28 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Bắt Trẻ Đồng Xanh – J.D.Salinger – Trong mỗi người có một kẻ lang thang

Featured Image: Bìa sách “Bắt Trẻ Đồng Xanh”

 

Tôi không thích các câu hỏi có từ “ nhất” kiểu như là “Loài hoa nào bạn yêu thích nhất ?”, “ Kỉ niệm nào làm bạn nhớ nhất về gia đình ?” và các thứ đại loại như vậy. Vì tôi không trả lời được, có lẽ tôi không giỏi xếp hạng cảm xúc. Mà thực sự tôi không thích xếp hạng BẤT  CỨ CÁI GÌ. Để làm gì ? Một cách cá nhân, tôi thấy trái tim mình đủ rộng để yêu thương nhiều thứ. Vậy nên, đừng hỏi tôi: “ Bạn thích cuốn sách nào nhất?”.

“ Bắt trẻ đồng xanh” là một cuốn sách mà tôi yêu. Tôi nghĩ rằng sách giống như là người tình. Người ta sẽ yêu những người khác nhau, dĩ nhiên, những người mà họ tìm thấy điều còn thiếu ở bản thân mình hay điều mình cần, cũng như họ đọc những cuốn sách khác nhau vì cần những điều chẳng giống nhau. Tôi sẽ không rao giảng bạn phải đọc nó đâu, vì sách là người tình của bạn, và một cách tự nhiên, tự do và tự nguyện, bạn có quyền yêu nó hay không yêu nó.

Có một cảnh báo thế này: Nếu bạn thích nghe và thường nghe những từ đẹp đẽ êm tai thì J.D.Salinger không chiều lòng bạn đâu. Bạn sẽ nghĩ rằng: Khỉ thật, lão Salinger này cứ văng “ bỏ mẹ”, “ mắc dịch”, “ khốn kiếp”, “thánh vật”, “ buồn nôn” vung vãi tràn lan ra cả cái tác phẩm… “ mắc dịch” này. Nhưng rồi, bạn sẽ phản bội chính mình, bạn bắt đầu thích nó … “ bỏ mẹ” ( xin lỗi cho tôi nói như là cách  hành văn của truyện). Bạn bắt đầu thấy hơi đau lòng và thậm chí đau lòng thật sự nữa khi đằng sau thứ ngôn ngữ lộn xộn bát nháo kia là cái gì rất thật.

Holden – gã trai trẻ măng, nhân vật chính, đã rời đến bốn trường học và truyện kết thúc khi gã đang chưa biết sẽ học trường thứ năm ở đâu. Gã thấy cả xã hội này đạo đức giả. Cái chết của em trai Allie khiến Holden tìm đến cách gây ra những nỗi đau cơ học như để át đi nỗi đau tâm lí. Holden chán ngấy bọn bạn học mắc dịch. Hắn đặc biệt bị mềm nhũn trước cô em gái Phoebe- đó dường như là nhân chứng tình yêu duy nhất khiến Holden muốn ở lại Trái đất.

Có ai đã từng đi giữa thanh xuân mà chưa từng cảm thấy Nothing to do, Nothing to choose, Nothing to lose, Nothing to prove như gã Holden?

Một người đã bỏ tới bốn trường học hẳn là có cảm giác “ trái tim bên lề” của thé giới. Tại sao người ta lại cần một trường học, cho dù đó là trường học thứ năm? Vì người ta cần một nơi để thuộc về, để đánh lừa rằng tâm hồn không đi hoang chăng ?

Những kẻ tỏ ra bất cần đời là những đứa cần đời hơn cả

Cho dù hắn có văng ra bao nhiêu từ “ bỏ mẹ” hay bỏ cái gì đi chăng nữa, Holden, về bản chất, vẫn chỉ là một đứa trẻ hiền lành, bất an, mệt mỏi và thiết tha một lần được sống thực sự.

Cái bìa sách xanh thẳm miên man. Xanh là màu tuổi trẻ. Khi trẻ thì tóc xanh, tuổi trẻ là tuổi xanh. Xuân Diệu nhìn đời bằng con mắt xanh non biếc rờn. Tôi thích màu xanh đơn giản ám ảnh ấy. Đơn giản mà không đơn điệu. Sau khi đọc xong cuốn sách, cái bìa sách trong mắt bạn sẽ trở nên hợp lí. Ai đó nói trong tâm hồn mỗi người là một khu vườn bí mật. Màu xanh làm tôi nghĩ tới một khu vườn, thoạt nhìn qua chỉ thấy một màu xanh nhưng  bên trong khu vườn có rất nhiều loại cây. Cái bìa đơn giản bọc bên trong một thứ văn ngồn ngộn cảm xúc. Tôi thấy khu vườn rậm rạp của Holden, có cả những cây cỏ gai đâm xuống lòng cậu từng giây như cùng nhịp với từng hơi thở.

Bạn có thể nghĩ nó là một câu chuyện bi quan, cũng có thể nghĩ nó rất thực tế. Tôi nghĩ trong thực tế có nỗi buồn, nỗi buồn là một cái gì rất thật, nên tôi sẽ dùng từ thực tế. Có những tác phẩm sẽ rao giảng về việc bạn phải/ nên sống thế nào, và cũng có những tác phẩm nói về cách cuộc sống đang diễn ra thế nào. Bắt trẻ đồng xanh thuộc loại thứ hai. Nên nó không có câu trả lời nào cả.

Tôi gấp cuốn sách lại trong một chiều mùa đông, chết tiệt, tôi bị lây nhiễm cái nỗi buồn của nó. Và tôi cũng quả quyết trong mỗi chúng ta ai cũng có một kẻ lang thang như gã Holden, cũng có lúc không phải vì bi kịch vật chất nào dẫn đến túng đói đến mức phải kết thúc tất cả, nhưng muốn bỏ học, bỏ nhà, thậm chí bỏ cả bản thân, trôi dập dềnh như một làn không khi vô hình, muốn văng tục, muốn gào lên với thế giới đầy mặt nạ. Ai đó nói rằng khi bạn trút bỏ mặt nạ và để tâm hồn trần trụi giữa thế giới, bạn thật mạnh mẽ, nhưng đó  cũng là lúc bạn dễ tổn thương nhất.

Tôi đang sống giữa thời đại mà người trẻ khủng hoảng lí tưởng và quá tải cảm xúc. Thế kỉ trước, thanh niên được tặng cho lí tưởng cách mạng giải phóng dân tộc. Bây giờ, giữa bình yên độc lập, giữa sung túc vât chất và hàng tá những tiện nghi cứ mọc lên theo cấp số nhân, người ta lại cứ khổ sở hơn khi phải lựa chọn và vật lộn với cảm giác muốn một thứ vì người – khác – cũng – có. Chúng ta còn phải sống theo kì vọng của bố mẹ, đơn giản vì họ nói chúng ta phải có trách nhiệm với hạnh phúc của họ (???). Và chúng ta nổi loạn. Bố mẹ chỉ nhìn thấy chúng ta ích kỉ, họ không thấy chúng ta chỉ là những đứa trẻ bị tổn thương khi phải quay lưng lại với cả thế giới, sau đó tìm về nhà, và lại phải chống lại những người thân yêu nhất còn lại, chỉ để được là chính mình với mong muốn phải tìm cho ra hạnh phúc.

Thầy giáo Antonili nói với Holden: “ Tôi nghĩ rằng cái dốc mà chú đang lăn xuống là một thứ dốc khủng khiếp. Không bao giờ người xuống dốc được nghe hay cảm thấy mình chạm phải đáy hố. Họ cứ việc lăn xuống, lăn xuống. Cái dốc này dành cho những người, vào một lúc nào đó trong đời, đi tìm một cái gì mà hoàn cảnh và những người xung quanh không thể đem lại cho họ. Bởi thế họ bỏ cuộc, không thèm tìm kiếm nữa. Hỏ bỏ cuộc ngay cả trước khi họ thực sự bắt đầu.” Có bao giờ bạn thấy “ ôm cuộc sống trong tay, bên đời quá rộng. tuổi đời mênh mông quá …”? Và chúng ta, một lúc nào đó, muốn bỏ cuộc ngay cả trước khi ta thực sự bắt đầu ?

“ Tôi hơi nhớ tất cả mọi người mà tôi đã kể cho bạn nghe. Bạn đừng có kể cho ai nghe bất cứ cái gì. Nếu bạn kể, bạn tự dưng khởi sự nhớ tất cả mọi người.”

Đó là những dòng cuối. Holden! Đến những dòng cuối này, gã làm tôi mềm nhũn. “ Nhớ” là một từ gợi cảm. Một việc của trái tim. Chỉ có con người mới có trái tim. Và tôi kiên quyết muốn tin đời gã chưa hỏng hẳn, bởi vì hắn biết nhớ. Điều đó ấm áp. Về cơ bản, gã là một thằng bỏ học, tâm hồn lang thang, hay văng đủ các loại bỏ mẹ bỏ cha, nhưng không phải dạng nguy hiểm đáng để đề phòng. Sao lại đề phòng một người muốn giết đứa nào đã viết chữ F*ck you lên tường vì sợ rằng đứa khốn nạn ấy sẽ giải thích bằng hành động từ đó cho những đứa như em gái Phoebe của gã? Trong sâu thẳm trái tim Holden, hẳn là vẫn có tình yêu.

Nếu gặp Holden ngoài đời, chứ không phải trong sách, có thể bạn sẽ theo phản ứng đứng cách xa hắn ba mét vì hắn không phải là kiểu người dễ “ được xã hội chấp nhận”. Vì chúng ta không có đôi mắt của Salinger. Chúng ta không nhìn thấy tình yêu. Chúng ta chỉ so sánh, phát giác hiểm nguy và đề phòng. Cho đến khi bạn khát khao bộc lộ con người yếu đuối của mình trước thế giới chứ không phải xuất hiện trong bộ áo giáp sắt “ không thể thua”, bạn bỗng nhớ Holden biết bao, và bạn đau lòng. Holden từng mong mình bị câm điếc, để sống lặng lẽ giữa thế giới. Ai cũng đã từng trải qua cảm giác không biết mình muốn gì và cũng muốn mình biết gì vậy đó.

Có những tên sát nhân thú nhận bị ám ảnh bởi Bắt trẻ đồng xanh. Dĩ nhiên, sau khi đọc xong truyện này, tôi sẽ không bỏ học, cũng không giết người. Tôi chỉ biết một điều: Cũng có một Holden như thế trong tôi.

Năm nay tôi hai mươi tuổi.

 

Trang Xtd


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

12 BÌNH LUẬN

  1. Mình đang đọc cuốn này, được 3 chương đầu. Đúng là đang thấy không thích ứng được với văn phong “tưng tửng” của tác giả, nhưng nghe bạn nói, có lẽ mình sẽ đọc tiếp, để cảm nhận được đầy đủ cái “bất cần đời” của Holden

  2. Đơn giản là chị rất thích bài viết này, đây là bài viết thứ 3 trong số rất nhiều bài trong đêm nay chị đọc mà chị đã quyết định share lên tường. Cảm ơn em, cũng như em chị tin trong mỗi người đều có một kẻ lang thang … Cứ tiếp tục cố gắng nhé :).

  3. Nhận xét của BGK (còn cập nhật)

    Nguyễn Hoàng Huy: Đọc những câu đầu tiên anh đã thấy không ấn tượng. Cách viết còn hơi nghiệp dư. Chưa biết chú ý tới quy tắc sử dụng các dấu câu; dấu câu không thể đặt tùy tiện được, anh rất khó chịu trong vấn đề này. Đọc một hồi khiến anh suy đoán tính cách của em chắc cũng khá ngang bướng 😀 Có một người bạn từng bảo anh cuốn sách này rất hay nhưng anh vẫn chưa có cơ hội đọc. Đọc bài giới thiệu của em anh thấy không biết có nên tìm đọc không nữa. Bài viết vẫn chưa tạo đủ sức thuyết phục đối với anh. Đọc tới đoạn giữa thấy em bắt đầu viết khá hơn đoạn đầu. Nể tình em trước đây cũng đã từng đăng bài trên THĐP anh chấm em 61 điểm.

    Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo: Đọc xong bài viết, anh thấy được tình cảm của em dành cho tác phẩm này, em đã làm tốt việc thể hiện cảm xúc và suy nghĩ cũng như liên hệ bản thân với những nhân vật, tình tiết trong quyển sách.

    Tuy nhiên, nếu không phải là giám khảo thì anh sẽ không đọc hết bài viết này. Hai đoạn mở đầu của em quá nhiều cái “không”, nhiều cảm xúc tiêu cực một cách không cần thiết. Những cụm như “không thích” “không xếp hạng”… mặc dù nói lên được quan điểm cá nhân em nhưng có lẽ nên để sau, đâu cần thiết phải đem một vấn đề bên ngoài vào để phủ định, để mở đầu cho bài viết giới thiệu một quyển sách?! Thêm nữa là những lỗi về dấu câu, cách ngừng nghỉ, chấm phẩy, đặc biệt là dấu ngoặc kép làm rối mắt người đọc.

    Giới thiệu về tác phẩm còn mơ hồ, thiếu trích dẫn và chưa thu hút được người đọc tìm đọc tác phẩm. Thiếu khuyến cáo độ tuổi nên đọc tác phẩm. Chấm điểm: 65/100

    Đoàn Minh Hằng: Lại một người quen nữa với một tác phẩm quen thuộc. Trước khi đọc bài của em, chị dã đọc cuốn sách này và đọc rất nhiều bài viết giới thiệu về cuốn sách này, nghe rất nhiều người ca ngợi về cuốn sách này. Thực ra, chị không thích cuốn sách này lắm nhưng nghe những người phân tích về nó một cách sâu sắc, cuốn sách vẫn có một tình cảm đặc biệt trong lòng chị. Đặc biệt là hình ảnh bìa, và đoạn gần cuối sách với ước mơ của bọn trẻ con và cánh đồng lúa mạch. “Những đứa trẻ bất cần đời là những đứa cần đời hơn cả.”. Bài viết có vẻ thể hiện cá tính của em rất mạnh. Cũng như một lời tâm sự của tuổi 20. Có thể vì Huy chưa đọc truyện và chưa có sự cảm thông với người viết chăng 🙂 Có thể cách viết hơi ương ngạnh, có vẻ thách thức với người ra đầu bài, cũng là một thông điệp ngầm nào đó chăng? Chị cảm nhận được em yêu và tìm thấy sự đồng cảm với cuốn sách này tuy phần giới thiệu cụ thể về những điều cần nói về cuốn sách thì chưa có gì nổi bật. Chấm điểm: 70/100

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI