28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 21 Tháng chín, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bớt ăn lại thì có bớt ăn hại?

(1701 chữ, 7 phút đọc)

Bài viết này là câu chuyện kể về trải nghiệm nhịn ăn trong vòng 6 ngày (3 ngày đầu giảm dần lượng tiêu thụ, 3 ngày sau hoàn toàn không thiêu thụ) và những đúc rút mang tính cá nhân sau khi kết thúc thử nghiệm. Trong quá trình, tôi có theo dõi cơ thể và ghi chép lại những thay đổi hàng ngày. Trên tinh thần chia sẻ, tôi không khuyến khích cũng không khuyên ngăn các bạn có những trải nghiệm nhịn ăn của riêng mình. Cơ thể và tâm trí của mỗi người mỗi khác nên sẽ không có một nguyên tắc nào nhất định dành cho tất cả mọi người. Chỉ bằng cách lắng nghe thì ta mới nhận biết được điều gì là phù hợp nhất dành cho bản thân.

1. Ba ngày đầu tiên

Việc nhịn ăn đến với tôi hoàn toàn tự nhiên. Trước đó, tôi chưa từng đọc bất kỳ tài liệu hay nghe ngóng lời khuyên nào từ việc cắt giảm chế độ ăn uống. Tất cả những gì tôi đã từng được nghe về chủ đề này đó là Phật nhịn ăn, đói gần chết rồi giác ngộ con đường trung đạo. Nghe chuyện là vậy chứ cho tiền tôi cũng không dám bỏ đói bản thân dù chỉ nửa ngày. Trong 5 năm trở lại đây tôi rất hay bị tụt đường huyết, có lần gần ngất xỉu. Trong nhà lúc nào cũng dự trữ đồ ăn và tôi phải ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để phòng ngừa trường hợp “sập nguồn.”

Nhưng bỗng nhiên đến một ngày, tôi không thèm ăn gì cả dù đã đến bữa và thử quyết định ăn ít lại so với lượng bình thường tiêu thụ xem sao. Cứ như vậy trong vòng 3 ngày liên tiếp, số bữa ăn, lượng thức ăn và nước uống từ từ giảm xuống cho đến khi bằng 0. Tất nhiên, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tụt huyết áp nhưng chuyện đó chẳng hề xảy ra. Tôi đã rất ngạc nhiên khi mình không có dấu hiệu gì của hạ đường huyết như trước mà còn làm việc cực kỳ tập trung và năng suất. Thời gian ngủ cũng giảm xuống. Tôi có thấy đói, bụng có reo một vài lần trong ngày. Nhưng khi nhìn thức ăn, tôi không có cảm giác cần phải ăn chúng và nhận ra các câu lệnh của não bộ chỉ là phản xạ có điều kiện. Lúc này, trong tôi xuất hiện một đánh giá rằng trước kia mình đã tiêu thụ không khác gì một con lợn – nghĩa đen luôn. Và đánh giá (tạm thời) này là điểm nút bắt đầu 3 ngày nhịn ăn hoàn toàn sau đó.

2. Ba ngày tiếp theo

Trong tâm thế nhìn nhận việc cắt giảm ăn uống mang lại cho mình nhiều lợi ích như thân hình gọn nhẹ, tập trung trí óc, dư dả thời gian và “người” hơn, tôi quyết định tiếp tục nhịn ăn xem tình hình sẽ đi về đâu. Bình thường tôi sẽ mất khá nhiều thì giờ mỗi ngày cho việc đi chợ, nấu nướng, ăn, rửa bát, nghỉ ngơi cho tiêu hóa và nghĩ xem ngày mai nên nấu món gì – tối thiểu 3 tiếng. Phần thưởng khi nhịn ăn không chỉ nằm ở việc tôi có thêm 3 tiếng một ngày để làm những việc khác, mà còn là thời gian làm những việc khác không bị xé nhỏ ra bởi 3 tiếng chen ngang với chủ đề ẩm thực. Tôi đã có thể làm việc liên tục 10 tiếng không mệt mỏi – điều chưa bao giờ tôi thực hiện được trước kia.

Nhưng không như những gì mong đợi, những lợi ích kể trên không tích lũy nữa mà bắt đầu thoái trào dần trong 3 ngày hoàn toàn nhịn ăn đấy. Cơ thể bắt đầu kêu gào mỗi lúc một lớn về nhu cầu chất dinh dưỡng cần được đáp ứng. Mọi giác quan trở nên cực kỳ tinh nhạy với thực phẩm. Chỉ cần ngửi thấy một mùi bánh mì thoảng qua hay nhìn lướt video nấu ăn trên facebook, tôi cũng đã xao động mạnh; hay thậm chí khi nếm vị kem đánh răng lúc vệ sinh cá nhân buổi sáng, tôi xuất hiện ngay ý nghĩ rằng mình có thể nuốt một thìa Close Up này cũng được.

Tôi giật mình nhận ra lúc này mình chẳng khác gì một con lợn phàm ăn. Tất cả sự chú ý lúc đó không còn dành cho công việc nữa. Bản năng sinh tồn đã trỗi dậy mãnh liệt, chỉ cần một dấu hiệu rất nhỏ của thức ăn cũng đủ làm những làn sóng kêu gào trở nên dữ dội. Nhìn cái gì tôi cũng có thể liên tưởng đến thực phẩm – giống như sư tử Alex trong phim hoạt hình Madagascar bị đói quá lâu, lúc ngủ nằm mơ thấy cơn mưa thịt, nhìn ai cũng biến thành thịt và rồi sau đó tấn công cả người bạn ngựa vằn thân thiết của mình bằng một cú ngoạm vào mông đít.

Dù mọi sự đang tiến triển xấu đi, nhưng bằng một sự ngoan cố nào đó, tôi vẫn giữ ý chí để vượt qua sự kêu gào của cơ thể, dù mỗi lúc một khó khăn (Có lúc tôi thấy mình không được tỉnh táo nữa.) Tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh khắc nghiệt thì cơ thể sẽ tự có khả năng thích nghi, và mình đang ở đây tức là mình có thể tiếp tục nhịn được.

Nhưng đến giữa trưa ngày thứ ba của giai đoạn nhịn đói hoàn toàn, tôi đã quyết định dừng lại thử nghiệm này khi nhận ra rằng những gì mình đang làm thật sự không có lợi cho bản thân. Phần thân xác với nhu cầu duy trì sự sống của nó không phải là một điều xấu xa cần bị đàn áp như tôi đã làm những ngày trước. Nó cần được ý thức đúng – tức là nhận biết được giới hạn. Nếu các giới hạn bị phá vỡ thì tôi sẽ không mạnh khỏe, an bình. Nếu ăn quá nhiều thì cơ thể mệt mỏi với việc tiêu hóa, nếu bỏ đói quá lâu thì cơ thể cũng suy sụp với việc tự duy trì chính nó. Việc của tôi là sử dụng cơ thể sao cho đạt hiểu quả cao nhất.

Tôi cho rằng khoảng ổn thỏa, nơi cơ thể hạnh phúc là khoảng ở giữa – không quá no, không quá đói. Chỉ khi bình an thì các chức năng mới được vận hành tốt nhất – chính là những gì thể hiện trong khoảng thời gian ăn ba ngày giảm ăn đầu tiên tôi đã trải nghiệm (trước kia tôi đã ăn dư thừa so với ngưỡng cần thiết mà không biết.)

3. Kết luận và liên hệ

Vậy là sau 6 ngày giảm ăn uống đến tận cùng, tôi quay lại với chế độ bình thường, nhưng với sự tỉnh giác cao hơn hẳn. Mỗi miếng thức ăn hay một ngụm nước đối với tôi là một ân sủng. Lần đầu tiên tôi hiểu được ăn với niềm biết ơn sâu sắc là như thế nào. Không phải đói gần chết thì người ta sẽ biết cúi đầu cảm tạ cái bánh mì mình quờ tay tới đâu. Trong tình huống nguy kịch như vậy tất cả những gì người ta quan tâm là sự sinh tồn, chứ chẳng phải các ý nghĩa nhân văn đẹp đẽ gì hết. Nhân văn chỉ có thể hiện diện cùng với sự hài lòng và tỉnh thức của con người. Vậy nên, sau cuộc thử nghiệm này, tôi rút ra kết luận cho riêng bản thân mình rằng:

“Nếu quá no, anh đã là một con lợn. Nếu quá đói, anh sẽ trở thành một con lợn.”

Tất nhiên, câu chuyện về việc ăn uống cũng chỉ là một phần nói riêng trong câu chuyện tiêu thụ của con người. Tôi cho rằng đa phần chúng ta vẫn đang mua sắm nhiều hơn mức cần thiết như quần áo, điện thoại, giày dép, v.v…; làm những việc dư thừa như quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình, làm sao để người khác hài lòng, v.v… Dường như chúng ta không chỉ có thể đói ăn, mà còn đói sự chú ý. Chúng ta không chỉ có thể trở thành những con lợn trên bàn ăn, mà trở thành những con lợn trong cửa hàng thời trang, trên các trang mạng xã hội, trong các mối quan hệ, v.v…

Khi nhìn kỹ lại mới thấy, chúng ta ăn không phải vì cơ thể cần, mà để làm lắng xuống nỗi sợ hãi rằng không ăn như mọi khi sẽ gây nên chuyện trục trặc. Chúng ta mua quần áo không phải vì bản thân thiếu thốn, mà để làm dịu đi nỗi hoang mang khi đối mặt với đánh giá của thiên hạ về vẻ bề ngoài của mình. Cứ như vậy, việc tiêu thụ đã trở thành lối mòn thói quen với quán tính mạnh đến nỗi chỉ hơi xuất hiện một động thái chệch ra ngoài đường ray cũng sẽ gây nên làn sóng chỉ điểm hòng kéo nó vào guồng quay cũ, bảo toàn sự an ổn cho chủ thể. Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng: sự an toàn nào mới là cái con người thật sự cần?

Sau những ngày thử nghiệm vừa qua, tôi có một niềm tin rằng đến một ngày, một người có thể không cần thức ăn/nước uống hay sự chú ý của người khác để duy trì sự sống hay niềm hạnh phúc của mình. Tất cả chỉ là vấn đề ý thức và sự rèn luyện kiên trì để cơ thể và tinh thần thích nghi được với những điều kiện ở các ngưỡng càng tiến gần về điểm 0.

Còn bây giờ, sau khi đã trải qua hai cực đoan đói-no, tôi sẽ không trả lời câu hỏi bớt ăn lại thì có bớt ăn hại không, nhưng tôi tin rằng, ăn trong ý thức thì có.


Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: StockSnap

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,820Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI