình độ nhận thức và khả năng diễn tả tư tưởng của bạn KR, bạn sẽ còn tiến xa hơn trong những lãnh vực này, tiếc rằng bạn có lẽ là trường hợp ngoại lệ ở Việt Nam .
    Tôi rất đồng ý với bạn về khả năng tranh luận trong chúng ta, chúng ta đa số chỉ cải vã, cả vú lấp miệng em, bịt tai trước lý luận của người đối thoại, và ra rả nói về quan điểm của mình, bất kể kẻ đối diện có lắng nghe và chấp nhận hay được thuyết phục bởi quan điểm ấy. Tôi đã gặp rất nhiều người như vậy và tiếc thay trong số họ có cả người thân kẻ thích của tôi. Không biết sau mỗi lần cải vã như vậy có bao giờ họ bình tâm lại và tự nghĩ làm thế nào để lần sau mình phải biết nói như thế nào cho có khả năng thuyết phục hơn.
    Tôi có một người quen, chúng tôi thường đối thoại về mọi lãnh vực, anh ta luôn luôn bình tỉnh trong thái độ, sâu sắc trong nhận xét, lý lẽ thường có tính thuyết phục, cho nên dù không đồng ý với ý kiến nào đó, tôi vẫn luôn tôn trọng và hào hứng. Trong khi có những người tôi không buồn chia sẽ suy nghĩ của mình.
    Về cảm nghĩ của bạn đối với cuộc chiến trên xứ sở chúng ta, tôi là một người miền Nam sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, hẵn nhiên là tôi thiên về phía ấy trong tình cảm, tuy nhiên tôi luôn giữ sự công bằng trong nhận xét về cuộc chiến, và toi nghĩ rằng đó không phải là một cuộc nội chiến. Tiếc rằng trên khuôn khổ giới hạn của diễn đàn tôi không thể triển khai nhiều ý nghĩ của mình, và những người lớn tuổi Việt Nam cả hai phía thường không có cái nhìn toàn diện, khoan dung, và wisdom để chúng ta học hỏi, tìm hiểu , để rút tỉa kinh nghiệm là những điều đất nước rất cần hầu tránh tái phạm lỗi lầm mà hậu quả đân tộc chúng ta đang còn gánh nặng trên vai.
    Chào bạn và mong sẽ đọc thêm bài viết của bạn .

  3. bài viết của bạn rất văn hóa, thực tế, dễ hiểu. đã là người Việt thì đừng đấu đá nhau; cha mẹ không tốt với con cái thì đó cũng là sự thất…đau đớn cần phải chấp nhận; chế độ nào chăng nữa thì mỗi người Việt cần đồng lòng vì tổ quốc hướng đến tương lai

  4. Mình xin đóng góp đôi điều.
    Đầu tiên về điều thứ tư của bạn. Mình là thế hệ 9x, từ nhỏ mình đã được nhồi sọ, mà hay được CS gọi là quán triệt tư tưởng. Mình từng có thời kỳ rất ngưỡng mộ HCM, vì từ lớp 1 là đã được nhồi “học và làm theo lời bác” rồi. Nhưng khi lên Đại Học, suy nghĩ của mình dần thay đổi. Vì những con chữ mình được tiếp xúc không chỉ còn nằm trong sách giáo khoa hay cơ quan ngôn luận của Đảng nữa.
    Và mình càng ngày bất mãn với DCS, không phải bất mãn vì họ đã tàn sát bao nhiêu người VN, gây ra bao nhiêu đau thương cho DT, cũng không do vì họ mà mình nghèo hơn Sin hay Thái.
    Mà mình bất mãn vì cái gọi là COCC, trong khi những kẻ CS với những tài sản hàng trăm cho đến hàng ngàn tỷ, trong khi hàng chục triệu người sống lay lắt chỉ với đồng lương 2,3 triệu mỗi tháng. Không chịu nổi khi những kẻ bất tài vô dụng, nhưng dc mang cái mác CS nên dc ngồi lên đầu kẻ khác. Trong khi những con người đầy tài năng, cần cù phải làm toi mọi cho chúng.
    Về ba điều đầu thì thiết nghĩ những người “phản động” đều là những tri thức, vì chỉ có tri thức thì mới nhận biết được cái gì là đúng cái gì là sai. Thử hỏi những người như vậy liệu có thể phát ra những câu chửi thề hay cãi lộn như dân đầu đường xó chợ được không. Chỉ có những kẻ luôn học tập theo lời “bác”, theo “Trần Dân Tiên” thì mới có đủ sự vô liêm sỉ mới cư xử như vậy mà thôi.
    Còn về điều thứ năm. Mình cũng hay làm như vậy, phần nhiều do sự tiếc nuối. So sánh gần như là bản chất của con người mà.

    • Chuẩn rồi bạn. Kể từ lúc bắt đầu học đại học, tiếp xúc với những kiến thức mới, thực tiễn. Mới khiến con người bắt đầu tập suy nghĩ, và rồi dần phát hiện ra mình cùng tư tưởng với “phản động”.

  5. Tranh luận về ý thức hệ thật khó có thể đi đến kết thúc đúng sai,tranh luận về quyền con người về tự do về độc tài cũng sẽ không đi đến hết kết quả,nó chỉ là tập hợp hơn về sự hiểu biết nhưng vẫn không thay đổi được gì nhiều từ những sự thật.Muốn thay đổi tình trạng của một đất nước thì hãy xem chính quyền đó có thành thật với người dân của họ hay không?Khi họ đã cố ý dối trá là họ đã bắt đầu có mục đích xấu với ai đó có thể là đối với lợi ích của những người dân lẽ ra họ phải được,hoặc họ đang có mục đích xấu với đất nước của mình,phải có một đảng phái khác nữa trong chính quyền của bạn để nhận ra sự dối trá đó dùm bạn và làm những việc như chận đứng nó lại đó..thay cho bạn.

  6. Bạn có thể tham khảo hai quyển: Discovering the world through debate và The debater’s guide nhé
    Hai quyển này không liên quan gì đến chính trị mà chỉ tập trung vào debate aka tranh luận, một hoạt động khá phổ biến ở nước ngoài. Nó có đề cập đến những vấn đề mà bạn nhắc đến như văn hóa tranh luận, cách lập luận hay phản biện, bác bỏ ra sao để ko thành ngụy biện. Khá đáng để đọc nếu bạn nào thực sự quan tâm đến việc tranh luận để phát triển thay vì để thể hiện cái tôi. Mỗi tội là hai quyển này ko có bản tiếng việt mà chỉ có bản tiếng anh thôi nên các bạn thông cảm.
    P/s: Sau bao ngày phải chịu đựng các bài viết đầy giáo điều và ngạo mạn của cả hai bên CS và phản CS, cuối cùng đã gặp dc 1 người đủ tình táo và suy nghĩ. Thật là mừng rơi nước mắt.

  7. Ban KR men,

    Hiện tại mình chưa thấy sách tiếng Việt nào có viết về lập luận. De tang khá nang lap luân cua ban than cung nhu kha nang phe binh lap luan cua nguoi khac. Đầu tiên bạn tìm hieu ve nhung qui luat co ban cua logic. Tim hieu khai niêm cua lap luan chat che( valid argument) tim hieu sư khac nhau giua lap luan qui nap va lap luan dien dich

  8. thực lòng mà nói : tôi khá bất ngờ với bài viết này ở cái tuổi ” chớm đại học”

    vì tôi đã năm hai và cũng khá am hiểu về vấn đề này nhưng tôi vẫn phải công nhận nó khá hữu ích cho dù có đôi quan điểm bạn nêu ra vẫn còn khá chủ quan

  9. Đồng cảm với tác giả bài này. Đó giờ lên mình mạng đọc mấy bài chính trị, lâu lâu kéo xuống phần bình luận ngồi đọc mấy anh hùng bàn phím chửi nhau ăng ẳng cho vui chứ chả có hứng tranh luận.
    Quá nhiều trẻ trâu bênh vực chế độ của mình (cả VC hay CH) một cách mù quáng, hoặc có người tranh luận, dẫn chứng chặt chẽ thì bên kia đuối lý, lại quay ra chửi đổng, cãi cùn.
    Riết mà chán với văn hóa tranh luận của phần đông cư dân mạng bây giờ!

    • “anh hùng bàn phím” vậy đảng ta sợ mới là kỳ. Chỉ có mấy ông già bệnh tật, trí thức, sinh viên trói gà không chặt, mấy anh luật sư chỉ có cái miệng, ký giả chỉ có ngòi bút và máy ảnh, đảng ta cũng tống vào tù, vu vạ cho tội phản động, chống đảng, lật đỗ chế độ. Mấy thành phần này mà lật đỗ chế độ ? Đúng là hài. Lật đỗ cái bàn, cái ghế còn tin được.

      Mình chưa được hân hạnh đọc những bài “tranh luận, dẫn chứng chặt chẽ” của bạn để xem những người phản đối bạn có phải là “trẻ trâu” hay không ? Bạn có thể dẫn chứng những bài bạn viết hay comment hay không ? Xin cảm ơn.

      • Xin lỗi bạn, tôi đọc qua rất nhiều bình luận trên những trang về chính trị như Nhật Ký Yêu Nước trên facebook hay bbc Vietnamese nên giờ bạn kêu tôi dẫn chứng ra hơi khó cho tôi.
        Thân.

        *Thêm: À, nếu được bạn lên xem phần tranh luận giữa Sơn Nah, chị Hồng Thuận và hai Đảng viên được bbc mời nhé, link bên dưới. 😀

        https://www.youtube.com/watch?v=4oTywVblmKk

      • Người dân VN chỉ muốn lật đổ cái ghế của bọn sâu dân mọt nước thôi, mà chúng phài bỏ ra hàng chục triệu dollars trang bị cho CA, mật vụ, DLV để đàn áp, bắt bớ.v.v để duy trì cái ghế đó thì biết họ yếu đến mức nào.

  10. Tôi khá ngạc nhiên vì một người chỉ mới 18 tuổi mà đã có
    được những suy nghĩ như thế này. Việc bạn nói là hợp lý, quá khứ là quá khứ có
    lôi ra để chửi cũng chẳng ích gì, tốt hơn là nên dành trí lực để thay đổi đất
    nước tốt đẹp hơn chứ không phải thù hằn và không thể so sánh 2 đối tượng có
    những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau được, đồng thời tranh luận thì phải có chứng cứ thuyết
    phục. Tuy nhiên, nếu con người mà ai cũng suy nghĩ logic, lý trí thì chuyện đã
    rất khác, thực chất con người hành xử thiên về cảm xúc hơn là lý trí. Nếu ai
    cũng lý trí, logic thì cái lý tưởng “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” của
    “thiên đường XHCN” liệu có tồn tại, liệu có ai tin và đi theo cái lý tưởng đó,
    và liệu có cuộc nội chiến 1955-1975 không?

  11. ” Mình nói thật, trong mắt mình cuộc chiến 1954-1975 …mà là 1 cuộc nội chiến”

    Nói nội chiến khi không có nước ngoài tham gia, như Trịnh-Nguyễn phân tranh. Trong khi đó, miền Bắc VN được sự yểm trợ của LX, TQ và các nước khối XHCN. Còn miền Nam VN được Mỹ và đồng minh của Mỹ ủng hộ. Cái tên cho cuộc chiến tranh VN là cả một vấn đề. Nếu muốn tham khảo thêm:

    httpwww.bbc.co.ukvietnameseregionalnewsstory200502050215_lexuankhoa.shtml

    Còn đây dành cho ai không vượt tường lửa được:
    Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến?
    Cuộc chiến 1945-1954 giữa thực dân Pháp và các phong trào kháng chiến giành độc lập của các dân tộc Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào thường được các nhà viết sử gọi chung là chiến tranh Đông Dương.
    Đối với từng quốc gia Đông Dương, cuộc chiến này còn mang những tên khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa.

    Thư của GS. Lê Xuân Khoa gửi các độc giả đài BBC
    Chẳng hạn trong trường hợp Việt Nam, đây là chiến tranh giành độc lập, chiến tranh chống đế quốc Pháp hay ngắn gọn hơn, chiến tranh Việt-Pháp. Tất cả những cách gọi tên này đều đúng và không có gì cần phải tranh luận. Khi cuộc chiến 1955-1975 tiếp diễn trên lãnh thổ Đông Dương được gọi là chiến tranh Đông Dương lần thứ hai thì cách gọi không sai nhưng nội dung của nó không đơn giản như lần trước, vì thành phần tham chiến và thời gian chiến tranh ở mỗi quốc gia Đông Dương không giống nhau.

    Trên chiến trường Đông Dương, Hoa Kỳ thay thế Pháp nhưng chỉ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam từ 1965 đến 1972 và hỗ trợ những lực lượng chống cộng sản ở Lào và Cam-pu-chia. Ngay cả những cuộc dội bom ở hai quốc gia này cũng không ngoài mục đích chính là ngăn chặn Bắc Việt sử dụng lãnh thổ hai nước láng giềng làm căn cứ tiếp viện cho bộ đội côïng sản ở miền Nam.
    Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất được giải quyết chính thức và toàn bộ bởi Hiệp định Genève 1954 với Việt Nam là trọng điểm. Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, tình trạng ba nước Lào, Việt Nam và Cam-pu-chia đuợc quốc tế giải quyết vào ba thời điểm cách xa nhau: Lào bằng Hiệp định Genève năm 1962, Việt Nam bằng Hiệp định Paris năm 1973, và Cam-pu-chia bằng Hiệp định Paris năm 1991. Mặc dù những đặc tính khác biệt đó, gọi cuộc chiến tranh 1955-1975 là chiến tranh Đông Dương lần thứ hai cũng vẫn đúng trong ý nghĩa tổng quát của chiến trường.

    Trong trường hợp Việt Nam, vấn đề gọi tên cuộc chiến sau hiệp định Genève 1954 đã được tranh cãi dai dẳng cho đến nay, ba mươi năm sau chiến tranh, vẫn chưa đạt được đồng thuận. Những quan điểm bất đồng được xoay quanh nhiều tên gọi: chiến tranh chống cộng, chiến tranh chống Mỹ-Ngụy, nội chiến, chiến tranh của Mỹ, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh ủy nhiệm. Bỏ qua một bên chiến tranh “chống cộng” và “chống Mỹ-Ngụy” chỉ thích hợp trong thời chiến, ở đây chỉ cần thảo luận về bốn tên gọi còn lại thường được tranh cãi nhiều nhất.
    Cuộc chiến 1955-1975 ở Việt Nam được gọi là nội chiến vì sau khi đất nước bị chia đôi, chính quyền miền Bắc đã để lại cán bộ, chôn dấu vũ khí và hoạt động bí mật đàng sau các phong trào tranh đấu ở miền Nam; trong khi đó, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng phát động chiến dịch tố cộng sâu rộng và mãnh liệt. Đảng cộng sản phản công bằng những hành động khủng bố và ám sát các viên chức Việt Nam Cộng Hoà. Đầu năm 1959 thì miền Bắc bắt đầu mở đường xâm nhập bộ đội và vũ khí vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh và phát động công cuộc đấu tranh vũ trang với phong trào “Đồng khởi”.

    Năm 1960, Mặt trận Giải phóng miền Nam ra đời được miền Bắc hỗ trợ kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang ở các tỉnh miền Nam. Năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam càng ngày càng tồi tệ dẫn đến việc Mỹ quyết định đưa quân vào yểm trợ quân đội VNCH nhưng thực tế nắm vai trò chủ động. Đây là giai đoạn “Mỹ hoá” cuộc chiến cho tới năm 1969 thì chính quyền Nixon trở lại chương trình “Việt Nam hoá” chiến tranh và bắt đầu rút quân về nước. Trận chiến quốc-cộng tiếp tục cho tới khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ vào tháng Tư 1975.

    Cuộc nội chiến vì lý tưởng khác biệt, cộng sản và không cộng sản, có mầm mống từ những năm cuối thập kỷ 1920 khi Việt Nam Quốc Dân Đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu được thành lập năm 1927 và Đảng Cộng Sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Hong Kong năm 1930. Sự khác biệt ban đầu về chủ trương chỉ trở thành đối nghịch (nhưng chưa giết hại nhau) sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của VNQDĐ bị thất bại năm 1930 và phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh của ĐCSVN bị Pháp dẹp tan năm 1931 khiến những người còn sống sót của hai đảng đều phải bỏ chạy sang Tàu.

    Vì sống chung dưới chính thể Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, các đảng viên cộng sản Việt Nam đều phải hoạt động âm thầm trong khi các lãnh tụ không cộng sản thì hoạt động công khai với sự giúp đỡ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng (THQDĐ), một số còn được đào tạo tại trường quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu và lên đến cấp tướng trong quân đội Trung Hoa.

    Nhược điểm của các đảng phái quốc gia là không có tổ chức qui củ và đường lối minh bạch, chỉ trông cậy vào sự che chở của THQDĐ để chống Pháp trong khi Trung Hoa dù không ưa Pháp nhưng đang là đồng minh của Pháp chống Nhật ở Đông Dương. Các lãnh tụ quốc gia lại không đoàn kết được với nhau trong khi không có hoạt động gì đáng kể ở trong nước.

    Tình trạng đó kéo dài cho đến khi THQDĐ quá thất vọng với các phe nhóm quốc gia nên đã giúp cho Hồ Chí Minh đại diện Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đưa người về Việt Nam tăng cường hoạt động chống Nhật năm 1944. Nhân dịp này Hồ Chí Minh củng cố được Mặt Trận Việt Minh thành lập từ năm 1941.

    Cuộc tranh chấp giữa các đảng phái quốc gia và Việt Minh trở thành những cuộc thanh toán đẫm máu giữa đôi bên trong năm 1946 và lực lượng quốc gia đã bị tiêu diệt gần hết trước khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ trên toàn quốc vào cuối năm đó. Việt Minh hoàn toàn lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp và cuộc xung đột quốc-cộng chỉ tái diễn chính thức và qui mô sau khi đất nước bị chia đôi và chính thể Việt Nam Cộng Hòa được thành lập ở miền Nam.

    Mặc dù cuộc xung đột 20 năm giữa những người Việt Nam cộng sản và không cộng sản đã rõ ràng là một cuộc nội chiến có gốc rễ sâu xa, tên gọi này vẫn không được giới lãnh đạo miền Bắc chấp nhận. Để xây dựng và bảo vệ chính nghĩa của mình, nhà nước cộng sản đã gọi cuộc chiến này là chiến tranh chống Mỹ cứu nước hay chiến tranh chống Mỹ-Ngụy. Sau chiến tranh, vì nhu cầu bang giao, thì gọi là chiến tranh của Mỹ hay do Mỹ gây ra (American war), nhất là trong trường hợp sử dụng tiếng Anh. Cách gọi “American war” còn có ngụ ý nhắc nhở lỗi lầm của Hoa Kỳ và phủ nhận cách gọi của người Mỹ là “Vietnam war” (chiến tranh Việt Nam).

    Trong một cuộc trao đổi ý kiến gần đây giữa một số học giả quốc tế gồm cả người Mỹ và Mỹ gốc Việt, có người đã dùng tên gọi “American war” để chỉ định cả hai cuộc chiến trong thời gian từ 1945 đến 1975, vì ngoài việc viện trợ và tham chiến trực tiếp trong cuộc chiến lần thứ hai, chính phủ Mỹ đã viện trợ tiền bạc và vũ khí cho Pháp trong suốt cuộc chiến lần thứ nhất. Nhưng nếu đặt tên chiến tranh bằng tên của quốc gia viện trợ thì cũng phải gọi tên cuộc chiến này là chiến tranh của Liên Xô và Trung Quốc vì hai nước này đã viện trợ kinh tế và quân sự rất quan trọng cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
    Cũng hiểu theo cách rộng rãi như thế thì cuộc chiến lần thứ hai phải được gọi là chiến tranh của Mỹ và các đồng minh Úc, Tân Tây-Lan, Đại Hàn, Phi- Luật-Tân và Thái Lan. Bởi vậy không nên đặt tên chiến tranh bằng tên của những quốc gia viện trợ hay dự phần vào cuộc chiến, mặc dù có lý do chính đáng để gọi giai đoạn Mỹ hoá chiến tranh (1965-1972) là “American war”.

    Cũng nên ghi nhận là Mỹ bắt đầu rút quân từ 1969, và tên gọi “Vietnam war” chỉ có nghĩa là chiến tranh ở Việt Nam chứ không phải là “Vietnamese war” tức là chiến tranh của Việt Nam hay do Việt Nam gây ra.

    Đáng chú ý là phần lớn các tổ chức chính trị trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng không chấp nhận tên gọi cuộc chiến 1955-1975 là “nội chiến”, khẳng định rằng đây là cuộc chiến của dân tộc Việt Nam chống lại chủ nghĩa và chế độ cộng sản độc tài.

    Như trên đã nói, đây là cách gọi tên theo lập trường chính trị chẳng khác gì phía cộng sản đã gọi đây là cuộc chiến tranh nhân dân chống ngụy quân ngụy quyền. Những tên gọi này chỉ có giá trị nhất định đối với mỗi bên trong những năm đang có chiến tranh mà thôi.

    Sau hết, cần bàn về “chiến tranh ủy nhiệm”. Tên gọi này phản ánh một sự thật hoàn toàn khách quan nhưng không một quốc gia tham chiến nào, trực tiếp hay gián tiếp, muốn chấp nhận nó để phải mang tiếng xấu.

    Gọi là ủy nhiệm vì từ cuộc xung đột về ý thức hệ, hai phe Việt Nam đã bị các cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản và cộng sản sử dụng như những công cụ đua tranh thế lực trong thời Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ đã dùng chiến trường Việt Nam để thí nghiệm và tiêu thụ các loại vũ khí kể cả chất độc da cam, trong khi Liên Xô và Trung Quốc đã nhiệt tình giúp đỡ và thúc giục Bắc Việt tận lực hi sinh và chiến đấu trường kỳ.
    Các quan sát viên quốc tế hồi đó đã có một nhận xét rất đúng về dụng ý của Trung Quốc khi viện trợ cho Việt Nam: “Trung Quốc đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng.”

    Quả thật, giải pháp chấm dứt chiến tranh Đông Dương đều do các nước lớn sắp đặt sẵn với nhau rồi ép buộc đồng minh Việt Nam, cộng sản hay quốc gia, phải chấp thuận.

    Các nhà ngoại giao Hà Nội tại những phiên họp hậu chiến Việt-Mỹ từ 1995 đến 1998 cũng như các sách vở lịch sử ở Việt Nam đều xác nhận điều này. Cố ngoại trưởng Trần Văn Đỗ cũng than phiền rằng tại hội nghị Genève 1954, Pháp đã không cho phái đoàn quốc gia biết cuộc thảo luận của các nước lớn về việc chia cắt Việt Nam và ông đã được Phạm Văn Đồng mời họp riêng để tìm giải pháp giữa hai bên người Việt với nhau nhưng không thực hiện được. Nhờ mâu thuẫn Liên Xô-Trung Quốc, nhờ phong trào phản chiến rầm rộ của dân chúng Mỹ và lợi thế chính trị đặc biệt sau khi Tổng thống Johnson tuyên bố không tái ứng cử năm 1968, Việt Nam cộng sản đã tránh được sự áp đặt của “các nước bạn” trong tiến trình hội nghị “hai phe bốn phái đoàn” ở Paris (1968-1973).

    Như vậy, sau khi đã gạn lọc lập trường chính trị của mỗi bên để xác định bản chất thật sự của nó trong lịch sử, cuộäc chiếán 1955-1975 phải được gọi là một cuộc nội chiến đồng thời là chiến tranh ủy nhiệm.

    Con dân một nước cùng một dòng giống-thực tế thì hầu như gia đình nào cũng có bà con gần hay xa ở phía bên này hay/và bên kia-đã tàn sát lẫn nhau ít nhất là trong hai mươi năm, vì lý tưởng khác nhau mà không hoàn toàn do mình chủ động.

    Tổng số người Việt Nam thiệt mạng riêng trong cuộc chiến này, kể cả quân và dân của cả hai bên, lên tới gần bốn triệu người. Riêng bộ đội cộng sản còn có khoảng 300,000 người chưa tìm được xác. Đất nước và tài sản của dân chúng cả hai miền đều bị chiến tranh tàn phá đến mức độ chưa từng thấy trong lịch sử, cho đến nay vẫn còn những di hại của bom, mìn chưa nổ và chất thuốc khai quang.

    Trong chiến tranh ủy nhiệm, phía Việt Nam quốc gia phải chịu sức ép của đồng minh Hoa Kỳ cho tới những ngày chót của hội nghị Paris. Từ 1965, Hoa Kỳ hoàn toàn lãnh đạo cuộc chiến cho tới 1969 mới bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp Việt Nam hoá chiến tranh, nhưng vẫn nắm quyền định đoạt các phương tiện chiến đấu, không theo nhu cầu của giới chỉ huy quân sự Việt Nam.

    Từ sau hiệp định Paris 1973 thì Quốc Hội Hoa Kỳ lại mạnh tay cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự khiến cho miền Nam phải sụp đổ mau chóng hơn cả kế hoạch dự liệu của các chiến lược gia Hà Nội.

    Trong khi đó, mặc dù khéo khai thác mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc để được cả hai đồng minh lớn đua nhau viện trợ, Việt Nam cộng sản cũng không tránh khỏi áp lực của mỗi “nước bạn”, nhất là sự kiểm soát và ngăn chặn của Trung Quốc đối với những toan tính ngoại giao độc lập của Việt Nam. Hà Nội dứt khoát đi với Liên Xô khi ký Hiệp ước Hợp tác và Hữu Nghị với Aleksei Kosygin vào tháng Mười Một năm 1978 và gần như hoàn toàn trông cậy vào viện trợ của Liên Xô cho đến khi Mikhail Gorbachev và những chính quyền kế tiếp không còn có mối quan tâm chiến lược ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
    Người Việt Nam cộng sản và không cộng sản đều đã có quá nhiều kinh nghiệm về quan hệ hợp tác với các đồng minh của mình để thấy rằng đồng minh nào cũng chỉ ủng hộ một nước bạn chừng nào sự ủng hộ ấy phù hợp với lợi ích riêng của họ chứ không phải vì cùng theo đuổi một lý tưởng chung.

    Sau chiến tranh, bài học ấy có thể là một động cơ cho phe thắng trận tập hợp được khả năng của toàn dân vào công cuộc tái thiết và phát triển đất nước thời hậu chiến. Nhưng chính sách sai lầm của các nhà lãnh đạo miền Bắc đối với miền Nam đã làm tê liệt những đóng góp quan trọng của một nửa dân số toàn quốc trong mười mấy năm cho đến đầu thập kỷ 1990 mới thực sự chuyển hướng.

    Riêng đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhà cầm quyền trong nước đã sớm nhận ra khả năng đóng góp to lớn của tập thể này vào công cuộc phục hồi kinh tế cũng như những tiềm năng trí tuệ có thể đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

    Thái độ đối với tập thể này thay đổi hẳn, từ việc kết tội người tị nạn là “những kẻ phản bội” đến sự công khai nhìn nhận họ là “một nguồn lực phát triển quan trọng của dân tộc.” Tuy nhiên, trong khi kêu gọi cộng đồng hải ngoại dẹp bỏ quá khứ, hướng tới tương lai để cùng chung sức xây dựng và bảo vệ quê hương, Nhà nước vẫn chỉ ban hành những biện pháp cởi mở hạn chế nhằm đáp ứng lợi ích vật chất nhỏ nhặt mà chưa thật tình hòa giải trong tinh thần bình đẳng.

    Vì thế những đóng góp chất xám của công dân ngoại quốc gốc Việt chưa vượt qua mức tối thiểu và các phong trào chống đối chính quyền trong các cộng đồng ở hải ngoại vẫn còn rất mạnh.
    Lịch sử Việt Nam là một thiên hùng sử của một dân tộc hàng ngàn năm tranh đấu chống ngoại xâm và bảo vệ độc lập cho tổ quốc. Cho đến đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của Tây phương, các đảng phái quốc gia và cộng sản ra đời cũng đều hoạt động chống đế quốc thực dân để giành lại độc lập. Biết bao nhà cách mạng, cộng sản hay không cộng sản, trí thức hay lao động, đã bị chính quyền Pháp bắt bớ, tù đày và sát hại. Chỉ đến khi tranh giành quyền lãnh đạo dân tộc thì hai bên mới lâm vào cảnh huynh đệ tương tàn và bị các nước lớn sử dụng trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

    Trong cuộc chiến này, phe cộng sản vì nhiều lý do đã thắng phe quốc gia nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có kẻ thắng trận mới là người yêu nước. Gần đây, một nhà sử học ở Hà nội đã nhắc đến những nhân vật yêu nước không cộng sản như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, và đã có những nhận định xác đáng: “Chủ nghĩa yêu nước thì khác nhau nhưng lòng yêu nước thì ai cũng có. . . . Tôi nghĩ rằng con người rất phức tạp, hoàn cảnh lịch sử càng phức tạp. Nếu chúng ta không đánh giá lòng yêu nước rạch ròi, chúng ta sẽ ngộ nhận, chúng ta sẽ độc quyền yêu nước.”
    Ba mươi năm sau chiến tranh, đã đến lúc chính quyền trong nước và cộng đồng hải ngoại cần phải nhận ra thực chất của cuộc chiến, ôn lại những bài học quá khứ và nhìn nhận nhau với những trao đổi bình đẳng hai chiều để có thể cùng góp công xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh và dân chủ, hội nhập thành công vào cộng đồng thế giới và có đủ khả năng đối phó với những đe dọa mới từ phương Bắc.

    Giữa hai bên, những bước đầu tiên cần phải được thực hiện bởi chính quyền trong nước một cách thật tình và cụ thể. Một khi thiện chí ấy đã được chứng tỏ, cộng đồng hải ngoại cũng cần phải đáp ứng tích cực.

    Trở lại vấn đề gọi tên cuộc chiến 1955-1975, để các phe liên hệ có thể vượt lên khỏi những ám ảnh tiêu cực của quá khứ và chấm dứt những cuộc tranh luận do tình cảm chủ quan, cuộc chiến này nên được gọi đơn giản là “chiến tranh Việt Nam” với ý nghĩa khách quan phi chính trị là chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt Nam. Nội dung phức tạp của nó sẽ được lịch sử ghi chép một cách đầy đủ và trung thực.

    …………………………………………………………………………….

    Về tác giả: Giáo sư Lê Xuân Khoa là cựu Chủ tịch Trung Tâm Tác Vụ Ðông Nam Á (SEARAC) và là giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Ðại học Johns Hopkins, Washington, D.C.

    Tác phẩm nghiên cứu của ông, “Việt Nam 1945 – 1995: Chiến tranh, tị nạn, bài học lịch sử”, đã ra mắt tập Một vào năm ngoái. Địa chỉ email của GS. Lê Xuân Khoa: Lxkhoa@hotmail.com

    • Cám ơn bạn cb1997 Christina đã cung cấp những thông tin hữu ích. Vậy theo bạn, có phải thời kỳ 1955 – 1975 thì CS Bắc Việt chỉ là con cờ trên bàn cờ của TQ và LX, còn hàng triệu người Việt theo CS cũng là con cờ của CS Bắc Việt mà xa hơn là TQ? Gần đây trong lúc nói chuyện tại một đám giỗ, tôi nghe một ông cụ nói không ít người ở Miền Bắc khi chết vào năm 1975 ở miền Nam, trước khi chết còn than rằng “ở ngoải (Miền Bắc) sống không nổi mới vào đây, vậy mà nó (CS Miền Bắc) cũng đi theo”. Không biết thực hư thế nào, mong bạn chỉ giáo, cám ơn.

      • ” CS Bắc Việt chỉ là con cờ trên bàn cờ của TQ và LX, còn hàng triệu người Việt theo CS cũng là con cờ của CS Bắc Việt mà xa hơn là TQ?” nếu bạn nghĩ vậy thì quá nông cạn rồi! nếu gọi là con cờ đồng nghĩa là nó phụ thuộc hoàn toàn vào toan tính của kẻ cầm cờ! nhưng thực sự ở đây thì khác! bắc việt có những lần khước từ thẳng thắng sự gợi ý “giúp đỡ” từ trung quốc, bắc việt và toàn thể nhân dân việt nam chỉ tranh thủ sự ủng hộ của liên xô và trung quốc chứ ko hề phụ thuộc, hơn hết, họ đã sớm nhận ra những pha chơi bẩn, bán đứng việt nam từ phía 2 nước “đồng minh” kia. và có chiến lược, sách lược quan hệ rõ ràng, chứ ko phải lệ thuộc hay phụ thuộc, nói gì nghe nấy! trên chừng mực nào đó, để duy trì sự viện trợ, chúng ta ko ít lần nuốt đắng vào trong, nhưng chúng ta hoàn toàn ko phải nước cờ của chúng!

        • Không hề phụ thuộc ? Thử không có sự ủng hộ chính trị của đảng cs TQ xem csvn có đứng vững nổi không. Bạn ảo tưởng nhưng đảng ta không ảo tưởng như bạn. Sau khi cs Đông Âu sụp đỗ, sợ số phận tới phiên mình. Đảng hoảng hồn, vội khăn gói sang chầu TQ để dựa dẫm, bị TQ làm nhục cho bõ ghét. Người ta nghi hội nghị Thành Đô là nơi dcsvn đã ký những điều khoản bất lợi cho VN, thậm chí còn bị phê phán là văn kiện bán nước. Vì lý do đó, rất nhiều nhân sĩ, trí thức yêu cầu đảng công bố văn kiện đó trước cả nước. Nhưng đảng ta quăng cục lơ, không trả lời trả vốn gì cả.
          Không có không khí chính trị dcsTQ trợ giúp, đảng ta sống được mới là hay.

          • Viện trợ thì ai nói làm gì nhưng khác biệt là chỗ lãnh đạo? Ở VNCH đường lối, sách lược đều do ”cố vấn Mỹ” đề ra còn tổng thống VNCH, quan chức thì theo lệnh mà làm!

          • Giả sử điều bạn nói là đúng. Vậy tai sao người Mỹ lại giết chết lãnh đạo VNCH, người mà theo bạn chỉ làm theo lệnh.

      • Cs VN luôn phải lệ thuộc vào cs TQ để nhận được sự giúp đỡ mọi mặt : một là, đoạt lấy quyền lực cả nước (giai đoạn 1955 – 1975). Hai là, giữ lấy quyền lực đó (giai đoạn 1990 – 2015). Theo mình thiển nghĩ, hàng triệu người theo họ vì mục tiêu độc lập hơn là chủ thuyết cs. Ví dụ : rất nhiều nhà trí thức nổi tiếng sau khi gia nhập hàng ngũ của họ đều bị vỡ mộng, cuộc đời đều kết thúc trong bi thảm, như luật sư Nguyễn Mạnh Tường (người trẻ nhất đoạt 2 bằng tiến sĩ ở Pháp), nhà triết học Trần Đức Thảo, trung tướng Trần Độ.
        Ông nội mình chạy trốn cs từ bắc vào nam trong đợt di cư 1954, anh em chú, bác, cô, thím và cha mình chạy trốn cs lần 2 sau năm 1975. Một số người thoát được như những ông bác và chú mình, còn ba mình và các bà thím, sau nhiều vượt biên bị bắt, lớp phải lo tiền ra khỏi tù, nên hết tiền đành ở lại đến nay.
        Việc dcsvn cho rằng họ đã giành được độc lập và thống nhất, nhưng theo mình đó là độc lâp giả hiệu, thống nhất về mặt địa lý, nhưng cho đến nay chưa bao giờ thống nhất nhân tâm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI