26 C
Nha Trang
Thứ ba, 10 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Phản hồi bài viết “Béo phì trí thức?”

Featured image: Scholars’ Tower by juliedillon

 

 

Đọc bài “Béo phì trí thức?” của tác giả Mr Lias tôi thấy có một số điểm không được hợp lý, một số đoạn, ý lộn xộn và không rõ. Thấy việc đưa ra ý kiến của mình cũng là điều nên làm với vai trò của một người đọc, nên mạn phép gửi bài này cho Triết Học Đường Phố mong sẽ đến được với tác giả và những người đọc khác.

Thứ nhất, ngay từ câu vào đề của bài viết cũng đã không rỏ ý so với nguyên bản. Edmund viết “Reading without reflecting is like eating without digesting”, reflecting mà dịch là áp dụng thì tôi không đồng ý. Đây không chỉ đơn thuần là bắt bẻ câu chữ, mà việc dịch như vậy làm khác hẳn đi nghĩa của từ reflecting. Edmund trong câu này muốn nói, nếu người đọc sách mà không suy nghĩ, không đối chiếu và có tinh thần phản phản biện thì cũng như không. Mạnh Tử cũng có một câu với ý tương tự “Đọc sách mà tin hết vào sách thì thà không đọc còn hơn” cũng nhằm ý nói với người đọc sách phải có những tinh thần như trên.

Từ chuyện suy nghĩ, đối chiếu và phản biến những gì thu nhận được đi đến chỗ áp dụng nó là một đoạn đường dài. Thứ hai, những người đọc nhiều sách, tin tức (?) thì có phải là trí thức? Mức độ tiếp nhận như thế nào thì là béo phì? Theo quan điểm của tôi, những người đọc sách, thu nhận thông tin có các mức độ khác nhau, tăng dần như sau:

Mức 1: Tiếp nhận được thông tin và kiến thức.
Mức 2: Có những suy nghĩ, đối chiếu và nhận xét về những gì tiếp nhận được.
Mức 3: Áp dụng kiến thức mình đã thu nhận được, phục vụ cho công việc hoặc đời sống của mình.

Không phải là tri thức khi biết nhiều thông tin, hoặc đọc nhiều sách. Tri thức theo ý nghĩa đơn giản nhất của nó thì người đó phải có kiến thức uyên thâm và có đóng góp thực tế về một hay nhiều lĩnh nào đó. Các vấn đề về “trí thức” mà bạn nói trong bài theo tôi là những người chỉ dừng lại ở mức 1 mà thôi. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì không thể dùng từ trí thức để chỉ họ được. Nên tôi sẽ chỉ dùng “những người tiếp cận nhiều thông tin”.

Còn béo phì thì phải thụ thuộc vào khả năng và mong muốn tiếp nhận thông tin tới đâu, cái này thì mỗi người mỗi khác, béo phì chỉ khi thông tin bạn tiếp nhận đi quá mức bạn cần thiết, nhưng khi họ chủ động tiếp cận thông tin thì có nghĩa là họ cần, mà thứ họ còn cần thì không thể nói là thừa để kết luận họ đang béo phì được. Nên chăng chỉ nên dùng béo phì với những người hằng ngày tiếp cận thụ động thông tin mà thôi (thấy tin gì cũng đọc, thấy sách gì cũng ham, đọc không có suy xét chỉ dừng ở mức 1.)

Tiếp theo, về phần nhận xét về những hành động được cho là “nguy hiểm” của những người tiếp cận nhiều thông tin. Đoạn này dùng quá nhiều lập luận mang tính cá nhân và chủ quan. Tác giả nói “Cũng dễ hiểu thôi, chúng ta biết nhiều, chúng ta ngộ ra nhiều điều khi đó chúng ta sẽ tỏ ra xem thường những người tầm thường khác. Chúng ta sẽ đặt vị trí của chúng ta là những người đứng trên người, và vai trò của những người đứng trên người là thúc đẩy tạo nên những cộng đồng tốt. Nhưng không chúng ta xem thường họ, chúng ta phê phán họ, chúng ta mặc định cho rằng chúng ta cái gì cũng biết, cái gì cũng đúng thì những tên lưu manh trí thức này còn nguy hiểm hơn cả những tên lưu manh bình thường khác.” Vậy ai là “chúng ta” với tác giả? Tác giả cho rằng có một nhóm người biết nhiều, tức sẽ ngộ ra (lên mức 2) và “sẽ” tỏ ra xem thường người khác… Vấn đề trong lập luận này là một khẳng định mang cảm tính cao và không có thiếu căn cứ.

Chưa kể cảm giác bị xem thường có thể chỉ là một cảm giác chủ quan của người trong 2 bên giao tiếp. Ví dụ như một trí thức đúng nghĩa bàn luận vấn đề với những người khác đi. Khi những người này trong tình trạng thiếu kiến thức, người trí thức kia nói hãy về xem thêm sách, trao dồi thêm kiến thức rồi hãy nói chuyện tiếp thì người đối phương lại bị cảm giác bị kinh thường. Cái đó là do người ta khinh hay mình có cảm giác bị khinh đây?

“Lưu manh trí thức nói cái gì cũng biết, hỏi cái gì cũng am tường về phương diện lý thuyết. Chúng ta sở hữu một lượng lớn các kiến thức từ kinh tế, văn hóa, khoa học, vũ trụ, kỹ thuật, kinh doanh hay y học sức khỏe,… nhưng chỉ dừng lại ở chỗ nắm rõ lý thuyết còn vận dụng những kiến thức này vào thực tế thì không mấy người làm được.” Tôi nghĩ tác giả có thành kiến với những người “am tường về phương diện lý thuyết”, hoặc giả không có ý đó nhưng lại dùng câu chữ không chính xác. Sở hữu kiến thức là một nhu cầu thiết thực, đến độ am tường thì có thể họ đã vượt qua mức 2 ở trên rồi. Còn “nhưng chỉ dừng lại ở chỗ nắm rõ lý thuyết còn vận dụng những kiến thức này vào thực tế thì không mấy người làm được” thì có ý như xem những kiến thức tìm tòi được chỉ vì tò mò là vô ích và những người làm lý thuyết chỉ rẹc một lũ hủ nho chăng? Nếu tác giả có ý đó thì có thể xem lại lịch sử chính trị, triết học phương tây, coi những người thuần lý thuyết đó đã mang lại những gì cho loài người? Polato, Socrate ở thời La Mã cổ đại bàn về cái công bình, chính trực giữa những con người với nhau, bàn cách tổ chức xã hội phải chăng không đáng một xu, John Mill với “Bàn về tự do” đánh động tâm tưởng của những người làm chính trị hóa ra không có nghĩa gì, Rousseau với “Khế ước xã hội”, lý thuyết rẹc về tổ chức xã hội xem ra là phần bỏ đi? Họ, chỉ bàn luận và làm việc trên lý thuyết, có “vận dụng” đâu, những người đời sau mới “vận dụng” thì rằng có gì không đúng?

Nói thêm một xíu về ví dụ thương mại học của tác giả. Với nhìn nhận của tôi thì làm thương mại, kinh doanh không phải chỉ là am tường lý thuyết là có thể làm được. Lý thuyết là một chuyện, nhưng khi kinh doanh thực tế lại là chuyện khác, nó không chỉ phụ thuộc và cái lý thuyết mà họ am tường, mà còn phụ thuộc vào những yếu tố không thể kiểm soát được và tùy thuộc vào mỗi người như quan hệ, vốn, sự may rủi… Ví như Daron Acemoglu và James A. Robinson, tác giả cuốn “Vì sao những quốc gia thất bại” cũng là những lý thuyết gia về kinh tế. Không thể nghi ngờ gì về góc độ “lý thuyết” của họ trong thương mại rồi, nhưng họ có kinh doanh không, có thành công không? Không, nhưng như vậy đâu có đồng nghĩa với những kiến thức của họ là vô nghĩa, là “nguy hiểm” như lời tác giả.

Tôi xin đưa ra một ví dụ lý thuyết được áp dụng, vâng, lý thuyết được áp dụng triệt để:

“Chắc chắn là chúng tôi không đồng ý về vấn đề cơ bản sau đây: Liệu chúng ta có nên để cho các chính sách tương lai của chúng ta phải tùy thuộc theo nguyên tắc dân chủ này hay nguyên tắc dân chủ kia, hay là những nguyên tắc mà chúng ta thừa nhận chúng như những giá trị tuyệt đối; hoặc là chúng ta phải để cho tất cả các nguyên tắc dân chủ phải tùy thuộc theo riêng cho các mục tiêu của đảng chúng ta? Tôi hoàn toàn ủng hộ cho điều sau. Tuyệt đối  không có các nguyên tắc dân chủ nào khiến chúng ta phải không tùy thuộc theo các mục tiêu của đảng của chúng ta?” (Tiếng la ó “Thế còn tính thiêng liêng của còn người?”) “Vâng, cả cái đó nữa! Như một đảng cách mạng phấn đấu cho mục đích cuối cùng của nó – cuộc cách mạng xã hội – chúng ta phải đi theo chỉ riêng những xem xét là điều gì sẽ giúp chúng ta đạt được mục đích ấy nhanh nhất. Chúng ta phải nhìn vào các nguyên tắc dân chủ chỉ đơn thuần từ quan điểm vè các mục tiêu của đảng của chúng ta; nếu điều khẳng định này hay khẳng định kia không thích hợp với chúng ta, chúng ta sẽ không cho phép điều đó.” Posadovsky – Trích chú thích 112/tr201 sách Bốn tiểu luận về tự do – Isaiah Berlin

Ý kiến của Posadovsky – cùng nhóm với Lenin, những người theo và thi hành triệt để chủ nghĩa xã hội ở Nga đầu thế kỉ 20. Một ví dụ cho việc áp dụng lý thuyết ngoài đời thực một cách mỹ mãn. Và các áp dụng này dẫn đến hậu quả vô cùng to lớn, và nó chống lại cả những tư duy phản tỉnh, suy xét mà Edmund đề cập ở trên. Theo tôi đọc nhiều, tìm hiểu nhiều và có kiến thức về một lĩnh vực nào rồi bắt buộc phải áp dụng nó, nhiều lúc tìm hiểu chỉ để có những phản biện cho nó mà thôi, đó cũng được xem là áp dụng vậy.

Đoạn từ “Khi chúng ta tiếp cận quá nhiều thông tin như vậy và chúng rất hay bị vướn các lỗi lý luận đại loại như thế này… nó thể hiện được một lỗi lý luận trong câu chuyện này.” Tôi không thấy tác giả đề cập đến lỗi lý luận gì, mà đơn thuần chỉ là chỉ những người tiếp cận thông tin một cách hời hợt và thiếu suy xét.

Và cuối cùng là kết luận của tác giả. Như những ý kiến của tôi ở trên, những người “có một bụng kiến thức rồi lại dùng nó để thách thức những người xung quanh, tỏ ra ta đây hơn người, tỏ vẻ chúng ta là thuộc tầng lớp trí thức” không phải là những người trí thức. Việc ai xem thường ai hoặc ai cảm thấy bị xem thường là điều cần xem xét kĩ chứ đừng để cái cảm giác chủ quan của mình mà nghĩ oan cho người khác.

Điều tôi muốn nhắn nhủ qua các ý kiến trên là gì:

  • Những người biết chút thông tin hơn người khác không phải là trí thức.
  • Nhu cầu tìm hiểu và nắm bắt tri thức của con người là vô hạn, chỉ những người tham lam tiếp nhận thông tin mà không hề suy xét mới đáng gọi là béo phì mà thôi. (Gọi là bội thực thông tin thì đúng hơn)
  • Việc ai khinh thường hoặc cảm nhận bị khinh thường không thể đánh đồng một cách chủ quan được.
  • Và những trí thức, chuyên gia lý thuyết là những người đáng trân trọng, không phải chỉ những người “vận dụng” mà thôi.

Ý kiến của tôi xem ra cũng dài và hơi lê thê. Nhưng với mục đích cuối cùng là có thể đưa ra suy nghĩ của mình với tác giả, xét cho cùng cũng là cầu cho sự phân tích đa chiều hơn, rỏ ràng hơn mà thôi.

 

Tien Phan

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

14 BÌNH LUẬN

  1. Thực ra, bao nhiêu sách vở cũng chẳng thể coi là tri thức được. Nó chỉ là kiến thức, có thể đúng có thể sai, được người ta chia sẻ từ nơi này sang nơi khác, từ năm này qua năm khác thôi. Có vận dụng được hay không, ít ra nó cũng nằm trong đầu, và ta biết là nó đúng. Như thế là hơn người không biết rồi.

    Tri thức thực sự rất đơn giản, mà hiếm người nắm bắt được. Đó là ta đọc nhiều, ta sẽ càng thấy mình biết ít, từ đó càng phải khiêm tốn mà học hỏi thêm. Vậy thôi

  2. Trước hết mình các ơn bài phản biện của bạn vì nhiều điều. Bạn đã thẳng thắng chia sẻ quan điểm và gớp ý về các vấn đề nằm trong bài viết của mình. Đấy là điều mình rất thích vì nó sẽ giúp mình có thêm góc nhìn mới, sâu hơn và rõ hơn ở vấn đề này. Giúp mình tiến bộ hơn.

    Ở đây mình cũng sẽ không phản biện lại các vấn đề mà bạn đã phân tích. Mình chỉ muốn nói vài điều để bạn có thể hiểu dụng ý của mình ở bài này thôi:

    – Thứ nhất, Triết Học Đường Phố là nơi mình có thể tự do thể hiện suy nghĩ của mình, góc nhìn của cá nhân về một vài phương diện của cuộc sống, dùng ngôn từ để diễn đạt ý nghĩ đó. Các ngôn từ và cách tiếp cận “đơn giản” nhất đấy là hướng tiếp cận của mình.

    – Thứ hai, nhìn ở góc độ tổng thể mình muốn nhắn đến mọi người rằng đừng quá tham lam để tiếp nhận kiến thức quá nhiều, nếu trong một năm nếu mình đọc quá nhiều sách, tham gia các khóa học, đào tạo,…mà không có áp dụng gì, không giúp được ai. Mà chỉ xem các kiến thức đó là đúng hoàn toàn. Và dùng điều đúng từ sách, từ chương trình khóa học, đào tạo làm điều đúng của bản thân mình. Thì với mình điều này thật nguy hiểm cho bản thân người nhận và cho người xung quanh. Đây là điều mà rất nhiều người gặp phải, mình muốn cho họ biết được điều mà họ rất có thể không biết.

    – Thứ ba, các bạn có nhận thấy một bộ phận không nhỏ họ nói chuyện phím, chém gió với bạn bè thì rất giỏi. Vì toàn cầu hóa mà họ có thể nhận được kiến thức từ nhiều kênh khác nhau. Đấy là điều tốt, nhưng cái lỗi ở đây chính là lỗi về cách tiếp nhận, phần lớn họ là những người “lướt sóng với kiến thức” và tự nghĩ mình hay, mình giỏi và nghĩ mình biết tất cả. Nhưng cái họ là được chỉ là chém gió mà thôi. Không chịu tìm hiểu thật sâu, thật rõ để hiểu được ngõ ngách của kiến thức.

    Một bài viết, với những cái nhìn về một vấn đề chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu xót. Mình viết bài à quan điểm, cái nhìn của mình điều này là chắc chắn rồi. Qua phản biện rất sâu sắc, rõ ràng của bạn giúp mình rõ hơn vấn đề. Đây là điều mình cần phải kiên trì rèn luyện, tích lũy vốn sống thì mới có thể phân tích sâu sắc như tác giả.

    Cảm ơn bạn rất nhiều nhé. 🙂

  3. Lâu lâu đọc thấy bài này hay nè. THĐP bây giờ bắt đầu theo trào lưu fastfood rồi, rất nhiều bài đọc cứ lờ nhờ, chẳng đâu vào đâu, như kiểu ném đại một bản nháp lên coi được bao nhiêu like vậy. Hiếm có người nào đổ tâm huyết ra lập luận như bạn này. Hôm trước đọc bài béo phì thấy cũng hơi tủi thân vì mình chỉ có mục đích dạy thằng bé giờ mới 3 tuổi thôi mà có ý định tìm hiểu cả triết học, văn học, thiên văn học, thế mà tự nhiên cảm giác thành lưu manh, vì đúng là tri thức hiện tại có làm ra đồng nào đâu.

  4. nhờ bài phản hồi này mà mình mới đọc đc bài kia
    đồng ý vs a ở rất nhiều quan điểm ạ
    – thông tin k có nghĩa là kiến thứ
    – và nhiều thông tin k thể biến 1 người thành trí thức được
    – người trí thức là người biết nhưng đặc biệt, k chỉ biết, mà hiểu được vấn đề, hiểu những thứ cốt lõi, nếu như thế, có thể coi như họ đã tiêu hóa đc, thì k thể bị béo phì rồi
    – phần lớn mọi người thật ra đang “béo phì” tin tức thôi. Nghĩa là chỉ ngồi 1 chỗ, cố nuốt mọi thứ được đưa đến hay bày ra trước mắt, ngấu nghiến chúng và tin sái cổ mọi điều truyền thông đưa ra
    – k nói đến trí thức hay k, đơn giản là 1 người hiểu biết sẽ rất k muốn nc vs những người k hiểu biết, đơn giản mà đúng k. vì đa phần là tốn time mà chả thay đổi đc gì cả. Tốt nhất họ chỉ nên đưa ra chủ đề/quan điểm. Ai muốn tìm hiểu thì tự tìm hiểu thêm, mình k hiểu người ta nói gì, nên trách bản thân k chịu học hỏi, thay vì trách họ chảnh chọe.
    Ví dụ đơn giản như khi người hiểu biết nói về chủ đề bitcoin, người bình thường chỉ nghe nói tới chứ k hiểu, họ sẽ hỏi bitcoin là gì rồi nó đc tạo ra thế nào, rồi tại sao nó ưu việt, rồi ưu việt thì tại sao bị cấm bla bla ai mà có time giải thích cho mọi người mọi câu hỏi như thế
    nên theo thiển ý của mình, mọi người cứ nên trau dồi kiến thức nhiều vào, thay vì thông tin/tin rác hàng ngày và “kiến thức thì k có trọng lượng, nên hãy mang càng nhiều càng tốt”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,910Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI