27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Think-Outside-The-Box: Một thế giới không nhà tù, không trường học

Featured Image: LPHR Group

 

Think-outside-the-box

Chắc hẳn nhiều bạn đã nghe hoặc đã quá quen thuộc với kiểu tư duy này. Đó đơn giản là lời khuyên về việc khám phá sự khác biệt, bên ngoài cái tư duy cố hữu của mỗi người. Một cách nhìn khác, một góc độ khác và một chiều hướng khác… Có thể không ngoa khi nói rằng, chính kiểu tư duy “thoát khỏi cái hộp” đã giúp cho thế giới này phát triển không ngừng.

Đó là kiểu tư duy mà Thomas Edison đưa chúng ta vào một thế giới ngập tràn ánh sáng của những “chiếc đèn treo ngược không cần dầu”, là kiểu tư duy mà Henry Ford muốn làm cho thế giới này sang trang mới khi xe hơi trở nên phổ cập để mọi người đều có thể sở hữu. Đó là kiểu tư duy mà anh em nhà Wright đã cố gắng để đưa chúng ta bay trên bầu trời như những cánh chim. Và cũng là kiểu tư duy mà Bill Gate, Mark Zuckerberg làm cho mọi thứ mọi vật thế giới này xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Có thể nói, tư duy “thoát hộp” cực kỳ quan trọng đối với chúng ta, hôm qua, hôm nay và cả tương lai nữa. Đó cũng là bước khởi đầu cho những ước mơ của bạn từ thời thơ bé, ước mơ thay đổi thế giới, ước mơ làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Tư duy này sẽ khiến cho ước mơ đó không còn là tưởng tượng hay lời nói xàm vô nghĩa nữa.

Một thế giới không nhà tù

Tư duy thoát hộp không chỉ ứng dụng trong công nghệ, kỹ thuật hay những thứ cao siêu. Mà nó có thể áp dụng trong hầu hết mọi sự việc, mọi vấn đề trên thế giới.

Hãy nghĩ về chuyện này: Làm cách nào để xóa bỏ hệ thống nhà tù trên toàn thế giới?

Đây là câu hỏi chủ đề thảo luận tôi đọc được trong cuốn sách nào đó, rất thú vị đúng không? Câu chuyện được kể thế này. Một vị chủ tọa đặt ra chủ đề thảo luận để cả lớp cùng nhau suy nghĩ và phản biện. Khi vị chủ tọa đặt vấn đề này với sinh viên trong lớp. Cả lớp đã nhao nhao lên phản đối, rằng làm sao mà thế giới lại không cần đến nhà tù chứ? Lấy chỗ nào để giam giữ những tên phạm nhân. Thế giới này sẽ loạn mất, cuộc sống rồi sẽ không còn an toàn, rằng đây là một ý tưởng điên rồ và không tưởng…

Vị chủ tọa lắng nghe, sau đó ông mỉm cười và giải thích với các bạn sinh viên rằng: Không gì là không thể cả, hãy tư duy ra ngoài chiếc hộp định kiến và thực tế, và hơn hết, đây chỉ là một bài tập, mọi người hãy cố gắng làm bài tập đó và đừng ngại đưa ra quan điểm của mình. Nên nhớ, đề bài là “làm thế nào để xóa bỏ nhà tù” chứ không phải “bỏ nhà tù thì tác hại thế nào”. Các bạn sinh viên, cũng như chúng ta thôi, bắt đầu ngồi lại và xem xét, dù sao cũng chỉ là bài tập chứ không phải thực tế mà, nghĩ gì nói đó thôi.

Và thế là họ bắt đầu nêu ý kiến của mình, ban đầu thì khá dè dặt và ấp úng, nhưng rồi như một làn sóng, mọi người bắt đầu nhao nhao lên tìm lý do và cách thức để xóa bỏ hệ thống nhà tù: Có lẽ chúng ta nên tạo ra nhiều trường học, trung tâm giáo dục và nơi ở hơn cho những người nghèo khổ, thất nghiệp và lang thang, vì họ chính là đối tượng dễ phạm tội nhất. Thay vì nhà tù chúng ta có thể tạo nên một kiểu trung tâm chức năng nhân văn hơn để giáo dục những phạm nhân. Chúng ta phải tạo nhiều công ăn việc làm hơn nữa và cả các trường dạy nghề cho người không có công việc và nghề nghiệp gì.

Cần các biện pháp khuyến khích người ta làm những việc như đọc sách, từ thiện. Có thể thay thế hình phạt giam giữ bằng những cách như lao động công ích, chăm trẻ mồ côi, chăm người bệnh tật và chăm người già trong viện dưỡng lão… để họ nhận thức được những nỗi đau của người khác, từ đó tâm họ sẽ thiện lành hơn. Cho các phạm nhân chuộc lại lỗi lầm bằng những việc làm thiết thực thay vì giam giữ họ lại. Phạm nhân là những con người, họ đã sai lầm thì cần phải học được từ sai lầm của mình, cần được đối xử như một con người và cần được cho cơ hội để làm lại tất cả…

Bắt đầu từ những cách để giảm thiểu những người phạm pháp, cho tới việc đối xử với những tù nhân hiện tại thế nào và các cách để thực hiện hình phạt cho những người phạm tội sau này ra sao để không cần đến nhà tù nữa. Đã có rất nhiều, rất nhiều những ý kiến và biện pháp khác nhau được đưa ra. Sau buổi thảo luận, tất cả các sinh viên trong lớp đều ngỡ ngàng khi nhìn nhận lại vấn đề. Họ đều nhất loạt cho rằng việc xóa bỏ nhà tù là điều hoàn toàn có thể làm được, chứ không chỉ là một ý tưởng nhảm nhí vớ vẩn như lúc ban đầu họ nghĩ. Họ đã thoát-hộp thành công.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ ra mình đã đọc được đâu đó, từ rất lâu rồi, những chuyện thú vị lạ lùng đại loại thế này: Một anh chàng phạm luật về môi trường đã bị tuyên án bằng việc trồng 100 cây xanh và chăm sóc chúng trong 5 năm, rồi một ông chồng phạm tội ngoại tình bị phạt bằng cách rải 1000 tờ rơi xin lỗi vợ và phải tặng cho bà vợ 1000 bông hồng, mỗi ngày một bông, một bạn trẻ phạm tội gì đó đã bị phạt đọc 10 cuốn sách về chủ đề đó…

Đây hoàn toàn là chuyện có thật, tôi không nhớ là đã đọc chúng ở đâu, chỉ nhớ rằng tôi thấy chúng thú vị đến mức đã ghi chép lại vào một cuốn sổ tay những điều lạ lùng, tiếc là cuốn sổ đã bị mất. À tôi còn nhớ một điều thú vị khác nữa có ghi trong cuốn sổ, đó là việc bạn hoàn toàn có thể làm tăng kích thước “của quý” của mình bằng cách học theo một bộ lạc trong rừng sâu. Xưa nay đây vốn là điều mọi người cho rằng không thể làm được đúng không? Ồ, hãy ra ngoài chiếc hộp đi, hoàn toàn có thể đó. Bộ lạc đó, họ sử dụng một loại vỏ và lá cây bí mật để bọc “của quý” của mình, sau một thời gian ngắn, chúng sẽ phồng rộp và sưng to lên… Ok, đó không phải cách hay ho gì, nhưng cũng là một kiểu tư duy bên ngoài chiếc hộp đúng không? Thôi được rồi, không đùa nữa.

Hãy suy nghĩ về việc này, liệu chúng ta có thể thay thế những năm tháng giam giữ tù nhân bằng những hình phạt nhân văn hơn? Một người phạm tội trộm cắp hoặc gây rối thay vì 5 năm trong tù sẽ phải dùng 5 năm đó để chăm sóc các trẻ em mồ côi hoặc hoặc người bệnh liệt giường. Một người phạm tội phá rừng phải chịu trách nhiệm trồng lại một đồi cây hoặc chăm sóc một vườn hoa công cộng, một ông chồng ngoại tình sẽ phải làm việc nhà thay vợ trong một năm và đưa vợ con đi du lịch 2 lần trong năm… Những hình phạt này nghe có vẻ điên rồ đúng không? Tôi lại cảm thấy thật thú vị, tùy mỗi tội sẽ có những hình phạt nặng nhẹ khác nhau, nhưng chung quy, hãy bắt họ đền bù bằng những hành động thiết thực, chứ không đơn giản là ngồi trong một căn nhà đá có người bảo vệ và cơm ăn hàng ngày.

Thời gian là thứ quý báu, đừng lãng phí thời gian của bản thân và cũng không nên làm lãng phí thời gian của người khác. Hãy để cho hành động thiết thực bù đắp những lỗi lầm. Người phạm nhân sẽ phải làm những việc ý nghĩa cho cuộc sống, xã hội cũng sẽ đỡ gánh nặng và thậm chí là tuyệt vời hơn. Có khi, những hình phạt nghe chừng nhân văn như trên lại khiến cho phạm nhân nổi da gà hơn cả việc ngồi không trong tù ấy chứ. Và tôi tin xác suất khiến họ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn sẽ cao hơn nhiều so với những hình phạt tài chính hay giam giữ hiện hành.

Một thế giới không trường học

Bây giờ, hãy thoát hộp trong một chủ đề khác. Hãy chuẩn bị tinh thần, tôi biết bạn có thể bạn sẽ không đồng tình, có thể bạn sẽ phản biện gay gắt, có thể bạn sẽ cho rằng đây là chủ đề khùng điên và đóng sập trang này mà quay đi. Ồ không sao cả, cũng như trên, hãy coi nó như là một bài tập, tôi muốn bạn cho ý kiến tìm giải pháp chứ không phải trốn tránh và chê trách. Đây chỉ là ý tưởng thôi chứ chưa phải là thực tế nên đừng hoang mang và hoảng sợ. Xin hãy cứ mạnh dạn nêu ý kiến của mình. Chủ đề mà tôi muốn chúng ta “thoát hộp” hôm nay, đó là: Hãy nghĩ cách để xóa bỏ hệ thống trường học hiện hành.

Bạn nghĩ sao? Chúng ta đều biết hệ thống giáo dục, cụ thể trường học hiện nay là bất ổn, đúng không? Việc dạy lý thuyết mà lãng quên thực hành, việc dạy nghe lời mà lãng quên sáng tạo, việc chú trọng toán học mà lãng quên các môn nghệ thuật căn bản, việc coi trọng bằng cấp… Quá nhiều điều bất cập, tại sao chúng ta không thể đập tan cái hệ thống giáo dục ấy? Tôi cũng thừa nhận chúng ta cần một nơi để “giữ trẻ” cho các bậc phụ huynh yên tâm đi làm, cho các bạn trẻ con đường hướng đến tương lai. Vậy sao không bám sát vào mục tiêu đó để mà thay đổi.

Khi nói chủ đề này, ý tôi khi nói xóa bỏ trường học, không có nghĩa đen như kiểu đập tan hết các trường học hiện hành, nhưng ý tôi là đập tan cái cách giáo dục hiện hành, thay vào đó là một môi trường giáo dục hợp lý và màu sắc hơn, tươi vui và thú vị, một nơi khuyến khích người ta tìm hiểu và khám phá, một nơi mà học sinh được chú trọng phát triển năng khiếu và tố chất của bản thân, một nơi mà người ta ham thích chứ không phải chán ngán và cảm thấy mất thời gian vô nghĩa. Một nơi mà chuyện mặc đồng phục y hệt nhau không còn quan trọng và việc phải giữ trật tự tuyệt đối không còn ý nghĩa. Đó là nơi mọi người thoải mái trao đổi với nhau những vấn đề trong cuộc sống. Nơi mà các giáo viên không áp đặt, mà chỉ đơn giản là hướng dẫn và định hướng mà thôi.

Đại loại như đưa ra các chủ đề cho cả lớp cùng thảo luận. Ví dụ như một lớp về chủ đề tìm hiểu lịch sử Việt Nam, làm thế nào để xóa bỏ những bất công trong xã hội, cách đương đầu với khó khăn trong cuộc sống, sức mạnh của tình yêu, tầm quan trọng của tình thân gia đình, lớp nghiên cứu thành công của những danh nhân thế giới, lớp học khám phá thế giới tự nhiên, giáo dục giới tính cởi mở… Một bạn trẻ càng được tiếp xúc với nhiều vấn đề thì sẽ càng làm tăng hiểu biết và vốn sống, rồi sẽ sớm tìm ra lĩnh vực mà bạn ấy quan tâm và rồi sẽ tìm cách cống hiến cho điều mà bạn ấy tin tưởng. Một thế giới mà ai cũng tìm cách cống hiến thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ tiếp cận được một nơi chỉ có trong truyền thuyết: “thiên đường”.

Này nhé, thay vì trường học như hiện nay, chúng ta có thể xây dựng nên những thứ đại loại như là “trung tâm định hướng” hoặc “học viện năng khiếu”. Đó là một nói mà các em nhỏ đương nhiên vẫn được dạy đọc, viết và làm toán, nhưng các em cũng được toàn quyền quyết định con đường mà mình sẽ theo, môn học mà mình thích, nơi mà các em sẽ được tiếp xúc với mọi vấn đề trong cuộc sống và nêu chính kiến của mình, các em sẽ được vui chơi và sáng tạo, được hướng dẫn để tìm ra năng khiếu và sở trường của mình. Một nơi mà ai thích toán sẽ học toán, ai thích múa sẽ được học múa, ai thích đàn thì sẽ học đàn. Một nơi mà nhân cách và tư duy được phát triển đồng bộ, cái gì cần thì chú trọng, cái gì không cần thì có thể đi lướt qua.

Một nơi mà thay vì học thuộc một bài thơ các em sẽ phải đọc sách, thật nhiều sách và thuyết trình về chúng, nơi mà những cuộc thi “tìm hiểu lịch sử Đảng” sẽ thay bằng “sáng tạo cho cuộc sống xung quanh”, nơi mà những công thức toán học lý học sẽ không phải học thuộc lòng, nơi mà thay vì làm văn về các bài văn cũ kỹ sẽ là ý kiến cá nhân về vấn đề xã hội mà bạn quan tâm… Nói chung là một môi trường thuần túy “giáo dục và định hướng” chứ không phải là “nhồi sọ và bắt ép” như hiện nay nữa.

Một thế giới không có trường học là một thế giới mà cả xã hội phải có trách nhiệm và quan tâm tới tuổi trẻ, cả xã hội phải giáo dục chúng, chứ trách nhiệm không chỉ thuộc về thầy cô hay cha mẹ. Xã phường tổ chức những cuộc cắm trại, tham quan cho thanh thiếu niên trong xã. Hội phụ huynh tổ chức những hoạt động vui chơi cho con mình. Nhà nước đề xuất các cuộc thi tài từ khoa học, công nghệ cho tới bảo vệ môi trường cho tất cả các bạn trẻ cùng tham gia. Các học viện năng khiếu thường xuyên tổ chức và ứng tuyển những tài năng trẻ. Mỗi địa phương sẽ có các câu lạc bộ khác nhau về văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh và khuyến khích mọi người cùng tham gia. Các tổ chức kinh doanh cùng nhau quyên tiền trao thật nhiều học bổng, nhà nước xây thật nhiều thư viện và phòng thí nghiệm. Nơi mà giáo viên không đánh giá học sinh mà chính học sinh sẽ đánh giá giáo viên của mình, họ giảng bài có thú vị không, hấp dẫn không? chủ đề họ dạy có cần thiết không? bạn hài lòng về buổi học này chứ?…

Đập nát cái hộp

Những điều trên có lẽ bạn sẽ thấy thật ngớ ngẩn và lạ lùng, thậm chí không tưởng. Nhưng không phải mọi thứ trên đời này đều bắt nguồn từ những ý tưởng sao? Và không phải ý tưởng càng điên rồ thì thành công lại càng rực rỡ hay sao? Vốn dĩ tôi cũng không mong và không nghĩ chúng ta có thể làm được điều này, ít nhất vài trăm năm nữa. Nhưng từng bước một thì hoàn toàn có thể, như là cùng nhau góp sức xây dựng nên những thư viện công cộng, như là loan truyền những tư tưởng tốt đẹp, những vấn đề xã hội cho các bạn trẻ quan tâm hơn, hay đơn giản nhất là hãy trở thành những tấm gương sáng cho chính con cái của bạn. Muốn chúng đọc sách ư, bạn hãy đọc sách trước đã, muốn chúng làm nhiều việc thiện ư, chính bạn hãy làm nhiều việc thiện trước đã, muốn con cái bạn có thể làm gì đó thiết thực thay đổi thế giới ư, trước hết chính bạn, hãy tư duy ra ngoài chiếc hộp định kiến của mình.

Việc xóa bỏ nhà tù và trường học nghe khó khăn và xa vời quá, thật khó để mà hình dung chứ đừng nói đến thực hiện. Tuy nhiên tôi biết có một việc bạn hoàn toàn có thể làm được, ngay hôm nay, ngay lúc này. Đó là hãy đập tan cái hộp trong đầu bạn. Cái hộp định kiến, cái hộp tư duy, cái hộp bó buộc bạn trong những điều bạn biết, bạn tin và bạn nghĩ. Đừng nghĩ rằng vợ bạn chỉ cần bạn mang tiền về, đừng nghĩ rằng cha mẹ chỉ cần bạn mua cho thứ này thứ kia, đừng nghĩ rằng con bạn chỉ cần đến trường là đủ. Đừng nghĩ rằng những người giàu có đều là may mắn, đừng cho rằng những ai ngoại tình đều đáng khinh, đừng nghĩ rằng cuộc sống của bạn đang ổn nghĩa là nó sẽ luôn ổn… Hãy Thoát-hộp trong những chuyện nhỏ nhặt đó trước đã, khi đã quen, bạn hoàn toàn có thể nhận ra Thoát-hộp là một trong những cách đơn giản nhất làm cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn nhiều.

Nào giờ hãy thừa nhận đi, nếu có một môi trường giáo dục như trên, bạn có muốn được sống trong đó không? Hãy xem đây như một câu chuyện cổ tích hiện đại, cổ tích vì chúng hiện không có thật, nhưng hiện đại vì biết đâu chúng có thể trở thành sự thực thì sao. Bạn biết đấy, con người ngày càng tiến gần tới ngưỡng cửa của những vị thần rồi, nên việc kiến tạo một thế giới cổ tích là điều hoàn toàn có thể, dù không biết là khi nào. Tất cả những gì chúng ta cần làm trước tiên là hãy Think-Outside-The-Box…

 

Phi Tuyết

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

46 BÌNH LUẬN

  1. bài viết này theo quan điểm cá nhân của mình thì có vẻ giống chủ nghĩa cộng sản một chủ nghĩa không tưỡng! bạn đã tưỡng tượng ra khi một kẻ phạm nhân phạm tội giết người hay gây rối trật tự công cộng hoặc buôn bán ma túy chăm sóc người bệnh tật hay người già chưa? những người được chăm sóc ấy có thể là nạn nhân của họ! theo mình những người phạm tội nặng thì cứ đem bắn bỏ hết vừa làm gương cho những kẻ đến sau vừa tiết kiệm không ít tiền thuế của nhân dân!

    • bạn đã bao giờ từng nghĩ
      nếu phạm nhân đó là người thân, người nhà của bạn thì sao?
      bạn có thật sự muốn bắn bỏ họ ngay cho tiết kiệm và làm gương?
      Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác nữa bạn ạ!

  2. Mình thích quan điểm của bạn trình bày về một thế giới không trường học, nhưng với một thế giới không nhà tù thì… Đó chỉ là cách cai trị nước của những nhà thơ, tâm hồn khá nghệ sĩ.. Pháp luật cứng rắn như vậy mà họ vẫn phạm pháp được, huống chi những hình phạt đầy nhân văn kia??

  3. Trong nhà tù, 10 người có thể quản lý được 100 tội phạm.
    Nếu không có, 100 tội phạm đó ai sẽ quản lý họ? Và lấy gì để khẳng định rằng họ sẽ thực hiện hình phạt thay vì tiếp tục phạm tội?

  4. Một suy nghĩ thật thú vị, cơ mà mình suy nghĩ thêm một vài tội trạng nữa : nếu phạm tội giết người thì sẽ phải đi cứu người lại. Nếu hiếp dâm thì phải làm sao? Còn buôn ma túy nữa?…..Hự hự toàn tội nặng. Nếu tương lai có hình mẫu kiểu này suy nghĩ cũng thật hại não…

  5. Không tôn bậc hiền tài, khiến cho dân không tranh giành.
    Không quý của khó đặng, khiến cho dân không trộm cắp
    Không phô điều ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn
    Có thể đây là hình mẫu lý tưởng để trả lời 2 câu hỏi trên

  6. chao tuyet. cong ty minh sap thanh lap dang tuyen thanh vien de lam cach mang ve 2 van de lon cua vn do la thay doi cach hoc tap cua toan bo hoc sinh, sinh vien vn va thay doi hinh thuc quảng cáo cua vn. lam viec lau dai. nick facebook minh la Lê Anh Dũng đh kinh tế sinh nam 93, ảnh dai diện la 1 guong mat đeo mat kinh va dang nham mat. ad friend ta noi chuyen nhe

  7. Hình tượng cái hộp được sử dụng rất chính xác vì tư duy thoát khỏi cái hộp thì khá đơn giản, trong khi thế giới là một mê cung (có lẽ do rất nhiều cái hộp ghép lại :D), hành động để thoát khỏi cái mê cung đó khó hơn tư duy ra khỏi cái hộp rất nhiều (biết đâu suy nghĩ này của mình cũng đang ở trong 1 cái hộp mà bản thân không nhận thức được nên chẳng thể thoát ra?!)
    Thích đoạn đầu tiên trong phần “Đập nát cái hộp” của tác giả, rất thực tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI