31 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thương con

Featured Image: navelless

 

Thế là con đã vào lớp hai được một tháng. Năm học mới đồng nghĩa với những ước mơ, hy vọng, những háo hức, đợi chờ về thành tích học tập mới của con nhưng năm học mới cũng khiến mẹ lo lắng hơn, thương con nhiều hơn.

Thương vì nỗi trường lớp chật chội, các con đều lớn lên mà bàn ghế chẳng “nở” ra. Năm, sáu mươi học sinh trong một căn phòng mấy chục mét vuông, bàn ghế thiết kế cho hai người ngồi mà toàn phải nhồi nhét thêm một bạn ở giữa. Cặp sách chẳng có chỗ mà treo, đồ dùng chẳng có chỗ mà cất, nếu không để sau lưng thì phải vứt luôn xuống đất. Sân trường cũng bé tí tẹo, hơn một nghìn học sinh trong khuôn viên mấy trăm mét vuông.

Thử hình dung giờ ra chơi tất cả cùng ùa ra sân một lúc thì sẽ thế nào, với tốc độ chạy nhảy chóng mặt của trẻ con không cẩn thận là “chết như chơi”. Hồi năm ngoái đấy thôi, nghe lời mẹ “động viên”, con vừa “mon men” xuống sân đùa nghịch cùng các bạn đã bị ngã chảy máu đầu, làm cả nhà được một phen khiếp vía… Chẳng hiểu sao chung cư, siêu thị mọc lên như nấm mà trường học mãi không xây thêm được cái nào. Buồn quá, vô lý quá!

Thương con vì thêm một lớp là phải gánh thêm một ít sách vở, nhìn cái cặp sách to quá khổ của con kìa. Năm ngoái cái cặp bé hơn đã chẳng đeo vừa, năm nay lại còn to hơn thì đeo sao nổi. Kiến thức học có bao nhiêu đâu mà sao lại đẻ ra lắm sách vở đến thế, người ta có biết một đứa trẻ như nặng 17 cân như con mà phải cõng cái cặp sách nặng đến 7 cân không. Mỗi lần soạn sách vở hộ con hoặc thử nhấc cái cặp sách lên giúp con là mẹ lại xuýt xoa kêu trời. Các con bé bỏng, chiều cao còn hạn chế vậy mà phải xách cái cặp ấy hàng ngày thì lớn làm sao nổi, không gù lưng đi là tốt rồi. Thảo nào, bây giờ chẳng có bậc cha mẹ nào dám để con tự đi bộ đến trường như ngày xưa.

Nếu không có những lo lắng về các tệ nạn luôn rình rập con ngoài xã hội thì cha mẹ cũng chẳng nỡ lòng để con vác cái cặp như muốn đổ sập xuống người ấy. Mẹ không nhớ rõ cái thời đi học của mẹ cách đây ba chục năm, có tất cả bao nhiêu sách vở, mẹ chỉ biết rằng chưa bao giờ có ấn tượng là nó nặng, dù mẹ cũng chẳng to khỏe gì. Hàng ngày tung tăng nhảy múa với cái cặp sách từ nhà đến trường trên đoạn đường vài ba cây số, bất luận mưa nắng thế nào cũng thấy rất bình thường. Chắc hẳn nó phải nhẹ, rất nhẹ. Thế mà cái thời của mẹ có dốt nát gì đâu, bạn mẹ bây giờ khối người là kỹ sư, tiến sĩ , du học nước trong nước ngoài. Bản thân mẹ xếp vào hạng bét mà cũng nằm trong lứa “thế hệ vàng của ngành sư phạm Việt Nam” đấy.

Mẹ chả hiểu nổi người ta vẫn nói đến phương pháp tích hợp trong dạy học, rồi xu hướng chung của thế giới là liên kết các phân môn lại với nhau thành một mối quan hệ gắn bó, thế sao sách vở của con lại cứ đẻ ra hết quyển này đến quyển khác thế? Gộp tất cả chúng lại thành một hai môn thôi không được à? Đỡ tốn tiền in sách, đỡ mất công dạy đi dạy lại. Ví như khi dạy tiếng Việt về chủ đề gia đình thì lồng luôn vào đó những bài học đạo đức, truyện kể, âm nhạc cùng chủ đề; vở tập viết với vở chính tả cho vào một “rọ” có được không. Vì mẹ không rành cái này lắm nên chỉ dám trộm nghĩ thế thôi, lỡ mà nói sai mọi người lại cười chết.

Nhưng cái “vụ” này thì mẹ tin chắc mình không nói sai này, ấy là mấy quyển vở ghi bài của con, đã có sách giáo khoa phục vụ cho buổi học chính, sách bài tập phục vụ cho buổi học phụ rồi cô lại còn yêu cầu thêm 1 quyển vở toán cho buổi sáng, 1 quyển toán cho buổi chiều, 1 quyển vở tiếng Việt cho buổi sáng, 1 quyển tiếng Việt nữa cho buổi chiều, rồi lại vở bài tập về nhà. Trời ơi cứ gói tất cả lại làm một, có rơi vãi đi ít chữ nào không, dùng hết quyển này thì chuyển sang quyển khác như thế có phải gọn nhẹ biết bao. Mẹ thấy con nhớ hết được “mặt mũi” các quyển vở cũng tài.

Không thương sao được vì biết chẳng mấy con lại cận thị đến nơi. Cái dáng ngồi xiêu vẹo, cái đầu nghiêng nghiêng, cái mặt cúi gằm xuống trang vở, nắn nót theo từng con chữ. Ôi chao, lúc chưa đi học thì ngồi thẳng lưng thế, ngẩng đầu cao thế mà lúc đi học lại như thấp hẳn xuống. Mẹ mắng con thì con lý sự là ở lớp con bạn nào cũng thế, có bạn còn nằm bò ra bàn viết, bạn thì tì cằm lên tay để viết cho đỡ mỏi. À hóa ra chỉ cần chăm chăm viết chữ sao cho đẹp là được, còn ngồi thế nào không quan trọng. Hèn gì học sinh bây giờ cận lắm thế! Đứa nào không cận mới là lạ.

Chẳng bù cho cái thời của mẹ, phải cố gắng lắm mới tìm ra một bạn “bốn mắt”. Thời nay, trẻ con có ham học, ham đọc sách gì cho cam, cận thị “trăm sự” chỉ tại cái tội ngồi học không đúng tư thế, mà lại học những hai buổi một ngày, ngày nào cũng như vậy, chẳng mấy chốc thành quen. Về nhà, bố mẹ có chỉnh sửa cũng chẳng ăn thua gì. Hỏi rằng ở lớp cô giáo không uốn nắn à, chắc là có nhưng học sinh đông như thế, cô sức đâu mà uốn nắn mãi được, thôi kệ, đứa nào nghe thì tốt cho đứa ấy, không thì thôi, hậu quả đâu nó chịu, bố mẹ nó chịu và xã hội chịu. Lớp lớp các em thơ… cận thị cứ thế nối tiếp nhau ra đời.

Không biết thế giới họ sao chứ, ở Việt Nam tỷ lệ cận thị là… nhiều đến mức bố mẹ cũng tặc lưỡi cho qua: “Ôi dào, chuyện thường ở huyện, con người ta thế, con mình cũng vậy, có gì khác nhau đâu mà lo.” Thế nên mẹ xác định trước tư tưởng rồi, chẳng chóng thì chầy con cũng sẽ bị cận thôi, chỉ có điều kéo dài thêm ngày nào thì hay ngày ấy, kính mỏng đỡ chừng nào thì tốt chừng ấy.

Thương con còn bởi một nỗi sáng học, chiều học, tối lại học. Mở mắt ra, ăn vội ăn vàng để còn đi học, buổi trưa  ăn nhanh chóng, ngủ khẩn trương để còn kịp giờ vào lớp, buổi chiều đi học về, vừa ăn vừa tranh thủ xem phim hoạt hình để tối còn học sớm mà đi ngủ sớm, sáng mai dậy lại tiếp tục cái guồng quay như người lớn ấy. Chẳng có tí thời gian nào hở ra cho con chơi cả. Ấy là con còn “may mắn” có bà mẹ “hơi tiến bộ” một chút vì không bắt đi học thêm học nếm gì cả. Thứ bẩy, chủ nhật được xả hơi đến tối mới phải ngồi vào bàn.

Thương con vì bé tí đã biết thế nào là áp lực điểm số. Mỗi chiều đi học về, cả nhà xúm xít hỏi hôm nay con được mấy điểm. Nếu điểm cao thì cả nhà vui vẻ, mãn nguyện, điểm thấp thì ai nấy đều buồn so, có khi mẹ cũng bị mắng lây vì không biết dạy con. Đôi khi nhìn con vừa về đến cổng đã khoanh tay, xin lỗi mẹ vì hôm nay con chỉ được điểm 8, thương quá chừng. Nào mẹ có nói gì đâu, chỉ là tự con đã cảm thấy cái trách nhiệm lớn lao của mình là phải học thật giỏi để không phụ lòng trông đợi của mẹ. Con học thế nào, tự mẹ biết hơn ai hết, nhưng phần lớn mọi người đều phải nhìn vào điểm số để đánh giá sức học của con. Và mẹ nhiều lúc cũng không thoát khỏi cái “định kiến” lạc hậu ấy.

Bộ giáo dục dẫu có thay đổi cách chấm điểm bằng hình thức dán vào vở hình mặt cười, mặt mếu, hoa xanh, hoa đỏ hoặc xếp loại A,B,C gì thì cũng như nhau cả thôi, bình mới nhưng rượu vẫn là cũ. Có bậc cha mẹ nào nhìn cái “mặt mếu” mà không mắng con, không ngầm hiểu là “thằng này học ngu hơn các bạn”. Chỉ khi nào tiêu chí học tập của xã hội thay đổi thì mới mong không còn nỗi lo điểm số.

Chừng đấy lý do khiến năm học mới mà lòng mẹ chẳng bước sang trang mới. Thương con mà đâu giúp gì được con vì toàn những việc nằm ngoài tầm với của mẹ.

 

Phương Liên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Bạn Phạm Thanh thân mến, bạn làm gì mà bức xúc tôi ghê thế. Đọc phản hồi của bạn tôi chỉ thấy buồn cười mà không tức giận và cũng không tiếp thu được tí ti gì. Đó là vì những lý do sau:
    Thứ nhất, tôi không có quyền chọn trường cho con, hộ khẩu ở đâu thì học ở đó. Nếu học trường khác là trái tuyến, phải xin xỏ, mất tiền và dựa vào mối quen biết…, tôi không tiếp tay thêm cho tiêu cực. Và xin thưa ,chẳng trường nào ở gần nơi tôi sống mà không quá tải, không có sĩ số ngót nghét năm,sáu chục. Con bạn học ở đâu tôi không biết.
    Thứ hai, giờ ra chơi thì nên ra sân chơi để thay đổi không khí sau một thời gian dài đã ngồi lỳ trong lớp, đấy là điều nên làm.Vì trường chật thì phải mới phải chịu thôi.
    Thứ ba, việc chấn chỉnh tư thế ngồi cho con, tất nhiên là tôi vẫn làm chứ không phải đành chịu như bạn nghĩ, tôi nói ở đây là nói tình trạnh chung, bạn không hiểu à.
    Thứ tư, tôi không tự hào là “thế hệ vàng…” mà chỉ là một cách nói để nhấn mạnh rằng không cần thiết phải mang nặng sách vở mới học giỏi.
    Bạn còn viết về nhiều điều khác, tôi xin tạm chưa phản hồi lại vì hết thời gian. Mong bạn thông cảm

  2. Thực sự thì sự lo lắng của các bậc phụ huynh là hoàn toàn có căn cứ.
    Nhưng thay vì than vãn vì bất lực, sao không trang bị cho con em mình những kỹ năng để vượt qua khó khăn?

    Chọn cho con em mình 1 trường học mà không tìm hiểu xem chất lượng thế nào sao, hay là chọn được trường là tốt rồi? Nếu chọn trường chỉ để cho có thì đừng nên than vãn. Còn nếu thực sự đã lo cho việc học hành của con, thì chẳng ai đi chọn cái trường mà 1 lớp 5 6 chục đứa cả. 3 chục đứa còn chưa chắc học đã tốt, gấp đôi thế mà lại mong con học đc cái gì hay ho sao?

    Vẫn biết rằng trẻ con là phải vui đùa, phải chạy nhảy, nhưng sao không dạy con cách tìm lấy những nguồn vui riêng? Nếu sân đã chật thì chạy nhảy liệu có còn vui? Khi tất cả trẻ em đều ùa ra sân, thì chính không gian trong lớp lại là nơi rộng thoáng. Sao không chơi ở đấy nhỉ?

    Rõ ràng bây giờ các trường ở thành thị đều bắt con em học hành quá nhiều sách vở, nhưng nếu nhìn nhận theo cách khác, đó chính là cách để con em rèn luyện tính chịu đựng, cực khổ. Xót thì có xót, nhưng sao không để trẻ con quen dần với khó nhọc đi? Đừng nghĩ đến việc cho con 1 tuổi thơ nhẹ nhàng trong sáng nữa. Đã sống ở thành thị, không có thú vui chạy nhảy ngoài thiên nhiên như ở vùng quê thì có nhẹ cái cặp đi cũng không làm cho nó vui hơn đâu. Áp lực học hành còn hơn thế nhiều. Nếu không thích nghi được thì sẽ bị đào thải. Điều đó cực kỳ quan trọng ở đời. Hãy dạy con điều đó.

    Cũng đừng kêu ca gì về cách mà người ta dạy học nữa. Nếu có kêu thì tiện thể kêu hộ đi: Dạy đạo đức, kỹ năng sống, dạy luật pháp, cách ứng xử, thuật hùng biện, cách làm người cho con em thật nhiều vào. Cứ kêu gào việc bắt con em học quá nhiều sach vở, mà suy cho cùng, ít sách hay nhiều sách, quan trọng là thu được cái gì? Tự hào là 1 người trong thế hệ vàng ngành sư phạm VN mà không thay đổi được cái móng tay gì thì có đáng tự hào không?

    Thêm nữa, cứ than vãn về cách con ngồi sai thì thật vô lí. Nếu con bảo “Các bạn ở lớp ai cũng thế” mà mẹ đồng ý theo, nghĩa là mẹ đang dung túng cho con lây nhiễm cái tâm lý đám đông rồi. Cái này rất nguy hiểm. Trẻ con mà cứ bị kiểu hùa theo như vậy, lớn lên làm gì có chính kiến cá nhân, làm sao có lập trường riêng, làm sao có cái tôi? Xin thưa, nếu đã không có những cái đó, thì việc vẹo lưng hay mắt cận cũng chỉ là hình thức thôi, đầu óc cũng trống rỗng cả. Hãy dạy con, bằng cả tình thương lẫn hình phạt rằng, Điều mà mọi người làm chưa chắc đã là điều đúng. Điều con cần làm là điều đúng, và có thể con sẽ khác biệt với mọi người, nhưng hãy cứ làm điều đúng. Dạy dần rồi con sẽ quen, chứ ngồi than vãn thế, có khi con đã vẹo lưng với cận nặng lắm rồi, k sửa dược nữa đâu.

    Mà lại còn nói 1 câu khó nghe nữa. Bố mẹ chỉnh sửa cũng chẳng ích gì? Xin lỗi, bài viết có không dưới 2 lần tác giả tự hào mình là người tiến bộ, mà sao suy nghĩ nông cạn vậy? Đến việc chỉnh sửa tư thế cho con cũng chịu thua, sau này nó có sa đà vào mấy tệ nạn thì xử lý sao? Cận thị có thể đi mổ Lasik tốn vài chục triệu là ok, nhưng tính cách thì bán cả vài căn nhà đi cũng không sửa được đâu. Cái nhỏ không sửa thì lớn len càng khó sửa thôi.

    Thiển ý của tôi, là nếu đã không quen được với guồng máy thành thị, sao ko cho con về quê học? Vừa gần gũi và có tình cảm họ hàng, vừa nhẹ nhàng hơn. Chắc chắn rồi, học ở quê làm gì có nặng như ở đây. MÀ sao tự hào là 1 bà mẹ tiến bộ, mà lại không dạy con nổi cách thích nghi với hoàn cảnh nhỉ? Ăn, có thể lựa giờ ra chơi sau mỗi tiết học. Ngủ, có thể xen kẽ giữa các giờ nghỉ. Hoạt hình thì thôi đi, vừa ăn vừa xem không tốt đâu, nhất là trong trạng thái vội. Mà xin hỏi, nhà của nhà giáo ưu tú cho con ăn cơm trước rồi mới học bài à? Nhà tôi thì không thế. Cả nhà sẽ chấp nhận ăn muộn hơn chút, để con cái hay ai đó trong nhà lo hết việc đi đã. Giờ ăn là giờ nghỉ ngơi, không phải giờ thủ tục để cuống cuồng làm cái gì đó cả. Ăn xong là nghỉ. Trẻ con thì cho nó thức đến 10 rưỡi 11 giờ kém rồi đi ngủ. Ngon lành! Thứ bảy chủ nhật thì thúc con học xong đã rồi mới chơi, như vậy vừa giải tỏa tâm lý cho con, vừa dạy con 1 thói quen là phải giải quyết mọi vấn đề khi còn thời gian. 1 công đôi việc!

    Biết được áp lực là 1 điều tốt. Quan trọng là, là vị trí phụ huynh, tác giả sẽ làm gì? Im miệng và xót xa cho đứa con bé bỏng? Tôi thì khác. Tôi vui vì con sẽ phải biết thế nào là áp lực, cho quen dần đi. Việc của tôi sẽ là động viên con, giúp con vượt qua áp lực, và dĩ nhiên là chẳng đặt nặng thành tích gì. vì tôi thừa biết, kể cả bằng Đại học cũng còn thất nghiệp, huống gì vài ba con điểm lẹt đẹt đó. Học bất quá cũng là thủ tục mà ta không tránh khỏi, thay vào đó, sẽ dạy cho nó kỹ năng sống ở đời thì hơn. Thật buồn vì người tự nhận là nhà giáo tiến bộ lại có lúc lạc hậu đến mức quan trọng cả điểm số của con mình như vậy. Như thế thì chưa gọi là tiến bộ được.

    Nỗi lo điểm số là nỗi lo của ai? Của phụ huynh hay của học sinh? Nếu là nỗi lo của con, sao không động viên con rằng, điểm số không quan trọng, hay chính các vị cũng nghĩ rằng điểm số là quan trọng? Nếu là nỗi lo của các vị, thì các vị đang đào tạo con mình thành thứ gì vậy? Chỉ biết chiều lòng người khác thôi sao? NẾu đã thích thế thì còn xót xa gì nữa? Thật là mâu thuẫn.

    Đến câu cuối thì tôi chuyển từ chán ngán sang tức giận. Xin lỗi vì tôi phải nói rằng tôi không trong ngành sư phạm mà còn nghĩ thoáng hơn tác giả. Những điều có thẻ làm thì bạn không làm, rồi lại than vãn “toàn chuyện ngoài tầm với”. Hay thật, quá hay! Nói như tác giả thì việc cho con đi học chẳng khsac gì ném nó ra biển rồi ngắm nó giãy giụa cả. Nếu đã ném nó ra biển, hãy dạy nó cách tập bơi. Nhưng nếu tác giả còn không biết bơi thì cũng không thể dạy con nó tập bơi được. Thế đấy, làm cha mẹ mà còn không biết cách đối mặt với hoàn cảnh thì sao dạy con chứ. Con nó về sau có vạ vật ở đâu đấy cũng là do các vị cả đấy, đừng đổ lỗi cho chế độ hay ai cả!

  3. Họ biết nhưng họ ko thể, học cố chấp, họ bảo thủ. Họ sợ nếu nhưng chúng ta học theo những lỗi học tư bản, con chúng ta sẽ thông minh, con chúng ta sẽ không ngoan, con chúng ta sẽ nhận ra những thứ đáng ra chúng ta phải nhận ra từ lâu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI