27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

3 tính xấu ai cũng thấy trong cuộc sống

 Featured Image: Laura Thorne

 

Bài viết có quy mô hạn hẹp chỉ đề cập đến một số tính mà theo người viết là xấu, nhưng tồn tại xung quanh chúng ta hàng ngày đến nỗi hình như đã thành quy chuẩn chung. Chung đến mức khi mà muốn thoát khỏi quy luật đó thì bị nhìn với ánh mắt kiểu như người ăn chay chứng kiến người ta giết mổ gia súc.

Một là đổ lỗi

Xung quanh chúng ta có nhiều người có thói quen hay đổ lỗi và hay than thở, ý tôi muốn nói ở đây là đổ lỗi cho những gì khách quan xung quanh, cho mọi thứ có thể ngoại trừ chính bản thân mình. Ví dụ như nếu học sinh đi học có điểm số không tốt: do đề khó, do giáo viên chấm kỳ quặc, do không đủ thời gian, do thời tiết không đẹp, do abcxyz làm tôi phân tâm, do ti tỷ thứ khác. Nếu đi làm không được suôn sẻ: do công việc khó khăn, đồng nghiệp xấu tính, lão sếp hà khắc, mọi thứ thật bất công, vân vân…

Những hành động này ban đầu khiến cho mọi người có thể thấy dễ chịu hơn, nhưng nó luôn luôn là một vòng tròn luẩn quẩn của những sự suy ra vòng vo mà sau một hồi truy ngược mà cuối cùng ai cũng sẽ thấy mũi tên chỉ về hướng mình, trừ những người hoặc quá cố chấp không chịu chấp nhận sự thật rằng cá nhân ai cũng có thể phạm sai lầm và cần chịu ít nhất phần trách nhiệm nào đó cho sai lầm của chính bản thân.

Đổ lỗi có khiến cho lỗi lầm của bạn giảm đi không? Không! Thậm chí trong một số trường hợp nó còn vô tình làm cho tội lỗi ấy lớn lên trong sự suy diễn của người khác. Than thở với mọi người xung quanh có khiến cho vấn đề của bạn được giải quyết không? Không! Mọi người biết về vấn đề của bạn, nếu mười người thì may ra được một người thực sự có chút quan tâm thông cảm, nhưng gần như họ chẳng giúp được điều gì cho bạn.

Còn lại thì sao, gần như chỉ là hóng chuyện để thị phi. Cuối cùng thì vẫn chỉ là bạn tự thân đi giải quyết vấn đề của chính mình, vì người khác cũng có công việc của riêng họ. Vậy tại sao chúng ta vẫn cứ làm điều này hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống thường nhật? Quanh ta có quá nhiều “người bán than” rồi nên cũng cần hoà đồng với những người như họ sao? Tôi tin trong chúng ta chắc hẳn ai cũng từng ít nhất một lần nghe qua câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” Nhưng thành thật với chính mình xem, mười lần phạm lỗi thì có được quá nửa số lần bạn thốt lên được câu trách mình đầu tiên? Nhận xét có phần phiến diện cá nhân khi chỉ qua một số lần quan sát phản ứng của những người xung quanh, nhưng thực sự tôi thấy chỉ cần quá bán đã là một con số tiến bộ so với mặt bằng chung rồi.

Hai là phê bình

Có phải văn hoá Việt Nam là văn hoá phê bình? Tôi đồng ý nhưng không hoàn toàn. Về phần đồng ý thì vì có nhiều người làm tôi có cảm giác họ coi việc phê bình người khác là một thói quen, một hành vi mà không thực hiện hàng ngày thì họ không chịu được hay sao ấy. “Criticism is easy, but art is difficult.” hay là đơn giản gần gũi hơn chút thì “Nói thì dễ, làm mới khó.” Câu này thì quen quá đi chứ. Còn về phần không đồng ý thì do sau một số lần để ý lắng nghe lời phê bình thì tôi thấy chẳng có mấy phần là phê bình mang tính xây dựng góp ý, đa số đều là chỉ trích hoặc có lúc tệ hơn là miệt thị đến cá nhân người nghe lời phê bình. Mà như vậy thì sao lại gọi là “văn hoá”?

Thứ ba là thái độ tiếp nhận những lời nói phê bình hay mang tính tiêu cực

Một thói xấu khác liên quan đến cả hai thói xấu trên mà tôi nghĩ tồn tại ở rất nhiều người, ngay cả chính bản thân tôi cũng có, đó là có thể nói bản thân muốn nghe góp ý phê bình cho hoàn thiện hơn, nhưng nếu nhận được góp ý thì dù chân thành thẳng thắn tử tế hay mang tính chỉ trích miệt thị, phản xạ đầu tiên luôn là nhảy dựng lên và tìm cách bao biện đổ lỗi. Phản ứng thông thường khi cảm thấy bị xúc phạm là điều dễ hiểu, đặc biệt là khi điều ấy nói sai về mình.

Nhưng rồi tôi học được đầu tiên cần biết lắng nghe có chọn lọc những gì người khác nói, nếu người ấy đúng và thay đổi điều đó làm cho bản thân mình tốt lên thì sao lại không cố gắng? Người nào thực sự góp ý muốn tốt cho bạn thì còn cần cảm ơn họ nữa. Còn nếu sai, đương nhiên là mặc kệ họ rồi, chẳng lẽ người khác chửi mình mình cũng phải gân cổ lên đáp trả cho xứng đáng, rồi ôm cục tức hậm hực mãi sao?

“Nó như vậy không chửi lại tao không chịu được!” Câu này tôi đã nghe khá nhiều lần, và nó cũng là một trong những lý do khiến cho từ vài câu nói vu vơ có thể dẫn đến cả một trận khẩu chiến hay hỗn chiến ác liệt. Nói, hay hoa mỹ hơn thì là tự do ngôn luận, là cái quyền mà theo lý thuyết ai cũng có (dù rằng thực tế không phải ai cũng hiểu và lúc nào cũng có khả năng vận dụng đúng đắn), nhưng nghe và tin hay quan tâm không thì là quyền của bạn, trên cả lý thuyết lẫn thực tế.

Tại sao phải cố gắng điều khiển “quyền của người khác” trong khi lựa chọn quyền của mình thì đơn giản hơn nhiều? “Nói thì dễ lắm”, nhưng nếu không bắt tay vào việc quyết định lựa chọn của mình mà đã than khó, than lười thì không bao giờ bạn làm được cả.

Nếu cần ví dụ, tôi có thể lấy chính mình ra làm ví dụ, tôi cũng có trải qua quãng thời gian cố gắng cư xử đường hoàng đúng mực nhất có thể, vì sợ bị đánh giá này kia, nhưng rồi cũng phát mệt vì thực tế hẳn ai cũng hiểu là chẳng bao giờ bạn có khả năng làm vừa lòng tất cả mọi người. Điều này các bài viết về cách để sống hạnh phúc vui vẻ cũng nhai đi nhai lại nhiều rồi: Thay vì cố gắng chạy theo làm vừa lòng ai đó xa lạ thì hãy chuyển sự quan tâm của mình sang những người rõ ràng là xứng đáng hơn nhiều: gia đình bạn, bạn bè tốt của bạn, những người thực sự quan tâm đến bạn…

Dù rằng khi mới bắt đầu điều đó thì có thể vài đứa bạn sẽ nhìn bạn với con mắt kì quái như thể bạn là tâm thần vừa trốn trại, còn bố mẹ bạn thì hỏi “Rốt cuộc là muốn xin xỏ điều gì đây?”… nhưng bạn có muốn thay đổi cho bản thân vui vẻ hạnh phúc hơn không? Thực sự muốn thế thì hãy bắt tay vào thực hành, vượt qua được giai đoạn thấy kỳ cục, ba chấm này kia đầu tiên thì việc quan tâm người khác rất thú vị, và cảm nhận được sự quan tâm từ người khác theo một cách khác thay vì thụ động chờ đợi cũng thú vị hơn rất nhiều.

Kết

Những điều tôi liệt kê ở trên chắc không lạ lẫm gì, mà có khi đã được nói trước đây vài lần rồi nhưng tôi vẫn muốn lên tiếng chia sẻ suy nghĩ cá nhân, cũng có phần muốn hiểu hơn cảm giác nói lên ý kiến của mình thay vì thụ động và im lặng như đã từng. Và tôi tin cũng có rất nhiều người đã muốn và can đảm thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn, nếu có ai từng lựa chọn một con đường sống vui vẻ hơn tương tự như điều tôi nói mà đọc được đến đây thì hãy chia sẻ nhé.

 

Helena

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. có rất nhiều người từng bảo rằng khi tôi tranh luận thì cái “tôi” mà tôi thể hiện vẫn còn quá lớn. Bản thân tôi cũng biết điều này, và cũng biết cái ham muốn phê phán người khác vẫn rất lớn trong tôi. Giống như có một lần viết bài phê phán một tin tức về chuyện xe cứu thương đã chạy luôn khi thấy người bị tai nạn trên đường, tôi viết rằng xe cứu thương đó hành động như vậy là vô nhân đạo, sau đó có một người vào bảo là tôi nói những điều mình không biết. ban đầu thì tôi vô cùng nóng giận nhưng sau đó tôi suy nghĩ lại điều người đó nói, vì người nói chính là một người tôi rất khâm phục về hiểu biết của anh ta. Tôi đã tìm hiểu về vấn đề đó và nhận ra là mình đã sai. những xe cấp cứu không thể muốn tiếp nhận bệnh nhân lúc nào cũng được mà phải thông qua sự điều phối của bệnh viện và đó là việc quan trọng. sau lần đó tôi nhận ra rằng không phải lúc nào mình cũng đúng và người ta sai dù rằng trong thâm tâm chính ta thì luôn tin chắc là mình đúng.
    Nhưng để chống lại cái “tôi” của mình là một việc vô cùng gian nan, đôi khi người ta mạnh mẽ trong việc chống chọi với những bất lợi bên ngoài nhưng vô cùng yếu đuối với bản thân mình. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là không nên phê phán khi ta nhìn thấy một điều gì đó là sai trái. sự phê phán rất cần thiết trong xh ngày nay, qua tranh luận thì người đọc sẽ tìm được nhiều điều bổ ích từ đó. tất nhiên nên khuyến khích những cuộc tranh luận thật sự dựa trên lý trí chứ không phải là cảm tính, và nhất thiết phải có sự tôn trọng với người đối diện, nếu có sự tôn trọng thì dù quan niệm trái chiều đến đâu thì cả 2 cũng sẽ có một kết thúc tốt đẹp khi thấy đã nói đủ về quan niệm của mình, và sẽ có lần tranh luận tiếp theo ở một khía cạnh khác.
    còn về nói và làm. quả thật việc này rất khó khăn, nói dễ hơn làm rất nhiều. Ở phương diện cá nhân thì mỗi người chúng ta phải biết làm những gì mình nói, nhưng ở phương diện xh thì nên khuyến khích nói đến những gì bổ ích và cần thiết, ví như bài này của bạn không chỉ được xem là một lời nói, bản thân bạn viết bài rồi được đăng lên cho nhiều người đọc và suy ngẫm về cuộc sống của họ thì cũng được xem là “làm” rồi. trước tiên con người phải có một nhận định rõ ràng thì mới hành động mang lại kết quả được. mà để nhận định rõ ràng thì phải có những bài viết tôt để đọc, những trang tin tức giá trị. phải có nhiều cái tốt để tạo sự cân bằng cho những cái xấu đang tràn lan khắp nơi lúc này

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI