Featured Imaeg: Bo Kage Carlson
– Cún ơi…………………!
– DẠ!
– Mang ngay cái “dạ” về đây!
Người Việt Nam vẫn thường chơi chữ như vậy, từ văn thơ bước ra đời sống thường nhật. Chơi chữ là một nghệ thuật độc đáo trong ngôn ngữ nói chung, nhưng nghệ thuật chơi chữ trong tiếng Việt nói riêng – cái cách mà ông cha ta “vui đùa” với từng con chữ – thì không đâu có thể có được. Vì thế mà, đi xa sẽ nhớ!
Thuở bé, mỗi lần mải mê cùng đám bạn trong xóm gào thét chạy nhảy, tôi vẫn thường nghe thấy những cuộc đối thoại ngắn ngủi như vậy.
– Cún ơi…………………!
– DẠ!
– Mang ngay cái “dạ” về đây!
Rồi thì thằng bé/con bé sẽ giả vờ như chưa nghe thấy giọng nói đầy uy lực của mẹ, cố nán lại ăn thua với đám bạn thêm chút nữa, cho đến khi cuộc hội thoại đó lặp lại lần hai, lần ba, với tông giọng và cường độ âm thanh ngày càng tăng. Thằng bé/con bé sẽ vội vàng cắp mông phi như bay về nhà, chịu mấy cái véo tai hay mấy cái tét vào mông kèm theo những câu cằn nhằn không biết đến bao giờ sẽ dứt của mẹ.
Những hình ảnh quen thuộc đó, câu nói quen thuộc đó, suốt 18 năm đầu đời đã ăn sâu vào ký ức tôi. Vậy mà vài năm rời quê hương, lên Hà Nội nhập học, ra trường, đi làm, từ lúc nào ký ức dần được phủ một lớp bụi mờ. Có lẽ do môi trường, do thời thế, tôi không còn được nghe thấy câu nói quen thuộc đó nữa.
Ở thành phố, trẻ con mải học và phải học. Lịch học của đứa nào cũng dày đặc mỗi ngày. Các bậc phụ huynh thì mải bươn chải làm ăn, bận tối mặt mũi với họp hành, liên hoan, gặp gỡ đối tác… Người thành phố quá bận rộn, ra đường phải nhìn thẳng, vào phòng phải nhìn việc. Người thành phố trang trọng, lịch thiệp, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Kể mà có một con ruồi bay qua chắc cũng đủ làm không gian xao động, nói gì đến việc bỗng dưng nói một câu với âm lượng lớn.
Thời thế thoáng chốc cũng thay đổi. Cái thời mẹ đứng ở nhà phải gào tên thằng con đang ỏm tỏi tận đầu ngõ, bắt nó “mang cái dạ về” đã được thay thế bằng ipad, iphone. Cách nhau 500m, 50m, 5m hay thậm chí ngồi ngay cạnh nhau, người ta vẫn dán mắt vào màn hình điện thoại, tin nhắn đến tin nhắn đi, game hay nhạc hot,… Mọi lời nói đều trở thành thừa thãi, vì nói cũng chẳng ai nghe. Những thứ “suồng sã” xưa cũ, vì thế cũng mất dần đi.
Đã rất nhiều lần trong 5 năm xa nhà, tôi đứng trên ban công nhìn về phía chân trời, lắng nghe tiếng xe máy nườm nượp, tiếng hò hét chửi rủa từ miệng của những cô bé, cậu bé mũi còn chưa vắt sạch nhưng vẫn cố gắng biến mình thành người lớn mà nhớ da diết tiếng cha mẹ nơi quê nhà.
Phần lớn khi bước chân lên thành phố, là xác định từ đây sẽ xa gia đình mãi mãi. Dù vẫn nhận trợ cấp, cuộc sống cũng tự coi như đã tự lập. Rồi học hành, công việc, tình yêu, sở thích mỗi ngày lại cuốn con người ta đi xa hơn. “Mang ngay cái dạ về đây” dần được thay thế bằng: “Hôm nay có về không con?” “Tuần này có về không con?”… Và những cuộc điện thoại ít dần, ngắn dần, chỉ có nỗi nhớ của cha mẹ ngày một đầy lên, ngày một dài ra…
Trong cuộc đời này, chúng ta còn được gặp cha mẹ bao nhiêu lần nữa? Còn bao nhiêu lần để “mang cái dạ” về, nơi cha đang ngóng, mẹ đang trông. Ở đó, qua mỗi ngày mắt mẹ mờ đi một chút, tóc cha bạc thêm một chút, da mẹ nhăn thêm một chút,… mà vẫn kiên nhẫn đợi chờ.
9 tháng mười ngày nâng niu giữ gìn, vui mừng lo lắng, mang nặng đẻ đau. Cả cuộc đời nhọc công dạy dỗ, tảo tần nuôi nấng dạy bảo. Tất cả chỉ mong ta được thành NGƯỜI.
Về đi, “cái dạ” thương yêu… Cha mẹ vừa gọi. Cha mẹ đang chờ…
Về đi.
Hôm nay, tôi mang “dạ” về nhà…
Nguyễn Thị Thương
Cám ơn bạn !!
Bài viết nhẹ nhàng nhưng rất ý nghĩa
…một điều gì đó nhắc nhở, một điều gì đó gợi nhớ, cảm động thật bạn ạ !
Bài viết thật sự rất xúc động. Cảm ơn bạn