Featured Image: Life Magazine
Vốn là một người chẳng ưa gì môn lịch sử với những bài học về các cuộc chiến nhàm tẻ khô khốc. Và cũng tự nhận là người ưa thích tìm hiểu những kiến thức hay ho mới lạ, tôi thường tìm hiểu khá nhiều về các chủ đề nhưng dường như tìm hiểu về lịch sử là việc chẳng bao giờ tôi muốn nghĩ tới. Xấu hổ hơn, tôi lại có thể để cho giáo dục và truyền thông ngang nhiên nhồi vào óc mình khái niệm về “lịch sử” chỉ là những cuộc chiến tranh và rồi chấp nhận khái niệm thiển cận đó. Không, chiến tranh chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ của lịch sử. Ấy vậy mà xưa giờ tôi hoàn toàn không để ý hay chẳng quan tâm gì cả. Nhưng rồi nghĩ lại, suốt những năm tháng học hành trung học, phổ thông. Tôi được dạy gì về lịch sử chứ? Có gì khác ngoài những cuộc chiến không?
Và cho đến bây giờ, sau nhiều năm học mòn mỏi, thật xấu hổ khi phải thừa nhận, tôi chẳng nhớ một mảy kiến thức nào về những cuộc chiến đó cả. Tuy tôi cũng từng bức xúc về cách mà nền giáo dục Việt Nam dạy môn Sử, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc mong muốn những bài giảng về các cuộc chiến nên sinh động hơn, cuốn hút hơn. Hay có thể nói, tư duy của tôi về bộ môn Lịch Sử chỉ luôn gói gọn trong những cuộc chiến. Thật là một sai lầm nghiêm trọng và khủng khiếp. Cũng nhiều khi, tôi tìm hiểu về sử chiến tranh, về bản chất những cuộc chiến, sau cùng tất cả cảm giác đọng lại trong tôi, chỉ là sự hoài nghi, thất vọng, cảm giác tức giận, bất lực và đau đớn như một kẻ bị cả thế giới dối lừa. Thế rồi tôi không muốn quan tâm tới lịch sử nữa.
Cho tới gần đây, đọc bài phỏng vấn về anh Trần Quang Đức, một nhà nghiên cứu sử học trẻ tuổi. Những chia sẻ của anh, những thông tin và kiến thức mới lạ khiến tôi bừng tỉnh. Và tôi tin, nó cũng có thể thức tỉnh bạn. Những góc nhìn mới, thật ra không mới nhưng giờ chúng ta mới được biết sẽ mang lại niềm hứng thú về chủ đề “lịch sử” vốn khô khan nhàm chán.
“Có nhà nghiên cứu giáo dục ở ta đã nói: Giáo dục Việt Nam không hề lạc hậu, mà là lạc đường. Lạc hậu là đi lùi phía sau và có cơ hội để tiến lên, nhưng lạc đường là đi hẳn sang một con đường khác. Quan trọng là đi đúng đường đã, sau đó chấp nhận lạc hậu, rồi từ từ đi lên.”
Điều này hoàn toàn đúng, đặc biệt trong khía cạnh bộ môn lịch sử.
“Lịch sử là tất cả những sự thật đã diễn ra trong quá khứ, tôi muốn nói rằng lịch sử không chỉ có các cuộc chiến tranh. Xưa nay, sử chiến tranh được chúng ta giảng quá nhiều, vô hình trung lại phản tác dụng, khiến người học mệt mỏi với quá khứ. Học lịch sử không phải chỉ để yêu tổ tiên, để tự hào dân tộc. Lịch sử là những sự thật đã diễn ra trong quá khứ – người ta đã ăn thế nào, ngủ thế nào, mặc thế nào – tất cả đều là lịch sử. Cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” là nói về sử ăn mặc, sau đó sẽ có sử ẩm thực, sử vệ sinh, sử xe cộ, sử giao thông…
Những lát cắt về đời sống như thế sẽ làm diện mạo lịch sử muôn màu muôn vẻ, cuốn hút người trẻ hơn rất nhiều so với sử giáo điều, sử chiến tranh. Trong lịch sử cũng có những khoảng tối mà người ta cần phải biết. Sở dĩ người Việt như hôm nay bởi có người Việt như quá khứ. Cuộc sống hiện đại luôn bắt rễ từ quá khứ, nhưng cái quá khứ ấy được đẩy đi bao xa thì tùy thuộc vào người nghiên cứu sử. Ví dụ chúng ta ăn bánh trôi bánh chay trong tết Hàn Thực, nếu không đọc được sử liệu hay các nghiên cứu văn hóa, chúng ta chỉ biết đây là “phong tục nghìn đời của người Việt”. Để giải thích về các phong tục tập quán, chúng ta luôn luôn dùng chữ “nghìn đời”.
Nhưng nếu dựa vào các sách, ví dụ sách thời Trần, ta biết rằng tết Hàn Thực thời đó các cụ ăn bánh cuốn. Tới thời Lê trung hưng, người ta bắt đầu viết rằng tết Hàn Thực ăn bánh trôi bánh chay. Nghĩa là chúng ta sẽ có góc nhìn đoạn đại – từng lát cắt của lịch sử đã diễn ra, đã xuất hiện những gì. Và những điều tạo nên bối cảnh của người Việt hôm nay, từng nét văn hoá mà người Việt chia sẻ với nhau hôm nay có những thành phần nào, những thành phần ấy có từ bao giờ, đó là ngoại lai, là du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ hay là của người Việt tạo ra… tất cả sẽ là những lý giải về đời sống, và về tư duy.”
Đúng thế, lịch sử tạo nên phong tục, tạo nên văn hóa, và văn hóa chính là thứ chi phối cuộc sống chúng ta đến ngày nay. Sẽ tốt biết bao nếu chúng ta được học về nguồn gốc những nét văn hóa, những tập quán và lối sống. Thay vì chỉ nhìn vào những ánh hào quang cũ kĩ mốc meo của các cuộc chiến. Lịch sử nên là thứ giúp chúng ta nhìn lại quá khứ, để từ đó hiểu hơn về hiện tại rồi từng bước xây dựng tương lai. Lịch sử không nên chỉ là những cuộc chiến khô khan với toàn những số liệu súng ống người chết như cách ta vẫn làm. Chính lịch sử phải là thứ để chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc sống từ đó thay đổi cách hành xử cho thích hợp. Lịch sử phải là thứ chân thực giảng giải cho người ta hiểu nguồn gốc của mọi vấn đề.
Tại sao khi học môn lịch sử chúng ta không được dạy những thứ thế này:
“Nguồn gốc của trào lưu phân biệt vùng miền, tiêu biểu ở hiện tại là trào lưu ghét dân Thanh Hoá, nhưng dân Thanh Hoá bị ghét từ khi nào? Vấn đề kỳ thị vùng miền có từ rất lâu rồi, từ thời Bắc thuộc đã có sự không hoà hợp giữa vùng Thanh Nghệ và vùng Thăng Long. Ở thời Lê, dân Thanh Hoá có sự tự cao nhất định, bởi vua Lê chúa Trịnh đều là người Thanh Hoá, họ coi họ là trung tâm. “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” là nói về thời đó. Lúc ấy, Huế lại là vùng Đàng Trong, có nhiều nét văn hóa, ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của Chăm. Quan nhà Mạc Dương Văn An đã viết trong “Ô Châu cận lục” rằng: Thói tục của dân Huế rất thô bỉ, quê kệch. Như vậy, dân Huế từng bị coi là thấp kém về mặt văn minh.
Khi nhà Nguyễn thống nhất toàn bộ đất nước và bắt đầu giải quyết vấn đề vùng miền, Huế lại tự hào là đất kinh kỳ.Vậy nên không nên xem kỳ thị vùng miền là đúng hay sai, mà phải quan sát sự thay đổi tư duy của con người.
Đến thời hiện đại, dân Hà Nội lại tự hào mình là Thăng Long kinh kỳ, vì đây là trung tâm chính trị. Tóm lại, kinh tế và chính trị sẽ quyết định văn hoá. Kỳ thị vùng miền được quyết định bởi tư duy chính trị và văn hoá. Ở đâu lòng tự hào về bản thân quá cao sẽ dẫn đến xem thường những vùng miền khác, và khi anh quá xem thường các vùng khác, anh sẽ bị ghét là lẽ đương nhiên. Ta hiểu quá khứ sẽ hiểu được thời hiện tại. Ta sống như thế nào, nghĩ như thế nào trong hiện tại đều có nguyên nhân sâu xa từ quá khứ.”
“Lúc nào ta cũng nói chuyện yêu nước, tự hào dân tộc, lịch sử lúc nào cũng coi Việt Nam luôn là chính nghĩa, lúc nào cũng thấy người Việt là dân tộc bị hại… nhưng bản chất ở phía sau tất cả luôn là một câu chuyện cồng kềnh.
Người ta cực đoan bài xích chữ Hán Nôm trong chùa, nhưng Hán không chỉ là Hán, Việt không chỉ là Việt, mà có sự hỗn dung về văn hoá và nguồn gốc. Không có dân tộc hay đất nước nào thuần chủng ở đây cả. Đây là vấn đề của Việt Nam. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những quốc gia từng sử dụng chữ Hán. Dân trí cao nên Nhật Bản không bao giờ tranh cãi rằng cái này của tao hay của mày, mà họ thừa nhận luôn rằng cái này tôi học của Tàu, cái này tôi học của Tây… và tôi tạo nên thứ của riêng tôi. Ở Việt Nam có sự thay đổi về tư duy chính trị (thời điểm sau 1979 và gần đây là vấn đề biển đảo Trường Sa – Hoàng Sa), cái nhìn về chữ Nôm, chữ Hán cực kỳ lệch lạc và cực đoan. Thêm nữa, dân trí của Việt Nam thấp, kinh tế kém phát triển. Vì dân trí thấp nên càng dễ sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cứ nghĩ cái gì của mình cũng là nhất, và giờ thì có thêm tinh thần bài Hoa, đặc biệt ở lĩnh vực văn hoá. Ở Việt Nam, vì không hiểu biết thấu đáo nên có nhiều người bài xích cực đoan, không có cái nhìn bao dung, khách quan đối với quá khứ. Đó là những thứ, xét về mặt tiến bộ, không phải là lạc hậu, mà là lệch lạc, gần nhất là lấy văn hóa đem so với Hàn Quốc và Nhật Bản.”
Văn hóa chính là lịch sử. Văn hóa là thứ được con người tạo ra, mỗi thời mỗi khác, người ta kế thừa nó, phát huy nó, bảo tồn hoặc sáng tạo nó. Văn hóa là thứ có thể thay đổi chứ không phải là bất di bất dịch. Tiêu biểu là mỗi triều đại phong kiến khác nhau lại ban hành những luật lệ, tập tục và những quan niệm văn hóa khác nhau.
“Không giống với suy nghĩ của nhiều người cho rằng tất cả văn hóa Việt là bất biến, mà ngược lại, văn hóa có sự khác biệt trong mỗi thời kỳ, mỗi triều đại.
Theo đó, không phải thời đại nào văn hóa Việt cũng là một thứ chung nhất, một thứ đơn nhất. Có những cái văn hóa mà Lý có Trần có mà đến Lê mất, có những văn hóa mà Lê có nhưng Nguyễn mất. Đơn cử như nói tới khăn xếp áo the là trang phục truyền thống lâu đời nhưng đó chỉ là sản phẩm của nhà Nguyễn, tới thời nhà Lê thì không mặc như vậy nữa. Nhà Lê mặc trang phục kiểu khác, nếu chỉ nhìn cái khác đi này mà mọi người quy kết đó không phải là truyền thống là không đúng. Hiện tại văn hóa của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều nhất các nét văn hóa của thời Nguyễn. Nhờ lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy văn hóa đương đại vốn là tập hợp những nét văn hóa du nhập từ các nước xung quanh, sau đó được nhân dân làm mới lại cho thích hợp và lưu truyền. Nó không phải là một vật vô tri giữ nguyên hiện trạng năm này qua năm khác”. Nếu biết được điều đó, liệu người ta có còn sửng cồ lên với những người bị cho là “sính ngoại” hay “học đòi tư tưởng ngoại lai?
Nhiều nét văn hóa đã thay đổi nhưng có một nét dường như qua bao nhiêu năm tháng vẫn không thay đổi: “Bản sắc văn hóa Việt Nam xuất phát từ làng, văn hóa làng xã là cái rất riêng chỉ Việt Nam với có.”
Tự nhiên tôi chợt nghĩ, liệu có phải vì bị tác động bởi nét văn hóa làng xã này mà tư duy của chúng ta luôn bị bó hẹp, luôn chỉ suy nghĩ trong phạm vi nhỏ bé, khó tìm ra những hướng đi đột phá và mọi suy nghĩ đều phần lớn mang tính “ao làng”?
Hơn nữa, xuyên suốt những cuốn sách sử, chúng ta luôn được dạy rằng Việt Nam là nước nhỏ bé, yếu thế, luôn bị nhòm ngó và xâm lăng, bị chèn ép và xem thường. Nói cách khác, Việt Nam thật đáng thương và yếu ớt. Vậy nên trong xu hướng tự hào dân tộc, khi thế giới tự hào về những thành tựu, phát minh, những thứ thuộc thì hiện tại và tương lai. Thì lịch sử lại dạy cho chúng ta rằng Việt Nam dường như chỉ có hai điều tự hào duy nhất “những chiến thắng vẻ vang” và “nguồn tài nguyên vô tận”. Chính điều này đã làm cho lịch sử trở nên sai lệch và hình thành thói quen chỉ thích ngồi mát ăn bát vàng, không hề có tinh thần phấn đấu hay suy nghĩ buộc bản thân phải thoát khỏi những gọng kìm kềm hãm cả nền kinh tế, chính trị lẫn đời sống?
Niềm tự hào những chiến thắng vẻ vang không chỉ được dạy trong sách sử, nó còn được biểu hiện một cách đồng bộ và nhất quán từ các ngày lễ lớn cho tới những băng rôn áp phích và tên những con đường. Từ đó càng làm tăng lòng tự hào dân tộc của chúng ta. Càng tự hào bao nhiêu ta lại càng nói về nó nhiều bấy nhiêu và cho phép bản thân quên sạch sanh những sự thật về lịch sử khác. Những chính sách sai lầm, sự vô nghĩa của các cuộc chiến, những sự thật hay mặt tối của chúng hoàn toàn không được ta nhắc đến. Ta không thể nào biết để mà cảm thông với những người dân chết oan trong những “cải cách ruộng đất”, ta không thể nào biết được sự khổ cực và ai oán của những bà mẹ anh hùng, những gia đình tan nát vì chiến tranh, ta không hiểu thấu nỗi đau cùng cực của những nạn nhân gián tiếp từ các cuộc chiến, những thương binh liệt sĩ, những em bé nhiễm chất độc da cam, những bà mẹ dựng bàn thờ tất cả đàn con của mình…
Tại sao ta không được dạy nhiều hơn những điều đó, để yêu thêm đất nước, yêu thêm con người, để tâm hồn biết rung động, đồng cảm và căm thù chiến tranh. Làm sao người ta biết căm thù chiến tranh khi chúng ta dùng nó để tự hào? Và tại sao nước ngoài xâm lược nước ta thì gọi là xâm lược, còn nước ta xâm lược nước khác thì lại gọi là “mở mang bờ cõi”? Điều này có công bằng không? Lịch sử mà không công bằng hay không chuẩn xác thì còn nghĩa lý gì?
Lịch sử dạy chúng ta phải cảm ơn, phải tôn thờ, phải đời đời nhớ ơn những người người xa lạ: Các-Mác, Lê Nin. Lịch sử muốn chúng ta phải biết ơn chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Vậy tại sao lịch sử không dạy ta về bản chất của các loại chế độ trên toàn thế giới để mà phân biệt và nhận định cho đúng về các ưu điểm, nhược điểm. Tại sao lịch sử không giải thích tại sao XHCN tốt đẹp thế mà lại bị sụp đổ, bị các nước khác xem thường và ghét bỏ? Nói chung, theo tôi, bộ môn lịch sử đang giấu diếm và đánh lạc hướng chúng ta quá nhiều. Làm sao có thể đạt được mục tiêu nâng cao dân trí khi mà mọi sự thật được giấu đi và thay thế? Làm sao để mà người ta quyết tâm xây dựng đất nước khi cứ nói oang oang rằng đất nước ta tài nguyên bao la không làm cũng có ăn?
Tự hào về quá khứ không có gì là xấu, nhưng nó là việc không cần thiết lắm trong việc xây dựng và phát triển đất nước ngay từ hiện tại cho đến tương lai. Tiếc thay, bộ môn lịch sử vô vùng thú vị và cần thiết như thế lại đang đi sai đường. Bị chính nền giáo dục làm cho nhàm chán và trở nên chẳng ý nghĩa gì với tuổi trẻ nói chung và cả đất nước nói riêng.
Lịch sử hẳn sẽ thú vị hơn nhiều nếu người ta biết được nguồn gốc của những việc đơn giản và nhỏ bé nhất. Như nguồn gốc cách đặt tên đệm “Văn” và “Thị” trong tên của người Việt. Rằng từ Thị tiếng Hán bao hàm nghĩa chỉ phái nữ nói chung, từ này ban đầu chỉ được dùng cho những người phụ nữ đã trưởng thành, nhưng sau đó nghĩa của từ Thị dần mất đi, người ta dùng nó để đặt tên cho phần lớn các bé gái với nghĩa “đó là con gái”. Tương tự với chữ “Văn” Bốn giai cấp trong xã hội cổ truyền là sĩ, nông, công, thương. Giai cấp sĩ là giai cấp cao nhất, được kính trọng hơn cả. Ðiều kiện cần thiết để bước vào giai cấp này là văn, hiểu một cách rộng rãi là phải có văn chương chữ nghĩa.
Do điều kiện này mà các bậc cha mẹ mong ước cho con có văn chương chữ nghĩa để bước vào giai cấp trên. Ước vọng này thể hiện qua việc đặt chữ văn trong thành phần tên của con. Chữ văn trở nên thông dụng đến độ làm ý nghĩa của nó trở nên mập mờ và lạm dụng. Người ta sinh con trai và đặt cho nó chữ văn với mong ước như thế. Nhưng về sau chữ văn chỉ được dùng đơn thuần với nghĩa “nó là nam”. Có một cách giải thích khác khá hài hước, theo lời ông Nguyễn Ngọc Ngạn “Thị là mắt, người ta đặt cho con gái với nghĩa hàm ẩn sự nhắc nhở, rằng con trai yêu bằng mắt nên con gái phải luôn nhớ điều đó để làm đẹp cho bản thân mình. Còn Văn, nghĩa là văn chương, ý nhắc phái nam rằng phụ nữ yêu bằng tai, thích những lời hoa mỹ, để từ đó cẩn trọng trong cách dùng ngôn ngữ chinh phục phái đẹp…”
Hoặc như lịch sử, thổ nhưỡng địa hình các vùng miền đã hình thành nên tính cách con người vùng đó ra sao. Người miền Trung đất đai khô cằn lại hay phải gánh chịu các loại thiên tai. Nên về cơ bản tính cách của họ thường cần cù, chịu khó, tiết kiệm và chắt bóp. Ngược lại, người miền Tây với đất đai màu mỡ, sản vật trù phú xung quanh chẳng mấy khi phải lo thiếu ăn nên tính tình thường phóng khoáng, vô lo… Chính những điều này đã tạo nên văn hóa và bản sắc mỗi vùng miền. Đó cũng chính là lịch sử – sử văn hóa.
Lịch sử cũng nên dạy cho tuổi trẻ Việt Nam những điều thật sự đáng được tự hào, như việc Việt Nam (Cộng Hòa) đã từng phát triển rực rỡ như thế nào về kinh tế và văn hóa. Rằng chúng ta đã có thể sản xuất ra chiếc xe hơi made in Việt Nam đầu tiên từ hơn 40 năm trước mang tên La Dalat, nó là chiếc xe hơi dân dụng đầu tiên được lắp ráp, mang thương hiệu và sản xuất hàng loạt ở Việt Nam với mức độ nội địa hóa lên đến 40%. Vào thời điểm đó, sáng lập viên của hãng xe Hyundai mới chỉ là tiểu thương tại Hàn Quốc mà thôi, nghĩa là họ còn đi sau chúng ta nữa. Nhưng giờ hãy nhìn lại xem. Ta đang theo sau họ hàng chục năm hay hàng trăm năm trong khi hiện tại một con ốc chúng ta cũng không đủ trình độ sản xuất?
Nếu xét theo sự phát triển và tiến hóa, có phải chúng ta đang đi thụt lùi? Hay có những giai đoạn, nền kinh tế Việt Nam (Cộng Hòa) vượt xa những nước trong khu vực như Đài Loan, Singapo, Hàn Quốc. Hay như trước 1975, có 11 dàn máy tính IBM 360 hiện đại đã được đưa về Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Giáo Dục. Lúc đó, toàn vùng Đông Nam Á chỉ có Singapore sắm được vỏn vẹn… 1 chiếc máy tương tự. Những chính sách tiến bộ trong giáo dục vốn cũng đã tồn tại từ lâu, như dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, học sinh đi học không hề mất tiền học phí. Và đặc biệt từ thời đó, nguyên tắc căn bản trong nền giáo dục của chúng ta là:
“Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản. Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này, lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản, xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc. Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.
Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.”
Đây là những triết lý vô cùng tiến bộ cấp tiến, không chỉ với thời xưa mà cả với thời nay. Chúng ta cần phải biết về nó khi học lịch sử nước nhà. Nhưng lịch sử lại ém nó đi để bao che cho những lời nói dối khổng lồ. Những thông tin này nếu muốn biết chúng ta buộc chỉ có thể thu nạp được từ những trang không chính thống. Vậy những con người u mê với lòng tự hào dân tộc hẹp hòi và thiển cận, họ có biết để mà tự hào không? Lòng tự hào dân tộc của họ có đi đúng đường được không khi tất cả đều bị dắt mũi bởi sách giáo khoa và truyền thông truyền thống?
Nhắc đến lịch sử, từ trẻ con cho đến người già, chúng ta đều thuộc nằm lòng cụm từ “lịch sử hào hùng”. Nghĩa là, những cuộc chiến hào hùng vẻ vang. Nghĩa là, lịch sử là một thứ đẹp tuyệt vời phát ra hào quang lấp lánh che mờ mắt người dân khỏi mọi sự thật đau lòng hay hấp dẫn khác. Chúng ta chẳng cần một lịch sử hào hùng, chúng ta cần một cái nhìn khác, một cách đánh giá khác về tầm quan trọng cũng như sự thành thật về lịch sử, về những việc, những sự kiện thật sự diễn ra trong quá khứ. Hơn gấp ngàn lần những con số súng ống và thương vong.
Đây mới là về Sử Việt Nam, đáng lẽ chúng ta còn nên được dạy thềm nhiều về Sử thế giới nữa, nếu muốn hiểu biết và hội nhập. Cũng như vô vàn thứ hay ho ảnh hướng đến đời sống mà ta cần biết, nên biết và phải biết, tất nhiên, bao gồm cả các cuộc chiến. Nhưng các cuộc chiến chỉ nên chiếm một phần thật nhỏ trong bộ môn lịch sử mà thôi.
Ôi trời, lịch sử quả là bao la, hấp dẫn và lôi cuốn. Ấy vậy mà người ta lờ nó đi, giấu nhẹm nó đi, cuộn nó lại và gói trong một cái vỏ bọc chiến tranh nhàm chán. Tôi không cam lòng.
Xin kết bài bằng đoạn phỏng vấn này của anh Trần Quang Đức: “Để có thể trở thành một dân tộc lớn, chúng ta phải bắt đầu từ những bài học rất nhỏ. Mỗi người Việt hãy tự thay đổi mình từ một cách nhìn, cách nghĩ, một thái độ ứng xử. Đó chắc chắn không phải thái độ mặc cảm, tự ti, một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, dễ bị kích động. Đó phải là năng lực tri nhận, gạt bỏ những điều cổ hủ, lỗi thời. Đó là thái độ trân trọng, biết đón nhận, tiếp thu tất cả những giá trị cao đẹp của mọi nền văn hoá, trong đó có văn hoá Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là tinh thần, khát vọng trở thành một dân tộc lớn, tự cường.”
Việc đầu tiên nếu bạn muốn xây dựng đất nước, có lẽ tìm hiểu về lịch sử, theo cách nhìn khách quan nhất, là một điều nên làm. Sẽ có hai con đường có thể xảy ra khi bạn tìm hiểu sâu vào lịch sử. Một, tất nhiên đó sẽ là một thế giới đầy những điều thi vị, hấp dẫn và lôi cuốn, giúp bạn thêm yêu mến đất nước, thêm niềm tự hào và giải thích được những hiện tượng văn hóa đương đại để từ đó có cách đánh giá khách quan và chính xác hơn. Hai, sẽ có nhiều điều khiến bạn bất ngờ, thậm chí thất vọng và hoang mang. Đừng sợ hãi, lịch sử chỉ là quá khứ thôi, thứ chúng ta cần phải lo lắng và quan tâm, chính là hiện tại này.
Phi Tuyết
Việt Nam làm gì có môn Lịch Sử, môn Chính Trị thì đúng hơn. đề thi tốt nghiệp c3 có 3 câu, 2 câu nói vể Đ – trong khi cái Đ đó tồn tại mới mấy chục năm so với cả ngàn năm của đất nước
Bài viết hay quá, em cảm ơn chị Phi Tuyết đã có tâm viết một bài hay như thế này cho những người trẻ tuổi như sinh viên chúng em được mở rộng hiểu biết.
lịch sử bản chất là chính trị học. không đánh giá khach quan, không đưa ra cái nhìn bao quát, chỉ sàng lọc, chọn lưa những lát cắt, khía cạnh của sụ kiên nhằm phục vụ cho lợi ích của giới cầm quyền!
Lịch sử thì cần sự thật. Nhưng công bố nó thì cần 1 quá trình
Lịch sử chứng minh rằng, khi sự thay đổi bắt đầu, nó được thực hiện hoặc bởi tầng lớp giàu có (thượng lưu), hoặc tầng lớp trung lưu hoặc tầng lớp nghèo khó.
(1) Động lực:
– Thượng lưu cầm trịch, điều họ muốn là tốt hơn cái trật tự hiện có. Việc này ít khi xảy ra vì họ có trí tuệ và hiểu quy luật xã hội vận hành; thường là khi xảy ra ít đổ máu vì họ có nhiều thứ để mất.
– Trung lưu cầm trịch, họ muốn cái vị trí thượng lưu nhiều hơn là thay đổi trật tự xã hội. Nó chỉ là sự đổi chủ & lịch sử phong kiến là phổ biến.
– Tầng lớp nghèo khổ cầm trịch, họ muốn thoát nghèo muốn địa vị của kẻ giàu có hơn họ, quyền lực hơn họ. Lịch sử chứn mình trật tự xã hội tốt hơn sau khi đổ máu là điều xa sỉ.
(2) Thực lực vật chất để hành động:
– Thượng lưu có sẵn nhưng họ luôn cân nhắc được mất khi đầu tư. Họ không sẵn lòng mạo hiểu cho “tương lai giả định” nào đó ở phía trước.
– Trung lưu thì hạn chế nguồn lực và kiếm ăn chiếm phần lớn quỹ thời gian của họ. Lợi cho họ thì họ theo nhưng phần lớn là chạy theo lợi trước mắt.
– Tầng lớp nghèo khổ thì không có nguồn lực vật chất. Tầng lớp này mà khởi động thì trước hết phải tước đoạt vật chất của kẻ khác vì không thể đánh nhau mà không có vũ khí và cái bụng đói.
(3) Tầm nhìn & trí tuệ
– Thượng lưu có điều kiện tiếp xúc rộng và qua đó biết nhiều. Họ hoặc xuất chúng hoặc hiểu rõ xã hội nếu đi lên từ hai bàn tay trắng. Họ được thừa kế thì không chỉ có vật chất mà còn cả một nền tảng giáo dục, quan điểm, môi trường nữa,… & họ giữ được cơ ngơi tổ tiên đã là giỏi rồi chứ chưa cần phát triển nó hơn.
– Trung lưu sẽ thành thượng lưu khi có tầm nhìn. Họ có sẵn lòng thay đổi luật chơi khi mà họ chưa là kẻ ra luật và họ đánh giá được thực trạng vấn đề.
– Tầng lớp nghèo khổ là những kẻ lười biếng hoặc kẻ mơ mộng hoặc kẻ bị ngược đãi vì là nạn nhân của luật chơi cho kẻ khác đặt ra. Kẻ bị ngược đãi là có trí hơn cả nhưng động lực lại là sự thù hận chứ không phải công lý và họ hành động nhờ xúi dục kẻ như họ hành động cho lợi ích của chính họ nhưng luôn “mạ vàng khẩu hiệu”. Kẻ có tầm nhìn khi muốn thay đổi luật chơi, họ hiểu rõ lợi ích chung-riêng có được hoặc mất đi và phương thức họ sử dụng nếu vì cái chung là đàm phán.
Tự nhiên cho chúng ta tai nghe, mắt thấy nhưng chứng nghiệm thì phải dựa vào não với tư duy độc lập để không bị chạy theo như ngựa bị bị mắt, lừa được treo nước trước mặt, rễ cây chạy theo độ ẩm và dinh dưỡng,…
Con người luôn muốn tiến lên nhưng hành động của họ trong nhiều trường hợp là kéo lùi. Thí dụ cha mẹ nào cũng muốn con hơn họ nhưng khi họ đuối lý thì vịn câu “trứng khôn hơn vịt” để áp chế. Rất hiếm trường hợp cha mẹ cùng con cái làm rõ vấn đề qua đó nâng họ lên trong quá trình phát triển.
Nói ra sự thật là một trở ngại thì mãi mãi tổ chức đó không thể phát triển, nhỏ là gia đình, lớn là quốc gia. Lịch sử được biết đến như sự chép lại hay sự thật đã diễn ra trong quá khứ? Nó được chép lại nhưng không hoàn toàn là sự thật & có vô vàn thước đo đánh giá nên “sự thật lịch sử càng hiển nhiên” thì càng đáng ngờ.
Bạn nào đó khuyên viết chung chung về lịch sử, chung chung như thế nào? Cái bạn tin tưởng cũng không chắc nó không ngụy tạo, bạn phản bác điều gì thì cách làm không nguy hại là viện dẫn tác ý kiến trái chiều mà bạn biết (ý tác giả và bạn dẫn tức bạn đồng tình chứ không phải ý kiến chủ quan của cá nhân bạn). Cách đơn giản hơn là dúng chính hành động của người đó để chứng minh sự trùng khớp với việc họ phát ngôn.
Không ai biết chắc chắn người khác nghĩ gì khi mà họ không thể hiện qua hành vi nhưng người “khôn” biết cách thể hiện hành vi của họ nghịch với điều họ muốn nhưng được công chúng đón nhận và họ mang về lợi ích.
Theo thiển cận cá nhân, dùng lăng kính lợi ích + phát triển để đo lường các nhân vật, sự kiện lịch sử là một trong những cách ít khiếm khuyết nhất. Quan điểm Á đông chứng minh rằng trước khi họ lên làm Vua, làm quan thì động lực chính là danh, lợi của họ, gia đình họ chứ không phải cái to tác của thiên hạ, cái mà họ thường rêu rao.
Dân tộc phát triển là dân tộc có ít nhân vật kéo lùi lịch sử. Vị thế của ta hôm nay phản ánh lựa chọn và nỗ lực của ta hôm qua & mọi trường hợp đều có nguy cơ (nguy hiểm + cơ hội). Một quốc gia triền miên bão tố vẫn phát triển hơn quốc gia tai nguyên thiên nhiên ưu đãi.
Quy luật kẻ mạnh, tự nhiên; Man rợ thắng văn minh, lịch sử nhân loại không hiếm!
Em rất thích các bài viết của Phi Tuyết, đọc bất cứ bài viết nào của tác giả em đều có thêm những thông tin bổ ích và thiết thực.
Lịch sử thì rất khó lòng có chuyện trung thực và khách quan ! Từ xưa tới nay,lịch sử chỉ là sân khấu để chế độ này khoe hàng của mình và dìm hàng chế độ trước để chứng tỏ mình hay ho hơn thôi.
Có lần mình đọc lại nhiều tư liệu về sử nhà Lê thì mới thấy thực ra vua Lê Long Đỉnh không phải là vị vua tàn ác như sử sách vẫn nói.Lê Long Đỉnh thường được sử nhắc đến như kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác.Tuy nhiên đó chỉ là thêu dệt, thậm chí bịa đặt. Ông được coi là vị Hoàng đế bị “đóng đinh” trong lịch sử Việt Nam.
Lê Long Đĩnh là người “dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được” (ngọa triều) nhưng trong suốt thời gian ngắn 4 năm cầm quyền ông đã tự mình làm tướng đi chinh phạt đến 5 lần và trận chiến cuối cùng mà Lê Long Đĩnh tham dự trước khi ông chết là 2 tháng,đích thân cầm quân đánh giặc liên miên như vậy phải là một người cường tráng mới đúng chứ.
Lê Long Đĩnh bị gán tội róc mía trên đầu nhà sư nhưng lịch sử Phật giáo lại chứng minh điều ngược lại,chính vua Lê Long Đỉnh đã tu sửa rất nhiều chùa chiền và phái người đi thỉnh kinh,những bộ kinh Phật đầu tiên của VN được đem về trong giai đoạn này.
Ngược lại,việc Lý Công Uẩn lên ngôi theo chính sử thì được xem như một việc chuyển giao quyền lực êm thắm nhưng thực tế theo tư liệu dân gian thì đó là một cuộc nổi dậy vô cùng đẫm máu.
Chính vì sự nhồi nhét và ca tụng lịch sử của mọi chế độ đang nắm quyền mà dẫn đến Lịch Sử từ phong phú trở nên vô cùng khô khan theo kiểu chưa học đã biết kết quả,phe ta đã đánh lúc nào cũng thắng giặc,dù ta chết nhiều hơn,ta luôn chính nghĩa còn giặc thì độc ác,giặc dù mạnh nhưng trước sau gì cũng chết như những người xấu trong truyện cổ tích.Mình vẫn còn nhớ hồi nhỏ còn có những thông tin trong SGK kiểu như máy bay ta nằm núp sẵn trong những đám mây hàng giờ liền chờ Mỹ tới là xông ra bắn,..v.v..
Hy vọng có một ngày,lịch sử sống động hơn và bớt khô khan hơn một chút,để các em học sinh đỡ khổ hơn !
Bài rất dài mình không đọc hết nhưng mình đồng ý với tinh thần của bài viết. Và mình cũng biết Lịch sử là tiếng nói của kẻ thắng cuộc. Khi mà kẻ thắng cuộc vẫn mãi say sưa trong chiến thắng thì không thể có cái nhìn thực tế được về lịch sử.
Cám ơn tác giả. Bài viết rất xúc động và thuyết phục.
Tương lai mình k biết nhưng hiện tại lịch sử thuộc về “Bên Thắng Cuộc” đơn giản vậy thôi.
Bài viết gợi mở về cách học sử, cách lưu giữ về lịch sử và cách lịch sử cần được nhìn nhận, đặt đúng vị trí trong hình thành nền tảng nhận thức và văn hoá xã hội.
Mong muốn là một đằng, còn thực hiện nó là một chuyện. Lịch sử sống sinh động nhất là trong những câu truyện, tiểu thuyết và bây giờ có thể là phim ảnh, game về các bối cảnh, các triều đại, các chế độ, văn hoá tập tục của từng vùng miền, theo các giai đoạn lịch sử.
Người làm sử là ai?
Nhiều Like cho bạn. Cảm ơn bạn vì đã mở ra tầm nhìn mới, rộng hơn, toàn diện hơn về vấn đề này. Có lẽ đây là một phần cho câu hỏi: Tại sao người Việt học sử kém thế. Đơn giản vì nó đã bị bóp méo đi nhiều, trở thành mớ kiến thức sáo rỗng, cứng nhắc, nhàm chán. Quan trọng là người học không nhận được nhiều giá trị, bài học từ những bài giảng lịch sử, cái mà họ nhận được nhiều nhất lại là BỊ DẮT MŨI.
rất hoan hô bạn đã kết bằng :Xin kết bài bằng đoạn phỏng vấn này của anh Trần Quang Đức: “Để có thể trở thành một dân tộc lớn, chúng ta phải bắt đầu từ những bài học rất nhỏ. Mỗi người Việt hãy tự thay đổi mình từ một cách nhìn, cách nghĩ, một thái độ ứng xử. Đó chắc chắn không phải thái độ mặc cảm, tự ti, một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, dễ bị kích động. Đó phải là năng lực tri nhận, gạt bỏ những điều cổ hủ, lỗi thời. Đó là thái độ trân trọng, biết đón nhận, tiếp thu tất cả những giá trị cao đẹp của mọi nền văn hoá, trong đó có văn hoá Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là tinh thần, khát vọng trở thành một dân tộc lớn, tự cường.” Hãy chú ý từ Mỗi Người Việt , có nghĩa là từng cá nhân phải có trách nhiệm với dân tộc .
Dĩ nhiên phải thay đổi cách dạy và học không phải chỉ Lịch sử mà giáo dục công dân , để công dân thấy điều phải làm là thay đổi chính mình , chứ không phải bới móc sai phạm rồi quy kết xã hội . Dạo xưa thời đại chúng tôi học lịch sử , để lớp lớp thanh niên xung phong cầm súng bảo vệ quê hương , quên mình vì nghĩa vụ thiêng liêng ; còn bạn , bạn muốn quá khứ phải trôi qua nhanh để chỉ thấy một thực tại hay sao ? Tôi nghĩ bạn cũng đang lạc đường rồi . Nếu chỉ biết hiện tại mà không biết quá khứ , thì cũng giống như con người sống mà không có Kỷ niệm mà thôi . Quá khứ để người ta soi mình vào đó , rằng mình đã xứng đáng với thế hệ đi trước hay chưa ? một thế hệ Vì tiếng gọi của non sông , hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc . Thật sự triết lý của bạn đang vào góc cụt mà không biết đấy
Chuyện phải đổi mới cách dạy và học thì đã rõ , vì ai cũng biết mỗi thời học khác nhau để phù hợp , nhưng cội nguồn thì chỉ có một không thể có hai đâu
Có vẻ như hoaha117 nghĩ tác giả đang “bới móc sai phạm rồi quy kết xã hội”. Nếu đúng như vậy thì bạn lầm rồi, hãy đọc bài viết của một số tác giả khác, rồi tìm đọc những bài viết trước của tác giả Phi Tuyết (cam đoan là trên trang này có khá nhiều người đúng như bạn nghĩ nhưng trong số đó không có Phi Tuyết)
Về ý “Quá khứ để người ta soi mình vào đó , rằng mình đã xứng đáng với thế hệ đi trước hay chưa ?” có vẻ bạn sống với hiện tại nhưng luôn để quá khứ đè nặng trên lưng, trong khi tác giả là người sống ở hiện tại và hướng tới tương lai. Xin hỏi quá khứ và tương lai điều gì quan trọng hơn?
Một số ý kiến cá nhân có gì chưa đúng mong các bạn bỏ qua.
cả hai đều quan trọng bạn ạ
ko đọc hết vì dài quá, nhưng chắc là hay 😀
Chốt lại 1 câu thội ” Viet Nam History is all lies” ^^
Không riêng Việt Nam đâu bạn! tui nhớ có một câu của một triết, sử gia phương tây:”Lịch sử là một con điếm mà các chính trị gia mặc sức dày vò!”.
LS chỉ là những gì người ta cố tạo nên để lừa bịp thế hệ sau nhằm mục đích nào đó mà thôi! haixx
Chào Phi Tuyết,
Tự nhận là một người trọng tính dân tộc, luôn muốn tìm hiểu và biết về lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Đọc được bài của PT đã cho thêm mình thêm một góc nhìn đầy đủ hơn về quan niệm học lịch sử.
Cám ơn và trân trọng.
xin cám ơn ý kiến của bạn
cũng như cám ơn về lời khuyên:
“lịch sử ở VN vốn là một công cụ phục vụ cho chính trị, chắc bạn hiểu điều này, viết chung chung thì khg sao nhưng đi càng sâu vào nó là một việc nguy hiểm, bạn nên cẩn thận”
^^
“Tại sao dân Việt lại thuộc sử TQ nhiều hơn sử Việt? Câu hỏi này khiến tôi buột đưa ra một cái nhìn thực tế, đó là người ta thuộc sử TQ không phải từ giáo trình lịch sử TQ ngày nay mà từ những tác phẩm văn học, nghệ thuật, triết học, truyền thuyết dân gian… có lồng ghép sự kiện lịch sử. Trong tất cả những thứ đó đều có sức sống, có trí tuệ, có linh hồn, có chính nghĩa, có phi nghĩa,… muôn hình vạn trạng. Phía sau một sự kiện là một linh hồn sống động, và người ta nhớ đến linh hồn ấy qua thân xác là sự kiện gắn liền với nó. Tôi không nhớ Doanh Chính lên ngôi ngày nào nhưng tôi nhớ ông ta phải trải qua những khổ đau và mất mát gì để thống nhất TQ. Tôi không nhớ Hàn Tín được làm nguyên soái khi nào, giết được bao nhiêu địch nhưng tôi khâm phục và nhớ mãi sự nhẫn nhục phải luồng trôn tên mổ heo … TQ là một kẻ thù địa lý nguy hiểm nhưng phải công nhận nó có một nền văn hóa vĩ đại. Trong khi đó môn lịch sử Việt Nam có gì? Chỉ là sự kiện, sự kiện và sự kiện. Tất cả các sự kiện đó được xếp hàng để nêu cao một điều duy nhất đó là… điều mà ai cũng biết nhưng không ai dám nói. Môn lịch sử VN quá khô khan, ngây thơ, thành kiến và bảo thủ. Và cuối cùng câu hỏi được đặt ra là: tôi học để làm gì khi lợi ích thì ít mà tác hại thì nhiều?! (tác hại gì thì mọi người tự nghĩ)
Hãy cho lịch sử được tự do để nó trở thành đôi cánh đưa ta vào tương lai chứ không phải là gông xiềng kéo ta về quá khứ.”
Comment của bạn rất hay, nhất là câu “Trong khi đó môn lịch sử Việt Nam có gì? Chỉ là sự kiện, sự kiện và sự
kiện. Tất cả các sự kiện đó được xếp hàng để nêu cao một điều duy nhất
đó là… điều mà ai cũng biết nhưng không ai dám nói”. Để mình nói luôn là để nhồi sọ. Vâng, lịch sử mà chỉ để phục vụ cho mục đích “nhồi sọ” thì liệu có chân thật, sinh động, và cuốn hút để thế hệ sau say mê tìm hiểu và hứng thú học hỏi không. Và cái vấn đề cũng là cái quy tắc “ai cũng biết nhưng không dám nói”, phải chăng là quyền tự do ngôn luận quá gò bó, buồn thiệt chứ!
Xem phim Tàu nhiều thì thuộc thôi, phim lịch sử VN có được bộ nào ra hồn đâu?
mình đang đi học. một điều “bình thường ” là mình không thích học lịch sử. nhưng mình thích ý nghĩa của lịch sử, khi mình hiểu rõ và koi trọng lịch sử tức là mình đang đứng trên vai người khổng lồ , một dân tộc không coi trọng quá khứ là một dân tộc không có tương lai. dĩ nhiên, mấy năm đi học không ai nói cho điều đó. như bạn nói, học lịch sử chỉ toàn là những sự kiên. Mà lịch sử thi dâu chỉ có những sự kiên, mà đằng sau nó còn là những câu chuyện…
rất tiếc, những gì mình được học phần lớn là vô dụng. Mình thấy quá ấm ức vì nền giáo dục này, nó phi nghĩa và mâu thuẫn ngay cả vs giá trị chân chính của nó.một nền giáo dục bế tắc, tước đoạt đi rất nhiều thứ…
“Làm sao để dân ta thuộc sử ta? Có rất nhiều người nông cạn khi nghĩ rằng lịch sử chỉ là nơi tập hợp những chuỗi sự kiện quá khứ mà thôi. Một chuỗi những con số, những ký hiệu nếu chỉ để được đặt cạnh nhau thôi thì nó vô nghĩa, nhưng nếu cái chuỗi đó gắn kết nhau lại để tạo ra một công thức toán học thì nó trở nên giá trị vô cùng. Lịch sử cũng vậy, giá trị nằm ở nội dung ẩn sâu trong từng sự kiện. Nội dung ấy là tính cách, là văn hóa, là đời sống của một dân tộc, nội dung ấy muôn hình vạn trạng và có sức sống. Vậy khi dạy/học sử sẽ tốt hay xấu phụ thuộc vào người ta xem trọng cái nào, là cái sự kiện chết cứng hay cái nội dung tràn đầy sức sống ẩn ở bên trong. Người ta chỉ muốn học và phải học khi điều gì đó là cần thiết cho sự sống của chính bản thân mình. Học những chuỗi ký tự vô nghĩa, vô hồn để làm gì khi nó chẳng giúp ích được gì cho ta? Sẽ có người cố gắn thổi một cái hồn nào đấy vào đó nhưng họ đã sai khi nghĩ rằng họ có trí tuệ trên cả quy luật của sự sống, sớm hay muộn người ta cũng nhận ra đó là sự giả tạo. Lịch sử chỉ thật sự sống khi người ta cho nó tự do, khi có tự do thì lịch sử là người bạn, người thầy, người kể chuyện, người mẹ và là thiên thần hộ mệnh cho từng con dân của dân tộc. Khi ấy sợ gì chuyện dân ta không thuộc sử ta.”
có bạn email cho mình những điều này
cũng đáng đọc ạ:
“Lịch sử là gì? ta học lịch sử để làm gì?
Lịch sử là quá trình phát triển của một dân tộc, gắn liền với các giá trị văn hóa, xã hội và sự trưởng thành của dân tộc đó. Lịch sử ghi lại quá trình phát triển, những huy hoàng của một thời đại đi đúng đường và những lần vấp ngã tang thương khi chọn sai đường. Lịch sử là những bài học kinh nghiệm cho người đi sau không té ngã vào nơi mà người đi trước đã bị. Lịch sử là vô vàn những bài học kinh nghiệm quý giá, dựa vào quá trình phân tích nó, ta có thể tìm ra được chân lý và quy luật phát triển cho dân tộc mình. Một dân tộc không có lịch sử là một dân tộc mất gốc, phải bắt đầu đi lại những bước đầu tiên và có thể té ngã những cú ngã đầu tiên. Chính vì vậy phải trung thực với lịch sử, nếu lịch sử bị thay đổi thì nó chẳng còn giá trị gì nữa, nó sẽ làm người đi sau phán đoán sai sự thật và trở thành một cái bẫy chết người cho dân tộc trong tương lai, mãi mãi đi sai mà chẳng biết tại sao. Khi lịch sử viết sai sự thật thì chúng chỉ có thể vứt đi mà thôi.
Lịch sử mỗi thời đại thường do tần lớp thống trị của thời đại đó viết
Nguyên tắc khi viết sử là phải trung thực, nhưng vì bảo vệ và ca ngợi triều đại mà tần lớp thống trị dùng mọi cách để bẻ cong hay viết sai sự thật nên nó chỉ có tính tương đối. Vì vậy khi nghiêng cứu lịch sử ta phải tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau và dùng phép biện chứng trên tinh thần trung lập để tìm ra sự thật. Sự bóp méo lịch sử thường phụ thuộc vào tầm nhìn xa hay gần của từng tần lớp thống trị trong từng thời đại. Tầm nhìn càng hạn hẹp thì viết sai sự thật càng nhiều và ngược lại. Nhưng khi thời đại đó đi qua, thời đại mới phát triển thì nhiều sự thật bị phơi bày, đúng và sai, huy hoàng hay đen tối sẽ được kiểm duyệt lại một lần đến tận gốc rễ và cứ thế tuần hoàn”