28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Glass-Split-Unbreakable – Xứng đáng là kiệt tác ba quái phim

thđp review

(1844 chữ, 7.5 phút đọc)

Một ngày trước khi đi xem Glass, tôi đã xem hai phần tiền thân SplitUnbreakable. Hóa ra, việc này trở thành quyết định đúng đắn nhất để có thể gạt sang bên những lời review kém tích cực của không ít người dành cho phim Glass mới công chiếu ngày 18/01 vừa qua, đồng thời cũng để khẳng định rằng chuỗi ba tác phẩm điện ảnh xây dựng trong vòng 19 năm này vừa độc lập, vừa liên kết chặt chẽ đến mức không tưởng – xứng đáng được gọi là kiệt tác. Cụ thể như thế nào tôi xin trình bày ngay sau đây.

1. Tập trung rất mạnh vào tính chất “quái” của con người

Tương tự như Good Will Hunting, series Glass-Split-Unbreakable cũng đào sâu khai thác hai đối cực bên trong một con người (năng lực và yếu điểm) – thứ khiến họ trở nên khác biệt hoặc quái dị so với đám đông. Thông minh kiệt xuất nhưng mắc chứng xương thủy tinh loại I là Elijah Price, có sức mạnh thể chất của quái vật nhưng mắc chứng rối loạn đa nhân cách (DID) là Kevin Wendell Crumb, thân xác không thể bị tổn thương nhưng mắc chứng sợ nước (Aquaphobia) là David Dunn.

Những tính chất trên đều xuất hiện trong đời sống con người nhưng với tỷ lệ nhỏ hoặc ít được phần đông nhìn nhận đúng đắn, nên những người sở hữu chúng thường được đánh giá hoặc là thiên tài, hoặc là tâm thần.

Và thật thú vị rằng những sự “quái” đó được phân bố đồng đều và chặt chẽ vào ba nhân vật chính để làm nên câu chuyện về việc trả lời câu hỏi vô cùng quan trọng “Ta thật sự là ai?” (Chuyện này sẽ được trình bày sau.)

2. Thống nhất cao trong tựa đề và hình tượng nhân vật

Nếu để ý kỹ, ta có thể nhận ra cách đặt tựa đề của ba phim này vô cùng thú vị – cùng ám chỉ năng lực và điểm yếu của các nhân vật chính.

  • Glass (danh từ): thủy tinh – chất cho ánh sáng truyền qua dễ dàng, mà ánh sáng thường được coi là biểu tượng của trí thông minh. (Người ta hay nói tối tăm đần độn/thông minh sáng sủa hay tối dạ/sáng dạ là vì vậy.) Và Elijah Price mang một bộ óc lỗi lạc. Bên cạnh đó, thủy tinh cũng rất dễ vỡ, Elijah là người mắc chứng xương thủy tinh – Ông ta có biệt danh là Mr.Glass.
  • Split (động từ): chia tách – Kevin Wendell Crumb có 24 nhân cách khác nhau tồn tại bên trong mình và anh ta có hành động lựa chọn kẻ nào sẽ bước ra ánh sáng. Đặc biệt trong đó, kẻ thứ 24 – Quái Vật (The Beast), mang ý nghĩa đối ngược với sự chia tách là sự hợp nhất nhân cách của các động vật trong sở thú.
  • Unbreakable (tính từ): không thể phá vỡ – Ngược lại với Mr.Glass, David Dunn có hệ xương cứng như kim cương. Nhưng tâm lý sợ nước (Aquaphobia) của David lại cũng không thể phá vỡ (ông này đi giải cứu nạn nhân thì toàn khoác áo mưa.) Phobia thường được định nghĩa là nỗi ác cảm hay sợ hãi với đối tượng nào đó ở mức độ nhiều hơn hẳn so với khả năng có thể gây nguy hiểm của chúng – một sự sợ hãi vô lý. (VD: Coulrophobia là hội chứng sợ những anh hề, Triskaidekaphobia là hội chứng sợ số 13, Trypophobia là hội chứng sợ tập hợp những cái lỗ, v.v…)

3. Chặt chẽ trong việc biểu tượng hóa các nhân vật chính

Trong các loạt phim về siêu anh hùng, sự độc đáo không chỉ nằm ở khả năng đặc biệt của các nhân vật chính mà còn nằm ở tính biểu tượng đồng nhất xuất hiện. VD: Avengers: Cuộc chiến vô cực có đề cập đến 6 viên đá vô cực đại diện cho 6 luân xa; Fantastic four là sự kết hợp của 4 yếu tố Đất, Nước, Khí, Lửa. Còn Glass-Split-Unbreakable biểu trưng cho một tam giác với ba đỉnh là cơ thể-tâm trí-xúc cảm của con người.

Mỗi nhân vật trong series mạnh ở một đỉnh, yếu ở một đỉnh thứ hai và bối rối ở đỉnh thứ ba còn lại. Họ trở thành phần bù của nhau từng đôi một – nên có lúc họ trở thành bạn bè, lúc trở thành kẻ thù; vừa là đồng chí, vừa là địch thủ. Ngoài ra, ba người họ là minh chứng cho việc cơ thể-tâm trí-xúc cảm của một cá nhân đều có những giới hạn và nguyên tắc. Nếu phá vỡ giới hạn, tùy theo ngưỡng trên hay ngưỡng dưới, họ sẽ trở nên cực kỳ mạnh mẽ, hoặc cực kỳ yếu ớt. Còn nếu phá vỡ nguyên tắc, họ sẽ trở nên điên khùng.

  • Elijah (Mr.Glass) đại diện cho sức mạnh của tâm trí, đi cùng sự mong manh của thân xác và sự bất thường của xúc cảm.
  • David ám chỉ sức mạnh của lòng trắc ẩn, đính kèm theo sự yếu kém của tư duy và sự trục trặc của cơ thể.
  • Kevin biểu tượng cho sức mạnh của thể chất, song hành với sự dễ tổn thương của xúc cảm và sự rối loạn của tâm trí.

Bộ ba Glass-Split-Unbreakable (cơ thể-tâm trí-xúc cảm) với chức năng không thể tách rời khỏi nhau như ba người với mỗi tay đang nắm lấy một tay của hai người còn lại. Chính điều này khẳng định một lần nữa cách đặt tên phim, số lượng và tính chất của các nhân vật là hoàn toàn trùng khớp.

4. Cộng hưởng mạnh trong nội dung

Cả ba phần phim đều tập trung vào nội dung khai phóng tiềm năng/khả năng/năng lực của con người song song với việc tôn trọng, đồng cảm với góc tối/yếu điểm của họ không chỉ trong thể chất mà còn trong xúc cảm hay tư duy. Bên cạnh đó là việc trả lời câu hỏi “Ta là ai?” khi các nhân vật trong phim đều cùng chung một cảnh ngộ – giằng co giữa niềm tin của chính mình và những đánh giá của xã hội.

“Do you know what the scariest thing is? To not know your place in this world, to not know why you’re here.” – Elijah, Unbreakable

(Tạm dịch: Anh có biết điều gì đáng sợ nhất không? Đó là không biết vị trí của mình trong thế giới này, và không biết tại sao anh ở đây.)

Phần 1 Unbreakable chú trọng xây dựng nhân vật David, phần 2 Split đầu tư vào nhân vật Kevin, phần 3 Glass làm nổi bật nhân vật Elijah. Và cũng trong phần 3, sự cộng hưởng đạt đến mức độ tối đa với sự xuất hiện của cả ba nhân vật dị thường nơi điểm mạnh/yếu của họ bung nở đến tột cùng, sự nghi vấn về bản chất của chính mình được giải tỏa và sự thật về thế giới được hoàn toàn lật mở.

Nếu ai chưa xem Unbreakable Split trước đó, hoặc đã xem từ rất lâu không còn ấn tượng, thì khi theo dõi Glass sẽ khó chạm tới được cao trào xúc cảm của nó, hoặc sẽ nhanh chóng cảm thấy sự mơ hồ và nhàm chán khi phần 3 này vẫn tập trung sâu vào diễn đạt bức tranh tâm lý phức tạp của các nhân vật chứ không đốt tiền cho những cảnh tượng siêu anh hùng hoành tráng cỡ DC hay Marvel.

Ngoài ra, cách quay phim của series này cũng góp phần nhấn mạnh thêm nội dung chính của ba tác phẩm. Khán giả sẽ được theo dõi khá nhiều các cảnh phim qua sự phản chiếu từ các tấm gương, mặt nước, cốp xe ô tô, cửa kính, màn hình TV; hoặc được nhìn qua các khe cửa, khe ghế, song cửa sổ; hoặc nhìn lộn ngược 180 độ. Các góc quay này như hàm ý về việc con người chỉ nhìn nhận được cái bóng, bề nổi, khe hẹp của thế giới hay chính mình, còn sự thật thì bị che giấu, phủ nhận hoặc bị đánh giá phiến diện, sai lầm bởi cá nhân, tổ chức, v.v…

5. Tách biệt với trào lưu siêu anh hùng

Dù mang nhãn là phim siêu anh hùng, nhưng Glass-Split-Unbreakable đập vỡ khái niệm siêu anh hùng, đồng thời đập luôn khái niệm người bình thường khi chọn vị trí trung điểm của cán cân thánh-phàm và đầu tư sâu vào phân tích tâm lý nhân vật.

Chính vì sự gần gũi vừa đủ, bộ ba phim này dễ dàng trở thành tác nhân truyền cảm hứng cho con người về việc giải phóng năng lực nội tại của cá nhân hơn đa số các phim siêu anh hùng khác – nơi mức độ siêu nhiên thần thánh đột biến xa vời được nhấn mạnh nhiều.

Ở trong series này, siêu anh hùng thật sự không phải là người có sức mạnh phi thường, mà là người dám tin vào sự tồn tại của sức mạnh đó. Chính niềm tin là thứ có khả năng lan tỏa và quyết định sự tồn tại của các năng lực vượt ngoài sức tưởng tượng. Điều này hoàn toàn phù hợp với nội dung xuyên suốt của các phim và đặc biệt được nhấn mạnh trong cái kết của Glass, khiến nó trở thành một sự khép lại hoàn hảo chứ không hề nhạt nhẽo hay hụt hẫng như người ta nhận xét. (Ý tưởng về niềm tin này cũng tương tự như ý tưởng trong truyện Peter Pan – khi một em bé nói rằng không tin vào những nàng tiên thì ở đâu đó sẽ có một nàng lăn ra chết.)

Chưa hết, sự khác biệt của loạt phim Glass-Split-Unbreakable còn nằm trong việc chạm vào trái tim của khán giả, khi nó có khả năng xoa dịu những vết thương tâm lý không chỉ bằng việc nâng niu đón nhận những giới hạn dưới của con người, mà còn bằng việc liên kết nó với sự tồn tại của những giới hạn trên chưa được ý thức đầy đủ. Nếu các siêu anh hùng của Marvel hay DC thường được người ta nhớ đến chỉ bởi các siêu năng lực, thì ba anh hùng Elijah-Kevin-David còn được nhớ đến bởi những yếu điểm, nỗi đau hay góc tối của mình. Xem xong ba phim, ta có khả năng bỏ đi những phán xét/đánh giá người khác hay chính mình chỉ qua những khiếm khuyết.

“The broken are the more evolved.” – The Beast, Split

(Tạm dịch: Những kẻ tổn thương là những kẻ tiến hóa hơn.)

Tóm lại, Glass-Split-Unbreakable là một chỉnh thể không thể phá vỡ và chỉ biểu lộ vẻ đẹp ở mức tối đa khi ta theo dõi hoàn thiện cả ba phần. Ai xem mỗi Glass rồi về kêu không hiểu, phim không hay thì quả thật là đáng tiếc. 9.5/10 là điểm dành cho bộ ba đẳng cấp này.


Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: Sadie Pices

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI